feed-image

Hãy nhấn „Thích Trang“ để theo dõi tin tức cập nhật của Tạp chí Hương Việt trên trang Facebook của bạn!

BỎ QUA

Op2 1140X206P 1 frame

Phông chữ

Mấy tháng trước bà con ta ở hải ngoại đặc biệt quan tâm đến thông tin là thời hạn đăng ký giữ quốc tịch sắp hết hạn vào ngày 01/7 năm nay và những ai không đăng ký sẽ bị mất quốc tịch Việt Nam...

 

Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XIII, họp bàn về nhiều vấn đề quan trọng, trong đó có họp bàn về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quốc tịch

Mà con số do cơ quan chức năng đưa ra thì đến nay chỉ có khoảng 6000 người đăng ký trong số những người này cũng không phải tất cả đều có giấy tờ chứng minh quốc tịch Việt Nam và vì vậy cũng chỉ được cấp giấy xác nhận đã đăng ký chứ không được cấp giấy chứng nhận có quốc tịch Việt Nam. Phản ứng của bà con ta cũng khác nhau.

Theo dõi thảo luận trên các diễn đàn, cả chính thức và không chính thức có thể chia ra làm 2 luồng ý kiến sau đây:

Ý kiến thứ nhất cho rằng đây là quy định pháp luật có tính ràng buộc cao và các đối tượng điều chỉnh phải nghiêm chỉnh thi hành. Hay nói như Cục trưởng hộ tịch, quốc tịch, chứng thực Bộ Tư pháp Nguyễn Công Khanh là “pháp luật cũng phải đến lúc được thượng tôn”. Công dân muốn Nhà nước bảo hộ và dành quyền cho mình thì họ phải thực hiện trách nhiệm, nghĩa vụ với Nhà nước. Chúng tôi quan niệm “đăng ký giữ quốc tịch cũng là cách thể hiện trách nhiệm của công dân” (Vnexpress, 09/4/2014). Cũng theo ông Khanh thì mục đích của quy định này là nhằm bảo hộ công dân tốt hơn và tạo thuận lợi cho cơ quan quản lý; những người mất quốc tịch sau ngày 01/7/2014 nếu muốn có thể đăng ký xin trở lại quốc tịch Việt Nam. Thời gian vừa qua số người đến đăng ký thấp là do bà con chưa nhận thức đúng về vấn đề này; vấn đề quan trọng là triển khai thực hiện Luật chứ không cần thiết phải sửa đổi quy định này của Luật quốc tịch 2008.

Ý kiến thứ hai là quan điểm của nhiều cơ quan nêu trong cuộc họp do Bộ Tư pháp tổ chức ngày 10/3, theo đó thực trạng ít người đến đăng ký giữ quốc tịch không xuất phát từ việc triển khai thực thi Luật mà từ quy định nội tại của Luật khi đặt kiều bào vào thế khó (baophapluat.vn 11/3). Mặc dù cũng khẳng định đăng ký giữ quốc tịch là “chế định mới, quan trọng của Luật quốc tịch, với mong muốn làm rõ tình trạng quốc tịch của người Việt Nam định cư ở nước ngoài, phục vụ công tác quản lý nhà nước về quốc tịch và bảo hộ công dân’’, nhưng Cục trưởng Cục Lãnh sự Bộ Ngoại giao Nguyễn Hữu Tráng cho rằng số người đến đăng ký ít là “do thủ tục này không mang lại lợi ích thiết thực cho người đăng ký. Giấy xác nhận đã đăng ký giữ quốc tịch Việt Nam chỉ có giá trị chứng minh người này đã thực hiện thủ tục đăng ký nhưng không khẳng định về quốc tịch Việt Nam của họ. Do vậy giấy này không phải là cơ sở cho việc cấp phát hộ chiếu, giấy thông hành và các giấy tờ khác’’(lanhsuvietnam.gov.vn ngày 06/8/2013). Điều này cũng được các ý kiến nêu lại tại cuộc họp ngày 10/3/2014 và cuối cùng Chính phủ cũng lắng nghe và đưa vấn đề này ra bàn thảo tại kỳ họp Quốc hội đang diễn ra tại Hà Nội vào tháng 6 này.

Báo điện tử phapluatonline ngày 09/6/2014 viết tình hình hiện nay như “nước đã đến chân’’ và theo tờ trình của Chính phủ đáng chú ý mấy vấn đề sau.

Về nguyên nhân của việc ít người đăng ký giữ quốc tịch, Chính phủ cho rằng gồm “nhiều nguyên nhân chủ quan và khách quan, trong đó chủ yếu phải kể đến việc hiện nay nhiều người trong số những người Việt Nam định cư ở nước ngoài đã có quốc tịch nước sở tại, ổn định cuộc sống, công ăn việc làm và cư trú ở nước ngoài, nên việc lựa chọn giữ quốc tịch Việt Nam bên cạnh quốc tịch nước sở tại của họ là vấn đề khó khăn vì họ lo ngại ảnh hưởng đến quyền lợi, công ăn việc làm cũng như cư trú của họ”. Ngoài ra một nguyên nhân khác là các văn bản hướng dẫn của Chính phủ chưa có quy định gắn kết cụ thể, tạo sự liên thông giữa thủ tục đăng ký giữ quốc tịch Việt Nam với thủ tục cấp hộ chiếu Việt Nam, chưa bảo đảm lợi ích thiết thực cho người đăng ký giữ quốc tịch Việt Nam.

Theo báo cáo của Ủy ban pháp luật Quốc hội, hiện có 3 loại ý kiến liên quan đến phạm vi và nội dung sửa đổi : i) giữ thủ tục đăng ký nhưng không quy định cụ thể thời hạn; gắn việc đăng ký giữ quốc tịch với thủ tục cấp hộ chiếu; ii) giữ thủ tục đăng ký nhưng gia hạn thêm 05 năm nữa, đến ngày 01/7/2019 và iii) bỏ quy định này vì bất cập, thiếu tính khả thi và không phù hợp với thực tiễn.

Sau khi cân nhắc nhiều mặt, Ủy ban pháp luật đề nghị sửa đổi khoản 2 Điều 13 Luật quốc tịch 2008 thành “Người Việt Nam định cư ở nước ngoài mà chưa mất quốc tịch Việt Nam theo quy định của pháp luật Việt Nam trước ngày 01/7/2009 (ngày LQT2008 có hiệu lực) thì vẫn còn quốc tịch Việt Nam. “Người Việt Nam định cư ở nước ngoài chưa mất quốc tịch Việt Nam mà không có giấy tờ chứng minh quốc tịch Việt Nam còn giá trị sử dụng theo quy định tại điều 11 của Luật này thì đăng ký với cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài để được cấp giấy tờ chứng minh quốc tịch Việt Nam theo quy định của Chính phủ” (đoạn in nghiêng là bổ sung mới). Ngoài ra cũng đề nghị bãi bỏ khoản 3 Điều 26 (căn cứ để mất quốc tịch do không đăng ký) và bổ sung thêm là những người đã đăng ký từ ngày 01/7/2009 đến nay mà đã được xác nhận quốc tịch Việt Nam thì được cấp hộ chiếu Việt Nam nếu họ có yêu cầu (theo baomoi.com 09/6 và moj.gov.vn ngày 05/6/2014).

Có thể tóm tắt lại như sau: vẫn giữ thủ tục đăng ký nhưng không đưa ra thời hạn và cũng không quy định thành nghĩa vụ “cứng” “phải đăng ký” như Luật hiện hành; những người đã đăng ký đến nay (cũng không rõ đến nay là giới hạn đến thời điểm thông qua quy định sửa đổi hay cả những người đăng ký sau này nữa) và được xác nhận có quốc tịch Việt Nam thì được cấp hộ chiếu nếu có yêu cầu.

Một số đại biểu Quốc hội đã phát biểu ý kiến của mình về đề nghị nói trên của Ủy ban pháp luật. Đại biểu Thái Bình Nguyễn Thúy Hoàn nêu câu hỏi không lẽ những người không đăng ký thì họ không phải là người Việt Nam nữa à hay đại biểu Đỗ Văn Vẻ cho rằng việc có ít người đăng ký giữ quốc tịch chứng tỏ “Luật quy định cứng quá nên tính khả thi của Luật không cao” và đề nghị bỏ hẳn quy định này.

Đáng chú ý là Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh cũng đồng quan điểm với các ý kiến này và cho rằng “kể cả đặt thời hạn 10 năm hay 20 năm cho việc đăng ký quốc tịch cũng sẽ có rất ít người đến đăng ký bởi họ muốn giữ quốc tịch nơi mà họ đang định cư, sinh sống” và “chỉ cần quy định người Việt Nam định cư ở nước ngoài chưa mất quốc tịch Việt Nam theo quy định của pháp luật Việt Nam thì vẫn còn quốc tịch Việt Nam là đủ” (tgvn.com.vn ngày 07/6/2014).

Không dám lạm bàn về chủ trương của Nhà nước và hãy chờ quyết định cuối cùng của Quốc hội, nhưng tôi cũng muốn nêu một vài suy nghĩ tản mạn của cá nhân để rộng đường dư luận.

Trước hết là vấn đề đăng ký trong pháp luật về quốc tịch. Theo hiểu biết của tôi thì nhiều nước có quy định về vấn đề này trong luật quốc tịch; thực tiễn quốc tế cũng có nhiều trường hợp những người có liên quan có trách nhiệm đăng ký quốc tịch. Tuy nhiên, thông thường việc đăng ký là để dẫn đến hệ quả pháp lý là có quốc tịch của một nước nào đó (thí dụ đăng ký quốc tịch thông qua việc kết hôn, làm con nuôi, lựa chọn một trong hai quốc tịch, lựa chọn quốc tịch theo điều ước quốc tế trong trường hợp điều chỉnh lãnh thổ sau chiến tranh thế giới v.v.). Các  Luật quốc tịch Việt Nam từ 1988, 1998 và 2008 đều có quy định là trẻ em sinh ra từ hôn nhân hỗn hợp (có cha hoặc mẹ là công dân Việt Nam còn người kia là công dân nước ngoài) có quốc tịch Việt Nam thông qua thủ tục đăng ký khai sinh tại cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam. Tương tự như vậy là việc đăng ký nuôi con nuôi là trẻ em nước ngoài cũng dẫn đến việc có quốc tịch Việt Nam (khoản 2, Điều 37 Luật quốc tịch 2008). Ngoài ra, riêng Luật quốc tịch 2008 có 2 trường hợp đăng ký quốc tịch gây nhiều tranh cãi, đó là khoản 2, Điều 13 (đăng ký giữ quốc tịch Việt Nam) và thủ tục thông báo có quốc tịch nước ngoài, gửi kèm bản sao giấy tờ chứng minh có quốc tịch nước ngoài để cơ quan có thẩm quyền Việt Nam ghi vào Sổ quốc tịch (mà thực chất cũng là thủ tục đăng ký) (điều 21, Nghị định số 78/2009/NĐ-CP ngày 22/9/2009 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật quốc tịch Việt Nam). Lưu ý là quy định về nghĩa vụ thông báo có quốc tịch nước ngoài mặc dù không có trong Luật nhưng lại được đưa vào Nghị định và cho đến nay cũng chưa ai đánh giá thủ tục này được triển khai trên thực tế như thế nào. Cá nhân tôi cho rằng nó cũng không khả khi như quy định về việc đăng ký giữ quốc tịch Việt Nam.

Vấn đề thứ hai đáng quan tâm là nguyên nhân vì sao quy định đăng ký giữ quốc tịch Việt Nam lại không đi vào cuộc sống và sau 5 năm triển khai đã sớm bị đưa ra sửa đổi hoặc bãi bỏ?

Về điều này nhiều người cũng đã nói rồi. Riêng tôi sắp xếp lại thành một số lý do chính sau đây:

Mục tiêu của quy định này hay nói cách khác mong muốn của nhà làm luật là thông qua thủ tục này nhằm bảo hộ công dân tốt hơn và tạo thuận lợi cho các cơ quan Nhà nước trong việc quản lý (Nguyễn Công Khanh, đã dẫn vnexpress, 09/4/2014). Bạn đọc An Chiến trong vietnamngayve.blogspot.com ngày 24/4/2014 cho rằng “đăng ký giữ quốc tịch – chính sách đúng, cách hiểu sai”. Tôi cũng nghĩ mong muốn của nhà làm luật trong vấn đề này là đáng trân trọng, đáng quý vì quan tâm đến bảo hộ công dân và tạo sự rõ ràng trong quốc tịch của cộng đồng người Việt Nam định cư ở nước ngoài. Tuy nhiên bản thân mục tiêu này cũng không khả khi vì tính chất phức tạp của dòng di cư nói chung hiện nay trên thế giới cũng như của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài. Không một nước nào lại có thể tự tin nói rằng mình nắm chắc số liệu công dân mình cư trú, lao động hay học tập ở nước ngoài, lại càng không thể biết ai trong số họ còn có quốc tịch nước khác ngoài quốc tịch nước mình. Đối với Việt Nam, điều này lại càng khó khăn hơn do hoàn cảnh chiến tranh và thời kỳ hậu chiến dòng người ra nước ngoài ở nhiều thời điểm khác nhau, vì những hoàn cảnh khác nhau, nhiều người do những lý do cá nhân không còn hoặc không muốn liên hệ với đất nước. Đấy là hoàn cảnh lịch sử đặc thù của Việt Nam mà chúng ta không thể không lưu ý. Điều 5, khoản 3 đã quy định rất rõ là “Nhà nước CHXHCN Việt Nam có chính sách  để công dân Việt Nam ở nước ngoài có điều kiện hưởng các quyền công dân  và làm các nghĩa vụ công dân phù hợp với hoàn cảnh sống xa đất nước”. Đáng tiếc là bản thân quy định về việc bắt công dân Việt Nam ở nước ngoài phải đăng ký giữ quốc tịch trong một thời hạn ấn định, nếu không sẽ bị mất quốc tịch Việt Nam, lại đi ngược lại chủ trương tốt đẹp này.

Quy định về đối tượng phải đến đăng ký giữ quốc tịch của điều 13, khoản 2 LQT 2008 cũng gây ra nhiều thắc mắc không cần thiết không chỉ trong cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài mà còn cả các cơ quan của nước ngoài. Luật yêu cầu tất cả “người Việt Nam định cư ở nước ngoài mà chưa mất quốc tịch Việt Nam theo quy định của pháp luật Việt Nam trước ngày Luật này có hiệu lực thì vẫn còn quốc tịch Việt Nam và trong thời hạn 5 năm...phải đến đăng ký...”. Quy định này vô tình đã “quét” hầu hết bà con ta ở nước ngoài, không phân biệt người hiện đang có hộ chiếu Việt Nam hoặc giấy tờ chứng minh quốc tịch Việt Nam, người có hai quốc tịch hay người chỉ có quốc tịch Việt Nam. Bà con chỉ có quốc tịch Việt Nam thì hoang mang, lo lắng là sẽ bị mất quốc tịch nếu không đến đăng ký, còn nước sở tại thì lo ngại là một ngày đẹp trời nào đó sau khi hết thời hạn 05 năm hàng loạt công dân Việt Nam đang cư trú ở nước họ bỗng chốc trở thành người không quốc tịch, gây khó khăn cho công tác quản lý của nước mình. Những năm đó cơ quan ngoại kiều Đức yêu cầu tất cả công dân Việt Nam đang cư trú ở Đức phải đến đăng ký giữ quốc tịch cũng chính là xuất phát từ quy định nói trên của ta. Đến khi Nghị định 78 năm 2009 ra đời thì đối tượng phải đăng ký được thu hẹp lại do những người còn hộ chiếu Việt Nam hợp lệ không phải đến đăng ký. Mặc dầu vậy thì vẫn còn nhiều điều tù mù chưa rõ ràng, như hiểu thế nào là người “định cư ở nước ngoài” (đối tượng phải đăng ký) và người không định cư, tức tạm trú ở nước ngoài (đối tượng không phải đăng ký) vì quan niệm của ta và nước ngoài khác nhau về vấn đề này. Có những người Việt sinh sống hàng chục năm ở Đức nhưng chưa có quy chế cư trú dài hạn (Niederlassung hay unbefristete Aufenthaltserlaubnis) nên Đức coi họ là tạm trú (befristete Aufenthaltserlaubnis) hoặc tạm dung (Duldung), còn Việt Nam thì lại coi họ là định cư (đi nước ngoài đã lâu, đã “cắt khẩu” v.v.). Những người rơi vào tình thế này chắc cũng chẳng hiểu mình có phải đăng ký hay không. Nhiều lúc tôi cứ “ước” là giá mà khi ban hành Nghị định 78, Chính phủ chỉ yêu cầu những công dân Việt Nam đồng thời có quốc tịch nước ngoài, không có hộ chiếu Việt Nam hợp lệ phải đến đăng ký thì tình hình sẽ khác như ngày hôm nay, do theo luật pháp và tập quán quốc tế những người này có nghĩa vụ đăng ký lựa chọn sử dụng một trong số quốc tịch của họ để tránh xung đột pháp lý trong bảo hộ ngoại giao. Thông qua thủ tục này ta cũng xử lý được phần nào vấn đề hai quốc tịch đang tồn tại hiện nay.

Quy định về thủ tục đăng ký giữ quốc tịch Việt Nam và giá trị pháp lý của việc ghi vào sổ và của giấy xác nhận đăng ký giữ quốc tịch thể hiện rõ nhất sự bất cập giữa mong muốn chủ quan và thực tế khách quan.

Trước hết, về thẩm quyền tiếp nhận hồ sơ và cấp giấy xác nhận đăng ký giữ quốc tịch là thuộc cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài, nhưng cơ quan xác minh ở trong nước lại là 3 bộ ngoại giao, công an và tư pháp (Điều 20 Nghị định 78). Đối với những người có giấy tờ chứng minh quốc tịch Việt Nam (theo điều 11 Luật quốc tịch 2008 thì giấy tờ chứng minh quốc tịch là một trong  các giấy tờ sau: giấy khai sinh, giấy chứng minh nhân dân, hộ chiếu Việt Nam, quyết định cho nhập, trở lại quốc tịch Việt Nam, quyết định công nhận nuôi con nuôi đối với trẻ em là người nước ngoài, quyết định cho người nước ngoài nhận trẻ em Việt Nam làm con nuôi) thì thủ tục rất đơn giản : cơ quan đại diện ghi vào sổ là đương sự có quốc tịch Việt Nam và cấp giấy xác nhận đã đăng ký giữ quốc tịch (khoản 1 đến 3 đoạn đầu Điều 20 Nghị định 78).

Rắc rối phiền hà là quy định đối với những người không có giấy tờ chứng minh quốc tịch Việt Nam. Theo đoạn 2, khoản 3 Nghị định 78 và điều 10 Thông tư liên tịch số 05 ngày 01/3/2010 của Bộ Tư pháp, Bộ Ngoại giao và Bộ Công an thì cơ quan đại diện yêu cầu đương sự nộp Tờ khai đăng ký giữ quốc tịch, Tờ khai lý lịch và các loại giấy tờ sau (nếu có) : bản sao các giấy tờ về nhân thân, hộ tịch, quốc tịch của ông, bà, cha, mẹ, anh, chị, em ruột, con; bản sao giấy tờ có nội dung liên quan đến quốc tịch của đương sự do chế độ cũ cấp trước ngày 30/4/1975; bản sao giấy tờ trên đó ghi quốc tịch Việt Nam hoặc quốc tịch gốc Việt Nam do cơ quan có thẩm quyền cấp. Sau khi có trả lời của các cơ quan trong nước, cơ quan đại diện “hoàn tất thủ tục đăng ký giữ quốc tịch Việt Nam”, tức là kết quả có khẳng định đương đơn có hay không có quốc tịch Việt Nam thì cũng sẽ được ghi vào sổ  đăng ký giữ quốc tịch và đương đơn cũng sẽ nhận được giấy xác nhận đăng ký giữ quốc tịch.           

Có mấy vấn đề đáng phải suy nghĩ và với tư cách là một luật gia có nhiều năm nghiên cứu về quốc tịch tôi thấy lẽ ra các nhà làm luật phải tính đến trước khi đưa ra quy định.

Thứ nhất, theo lô-gich thông thường thì anh chỉ có thể đăng ký để giữ cái mà anh có, anh sở hữu. Đăng ký sở hữu bất động sản là một thí dụ. Để được đăng ký quyền sở hữu nhà đất, người đi đăng ký phải xuất trình đầy đủ giấy tờ hợp lệ chứng minh anh đã mua, thừa kế, được cho, tặng v.v. nhà đất đó. Trên cơ sở những giấy tờ hợp lệ này, cơ quan trước bạ sẽ đăng ký và cấp giấy chứng nhận cho anh. Trong trường hợp đăng ký giữ quốc tịch này, ngay cả những người không có giấy tờ chứng minh cũng có quyền đến nộp đơn đăng ký và thay vì quy định trách nhiệm của người đi đăng ký giữ quốc tịch phải xuất trình giấy tờ chứng minh quốc tịch Việt Nam hợp lệ thì ta lại quy định trách nhiệm của các cơ quan nhà nước phải xác minh. Hoan nghênh việc cơ quan chính quyền nhận cái khó về mình, nhưng như thực tế đã chứng minh là việc xác minh này hoàn toàn không hiệu quả, không khẳng định được quốc tịch Việt Nam của đương sự.

Thứ hai, bản thân giấy xác nhận đã đăng ký giữ quốc tịch hoàn toàn không có giá trị chứng minh quốc tịch Việt Nam, nó chỉ có giá trị như là “giữ chỗ” để khỏi bị mất quốc tịch sau ngày 01/7/2014 nếu như sau ngày đó có đủ giấy tờ chứng minh quốc tịch. Một thủ tục hành chính và nhất là giấy xác nhận hành chính nếu bản thân nó không mang lại lợi ích thiết thực hay xác nhận một quy chế pháp lý nhất định thì tự thân nó đã không có sức hấp dẫn đối với đối tượng mà nó hướng tới. Tôi cho rằng đó là lý do chính mà cho đến thời điểm hiện nay, theo thống kê của Bộ Ngoại giao Việt Nam chỉ có khoảng 6 ngàn người đăng ký. Và như vậy thì mục tiêu đặt ra là có bức tranh về tình hình quốc tịch của người Việt Nam ở nước ngoài và tạo thuận lợi cho công tác bảo hộ công dân hiển nhiên là không thực hiện được. Các cơ quan nhà nước chắc cũng không biết đích xác bao nhiêu trong số những người đã đăng ký là có quốc tịch Việt Nam và hiển nhiên những người cũng chưa biết có chính xác là công dân Việt Nam hay không thì Nhà nước Việt Nam cũng phải thận trọng khi xem xét bảo hộ lãnh sự đối với họ.

Thứ ba, đối với những người đã có quốc tịch nước ngoài thông qua nhập tịch (naturalization) thì việc đăng ký để có (hoặc giữ) quốc tịch gốc có thể dẫn đến mất quốc tịch nước ngoài vì hành vi nộp đơn để đăng ký giữ quốc tịch Việt Nam sẽ bị coi là lựa chọn hoặc lựa chọn lại quốc tịch gốc và là một trong căn cứ để mất quốc tịch do nhập tịch mà có. Trong bài viết “Hai quốc tịch – những vấn đề chính trị và pháp lý” đăng tại quehuongonline.vn, 09/3/2009 (phần một) và 10/7/2009 (phần hai) tôi đã nêu việc hàng chục ngàn lượt người Thổ Nhĩ kỳ ở Đức đã bị mất quốc tịch Đức vì sau khi nhập quốc tịch Đức họ lại tìm cách để có lại quốc tịch Thổ mà họ đã phải từ bỏ khi nhập quốc tịch Đức. “Nguy cơ” này là nhãn tiền đối với nhiều bà con ta đang định cư ở nước ngoài vì miếng cơm manh áo hoặc do hoàn cảnh phải sống ở nước ngoài và nhập tịch nước ngoài nhưng vẫn muốn gắn bó với quê cha đất mẹ thông qua sợi dây thiêng liêng là quốc tịch Việt Nam. Nếu buộc họ phải lựa chọn thì đó có phải là quyết sách không ngoan hay không, là điều tôi nghĩ các nhà làm luật trong nước nên cân nhắc.            

Quay trở lại với thảo luận vừa qua ở Quốc hội và ý kiến đề xuất của Ủy ban pháp luật, theo đó vẫn giữ thủ tục đăng ký, nhưng không coi đó là nghĩa vụ mà là việc tự nguyện của người dân; không đặt ra thời hạn thực hiện thủ tục này (bãi bỏ thời hạn 05 năm của Luật quốc tịch hiện hành) và những người đã xác định có quốc tịch Việt Nam  thì được cấp hộ chiếu Việt Nam, nếu có yêu cầu (theo baomoi.com,09/6/2014 và moj.gov.vn, ngày 5/6/2014). Quy định theo hướng này tuy đã khắc phục được một số bất cập của quy định cũ, nhưng cá nhân tôi cho rằng sẽ khó mà thực hiện được mục tiêu mà chính Ủy ban pháp luật đặt ra là: i) rành mạch hóa tình trạng quốc tịch của một bộ phận người Việt Nam định cư ở nước ngoài; ii) thuận lợi hơn cho Nhà nước trong việc tổ chức để công dân thực hiện các quyền của mình (ví dụ như quyền bầu cử...) và iii) thực hiện quyền bảo hộ công dân Việt Nam ở nước ngoài (theo moj.gov.vn, 05/6/2014). Rành mạch hóa tình trạng quốc tịch của cộng đồng hơn 4 triệu người Việt Nam định cư ở nước ngoài hay chỉ một bộ phận của cộng đồng này là mục tiêu lý tưởng nhưng không thể thực hiện được vì nhiều lý do ngoại cảnh không phụ thuộc vào mong muốn chủ quan của Chính phủ Việt Nam. Từ trước đến nay Việt Nam chưa cho phép công dân Việt Nam đang tạm trú hay định cư ở nước ngoài được bầu cử hay ứng cử nên thời gian tới chắc chắn vấn đề này cũng không đặt ra đối với kiều bào ta ở nước ngoài dù họ có đăng ký giữ quốc tịch Việt Nam. Hai điều khó mà bản thân dự kiến sửa đổi lần này lại đẩy cho Chính phủ quy định là đối với những người không có giấy tờ chứng minh quốc tịch Việt Nam thì vẫn đăng ký với cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài và cơ quan này có trách nhiệm xác minh để cấp giấy tờ chứng minh quốc tịch Việt Nam (và như vậy lại đẩy cái khó cho các cơ quan Việt Nam và kết quả xác minh cũng không thể khả quan hơn tình trạng như hiện tại) và nếu xác định  có quốc tịch Việt Nam thì được cấp hộ chiếu Việt Nam (trong khi cấp hộ chiếu lại phải tuân thủ những quy định khác của Chính phủ về điều kiện và thủ tục). Cá nhân tôi cho rằng lựa chọn thực tế nhất hiện nay là bãi bỏ hoàn toàn quy định về đăng ký giữ quốc tịch Việt Nam trong Luật quốc tịch Việt Nam sửa đổi để tránh việc sau này chúng ta lại phải bàn về một quy định pháp luật không đi vào cuộc sống./.

 Tháng 6 năm 2014 , Quê Hương Online
Hoàng Hữu Đức, Frankfurt am Main


Thêm bình luận

TIN TỨC - SỰ KIỆN MỚI CẬP NHẬT

QUẢNG CÁO
tapchihuongviet.eu 2020 02 07 um 17.29.59
tapchihuongviet.eu 2019 07 19 um 15.05.46
banner fam right

Hội chợ 'Việt Nam tại Đức' thu hút khách tham quan

Trong khuôn khổ Hội chợ Xuân AFA 2020, Tạp chí Hương Việt tổ chức sự kiện đặc biệt với chủ đề "Việt Nam tại Đức" nhân dịp kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Đức (1975-2020).

tapchihuongviet_treviet_vdKỷ niệm 10 năm hình thành và phát triển của Tạp chí Hương Việt

Kỷ niệm 10 năm hình thành và phát triển của Tạp chí Hương Việt, đồng thời hướng tới 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt - Đức. Tạp chí Hương Việt cùng các Hội đoàn người Việt phía Tây-Nam nước Đức đã tổ chức chương trình Lễ hội văn hoá Việt Nam - Hương Việt 2019.