feed-image

Hãy nhấn „Thích Trang“ để theo dõi tin tức cập nhật của Tạp chí Hương Việt trên trang Facebook của bạn!

BỎ QUA

Op2 1140X206P 1 frame

Phông chữ

Cả lớp đang lặng phắc, căng tai tròn mắt,  cố gắng hiểu những lời giải thích của Bà giáo Knabe về một số từ  mới trong bài khóa , thì có tiếng gõ cửa.

Bà giáo nổi tiếng nghiêm khắc, nhíu mày khó chịu như mọi lần khi bất ngờ có kẻ phá bĩnh giữa giờ. Lại mấy chị người Việt đi muộn. Đây sẽ là lần cuối cùng tôi mở cửa‘‘. Xấp xỉ sáu mươi, quần áo thời trang, sải bước như thanh niên, bà giáo cầm nắm cửa đẩy mạnh. Đầu tiên là một cái ba lô to đùng, tiếp sau là mái tóc còn rất ít sợi đen xuất hiện. Guten Tag, ...Vài câu chào hỏi thông thường, loáng thoáng những lời giải thích về sự chậm trễ nhập học… Cuối cùng là giọng chắc nịch của bà giáo: Mời chị vào lớp. Buổi học đầu tiên và cũng là lần sau rốt tới muộn đấy nhé. Bà giáo quay vào tắp lự khiến cho vài chục cái mồm hóng hớt, xì xầm chưa kịp đóng lại.

Đây là Frau Hảo, học viên mới của lớp chúng ta. Chúng ta sẽ làm quen vào lúc Pause, còn bây giờ thì tiếp tục nào

"Già thế mà còn đi học‘"…Mấy cái miệng choe choét son vẫn tiếp tục xầm xì. Không được dùng tiếng Việt trong lớp, bà Knabe lại nhắc. Mấy cặp lông mày xăm trổ công phu giả bộ cúi xuống, vờ vịt nhìn vào sách giáo khoa, nhưng thực ra là đang thò tay xuống gầm bàn tanh tách gửi tin nhắn với chiếc điện thoại vàng chóe đã được cài đặt chế độ câm tiếng.

Đến Pause , chẳng đợi những cái miềng buôn dưa lê hạng nặng loanh quanh phỏng vấn, chị Hảo đã hồ hởi tự giới thiệu: Tao chắc già nhất lớp nay nhỉ, 57 rồi, kể cả tuổi Mụ. Bị Job-center (trung tâm việc làm) gọi đi học mấy lần rồi… lánh mãi, lánh mãi… nhưng… lần này thì không trốn được nữa. Mấy chị trung niên sành điệu trong lớp vẫn chưa tha, hỏi cố: Mấy chồng, mấy con rồi? Hiện tại thì không ở với thằng đếch nào, nhưng tổng cộng có ba thằng con trai tất thảy. Rối không để tôi kịp cảm thán, chị đã vỗ vai đánh độp: Có gì mà ngạc nhiên thế hở cô nàng. Rồi cười re ré, lớp mình có em này trông ngố thế, như vừa ở hành tinh khác đến ấy nhỉ?

Đúng là so với bốn người đàn bà Việt ở lớp học ngoại ngữ này, tôi có thâm niên ít nhất. Lính mới tò te nên lơ ngơ như bò đội nón. 8 tháng so với 8 năm, hay hai mươi tám mùa băng gía quả là…khoảng cách một trời một vực... Thanh Du gần năm mươi, tới Đức từ những ngày bức tường Berlin vẫn còn sừng sững, ngăn chia hai miền Đông - Tây xa mặt cách lòng. Quần Jean trễ rốn đua gái hai mươi, nói tiếng Đức như gió nhưng không viết nổi một câu đúng chính tả. Bất cần quan tâm chủ ngữ vị ngữ, cứ phang động từ nguyên thể bất kỳ nơi đâu khiến người Đức nhiều phen hoảng hồn, ngơ ngác. Chu Phương ngấp nghe bốn mươi, to béo , chắc nịch như cây giò di động, nhập cư vào Đức cũng tám năm có lẻ, cả tháng có hai hai buổi học thì đi muộn hơn chục, khiến bà giáo ấn tượng chuyển từ yêu thành ghét… Chị chàng khoe đang cưa cẩm một anh Tây già độc thân mong kiếm tấm thẻ ở lại lâu dài…

Và bây giờ thêm bà chị tên Hảo, bám trụ ở xứ sở băng giá này chẵn tròn 10 năm.

………….

Ngày hôm sau chúng tôi đã trở nên thân thiết, dù chỉ là kiểu thân thiết xã giao ở lớp học ngoại ngữ nơi xứ người. Năm tiếng liền tù tì phải nhai thứ ngôn ngữ xa lạ, nên chỉ đợi đến Pause để có cơ hội xả stress bằng tiếng mẹ đẻ quí giá. Tranh nhau nói, nói liên hồi, mạnh thằng nào thằng ấy nói. Chỉ thương mấy anh bạn Châu Phi cùng lớp, nửa cười nửa mếu vì ngày ngày bị tra tấn bởi thứ âm thanh như chim hót nhưng bị khuyêch đại quá mức cần thiết.

Chủ đề hôm nay là mái tóc Cẩm Vân chấm vai của chị Hảo. Thanh Du tóc xoăn lọn vàng khơi mào : Già rồi mà để tóc kiểu gì lạ vậy? Ôi giời, tóc này tao tự cắt, có ra hiệu bao giờ đâu. Soi gương hai bên, xoẹt mấy nhát dao lam là Fertig . Hồi xưa tóc còn đen, kiểu này cũng dễ nhìn phết. Bây giờ trắng xóa, mới buồn cười thế đấy. Chị Hảo vớt vát giải thích rồi cả đám lại re ré như thường lệ.

Tôi không cười được, quay vội lên phía bảng, giấu cái nhìn buồn bã. Gần sáu mươi tuổi, ăn lương thất nghiệp của nước Đức nên vẫn phải đến lớp theo yêu cầu của họ. Thực ra mục đích của họ hết sức nhân văn. Cho đi học tiếng để có cơ hội hòa nhập và xin việc làm. Đi học mà được tài trợ từ A-Z, từ tiền học phí đến thi cử . Già rồi nên ngại học và học không vào nên trốn suốt, họ gọi điện đến nhà toàn không nghe máy. Rốt cuộc họ phải gửi giấy mới đi. Chị Hảo đã kịp tâm sự với tôi trên đường ra bến tàu điện hôm qua.

Tan học chúng tôi lại về cùng một đường. Quãng đường từ trường đến bến tàu cỡ hai chục phút. Hai chục phút với một người thích kể chuyện nhưng ít được tâm sự như chỉ Hảo cũng được vài năm của cuộc đời. Khác với số đông những người mới quen, hình như chị Hảo không nhọc công tô vẽ cho cuộc đời mình . Kể chuyện riêng tư giữa đường phố Phương Tây tấp nập, như bà nông dân đứng bên bờ ruộng hồ hởi khoe lúa má vụ mùa. Sự chân thành hiếm gặp nơi xứ người của chị khiến tôi có đôi chút cảm động. Tôi bảo: Gặp chị như gặp người cùng thôn lâu ngày xa nhau ý. Tao cũng có tình cảm làng xóm ấy từ lúc đầu tiên thấy mày trong lớp, dù hai chị em chẳng đồng hương đồng khói gì sất.

Kéo lại cái ba lô sứt chỉ, quá khổ, trễ xuống vai, chị bảo, lâu lắm rồi chị không về quê, vùng quê Phú Thọ, nổi tiếng rừng cọ đồi chè, về cái xóm nhỏ mà ở đó chị còn hai đứa con trai lộc ngộc và một người đàn ông mà chị hận cả đời. Vì ông ấy mà tao quyết ra đi, đi những mong đổi đời và để không phải nhìn bộ mặt giả dối của ông ta nữa

Tôi không gợi chuyện cũng chẳng cần hỏi thêm điều gì. Câu chuyện về số phận một người đàn bà bị phụ bạc, dồn nén bấy lâu cứ thế tuôn trào., như nham thạch phụt lên từ lòng đất âm ỉ bấy lâu. Chuyện một mình nuôi cả đàn lợn, đóng gạch xây nhà thời bao cấp để chồng yên tâm học thêm tại chức, những mong bằng bạn bằng bè . Rồi những lần thất thường về quê vào dịp cuối tuần cứ thưa dần, thưa dần, nhường chỗ cho những chuyến công tác thường xuyên, bận rộn… Lúc biết tin chồng có người đàn bà khác cũng là lúc chị nhận quyết định về một cục vì công ty nơi chị làm kế toán thua lỗ giải thể…

Chúng tôi đã tới bến tàu. Tàu M8 hôm nay về trễ bất thường nên hai chị em phải ngồi đợi một lúc. Năm nay được mùa tuyết, người Đức đùa vậy. Suốt mùa đông tuần nào tuyết cũng rơi, trắng trời, mù đất. Hôm nay tuyết rơi ở nhiệt độ cao (0 độ C nhưng vẫn có tuyết, tuyết vừa rơi, vừa tan), nên nhanh chóng biến thành mưa. Mưa tuyết. Mặt đất trắng, lưng chừng trời bụi trắng. Tóc tai quần áo đều phủ một lớp trắng mỏng. Tôi đùa chị Hảo trong lúc lên tàu: Tuyết rơi trắng xóa rồi , trông tóc chị như cây kem bông đang tan ấy. Mày chỉ giễu bà già thôi … rồi chị lại cười khùng khục.

Tàu khá đông nhưng chúng tôi nhỏ người nên vẫn len lỏi kiếm được chỗ ngồi sát cửa kính. Tôi bắt đầu tập tành học người Đức, thói quen trật tự và khẽ khàng nơi công cộng. Thấy tôi im lặng, chị Hảo bảo: cứ nói chuyện xả láng đi, bọn Tây có hiểu gì đâu mà ngại. Tôi không nén được, cười phì một cách bất nhã. Nhớ lúc mới sang, đi tàu, gặp mấy nam thanh nữ tú người Việt , thấy bọn họ nói cười ồ ồ, rồi còn hứng chí văng tục , sau đó phẩn khởi kết luận: bọn Tây không hiểu gì đâu. Hì hì, khoái nhất là chửi bậy mà không ai biết…Tôi bấm bụng. Họ biết thừa nhưng không quan tâm đó thôi. Chạnh lòng khi nghĩ họ coi như không có mình và những người đồng hương trên chuyến tàu đông đúc ấy.

Mải nghĩ lan man, không để ý thấy chị Hảo đang rút bánh mì trong hộp ra ăn. Chị mời ăn cùng, tôi từ chối. Chị bảo, không ăn thì chị để phần thằng bé ở nhà, chiều nay đỡ phải đi mua. Tôi hỏi, thằng bé nào? Thằng út, cái thằng mà nhờ nó, tao mới thoát khỏi trại tỵ nạn và có giấy tờ hợp pháp đó.

À, quên, chị có 3 thằng con trai cơ mà…

Hơn mười năm trước, người đàn bà bỗng chốc thất nghiệp, bỗng chốc bị chồng phụ bạc quyết tâm sang xứ người lập nghiệp. Cậu em lao động xuất khẩu tại Ba Lan chạy đôn chạy đáo tìm mọi cách kéo bà chị sang. Không nghề ngỗng gì, chỉ mỗi cách đi buôn, cò con cũng là buôn, chị hồ hởi như bắt được vàng. Nhưng buôn bán không giống chăn lợn, cứ cần cù, thức khuya dậy sớm băm bèo nấu cám là …thắng to. Buôn bán mà mà tốc tộc, ruột để ngoài da, không mánh chẳng khóe thì …ăn cám. Mà ăn cám thật, càng buôn càng lỗ. Số vốn cậu em cấp cho cứ cụt dần, cụt dần…Rồi tính thiệt tính hơn, người này người kia mạch nước, chạy sang Đức để kiếm cơ hội ở lại.

Chị ở lại thật, nhưng là ở trong trại ty nạn. Gọi là trại ty nạn nhưng khang trang như chung cư mới xây. Cũng giường ga, gối đệm đầy đủ, nước nóng lạnh cả ngày dùng xả láng không tốn một xu. Lại một tháng đều đều tiền tiêu vặt hơn trăm Euro rủng rỉnh. Chẳng làm gì cũng có cơm ăn ba bữa, quần áo mặc thả ga. Ra phố ra đường ngắm siêu thị, dạo công viên thoải mái. Có điều không được ra khỏi thành phố nếu không được phép của nhà quản lý . Đang đói kém, đầu tắt mặt tối, bỗng an nhàn thấy khoái quá. Lấn tới bước thứ hai, phải tìm cách ở lại càng lâu càng tốt đất nước nhân đạo này. Chỉ còn cách là ‘‘sản xuất‘‘ một đứa trẻ và tìm cho nó một người cha có giấy phép cư trú hợp pháp . Các quân sư đồng hương tốt bụng tư vấn cho tao như vậy và còn bày cách để tao tìm cha cho đứa bé sau này.

Kế hoạch chưa đâu vào đâu thì tao‚‘‘vào tròng‘‘một anh cùng trại. Tao tỉnh táo lắm, không phải lòng hắn mà bị hắn cho vào bẫy. Hắn cũng bỏ vợ bỏ con sang đây tìm đường mưu sinh. Xa vợ con lâu ngày, thấy tao khỏe mạnh vừa mắt nên suốt ngày trồng cây si trong phòng. Lạnh lẽo, cô đơn, rồi tao cũng mủi lòng lúc nào không hay. Tao có bầu. Bầu bí ở tuổi 47 một cách nhanh chóng mới thật đáng gờm.

Khi bụng bắt đầu nhum nhủm thì bác sĩ trong trại yêu cầu đi siêu âm. Kết quả trên phim thông báo, đứa trẻ không bình thường vì khoảng sáng sau gáy quá cao. Vẫn chưa tin lắm vì …thai vẫn còn bé lắm, nhìn nhầm là chuyện thường. Cả tao và hắn đều chủ quan. Nhưng sự chủ quan chỉ kéo dài được đến tháng thứ 5.

Bác sĩ kết luận thai nhi bị Down, sinh ra sẽ mắc nhiều bệnh tật. Tao khóc ngất trên giường bệnh còn hắn thì lập cập chạy về được đến trại.

Bác sĩ khuyên nên bỏ thai nhi càng sơm càng tốt.Tao lần lữa xin cho vài tuần suy nghĩ.

Lại vài tuần trôi qua. Lại xin thêm mấy ngày. Họ khuyên nhủ chân tình nhưng không ép.

Đêm ấy, cái đêm tao có quyết định dứt khoát thì trời mưa sầm sập. Vừa chợp mắt sau cả ngày vật vã thì bỗng thấy có tiếng trẻ con khóc thét. Khóc ằn ặt như bị ai đánh. Hốt hoảng mở mắt. Xung quanh mọi người vẫn đang ngủ say. Chỉ có tiếng gáy đều đều của cô bạn giường bên. Nhắm mắt cố ngủ lại, tiếng trẻ lại khóc xé ruột xé gan. Biết mình mơ, hoảng qua, không dám ngủ nữa. Sáng sớm dậy chuẩn bị để tới gặp bác sĩ, bày tỏ một mong muốn khác người , chấp nhận sinh một đứa bé bị Down và vô số bệnh tật…

Tàu sắp về đến ga, chúng tôi phải chia tay. Chị đi tiếp một bến còn tôi về thẳng nhà. Câu chuyện dở dang ở giữa đoạn gay cấn khiến tôi cứ lẩm bẩm như người cõi âm suốt chiều hôm đó. Trong bữa ăn tối, tôi hỏi chồng: Anh có thấy sợ khi nhìn thấy một đứa trẻ bị Down không? Chồng tôi hỏi lại: em lẩn thẩn à, ai không muốn con mình lành lặn khỏe mạnh, các cụ bảo, những đứa bé đáng thương đó phải gánh tội cho bố mẹ chúng đấy.

Tôi không thuộc trường phái duy tâm mà chỉ tin theo khoa học. Tại chị ấy sinh muộn quá nên con bị thế mà thôi.

Hôm sau và hôm sau nữa không thấy chị Hảo đi học. Cô giáo có hỏi thăm nhưng chúng tôi cũng chỉ biết nói rằng có thể chị ấy ốm chăng. Ngày thứ ba, khi sắp hắt hơi liên hồi thì chị mò đến lớp. Mặt mũi bơ phờ nhưng đỏ tưng bừng: Thưa cô, em bị tăng huyết áp cao quá, suýt đột quị, nằm mê man không dậy dược. May có thằng bé con ú ớ sang ra hiệu cho hàng xóm. Họ biết nên đưa đi cấp cứu kịp thời.

Suốt buổi thấy chị ngồi học như người vô hồn, không thấy cười khùng khục như mọi bữa. Cuối giờ học, tôi lại cùng chị ra bến tàu. Nhìn chị khó nhọc , đu người bước lên bậc tam cấp của toa , tôi ái ngại đỡ giùm một tay. Hôm nay tàu vắng, tôi mạnh dạn bảo chị: Chị này, hay chị cùng thằng bé con về quách Việt nam đi. Hai thằng lớn nhà chị vợ con đề huề rồi, lo gì nữa…Sống ở bên này một mình, già ty nữa thì làm thế nào? Ở nhà mình, dù sao mùa đông cũng đỡ lạnh hơn …

Chị quay sang nhìn tôi, ánh mắt hoang mang vô độ . Đôi mắt khô khốc mọi khi hình như ươn ướt. Muốn lắm nhưng về thế nào được hả cô. Cả làng cả xóm, đến cả hai thắng lớn đều không biết tao có thêm thằng bé ốm đau bên này. Hai mẹ con ở đây, không người thân thích nên chẳng mấy ai biết gốc tích. Đi học hay đi làm, cứ thấy bóng dáng ‚‘‘đồng hương‘‘, dù chỉ là đồng hương liên tỉnh thôi là tao lánh. Từ khi đẻ thằng bé, tao có về quê một lần, nhưng là đi một mình. Tao gửi cháu hai tuần cho trại trẻ tàn tật . Người ở quê vẫn nghĩ là tao sang đây, không giàu có nhưng cũng dư thừa ,có tiền gửi về cho hai thằng cu xây nhà cưới vợ. Xây nhà ở quê thì tốn mây đâu. Tiền thất nghiệp, rồi tiền trợ cấp của thằng bé con, tao bóp mồm bóp miệng . Mấy năm trước lúc còn sức , tối ngày đi phụ bếp và dọn dẹp cho quán xá nên cũng kiếm thêm được chút ít. Giờ tao mà về thì bỏ thằng bé câm điếc này cho ai…

Thế bố nó, cái lão ‘‘ người tình mười năm‘‘ của chị ở trong trại đâu rồi? Về Việt nam rồi. Lão thang thang phiêu bạt mãi cũng không có ‘‘cửa ‘‘ở lại, nên đã xin hồi hương. Tao nghĩ thế lại hay…

Tôi ngỏ ý muốn đưa chị về nhà. Chị bảo, thôi để dịp khác, mình còn học với nhau dài dài mà. Tao còn phải về đón thằng bé con sau đó đưa cháu đi mua bánh mì. Chiều nào nó cũng bắt dẫn đi mua , nó nghiện bánh mì rồi.

Tuyết lại rơi, tôi chạy như bay để không bị ướt. Chồng vẫn chưa về. Tủ lạnh trống trơn, tôi tranh thủ gặm nốt chiếc bánh mì cứng queo rồi tất tả ra siêu thị . Chỉ một bến tàu thôi là đến nơi có đủ mọi nhu yếu phẩm trên đời.

Chẳng thiếu thứ gì dù siêu thị này không lấy gì làm lớn lắm. Ở đây chỉ thiếu có Geld. Những người Việt vẫn đùa nhau như vậy. Đang xếp hàng thanh toán thì thấy lào xào tiếng mẹ đẻ quen thuộc phía sau. Hóa ra chị Hảo. Chị cũng ở gần đây à? Ừ, Cách có vài trăm mét thôi…Chưa kịp hỏi han gì thì đã thấy một thắng bé khoảng gần chục tuổi lệt bệt đẩy xe phía sau. Nó ra hiệu bảo tôi nhường nó. Chị Hảo nháy mắt , nó đấy, cái thắng út tôi kể đấy. Cả lòng xe có mỗi cái bánh mì nhỏ chổng chơ, bọc hai túi ni lông. Ngày nào cũng đi chợ nên nó chỉ cho mua một chiếc thôi, mà cũng chỉ nó ăn còn tao thì nhai cơm nguội cho đỡ tốn…Chị lại cười nhưng dường như không còn đủ sức khùng khục sau trận ốm dài ngày nữa.

Tôi ra hiệu nhường nó lên trước. Nó phấn khởi gật gật, miệng khàn khàn Brot, Brot … nhưng không nói được nhiều. Cái mặt dài ngây ngây cứ nghếch lên như hàng vạn đứa trẻ kém may mắn mắc căn bệnh nan y này. Bà Kasse nhìn nó vừa ái ngại vừa không vui vì nó lấy những hai túi nilon dù chỉ mua một bánh mì. Chị Hảo lục túi tìm 13 Cent đặt vào tay và cẩn thận nhắc nó không làm rơi.

Tôi xin phép hai mẹ con đi trước và hẹn gặp chị ngày mai ở lớp. Chị bảo, mai khỏe thì tao đến còn nếu ốm thì xin phép giúp nhé. Tôi chạy vội, để tránh phải nhìn thấy cảnh một mẹ một con trệu trạo bước trên tuyết. Thằng bé ôm khư khư chiếc bánh mì, miệng lẩm bẩm Brot, Brot …còn mẹ nó thì liên miệng giục đi nhanh kẻo ốm.

Mấy ngày liền chị không đến lớp. Cô giáo bảo, chắc lại bỏ lớp rồi. Tôi cải chính giúp: chắc tại chị ấy ốm quá. Thanh Du bĩu môi:  ốm gì, chắc lại trốn học đi làm kiếm thêm thôi. Mùa này là mùa kiếm tiền tiêu têt mà, sắp Tết đến nơi rồi…Tôi quay lại, định tỏ thái độ bất bình với nàng tóc vàng sành điệu thì Chu Phương béo ị bồi thêm: có gì mà phải ái ngại cho bà ấy. Số thế là hên rồi, đẻ ra thằng câm điếc, thế là được cấp giấy phép nhân đạo, ở lại Đức lâu dài. Nếu không lại tốn cả chục ngàn Euro tìm bố có giấy tờ xịn cho con ấy chứ….Tôi cũng đang muốn vậy mà chưa được đây ...Rồi cả hai lại re ré cười mặc ánh nhìn bức bối của mấy anh bạn da đen kế bên…

Vài tuần thì chúng tôi cũng tạm quên chị Hảo vì có khá nhiều bài tập kiểm tra. Những cuộc gặp gỡ vội vàng trên lớp khiến tôi quên khuấy cả việc thông thường, xin số điện và địa chỉ của chị. Có quá nhiều việc nên nỗi áy náy của tôi cũng nhanh chóng bị đè bẹp.

………….

Hôm nay chủ nhật nhưng thằng bé út bị đau răng đột xuất. Nó sốt cao và mặt sưng vù nên không thể đợi đến thứ hai. Chỉ còn cách duy nhất là phóng xe tới Nhà ga trung tâm, nơi có hiệu thuốc duy nhất ở Berlin không đóng cửa , trong khi hàng quán và siêu thị nhất loạt nghỉ ngơi ngày Chủ nhật. Mùa tuyết năm nay chưa dứt nên cái lạnh vẫn tái tê dù đã cuối tháng 3. Đường vào trung tâm thành phố không mấy bóng người . Chẳng ai dại gì mà ra đường trong thời tiết đỏng đảnh này nếu không có việc đột xuất. Trời mù quá, lái xe rất khó. Loang loáng vài chiếc ô tô sẫm màu lướt dưới mưa tuyết. Cẩn thận đấy, chồng tôi nhắc, có ai đó đang sang đường. Tôi bỗng giật mình. Ai như chị Hảo, cả thằng bé con đang nghiêng ngả qua đường . Đèn đỏ vừa tới, tôi dừng xe. Tuyết xiên táp mặt nên chẳng ai buồn nhìn xung quanh. Thằng bé đang cáu giận gì đó, còn chị Hảo thì ra sức kéo áo để nó khỏi ngã. Mới mấy tháng mà tóc chị dường như chỉ còn một màu. Không biết có phải tại trời tuyết mù mịt hay mắt cay xè vì đêm qua mất ngủ mà tôi nhìn ra như vậy.... Tôi hé cửa xe: Thằng bé ở rất gần, đang ra sức gào lên Brot, Brot, ….Còn mẹ nó thì khản giọng giải thích: Hôm nay là chủ nhật, không có bánh mì……

Tôi gồng mình đóng cửa xe, gắng không làm hai mẹ con giật mình. Thêm nữa, cũng không muốn họ nhận ra mình trong lúc này. Tôi phóng vút đi trong cái nhìn ngạc nhiên của chồng. Sự cẩn trọng thường ngày của tôi biến mất. Vun vút, vun vút, đến gần 80 km… Chỉ thấy loang loáng hai bên cửa kính, những hàng cây trắng xóa, rũ rượi trong ngày mưa tuyết….

…………..

Chú thích:

Guten Tag: Xin chào.

Frau: Chị, Cô

Pause: Nghỉ giải lao

Fertig: hoàn thành, xong việc

Brot: bánh mì

Geld: Tiền

Kasse: Người thu tiền

  • Truyện ngắn của Dương Hương



Thêm bình luận

TIN TỨC - SỰ KIỆN MỚI CẬP NHẬT

QUẢNG CÁO
tapchihuongviet.eu 2020 02 07 um 17.29.59
tapchihuongviet.eu 2019 07 19 um 15.05.46
banner fam right

Hội chợ 'Việt Nam tại Đức' thu hút khách tham quan

Trong khuôn khổ Hội chợ Xuân AFA 2020, Tạp chí Hương Việt tổ chức sự kiện đặc biệt với chủ đề "Việt Nam tại Đức" nhân dịp kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Đức (1975-2020).

tapchihuongviet_treviet_vdKỷ niệm 10 năm hình thành và phát triển của Tạp chí Hương Việt

Kỷ niệm 10 năm hình thành và phát triển của Tạp chí Hương Việt, đồng thời hướng tới 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt - Đức. Tạp chí Hương Việt cùng các Hội đoàn người Việt phía Tây-Nam nước Đức đã tổ chức chương trình Lễ hội văn hoá Việt Nam - Hương Việt 2019.