feed-image

Hãy nhấn „Thích Trang“ để theo dõi tin tức cập nhật của Tạp chí Hương Việt trên trang Facebook của bạn!

BỎ QUA

Op2 1140X206P 1 frame

Phông chữ

Những buổi chiều của hơn mười năm về trước - khi ấy tôi đang còn là một con bé con gầy còm, đen nhẻm thì tôi đã luôn cùng đứa em trai cũng gầy hệt như mình ra trước sân nhà và ngóng về cây tùng phía xa. Hai chị em tôi sẽ căng mắt ra và chờ mong một dáng hình dong dỏng trong chiếc áo sơ mi trắng rộng thênh cưỡi chiếc xe đạp màu xanh lá xuất hiện. Đó là má tôi.

Bây giờ lớn lên, nghĩ lại thấy tự phục chính mình. Ngày nào cũng thế, sau khi được chị Hai tắm rửa xong xuôi hai đứa chúng tôi lại ra trước sân và chờ một khoảng thời gian khá lâu chỉ đế làm một việc duy nhất khi thấy má xuất hiện: vỗ tay và hét lên “A, má về! A má về”. Và cái điệp khúc đó sẽ lặp đi lặp lại cho đến khi má dựng chiếc xe đạp trong sân và ôm hai chị em chúng tôi vào lòng. Hai đứa tranh nhau thơm má rồi líu ríu xách giỏ của má vô nhà. Em trai nhỏ hơn nên lúc nào cũng được má ẵm trên tay. Còn tôi và chị Hai chỉ được má xoa đầu và dắt vào trong. Thế nhưng với chúng tôi đó là một niềm hạnh phúc vô tận. (Nói điêu chứ lúc đó biết gì mà hạnh phúc vô tận nhỉ!)

Vừa đặt giỏ xuống là má lại chạy xuống bếp lo cơm nước cho cả nhà. Với chúng tôi, đợi má về là một cái gì đó thật thú vị và dường như không thế thiếu trong suốt những năm tháng của tuổi thơ. Trong khi đợi má về chúng tôi luôn nghĩ về những “món quà” mà má sẽ mang về cho mấy chị em. Đứa nào cũng háo hức vô cùng.

Ui, hôm nay má về má mang kẹo “nuga” cho chị đấy, hôm qua má hứa rồi mà.
Má về má mang cho em que tính nè, bánh “sang banh” nữa á.
Thế em cho chị ăn bánh với, rồi chị cho em kẹo
Chị đừng có giành má với em, em mới cho chị bánh.
….

Ngày nào những mẩu đối thoại của hai chị em cũng chỉ có thế hoặc đôi khi là một cái gì đó không liên quan đến kẹo bánh. Nhưng dù có nói chuyện gì đi nữa thì chỉ cần thấy bóng má là hai chị em nhảy cẩng lên, vỗ tay và hét inh ỏi. Có ngày chúng tôi sẽ hô lên : “A! má về”, nhưng có ngày hai chị em lại đồng thanh “Má về rồi là má về rồi, má về rồi là má về rồi”. Điệp khúc đó được “xướng” lên trên cái nền là những tiếng vỗ tay đều như gõ phách. Cứ thế, ký ức tuổi thơ chúng tôi là những chiều đợi má về dù lần nào đôi bàn tay nhỏ bé của hai chị em cũng luôn đỏ lên vì vỗ vào nhau quá mạnh và cổ họng thì luôn rát vì hò hét hết công suất. Việc ấy cứ lặp đi lặp lại mãi cho đến khi chúng tôi đến tuổi phải tới trường.

Tôi lớn hơn em trai một tuổi nên được đi học trước. Ngày nào đi học tôi cũng trêu em : “Chị đi với má là chị đi với má. Là lá la la là là lá la la”. Chỉ đến khi em khóc và ba mắng thì tôi mới thôi không trêu em nữa. Được má chở đến lớp, tôi thấy thật “đã”. Được ngồi sau lưng má và cảm nhận gió tạt qua mặt mỗi lần xổ dốc hoặc thích thú nhìn bóng má đổ theo con nắng mỗi lần xe lên dốc. Và thích nhất là vẫn được ngồi trên xe cho má dắt đi nếu gặp con dốc quá cao. (giờ nghĩ lại thấy mình khờ quá!). Chiều nào tan học cũng được má chở về rồi ghé vào chợ mua đồ ăn. Lúc đó mới học lớp một  nhưng cũng biết mình sướng hơn các bạn vì chiều nào cũng được má chở về đúng giờ (vì má là cô giáo dạy ở trường tôi học cơ mà), đã thế lại còn được đi chợ nữa chứ. Thật là không gì đã bằng!

Rồi vào cấp 2, mấy chị em cũng ở nhà chờ má về nhưng  thay vào cái cảm giác thích thú và háo hức của những ngày còn bé là cái cảm giác lo lắng và sợ. Nhìn đồng hồ thấy đến giờ má sắp về là chị Hai “tập hợp” hai đứa lại rồi bảo:

Con bé Sa quét sân, nhóm bếp nấu nước, thằng cu Rượu thì đi cho gà ăn. Chị nấu cơm. Nhanh lên không má về mà chưa dọn dẹp là má la đó.

Sau đó, ba chị em tản ra và nhanh chóng hoàn thành nhiệm vụ của mình trước khi má về. Hồi đó không biết má trở nên “đáng sợ” từ lúc nào và vì sao lại sợ má đến thế. Lớn lên, tôi trộm nghĩ có phải khi đó chị em chúng tôi lớn hơn và ba má phải lo lắng nhiều hơn nên dễ trở nên cau có không? Chắc tôi nghĩ không sai đâu. Lúc đó nhà thì nghèo, tiền bạc không dư dả, ngoài việc dạy học má còn làm bao nhiêu thứ không tên. Đi làm về mệt mà thấy nhà cửa bừa bộn, con cái nhem nhuốc không nổi đóa mới là lạ. Nhưng hồi đó làm gì nghĩ được thế! Chỉ cần biết má sắp về là đâu vào đấy hết rồi chứ làm gì ngồi nghĩ ra được cái điều “cao siêu” đó! Hễ má vừa dựng chân chống xe xuống là ba chị em xếp hàng “báo cáo” ngay.

Đầu tiên là chị Hai.

Má ơi, con nấu cơm xong rồi nhưng chưa có đồ ăn. Nhưng mà giờ ba đang chuẩn bị.
Con nấu nước chế phích rồi má, đang bắc một siêu khác để má tắm – tôi hớn hở.
Con cho gà ăn với uống nước rồi, con bóp cái diều nó con thấy căng lắm – thằng út khoe.
Tốt! Ngoan. Thôi vô nhà hết, xem hoạt hình tí rồi chuẩn bị dọn cơm ra ăn. Sau đó đứa lớn kèm đứa nhỏ học nghe chưa?

Thế là ba chị em theo chân má vô nhà. Và dĩ nhiên mọi việc sau đấy luôn luôn diễn ra như những gì má dặn.

Những buổi chiều chờ má về với tâm trạng lo lo, sợ sợ đã theo mấy chị em suốt thời niên thiếu. Đến giờ nghĩ lại cảm thấy thật buồn cười và vui làm sao.

Rồi chúng tôi lớn lên.

Chị Hai theo chồng. Em trai và tôi vào Đại học. Mỗi dịp được về thăm nhà là mừng vô cùng, mừng không thể nào nói hết cái mừng!!! Cứ chiều đến là mấy chị em lại thấy trong lòng nôn nao nỗi lo lắng. Có lẽ cái cảm giác này còn hơn cái cảm giác chờ quà của những ngày còn bé!

Đấy là tôi nói thật.

Không lo sao được khi mà bây giờ má của chúng tôi đi làm xa nhà hơn, quãng đường đi thì vắng mà lại quanh co đèo dốc. Tôi và thằng em cứ thay nhau đi ra đi vô và chỉ cần thấy xe của má tấp vào vỉa hè là trong lòng lại hân hoan một nỗi mừng vui khó tả. Vậy là má đã về nhà an toàn. Có nhiều  khi má về tới nhà và chiếc áo khoác bám đầy bụi đường, tóc rối tung vì gió núi là tôi lại nghẹn ngào. Có cái cục gì đó cứ chặn ngang cổ, nước mắt cứ muốn ứa ra. Má vừa bước vào cửa là thằng em đã nói : “Má đi tắm đi rồi ăn cơm. Bọn con chuẩn bị xong hết rồi”. Lúc đó má cười mà tôi nghe lòng rưng rưng.

Hạnh phúc đôi khi là những điều giản đơn như thế!

Rồi má lại chuyển công tác vào nơi xa hơn. Đợt này má ở lại đến cuối tuần mới về. Chị em chúng tôi đi học xa cũng thấy yên tâm hơn vì như vậy những hôm gió lạnh má sẽ không phải dậy sớm và chạy xe hơn 15 cây số như trước đây. Nhưng nghĩ đi nghĩ lại cũng thấy thương má quá chừng vì đã ở cái tuổi năm mươi mà vẫn còn vất vả lo cho hai đứa con đi học. Ở cơ quan mới xa trung tâm, gạo mắm thiếu thốn, lại đắt đỏ…Những ngày mưa, nước ngập cây cầu thì phải lội trong giá lạnh mà đến trường. Nghĩ tới đó thôi, đã muốn trường cho nghỉ sớm để được về với má!

Bởi thế mỗi dịp được về nghỉ, cứ mỗi khi chiều xuống là chúng tôi lại mong ngóng má về hơn bất cứ điều gì mà con người ta vẫn thường đáng ngóng. Chúng tôi chỉ cần thấy má là lòng sẽ bình yên và thở phào nhẹ nhõm: Má đã về với chúng tôi. Chị em đứa nào cũng tự nhủ những ngày cuối tuần đó sẽ nấu những món má thích và chiều má vô điều kiện, quyết không để cho má phải đụng tay đụng chân vào bất cứ thứ gì. Có lẽ những đứa con chỉ “lo” được cho cha mẹ những điều nhỏ bé ấy.

Chiều nay, lại một chiều hai chị em chúng tôi đợi má về. Chúng tôi sẽ không hét lên “má về rồi là má về rồi” như ngày xưa nữa nhưng tôi biết tâm tưởng chúng tôi đang gào lên như thế, và khi xe má tấp vào vỉa hè, niềm vui của chúng tôi sẽ vỡ òa bằng nét cười trên môi. 

Bất chợt trời đổ mưa.

Những hạt mưa mùa xuân!

Một vài giọt tạt qua khung cửa làm ướt má tôi. Bao nhiêu mùa xuân nữa chúng tôi còn được hạnh phúc đợi má về? Và rồi sau đó chúng tôi phải ngủ bao nhiêu đêm mới được nhìn thấy má? Và có lẽ trong những giấc ngủ ấy, tâm trí chúng tôi sẽ hoài thức để đợi.

Ừ, đợi!

Đợi để được thấy má trong những giấc mơ.

  • Y Việt Sa

Thêm bình luận

TIN TỨC - SỰ KIỆN MỚI CẬP NHẬT

QUẢNG CÁO
tapchihuongviet.eu 2020 02 07 um 17.29.59
tapchihuongviet.eu 2019 07 19 um 15.05.46
banner fam right

Hội chợ 'Việt Nam tại Đức' thu hút khách tham quan

Trong khuôn khổ Hội chợ Xuân AFA 2020, Tạp chí Hương Việt tổ chức sự kiện đặc biệt với chủ đề "Việt Nam tại Đức" nhân dịp kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Đức (1975-2020).

tapchihuongviet_treviet_vdKỷ niệm 10 năm hình thành và phát triển của Tạp chí Hương Việt

Kỷ niệm 10 năm hình thành và phát triển của Tạp chí Hương Việt, đồng thời hướng tới 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt - Đức. Tạp chí Hương Việt cùng các Hội đoàn người Việt phía Tây-Nam nước Đức đã tổ chức chương trình Lễ hội văn hoá Việt Nam - Hương Việt 2019.