feed-image

Hãy nhấn „Thích Trang“ để theo dõi tin tức cập nhật của Tạp chí Hương Việt trên trang Facebook của bạn!

BỎ QUA

Op2 1140X206P 1 frame

Phông chữ
Anh đón cô ở sân bay, đưa về nhà nội. Cô nhận ra ngay khi anh toét miệng cười. Trông anh giống hệt bức ảnh bố cô lúc trẻ, giống đến nao lòng. Nhất là nụ cười.  Vừa rạng rỡ như mở toang mọi cảm xúc, vừa buồn buồn, như ẩn giấu một thế giới nội tâm bí ẩn. Bố cô là em út của mẹ anh, vì thế anh em họ cũng khá giống nhau. Tuy nhiên cô có đôi mắt nâu mơ màng và mái tóc dài màu hạt dẻ còn đôi mắt anh lại đen và sâu thẳm. Anh cao lớn hơn bố cô, vóc người thể thao và ăn mặc khá bụi bặm.

Đại gia đình những ba mươi sáu người khiến Quỳnh Hương không tài nào nhớ hết tên. Những ngày đầu cô gọi lầm lung tung, duy chỉ tên anh cô không bao giờ lầm, có lẽ vì anh là người tiếp xúc với cô qua email nhiều nhất ngay từ khi hai người chưa gặp nhau. Thiên Di, cái tên có ý nghĩa thật lãng mạn.  Anh nói mẹ đặt tên này cho anh từ sau khi đọc tác phẩm "Hoàng tử bé" của Saint Exupery.

Tên đẹp như thế, mà mỗi khi nghe khen anh chỉ cười. Cô thắc mắc tại sao anh thường chỉ cười thay cho một câu trả lời, anh nói muốn hiểu sao cũng được . Nhưng, đôi mắt anh lại cứ buồn ngay cả khi cười.

Một lần ngồi trong quán cà phê cô hỏi anh có bị thất tình không mà sao mắt buồn thế. Anh lắc đầu nói chưa yêu ai lấy gì thất tình. Cô không tin nhưng thấy hình như anh nói thật. Ở Augsburg, thanh niên bằng tuổi anh chí ít cũng vài mối tình qua tay… Chẳng phải chính cô cũng đã có Thomas Gesker sao.

Mặc dù ở nhà nội thiếu tiện nghi và có đến 3 thế hệ chung sống nhưng mới bước vào Hương đã thấy thích. Đó là một căn nhà ngói cũ kỹ với vườn cây. Một khu vườn không lộng lẫy đầy màu sắc như vườn nhà ngoại ở Hannover, nhưng xanh thẳm và thơ mộng. Vừa nhìn thấy Quỳnh Hương, bà nội đã ôm cô vào lòng nước mắt rưng rưng: "Cha bố cô, mấy mươi năm mới được nhìn thấy cháu nội !".

Bà nội vừa khóc vừa cười, khoe hai hàm răng đen nhánh: "Cứ tưởng thằng bố mày đợi ông bà mất mới cho cháu về "... Chưa hiểu nhiều tiếng Việt nhưng Quỳnh Hương vẫn cảm nhận được vòng tay ấm áp, đôi mắt sóng sánh yêu thương và một mùi hương đặc biệt từ bà (sau này cô mới biết đó là mùi trầu cau). Cái mùi thật lạ lùng, nồng nàn và thơm cay...

Quỳnh Hương cũng yêu ông nội. Có lẽ bố hao hao ông nội lúc này và sẽ rất giống vào hai mươi năm sau. Dáng thanh mảnh như một chiếc lá trúc, ông nội cũng có vầng trán rộng, lông mày rậm, đôi mắt sâu, sống mũi thanh tú như bố, nhưng mái tóc bạc trắng. Ông nội là người trầm lặng, thích đọc sách.

Ngoài giờ tập thái cực quyền, chăm sóc cây trong vườn, ông đọc sách suốt. Ông nội còn là một thầy đông y giỏi. Tuy đã về hưu ông vẫn tự tay cắt thuốc và châm cứu cho bất cứ người bệnh nào cần ông.

Những ngày ở nhà nội là những ngày tuyệt vời trong đời cô gái tuổi đôi mươi mang hai dòng máu Việt Đức. Cô được nghe những câu chuyện từ thời ông bà còn trẻ ở ngoài Bắc.  Những câu chuyện hoàn toàn lạ lẫm với cuộc sống và nền văn hoá Đức mà cô thụ hưởng từ mẹ và bà ngoại.

Qua việc trò chuyện mỗi ngày với gia đình, cô nhanh chóng nói được tiếng Việt khá thạo chẳng bù gần hai mươi năm học với bố mà cô vẫn ngọng nghịu. Các anh chị dạy cho Hương hát bài dân ca Trống cơm, Qua cầu gió bay… và cả nhạc Trịnh Công Sơn nữa.

Sài Gòn tuy hơi lộn xộn và ồn ào kinh khiếp nhưng tươi trẻ và ngộn sức sống. Cô thích ngồi sau chiếc mô tô của anh, chạy qua từng con phố, qua những con đường nhỏ với hai hàng cây xanh, hoặc ngồi quán cà phê vỉa hè thực tập trò chuyện bằng tiếng Việt với bạn bè của anh và ngắm người qua lại.

Ở đây cô được nhìn, nghe, cảm nhận vô khối vấn đề mà trước kia cô chưa bao giờ được trải qua. Cô thích hoa sen, anh nói đó là một loại cây đặc biệt vì vẻ đẹp thanh khiết và tính năng tuyệt vời trong ẩm thực và y học. Có một lần, anh dừng lại trên phố mua cho cô một bó hoa và mấy gương sen còn nguyên cành.

Anh dạy cô cách tách những hạt sen thơm, bóc vỏ, bỏ nguyên hạt còn đắng vị tim xanh vào miệng. Anh nói, hồi nhỏ ông nội cho anh ăn như thế để bổ tâm (có lẽ nhờ vậy - anh nói - trái tim anh luôn vững vàng trước sự cám dỗ của bọn con gái !?).

Nhân dịp nghỉ hè, gia đình giao cho anh nhiệm vụ đưa Quỳnh Hương đi du lịch xuyên Việt. Gần một tháng lang thang với anh từ Nha Trang ra Đà Nẵng, Hội An, Huế, Hà Nội, rồi từ đó đi qua Hải Dương để về Hạ Long. Chiếc thẻ nhớ 2G trong máy của cô đã đầy hình ảnh và kỷ niệm. Hạ Long, điểm đến cuối trong chuyến đi cũng là ước mơ lớn trong đời cô (ông bà nội là người Hạ Long).

Buổi tối đầu tiên xoải người trên chiếc giường rộng thênh, nhìn xuống vịnh qua lớp kính hình bán nguyệt của căn phòng một khách sạn nằm trên sườn núi; cô đã thấy toàn thân run lên trong một cảm giác hân hoan khó tả.  Vịnh lấp lánh muôn vàn ánh đèn, hoà với bầu trời đầy sao, như một bức tranh nền đen cẩn đá quý lộng lẫy và bí ẩn.

Trong lúc chờ anh gọi đi dùng bữa tối, cô nằm lặng ngắm bức tranh đen lánh, liên tưởng đến màu răng hạt huyền của bà nội với mùi trầu cau cay nồng; liên tưởng đến màu mắt sâu thẳm của ông nội, của ba, của anh... và thiếp ngủ trong cảm giác mệt mỏi lâng lâng kỳ lạ...

Một tuần lang thang qua những hòn đảo, hang động, bãi biển... Một tuần ăn, ngủ, thở, vui đùa, tắm biển với mênh mông vịnh, với nồng nàn biển và anh tưởng chừng Quỳnh Hương đã quên hết thế gian, quên hết thành phố Augsburg với Thomas Gesker nhạt nhẽo và con phố Mittell buồn tênh.

Cô đã quên ngôi nhà đầy hoa rực rỡ của bà ngoại, khu rừng cạnh nhà, hai con berger dữ tợn như ác thần của ông hàng xóm; quên Sandra, Petra, những quán bar thường đến với Thomas và quên cả bố mẹ! Khi đứng trên bãi cát trắng phau của đảo Titop nhìn ra hàng hàng lớp lớp đảo mẹ, đảo con trong màn sương mờ mờ trên vịnh, cô đã khoái trá nhảy tung lên cao và hét: "Tôi đã đến thiên đường !". Anh đứng sau lưng, đưa máy lên bấm đúng điểm hai tay cô dang ra như một cánh chim giữa trời.

Lúc dùng bữa trưa trên tàu, anh hỏi: "Bao giờ em quay về Đức?". Cô quay lại, nhìn anh một lúc… "Đã đến được thiên đường, sao lại phải quay về ?!"… Cô nói, sẽ ở lại Việt Nam, tìm một việc làm thích hợp rồi… cưới anh ! Anh bật ngửa người trên ghế bố, gối hai bàn tay sau đầu ngước mặt nhìn cô qua màu kính đen và cười !

- "Sao lại cười ?" Cô ngạc nhiên vì nghĩ mình nói thật, rất thật, sao anh lại cười?... Anh vẫn không trả lời, chỉ ngồi dậy lắc đầu cười và xoa đầu cô, như cô là một đứa trẻ chỉ biết nói những điều giản dị. Cô cắn môi, hờn dỗi quay đi.

Quỳnh Hương đem những ý nghĩ trăn trở trong lòng mình nói với mẹ anh khi quay về Sài Gòn. Bác đang bổ dưa hấu bỗng buông dao nhìn cô… bật cười. Lại cười.  Cô hơi bực mình, cảm thấy như bị giễu cợt một cách vô lý.  Bác hỏi: "Sao cháu lại nghĩ như thế? Anh Di với cháu là anh em họ, mà anh em họ thì không được cưới nhau bao giờ !". Cô nhăn mũi, cãi rằng ở bên châu Âu có một số nước vẫn cho phép họ hàng lấy nhau.

Bác ôm cô vào lòng, xoa đầu và dịu dàng nói: "Đạo đức của người Việt Nam không cho phép điều đó cháu ạ. Bác biết là cháu thích anh. Nhưng chỉ là tình cảm anh em thôi, cháu đừng nghĩ ngợi nhiều. Khi về lại nước Đức, cháu sẽ thấy mọi điều trở lại bình thường như cũ”...

Rời khỏi tay bác, Quỳnh Hương ngồi lặng thinh, cô bỗng thấy buồn ghê gớm. Buổi tối hôm ấy, cô lấy xe đạp một mình đi ra phố. Mãi nửa đêm anh mới tìm thấy cô trong một quán cà phê quen. Cô ngồi một mình trong góc tối với ly rượu và điếu thuốc cháy đỏ trong tay. Anh kéo ghế ngồi đối mặt, đưa tay chặn điếu thuốc cô đang cầm dí vào gạt tàn. Cô im lặng không phản đối nhưng cũng không nói một lời với anh cho đến lúc cả hai quay về nhà.

Buổi sáng hôm sau, mọi điều gần như trở lại bình thường. Anh lại đưa cô đi chào họ hàng, đi ăn uống với những người bạn của anh và mua sắm trước khi trở lại Đức. Anh đã tặng cô một bộ áo dài và đôi hài thêu rất đẹp. Anh nói để Quỳnh Hương mặc trong ngày lấy chồng. Cô cắn môi : "Không lấy chồng !". Anh nhìn cô, lắc đầu cười. Cái miệng luôn cười nhưng đôi mắt luôn buồn của anh một lần nữa làm cô nhói lòng.

Cô quay đi, nắm tay anh bước hoà vào dòng người đông đúc chung quanh. Suốt ngày hôm ấy, cô cười nói huyên thuyên, hết đòi đi ăn các món ngon, lại quay sang vòi vĩnh anh mua cho đủ thứ về làm quà cho bạn bè.

Buổi tối tiễn cô ra sân bay về Đức gia đình cùng ngồi xe 16 chỗ, riêng cô nhất định đòi anh chở bằng mô tô. Ngày có áp thấp nên trời se lạnh, cô vòng tay ôm eo anh như mọi lần. Cô ngả đầu vào vai anh, nín thinh, mái tóc dài xổ tung theo gió, luồn vào cổ anh buồn buồn. Tự nhiên anh thấy nhói lòng, muốn dỗ dành cô vài câu, nhưng rồi lại thôi... chỉ đặt tay lên bàn tay của cô xiết nhẹ.

Đến giờ vào phòng cách ly cả nhà nói lời từ biệt, mỗi người một câu khiến Quỳnh Hương nghẹn ngào. Đến  anh là người cuối cùng. Cô vòng tay ôm anh, cố nén cảm xúc và chẳng nói một lời. Khi anh vỗ nhẹ lên vai, cô như sực tỉnh, lùi ra, hôn lên má anh một cái rồi quay người đẩy xe hành lý.

Đến ngang khung cửa, ranh giới để vào phòng cách ly cô mới ngoái đầu nhìn lại. Cái dáng thanh mảnh khi ấy trông thật lẻ loi và cô độc. Hai hàng nước mắt lăn dài trên má, cô đưa tay vẫy chào...

Cuối cùng Quỳnh Hương cũng làm xong thủ tục, lên cầu thang, vẫy tay lần cuối rồi khuất bóng sau lớp kiếng mờ. Gia đình đã lên xe về. Chỉ còn lại mình anh vẫn đứng lặng bên hàng rào ngăn cách, hai mắt cay sè.

Truyện ngắn của Vũ Thiên Xứng


Bình luận   

0 #1 Nguyển thanh Hải 41:04 16-02-2012
Đây là 1 câu chuyện mà mình gần như đồng cảm với lại 2 nhân vật kể trên, mình và cô em họ đang sống tại mỷ cùng ở tình trạng này, cô ấy đc sinh ra tại mỷ, và cho đến khi mình đc du học sang mỷ. Văn Hóa người việt ko cho anh em họ cưới nhau rất ngang trái và đâu buồn
Trích dẫn

Thêm bình luận

TIN TỨC - SỰ KIỆN MỚI CẬP NHẬT

QUẢNG CÁO
tapchihuongviet.eu 2020 02 07 um 17.29.59
tapchihuongviet.eu 2019 07 19 um 15.05.46
banner fam right

Hội chợ 'Việt Nam tại Đức' thu hút khách tham quan

Trong khuôn khổ Hội chợ Xuân AFA 2020, Tạp chí Hương Việt tổ chức sự kiện đặc biệt với chủ đề "Việt Nam tại Đức" nhân dịp kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Đức (1975-2020).

tapchihuongviet_treviet_vdKỷ niệm 10 năm hình thành và phát triển của Tạp chí Hương Việt

Kỷ niệm 10 năm hình thành và phát triển của Tạp chí Hương Việt, đồng thời hướng tới 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt - Đức. Tạp chí Hương Việt cùng các Hội đoàn người Việt phía Tây-Nam nước Đức đã tổ chức chương trình Lễ hội văn hoá Việt Nam - Hương Việt 2019.