feed-image

Hãy nhấn „Thích Trang“ để theo dõi tin tức cập nhật của Tạp chí Hương Việt trên trang Facebook của bạn!

BỎ QUA

Op2 1140X206P 1 frame

Phông chữ

Tôi đọc “Ba phút sự thật” của Phùng Quán vào cuối năm 2006. Hôm nay tự dưng tôi lại nhớ đến ông, nghĩ về ông. Ai đó nói: Người ta chỉ thực sự chết khi không còn sống trong lòng người khác. Phùng Quán, tên ông sẽ còn mãi. Một con người vượt lên khổ đau để được sống an nhiên, tự tại. Để được chết trong sự yêu thương, tôn kính của tất cả mọi người. Ông không chết. Ông mãi là tấm gương cho thế hệ trẻ hôm nay về lòng yêu nước.

Đọc “Ba phút sự thật” tôi đã khóc. Đọc “ba phút sự thật” mới thấy ông giản dị, chính trực và yêu thương đồng loại biết nhường nào. 

Đọc “Ba phút sự thật” lại nhớ đến các nhà văn nhà thơ có tên tuổi, đến một ngày mắt mờ chân chậm, trước lúc trở về với cát bụi đã phải thốt lên lời sám hối. Dẫu muộn còn hơn không: “Đi tìm cái tôi đã mất” hay “Sau này ai đọc thơ tôi nên nhớ/ Những chữ cần đưa vào thơ tôi đã giết rồi...”vv...

Đọc “Ba phút sự thật” tôi kính trọng và thương yêu ông vô cùng. Hai tuổi đã phải mồ côi cha, 14 tuổi trở thành anh Vệ quốc quân. Đó là “Tuổi thơ dữ dội” trong cuộc đời Phùng Quán. Cả đời văn, ông chịu nhiều oan khuất. Nói đến ông, người ta có thể gói gọn bằng mấy chữ: “cá trộm, rượu chịu, văn chui”. Nhưng nhân cách Phùng Quán, tâm hồn Phùng Quán thấm đãm tình yêu con người. Dám nói, dám làm vì sự thật, vì nhân nghĩa.

Phùng Quán sống trong lòng dân, cảm thông với nỗi khổ của nhân dân. Chính vì thế ông đã chống tham nhũng bằng những vần thơ mạnh mẽ nhất. Bài thơ ông viết từ năm 1956, vậy mà hôm nay, những vần thơ ấy vẫn còn tươi mới và để cho chúng ta nhiều suy ngẫm, khi nạn tham nhũng tràn lan đang làm giảm lòng tin của nhân dân, là “Quốc nạn” là “sự mất còn của chế độ”:

“Còn bao tên chưa ai biết ai hay?

Lớn, bé, nhỏ, to, cao, thấp, béo, gầy…

Chúng nảy nòi sinh sôi như dòi bọ

Khắp đất nước đâu đâu chẳng có!”.

Đến một ngày Đảng muốn phê bình tất cả

E phải nghìn số báo Nhân dân!.”

(Bài thơ Chống tham ô lãng phí”
Phùng Quán -một bài học làm người cho thế hệ hôm nay: 

Yêu ai cứ bảo là yêu
Ghét ai cứ bảo là ghét.
Dù ai ngon ngọt nuông chiều
Cũng không nói yêu thành ghét.
Dù ai cầm dao dọa giết
Cũng không nói ghét thành yêu.

(Bài thơ Lời mẹ dặn)
“Có phút ngã lòng/Tôi vịn câu thơ mà đứng dậy”. Đó chính là Phùng Quán!
Tôi, kẻ hậu sinh chỉ mong học được ở ông: Nói thật, viết thật, sống thật. Đừng bao giờ biến mình thành “văn nô”.

Ông nói với người cầm bút rằng:

“Người làm xiếc đi dây rất khó
Nhưng chưa khó bằng làm nhà văn
Đi trọn đời trên con đường chân thật.”
Tôi bắt đầu thấy chán những thứ văn chương đọc lên “chẳng để làm gì”, những thứ vô bổ, không mất lòng ai, anh anh em em, nhớ nhung, buồn bã, khóc lóc,...không để lại cho người đọc một nỗi niềm chia sẻ, cảm thông.

Tôi sợ những lời tung hô, nhưng lại ngoảnh mặt, thờ ơ với những gì đang diễn ra trong đời sống thực tại.

Đã có biết bao nhiêu diễn đàn nói về lòng yêu nước, nói về lý tưởng của thanh niên. Nhưng khi người dân biểu thị lòng yêu nước thì những vị đó không thấy lên tiếng.

Lúc này, nhiều người đang sợ sự thật. Nhiều người đang tránh xa sự thật.

Xin nói những lời chân thật nhất để không bao giờ ta phải sám hối. 
Tôi không muốn kể ra đây tiểu sử và những trang văn của ông. Tôi chỉ muốn nói rằng, cuộc đời Phùng Quán sẽ mãi là một bài học sống động cho những người dân yêu nước về nhân cách làm người. Nhân cách người chiến sỹ. Nhân cách nhà văn, kể cả những lúc cùng cực, cay đắng nhất. 
Xin gửi tới những người yêu Tổ quốc bài thơ Lời mẹ dặn của Nhà văn Phùng Quán!
 

Lời mẹ dặn.. 
Phùng Quán  
 

Tôi mồ côi cha năm hai tuổi
Mẹ tôi thương con không lấy chồng
Trồng dâu, nuôi tằm, dệt vải
Nuôi tôi đến ngày lớn khôn.

Hai mươi năm qua tôi vẫn nhớ
Ngày ấy tôi mới lên năm
Có lần tôi nói dối mẹ
Hôm sau tưởng phải ăn đòn.
Nhưng không, mẹ tôi chỉ buồn
Ôm tôi hôn lên mái tóc
- Con ơi!
trước khi nhắm mắt
Cha con dặn con suốt đời
Phải làm một người chân thật.

- Mẹ ơi, chân thật là  gì ?
Mẹ tôi hôn lên đôi mắt
- Con ơi một người chân thật
Thấy vui muốn cười cứ cười
Thấy buồn muốn khóc là khóc.

Yêu ai cứ bảo là yêu
Ghét ai cứ bảo là ghét.
Dù ai ngon ngọt nuông chiều
Cũng không nói yêu thành ghét.
Dù ai cầm dao dọa giết
Cũng không nói ghét thành yêu.

Từ ấy người lớn hỏi tôi :
- Bé ơi, bé yêu ai nhất ?
Nhớ lời mẹ tôi trả lời :
- Bé yêu những người chân thật.

Người lớn nhìn tôi không tin
Cho tôi là con vẹt nhỏ
Nhưng không ! Những lời dặn đó
Như trang giấy trắng tuyệt vời,
In lên vết son đỏ chói.

Năm nay tôi hai mươi lăm tuổi
Đứa bé mồ côi thành nhà văn
Những lời mẹ dặn thủa lên năm
Vẫn nguyên vẹn mầu son chói đỏ.

Người làm xiếc đi dây rất khó
Nhưng chưa khó bằng làm nhà văn
Đi trọn đời trên con đường chân thật.

Yêu ai cứ bảo là yêu
Ghét ai cứ bảo là ghét.
Dù ai ngon ngọt nuông chiều
Cũng không nói yêu thành ghét.
Dù ai cầm dao dọa giết
Cũng không nói ghét thành yêu.

Tôi muốn làm nhà văn chân thật
Chân thật trọn đời
Đường mật công danh không làm ngọt được lưỡi tôi
Sét nổ trên đầu không xô tôi ngã
Bút giấy tôi ai cướp giật đi
Tôi sẽ dùng dao viết văn lên đá. 

(1957)

  • Nhà thơ Quốc Toản
    Hội viên Hội Nhà văn Hà Nội.


Thêm bình luận

TIN TỨC - SỰ KIỆN MỚI CẬP NHẬT

QUẢNG CÁO
tapchihuongviet.eu 2020 02 07 um 17.29.59
tapchihuongviet.eu 2019 07 19 um 15.05.46
banner fam right

Hội chợ 'Việt Nam tại Đức' thu hút khách tham quan

Trong khuôn khổ Hội chợ Xuân AFA 2020, Tạp chí Hương Việt tổ chức sự kiện đặc biệt với chủ đề "Việt Nam tại Đức" nhân dịp kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Đức (1975-2020).

tapchihuongviet_treviet_vdKỷ niệm 10 năm hình thành và phát triển của Tạp chí Hương Việt

Kỷ niệm 10 năm hình thành và phát triển của Tạp chí Hương Việt, đồng thời hướng tới 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt - Đức. Tạp chí Hương Việt cùng các Hội đoàn người Việt phía Tây-Nam nước Đức đã tổ chức chương trình Lễ hội văn hoá Việt Nam - Hương Việt 2019.