“Đến Trung tâm Chiếu phim Quốc gia tôi chỉ nhìn thấy chủ yếu các poster phim Hollywood. Chúng tôi ít khi xem phim thương mại của Hollywood và cũng tránh làm phim giống họ” - biên kịch người Đức Leis Bagdach nói.
Leis Bagdach là biên kịch và Constanze Knoche là đạo diễn của bộ phim Cuộc viếng thăm bất ngờ. Họ được mời tới Việt Nam dự Liên hoan phim Đức 2014 (LHP), khai mạc tại Trung tâm Chiếu phim Quốc gia, Hà Nội hôm 4/9.
Điện ảnh không chỉ có Hollywood
Cuộc viếng thăm bất ngờ không phải “bom tấn” với hình ảnh mãn nhãn, âm thanh rung chuyển rạp. Đạo diễn Constanze Knoche cho biết: “Tôi làm bộ phim này lấy cảm hứng từ chuyến thăm của cha tôi. Ông từ Đông Đức lên Berlin thăm tôi, lúc đó tôi có cảm giác ông như đến từ một thế giới khác vậy”.
Không khó để nhận ra, Cuộc viếng thăm bất ngờ lấy cảm hứng từ bộ phim Nhật Bản Gia đình Tokyo của đạo diễn trứ danh Yasujiro Ozu. Hai phim cùng chung một câu chuyện: cha mẹ lên thăm 3 đứa con đang sinh sống và làm việc tại thủ đô. Thay vì mừng rỡ, những người con cảm thấy bất tiện vì bỗng dưng cuộc sống xáo trộn, họ ngại để bố mẹ biết những khó khăn, toan tính riêng của mình.
Nhưng Cuộc viếng thăm bất ngờ không phải là bản sao của Gia đình Tokyo, bộ phim độc lập này đã giành được nhiều giải thưởng tại LHP quốc tế Sao Paulo 2012, LHP Slamdance, LHP quốc tế Thượng Hải 2013.
Cuộc viếng thăm bất ngờ là phim tâm lý xã hội đề tài gia đình rất hay, sâu sắc và đầy cảm động, có rất nhiều điểm tương đồng với văn hóa Việt Nam. Phim không hề thách đố khán giả nhưng tại buổi chiếu ở Hà Nội nhiều khán giả xem xong nói phim “khó hiểu”. Trong phần giao lưu với đạo diễn, nhiều câu hỏi cho thấy không phải gián giả nào cũng thực sự hiểu bộ phim.
Phải nói thêm là các nhà tổ chức những LHP như thế này đều đã cố gắng chọn các phim tương đồng văn hóa với Việt Nam, phù hợp với gu thưởng thức của người Việt.
Càng giải trí, càng nghèo văn hóa
Trở lại với nhận xét của biên kịch Leis Bagdach, đó là một lời chia sẻ rất thành thật, khiến chúng ta phải suy nghĩ thực sự nghiêm túc về điện ảnh nội địa.
LHP Đức năm nay sẽ đến 6 thành phố Thái Nguyên, Hải Phòng, Hà Nội, Huế, Đà Nẵng, TP HCM, kéo dài từ 4 đến 21/9/2014.
Một năm Việt Nam nhập khoảng 200 bộ phim nước ngoài, trong đó 90% là phim Mỹ. Được tiếng là xem phim “bom tấn” cùng với thế giới, nhưng cũng chẳng “sang” hơn vì 99,99% phim nhập về là phim giải trí. Khán giả được xem phim nhiều hơn, nhưng thực chất lại đang bị “nghèo” đi về văn hóa. Nguy cơ những khán giả trẻ bị “Mỹ hóa”, “Hàn hóa” đã thấy rõ.Sau quá nhiều năm quen với phim giải trí, khán giả Việt rất ngại xem phim nghệ thuật, và số đông khán giả gặp khó khăn trong việc thưởng thức phim nghệ thuật. Công ty A Company, từng nhập về hai bộ phim Mây Atlas (Cloud Atlas), Quái vật miền Nam hoang dã (Beasts of the Southern Wild) với hi vọng đem phim nghệ thuật đến về cho khán giả Việt đã sớm thất vọng. Báo chí đã phản ánh, lượng người mua vé quá ít, nhiều khán giả đến xem bỏ về vì không hiểu được bộ phim. Gần đây công ty này chỉ nhập phim giải trí.
Còn trong nước một năm chỉ sản xuất được gần 20 bộ phim. Phần lớn trong đó là phim thương mại, rất nhiều phim làm theo công thức Hollywood. Thế nhưng phim dạng này đang được tung hô ở Việt Nam vì nó giúp khán giả giải trí và đem về lợi nhuận. Trong khi đó những bộ phim nghệ thuật ở Việt Nam vốn đã ít lại còn không có cách nào tiếp cận khán giả. Không chỉ nhà làm phim khổ mà khán giả cũng thiệt thòi.
Trong khi chờ điện ảnh nội địa vực dậy thì các LHP, tuần phim của các nước tổ chức tại Việt Nam thực sự là một cơ hội để khán giả “đổi món”, trải nghiệm những nền văn hóa khác và tiếp cận với những tác phẩm nghệ thuật thực sự.
Ngọc Diệp
Thể thao & Văn hóa
Từ Liên hoan phim Đức 2014: Khán giả Việt thiệt thòi vì… Hollywood
Tiện ích
Phông chữ
- Font Size
- Default
- Chế độ đọc