Lời TS: Hơn hai tuần trôi qua, sự kiện nhà cầm quyền Trung Quốc ngang nhiên dàn trận với mục tiêu xâm hại lãnh hải, thềm lục địa thuộc chủ quyền Việt Nam và cho dựng giàn khoan HD 981. Người Việt ở Đức đã xuống đường phản đối Trung Quốc và lần nữa chứng tỏ cho cả thế giới thấy sức mạnh đoàn kết của nhân dân Việt Nam, dân tộc Việt Nam. Tạp chí Hương Việt trân trọng giới thiệu tới độc giả bài tuỳ bút của tác giả Hùng Lý về sự kiện này.
Chiều 7/5 tôi rủ bạn tôi, TS Phạm Ngọc Kỳ ra bia München, một quán bia to, ngon và nổi tiếng nhất trong những quán bia ở Berlin, làm vài cốc mừng kỷ niệm 60 năm chiến thắng Điện Biên Phủ. Mấy thằng lính già hết thời như bọn tôi vẫn thường làm thế mỗi khi có ngày lễ tết. Cũng là cái cớ gặp nhau để trút bầu tâm sự. Thông thường rượu vào lời ra, nhất là bạn tôi có tiếng tếu táo và hài hước. Bia càng vào, càng lắm câu chuyện với những tiếng cười trào ra miên man đến tận cuối buổi. Cho đến khi người nọ chuếnh choáng dìu người kia vào Taxi mới kết thúc một ngày vui. Và như thế mới được gọi là một cuộc nhậu đẹp.
Lần này thì khác, cả buổi chẳng có câu nào hay ho được nói ra, đến sự kiện duyệt binh hoành tráng trong lễ kỷ niệm ở Điện Biên cũng không hề được nhắc đến. Câu chuyện chỉ xoay quay đề tài giàn khoan HD 981 của Trung Quốc trắng trợn hạ đặt trên vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, xâm phạm lãnh thổ Việt Nam, một động thái vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế, một hành động khiêu khích nguy hiểm nhất trong suốt ba thập kỷ đầy những hành động xâm lấn của người láng giềng nhiều tham vọng. Bạn dằn cốc bia xuống bàn nói:“Tôi không thích chiến tranh. Nhưng cũng không sợ chiến tranh. Nếu ta cứ nhường nhịn mãi mà kẻ xâm lược vẫn lấn tới thì không có gì hơn là phải đánh“. Rồi lại dịu giọng vẻ tần ngần:“Nhưng nếu chiến tranh nổ ra thật, thương nhất vẫn là những đứa trẻ. Chúng có tội tình gì đâu“.
Người Việt tại Berlin biểu tình phản đối Trung Quốc. Ảnh Minh Hải
Tiếng nhạc trong quán bia bỗng nổi lên. Ban nhạc sống xuất hiện trên sân khấu. Từng đôi, từng nhóm tiến ra sàn nhảy. Già có, trẻ có, đủ các màu da. Trong men bia ngây ngất, trong tiếng nhạc kích động họ quay lượn bên nhau, chỉ duy nhất một niềm hoan vui cùng bạn nhảy. Nhìn cảnh ấy sao thấy thương đến thế mảnh đất quê hương, thương đến thế những đồng bào của mình, cứ đắm chìm liên miên hết cuộc chiến tranh này đến cuộc chiến tranh khác. Chẳng có lấy một ngày thật sự yên hàn trong hòa bình nhất là những người lính, những cư dân biển đảo. Hình ảnh hoang tàn, tang tóc của chiến tranh hằn sâu trong ký ức mỗi người đi qua nó, ám ảnh đến mức dù tiếng súng đã dứt mấy chục năm, thi thoảng cảnh bom đạn, chết chóc vẫn hiện về trong giấc mơ giữa thời bình. Tôi tưởng tượng ra rất rõ hình ảnh chị cả tôi ngồi trong thúng mẹ gánh khi tản cư vào Thanh Hóa trong cuộc chiến chống thực dân Pháp qua lời rưng rưng mẹ kể. Cảnh mấy anh em tôi nheo nhóc giữa đêm trên chiếc xe đạp thồ bố mẹ chở tới nơi sơ tán trong chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ. Nhớ đôi mắt trẻ thơ vẫn mở trong veo như còn sống khi tôi đào những căn hầm sập trong vụ B52 rải thảm bom xuống khu tập thể An Dương mùa giáng sinh năm nào. Làm sao để thế hệ con cháu mình không phải đắm chìm trong những cuộc chiến tranh tồi tệ đó? “Phải xuống đường phản đối hành động xâm lấn của Trung Quốc“. Chúng tôi cùng bật lên.
Tôi gọi điện cho Lương Cường, TBT báo mạng "Người Việt" người cách đây 3 năm đã cùng với rất nhiều hội đoàn và cá nhân tổ chức thành công buổi xuống đường chống Trung Quốc xâm lấn biển Đông. Khi nghe tôi đề nghị tổ chức biểu tình, anh phấn khởi lắm, thông báo là đã có tổ chức cũng đang bàn thảo kế hoạch xuống đường. Vậy chúng tôi không phải là người duy nhất, đã có rất nhiều người không hẹn trước mà cùng chung ý tưởng. Ngày hôm sau đọc lời kêu gọi tôi mới biết, liên hiệp người Việt toàn liên bang cùng với các cơ quan truyền thông, báo chí của cộng đồng đứng ra tổ chức sự kiện này.
Đứng giữa biển cờ tại quảng Trường Potsdamer Platz ngay trung tâm thủ đô Berlin của gần 5 ngàn người có mặt trong cuộc biểu tình, tôi hỏi giáo sư Nguyễn Văn Thoại:“Anh đánh giá thế nào về cuộc biểu tình này?“ Không giấu được xúc động, người đứng đầu liên hiệp người Việt tại CHLB Đức chia sẻ:“Số người tham dự đông ngoài sức tưởng tượng anh ạ. Thật tự hào và xúc động vì tấm lòng của bà con mình đối với biển đảo quê hương“.“Cái gì là khó nhất cho việc tổ chức một sự kiện lớn như thế này cho cộng đồng?“, tôi hỏi.“Đầu tiên là quyết định tổ chức cuộc biểu tình vào đúng thời điểm ngày 11/05. Anh biết đấy, xuống đường biểu tình chống sự xâm lấn của Trung Quốc là nguyện vọng của hầu hết bà con. Nhưng vào thời điểm mà truyền thông chính thống còn chưa lên tiếng ủng hộ, dù sao đó cũng là một quyết định dũng cảm và chính xác của những người tổ chức. Nếu chậm hơn sẽ không tranh thủ được khí thế hừng hực của bà con cộng đồng, sự ủng hộ của bạn bè quốc tế. Nhưng cái khó cho chúng tôi là thời gian chuẩn bị quá gấp gáp“.
Thứ bảy, ngày 10/05, trước cuộc biểu tình một hôm, thấy trang Facebook của nhà văn Nguyễn Văn Thọ, một người tôi quý trọng như người anh lớn, kêu gọi biểu tình trước đại sứ quán Trung Quốc ở Hà Nội, tôi lo thật sự. Trên FB của anh em bạn bè trong nước, khi thấy bên này kêu gọi rầm rộ xuống đường, không ít người than thở và mong muốn cũng được tự do xuống đường chống Trung Quốc. Tức là đến thời điểm đó, trong nước chưa có một tiếng nói chính danh nào đồng thuận việc xuống đường. Chưa kể hội chứng đám đông ở nhà thường phức tạp. Sứt đầu mẻ trán cả theo nghĩa đen, lẫn nghĩa bóng đã xảy ra không phải hiếm. Vậy thì một người đã sấp xỉ 70 lại “mình hạc, xương mai“ há chi phải đương đầu nơi “đầu sóng ngọn gió“. Tôi phân tích lý lẽ đó qua tin nhắn. Thấy anh trả lời giọng tưng tửng:“Thì cũng phải “chia lửa“ với bà con mình ở Đức chứ. Mà khỏi lo, lúc nào bên anh cũng có bạn bè bảo vệ“. Nói mạnh thế, nhưng chắc cả đêm trước cuộc biểu tình anh không ngủ. Cũng có một chút lo lắng, sau này anh chia sẻ, nhưng chủ yếu là hồi hộp, nôn nao như người lính trước giờ nổ súng. Người cựu binh già đó còn có đứa con trai độc nhất chưa tròn tuổi. Ngồi ngắm con ngủ trước giờ xuống đường, anh đã xúc động viết những câu thơ:
“Trước khi ra đường cha sẽ hôn con
như những người cha trên đảo Lý Sơn sớm nay lên thuyền đi vào biển mặn
chúng ta hôn lên đôi môi của đứa con trai
dặn ở lại,
mai con của ta sẽ là tráng đinh giữ nước!“Đêm 11/05 ở Berlin tôi đang ngủ ngon đã là sớm của Hà Nội với tiếng thét vang của anh và của hàng ngàn người trước đại sứ quán Trung Quốc. Anh trèo lên cao, quấn cờ vào người, hô: Trường Sa! Hoàng Sa! Cả ngàn người đồng thanh đáp lại như khát vọng của cả một dân tộc đòi công lý: Việt Nam! Việt Nam. Trường Sa, Hoàng Sa là của Việt Nam! Tôi tỉnh dậy, vào mạng, đâu đâu cũng cờ đỏ sao vàng. Hà Nội thân yêu của tôi đã xuống đường, quanh Bờ Hồ, bên Tháp Rùa. Rồi cả Sài Gòn, Đà Nẵng… bừng bừng một khí thế chống kẻ xâm lấn.
Tôi trở dậy cầm lá cờ nhỏ và quấn lên đầu giải cờ tôi đã giữ khư khư từ cuộc biểu tình chống Trung Quốc cách đây 3 năm cũng tại Berlin, để đến với cuộc biểu tình lần này. Còn sớm trước giờ quy định tới nửa tiếng mà đã thấy cả rừng người, cờ và băng rôn, khẩu hiệu trước mặt. Tham gia cuộc biểu tình không phải chỉ có người Việt, các phóng viên báo chí người Việt, mà có cả người Đức, bạn bè quốc tế, cả phóng viên báo chí, nhà quay phim nước ngoài. Không chỉ những người đang sống ở Berlin và vùng phụ cận, mà cả hàng đoàn người có tổ chức đến từ các tỉnh cách nơi tổ chức biểu tình cả 500, 700 cây số. Cả đứa trẻ đang nằm trong xe nôi cũng gắn trên trán hình cờ Tổ Quốc, cả ông già râu tóc bạc phơ vẫn khư khư trên tay tấm biểu ngữ, mặc mưa gió. Tôi nhìn thấy nhà văn Lê Minh Hà, nhà thơ Thế Dũng, TS Trương Hồng Quang, TS Phạm Ngọc Kỳ, tổng giám đốc TTTM Đồng Xuân Nguyễn Văn Hiền, chủ tịch hội đồng hương Hải Dương Nguyễn Đức Bình, chủ tịch hội đồng hương Quảng Bình Trần Công Thành… và hàng ngàn những người Việt cần lao, bình dị khác trong cuộc biểu tình.
Chen đến bên nghệ sỹ Ái Thanh đến từ Hannover, tôi hỏi:“Em ở xa mấy trăm cây số mà cũng đến tham gia biểu tình à?“-“ Đến chứ anh. Đến để góp tiếng nói giữ vững biển đảo quê hương. Cả vì những anh bộ đội. Ngày trước em hay lên biên giới hát phục vụ chiến sỹ. Nhìn các anh ấy thương lắm. Em không muốn xảy ra chiến tranh, không muốn những người lính trẻ phải ra trận“.
Mấy hôm nay cư dân mạng truyền nhau bức ảnh một bà mẹ vòng tay ôm chặt đứa con trai mặc quân phục hải quân trong ngày đầu nhập ngũ. Nhìn khuôn mặt cả hai mẹ con không ai có nổi một nụ cười như thường thấy trong các tranh ảnh cổ động vào những dịp tòng quân. Cũng phải thôi, chẳng ai muốn ra nơi biển đảo sóng dữ, chẳng ai muốn dấn thân nơi hòn tên, mũi đạn khi cuộc sống đang yên bình. Nhưng dù biết thế, dù đau đớn mấy, người mẹ vẫn dứt ruột đành lòng tiễn con ra nơi biển động. “Tổ Quốc bình an vì có hàng triệu những người mẹ như thế“. Lời bình ấy của nhà văn Nguyễn Quang Vinh và bức ảnh khiến người đọc xúc động đến trào nước mắt.
Hình ảnh người mẹ đó gợi lại trong tôi nhớ về kỷ niệm năm nào. Đó là ngày tôi đi B. Đang ngồi trên chuyến tàu quân sự ở ga Thường Tín, tôi nghe thằng bạn cùng tiểu đội gọi:“Hùng ơi! Bố mẹ mày đến kìa!“. Tôi chạy theo nó xuyên qua mấy toa tàu mới nhìn thấy dưới đường bố mẹ tôi vừa dắt xe đạp từ phía cuối đoàn tàu đi lên, vừa hớt hải gọi tên tôi. Tôi nhảy xuống vừa chạm tay mẹ cũng là lúc tàu chuyển bánh. Dúi vội một bọc gói lá sen vào tay tôi, mẹ nghẹn ngào trong nước mắt:“Con đi lành lặn rồi sớm trở về nhé“. Tay bám vào thành tàu nơi bậc lên xuống, thấy bố tôi đứng chết trân bên chiếc xe đạp nhìn theo, còn mẹ tôi cố đuổi theo đoàn tàu, tay vẫy vẫy. Trở lại toa, đồng đội mở gói bọc lá sen, một vầng sôi trắng vẫn còn ấm và một nửa con gà béo vàng ấp lên trên. Đấy là món ăn anh em tôi đứa nào cũng thích nhưng thuở đói kém, nhà đông con, mấy khi được ăn.
Nhìn rừng cờ đỏ rực đủ các kích cỡ tung bay trong nắng và gió, tôi thầm phục những người trong BTC. Chỉ vẻn vẹn có 2 ngày chuẩn bị cho cuộc biểu tình mà huy động được lượng cờ khổng lồ đến vậy. Hỏi ra mới biết, chính những người trong BTC cùng các thành viên trong các hội đồng hương đã tự tay miệt mài làm hàng ngàn những lá cờ nhỏ, hàng trăm băng rôn, khẩu hiệu. Rồi cờ, khẩu hiệu của những đoàn từ các tỉnh xa mang đến. Riêng đoàn Rostock còn mang theo một bộ trống, làm khí thế cuộc biểu tình thêm giục giã những tiếng trống trận.
Tôi cũng nghe kể về một người phụ nữ lặng lẽ may cờ. Người phụ nữ ấy vốn sinh ra lớn lên nơi con đường gần bốn mươi năm trước rầm rập đoàn quân lên biên giới phía bắc. Rất nhiều chàng trai ra đi đã vĩnh viễn nằm lại. Chị ngậm ngùi về kỷ niệm đó trong chính những vần thơ của mình:
“Gần bốn mươi năm rồi vẫn in mãi trong tôi
Những cuộc Chia ly vì chiến tranh Trung Quốc
Bao mái đầu xanh nơi biên cương không về được
Chỉ còn lại trên ban thờ chữ: Tổ Quốc ghi công
Gần bốn mươi năm rồi chưa khỏa lấp đau thươngQuê mẹ lại đau, vì biển Đông dậy sóng“
Để góp phần làm quê mẹ hết đau và biển đông lặng sóng, chị tìm mua vải, hai ngày một đêm cần mẫn bên máy khâu may 2 lá cờ đại, 2 lá cờ nhỡ và 14 lá cờ nhỏ mang đến cùng bà con phất cao trong ngày biểu tình.
Chính vì màu cờ sắc áo đỏ rực cả một quảng trường rộng lớn, vì số lượng người tham gia biểu tình kỷ lục nhất trong các cuộc biểu tình chống Trung Quốc mà nhiều hình ảnh từ cuộc biểu tình ở Berlin hôm 11/05 được phát tán nhanh và rộng khắp thế giới. Cũng từ cuộc biểu tình này xuất hiện những bức ảnh được xem là biểu tượng cho sự ủng hộ của bạn bè quốc tế đối với cuộc đấu tranh chính nghĩa giữ gìn chủ quyền biển đảo của nhân dân ta. Đó là bức ảnh một người đàn ông tham gia biểu tình với cờ Việt Nam trên trán, ảnh Bác cầm trên tay và ảnh một cô sinh viên người Đức đứng giữa quảng trường trong cuộc biểu tình với biểu ngữ bằng tiếng Việt:“Không chiến tranh! Việt Nam yêu hòa bình“.
Sau cuộc biểu tình của gần 5000 người mang cờ đỏ, tôi cũng đến với cuộc biểu tình của những người mang cờ vàng do liên hội những người tỵ nạn Việt Nam tại CHLB Đức tổ chức trước ĐSQ Trung Quốc. Cuộc biểu tình này rất bài bản, ngăn nắp. Chỉ tiếc số người tham gia không nhiều, khoảng gần trăm, và nội dung chống cộng ngang ngửa nội dung chống Tàu. Duy nhất trong cuộc biểu tình có một người đàn ông trung tuổi đeo giải lụa màu đỏ với hai chữ Vệt Nam trên đầu và trên tay là một biểu ngữ nhỏ: Tổ Quốc trên hết. Gặp tôi anh chia sẻ:“Lúc vận nước bị lâm nguy Tổ Quốc là trên hết. Chính vì điều đó tôi đến với cuộc biểu tình này. Cũng vì để tránh bất đồng tôi đã không mang theo cờ đỏ. Nhưng mang cờ vàng đi biểu tình là không chính danh. Quan điểm chính trị có thể không đồng thuận, nhưng màu cờ mỗi quốc gia chỉ có một“. Lại một người mang cờ vàng đến bên tôi tâm sự:“Anh nghĩ có cách nào để hai màu cờ cùng có thể xuất hiện trong một cuộc biểu tình không?“. Thấy tôi trầm ngâm, anh tiếp:“Anh nhìn thấy đấy, trong cuộc biểu tình này không hề có thanh niên, những người trẻ tuổi. Hầu hết là những người già, những người đã có thời gắn bó với chế độ VNCH. Chắc phải chờ sau này, đến lớp trẻ, những người không còn ân oán với chế độ, công cuộc hòa hợp dân tộc mới từ tâm thành sự thật“.Không biết phán đoán của người đàn ông đó có chính xác nhưng bất đồng quan điểm và hiềm khích cá nhân thời nào cũng có. Nhưng mỗi khi Tổ Quốc trước hiểm họa xâm lăng, tinh thần yêu nước, yêu dân tộc lại kết muôn lòng người như một. Như những ngày tháng 5 này, khi Trung Quốc ngang ngược kéo giàn khoan xâm nhập vào lãnh thổ Việt Nam, không chỉ biển Đông dậy sóng mà cả dải đất liền hình chữ S, những con dân đất Việt dù đang ở đâu, dưới màu cờ nào cũng đều vai sát vai, hô chung những khẩu hiệu như sóng dậy từ chính con tim: Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam. Không được đụng đến Việt Nam. Đả đảo Trung Quốc xâm lược.
Xêm thêm tin: Người Việt tại Berlin biểu tình phản đối Trung Quốc
Hùng Lý, từ Berlin, tapchihuongviet.eu
Tuỳ bút của tác giả Hùng Lý: NHỮNG NGÀY THÁNG 5 DẬY SÓNG
Tiện ích
Phông chữ
- Font Size
- Default
- Chế độ đọc