Heinrich XIII, hậu duệ nhà Reuss, trình diện trong phiên tòa ở Frankfurt với cáo buộc tham gia âm mưu đảo chính và lên kế hoạch tấn công quốc hội Đức.
Foto: Heinrich XIII trong phiên tòa ở Frankfurt ngày 21/5. Ảnh: Reuters
Reuss, 72 tuổi, người tự xưng là Hoàng tử Heinrich XIII, cùng 8 bị cáo, trong đó có một cựu thẩm phán, các sĩ quan quân đội đã nghỉ hưu, trình diện trước tòa ngày 21/5 với cáo buộc là chủ mưu kế hoạch lật đổ chính phủ Đức nhằm đưa Reuss lên làm nguyên thủ quốc gia.
Âm mưu bị vạch trần năm 2022 đã khiến nước Đức choáng váng, bởi quốc gia này lâu nay luôn tự hào về sức mạnh kinh tế, thể chế ổn định và các phe phái chính trị ít mâu thuẫn.
An ninh tại phiên tòa ở ngoại ô Frankfurt được thắt chặt. Công tố viên cáo buộc các bị cáo âm mưu tấn công quốc hội và bắt các nghị sĩ làm con tin để bắt đầu quá trình lật đổ chính quyền, đưa thành viên của nhóm lên làm lãnh đạo chính trị và quân sự tại Đức.
"Họ thừa hiểu việc chiếm đoạt quyền lực sẽ gây hậu quả chết người", công tố viên nói.
Reuss bị cáo buộc lập kế hoạch đảo chính tại khu săn bắn trong đất riêng ở miền đông nước Đức. Theo công tố viên, "hoàng tử" tự xưng này theo phong trào cực hữu Reichsbürger (Công dân Đế quốc), tuyên bố nước Đức ngày nay là nhà nước trái phép và họ là công dân của một quốc gia theo chế độ quân chủ vẫn tồn tại sau khi Đức thất bại trong Thế chiến I, dù chế độ này đã bị xóa bỏ.
Giới chức an ninh Đức cho hay phong trào cực hữu này có khoảng 21.000 thành viên trên toàn nước Đức. "Đây không phải những trường hợp vô hại, mà là những nghi phạm khủng bố cực kỳ nguy hiểm", Bộ trưởng Nội vụ Đức Nancy Faeser nói.
Theo cáo trạng, phong trào này đã gây quỹ được 500.000 Euro và tích trữ hơn 100.000 viên đạn để phục vụ âm mưu đảo chính.
Birgit Malsack-Winkemann, cựu thẩm phán kiêm nghị sĩ phe cực hữu, bị cáo buộc đã sử dụng tư cách là thành viên quốc hội để đưa các đồng phạm tới thám thính tòa quốc hội Reichstag ở Berlin.
Trả lời phỏng vấn báo chí Đức từ nhà tù, Malsack-Winkemann cho hay ông chỉ "đưa bạn bè tới tham quan quốc hội" nhằm tìm địa điểm thích hợp để tố cáo các nhà lập pháp mà ông tin rằng dính líu tới đường dây lạm dụng tình dục trẻ em.
Đức xét xử tổng cộng 26 bị cáo liên quan tới âm mưu đảo chính, chia làm ba phiên tòa và sẽ kéo dài tới tháng 1/2025. Các bị cáo đã phủ nhận cáo buộc khủng bố và phản quốc.
Hồng Hạnh (Theo Reuters)
Hoàng tử tự xưng hầu tòa vì âm mưu lật đổ chính phủ Đức
Tiện ích
Phông chữ
- Font Size
- Default
- Chế độ đọc