feed-image

Hãy nhấn „Thích Trang“ để theo dõi tin tức cập nhật của Tạp chí Hương Việt trên trang Facebook của bạn!

BỎ QUA

Op2 1140X206P 1 frame

Phông chữ

Trước sức ép của báo chí và dư luận cáo buộc phạm tội tham nhũng, Tổng thống Đức Christian Wulff đã từ chức hôm thứ sáu ngày 17/2. Chỉ trong vòng hai năm, ông Wulff  trở thành vị tổng thống thứ hai trong lịch sử Đức phải đệ đơn xin từ chức.

Sự ra đi của ông Wulff vào đúng lúc này khiến Thủ tướng Merkel phải tìm cho được một ứng cử viên thay thế trong khi cái nhìn của đảng đối lập và của công luận đã trở nên xét nét hơn đối với cách "dùng người" của bà. Phát biểu trong cuộc họp báo chung tối 19/2 với chủ tịch các đảng CSU, FDP, SPD, đảng Xanh, Thủ tướng Đức Angela Merkel, chủ tịch đảng Liên minh dân chủ Thiên Chúa giáo (CDU) cho biết các đảng trên đã nhất trí đề cử ông Joachim Gauck, một nhà thần học từ CHDC Đức (cũ), làm ứng cử viên cho vị trí Tổng thống Đức.

Tổng thống Christian Wulff năm nay 52 tuổi, là một chính trị gia bảo thủ người Đức của đảng Liên minh Dân chủ Thiên Chúa giáo. Ông thắng cử tổng thống Đức vào ngày 30/6/2010, và đã nhậm chức vào ngày 2/7/2010. Ông  từng là một luật gia, thống đốc của bang Hạ Sachsen từ năm 2003 đến 2010. Trước khi trở thành Tổng thống, ông Wulff từng là Phó chủ tịch của CDU và là một đồng minh của bà Merkel.

Năm 2010, ông Wulff đã được đích thân Thủ tướng Merkel cất nhắc lên thay thế vị trí của Tổng thống tiền nhiệm Horst Köhler sau khi ông này bất ngờ từ chức do bị chỉ trích bởi những phát ngôn có liên quan đến cuộc chiến ở Afghanistan. Ông Wulff đã giành chiến thắng trong một cuộc bầu cử đặc biệt diễn ra ngày 30/6/2010. Tuy nhiên, như một điềm báo, nhiệm kỳ của ông Wulff đã gặp sóng gió ngay từ đầu, khi một số thành viên liên minh cầm quyền công khai từ chối bỏ phiếu cho ông. Và phải đến vòng bầu cử thứ ba, ông Wulff mới giành chiến thắng. Nhưng ngày vinh quang ngắn chẳng tày gang….

Vải thưa che mắt truyền thông

Chính các mối quan hệ đặc biệt của vị tổng thống 52 tuổi này với những doanh nhân giàu có để hưởng những khoản ưu đãi hậu hĩnh đã  trở thành tâm điểm chú ý của công luận. Như việc ông nhận khoản vay 500.000 euro từ một người bạn để mua nhà riêng đã bị tờ báo danh tiếng Bild của Đức lôi ra chỉ trích với bài viết cho rằng,  ông Wulff đã nhận được khoản vay nửa triệu euro với lãi suất thấp vào tháng 10/2008 khi ông còn là thống đốc bang Hạ Sachsen.

Nhưng sai lầm lớn của ông Wulff là ở vị trí của một nhà lãnh đạo cao cấp nhất trong bộ máy của một tiểu bang, ông đã tìm cách ngăn tờ Bild không cho đăng bài về vụ việc này. Khi không thể liên lạc với Tổng biên tập Kai Diekmann của tờ báo, ngài Tổng thống tương lai đã để lại một tin nhắn vào số điện thoại chủ chủ bút tờ Bild, yêu cầu không được đăng bài nếu báo không muốn lãnh "hậu quả". Ông Wulff còn liên lạc với Chủ tịch hãng xuất bản của tờ Bild là Matthias Döpfner để gây sức ép khiến Bild phải rút lại bài báo nhưng Döpfner đã từ chối.

Nghị viện tiểu bang khi đó đã chất vấn ông Wulff về quan hệ làm ăn với doanh nhân Egon Geerkens. Ông chối bay biến là không có quan hệ gì và đương nhiên không hề nhắc đến chuyện ông vay tiền từ phu nhân Geerkens. Hành vi "ăn vụng không biết chùi mép" này đã khiến cho dư luận và báo chí Đức không ngừng tấn công vào các giao dịch cá nhân của ông Wulff.

Tổng thống Christian Wulff và Thủ tướng Angela Merkel.

Tiếp đó, ông Wulff còn bị chỉ trích vì việc nhận các vé máy bay hạng sang trong các chuyến bay nghỉ dưỡng dành cho ông và gia đình, cũng như đi nghỉ mát miễn phí trong các biệt thự của các ông chủ thuộc giới thương nhân giàu có. Trong khi các phương tiện truyền thông tiếp tục moi móc những "hoạt động giao lưu" của ông Wulff, các công tố viên ở Hanover, thủ phủ của bang Hạ Sachsen, nơi ông Wulff từng làm thống đốc bang đã yêu cầu Quốc hội tước quyền miễn trừ truy tố của ông Wulff để có thể tiến hành điều tra các nghi vấn về việc ông Wulff đã lạm dụng quyền lực để tư lợi.

Các công tố viên cũng đang tiến hành điều tra xem có nghi vấn gì đối với khoản thanh toán do doanh nhân, nhà làm phim David Gronewold trả cho kì nghỉ dưỡng của ông Wulff và vợ ở đảo Sylt năm 2007 hay không. Trong lúc đó, Chủ tịch Cơ quan giám sát tài chính thuộc Bộ Tài chính Đức Bafin Jochen Sanio đang xem xét lại xem ông Wulff có vi phạm quy định về thị trường vốn sau sự việc Hãng sản xuất ôtô hạng sang Porsche SE thất bại trong gói thầu chiếm Volkswagen AG (cũng là một thương hiệu trong làng sản xuất ôtô của Đức) hay không. Có thể ông Wulff đã biết trước từ tháng 2/2008 rằng Porsche đang lên kế hoạch cho gói thầu. Ở thời điểm đó, Thống đốc Chrisstian Wulff lại đang là Chủ tịch của Volkswagen tại bang Hạ Sachsen và là thành viên trong ban giám sát sản xuất ôtô.

Trước sức ép từ công chúng, Tổng thống Christian Wulff buộc phải ra đi với một tâm thế đầy  hổ thẹn sau khi thất bại trong việc ngăn chặn giới truyền thông tiến hành điều tra các hoạt động chính trị của mình. Trong một phát biểu rất ngắn chỉ diễn ra chưa đầy 5 phút tại dinh thự Bellevue ở Berlin, ông Wulff thừa nhận rằng, ông đã đánh mất lòng tin của người Đức dành cho mình, vì vậy ông không thể tiếp tục giữ trọng trách này. Việc ông ra đi cũng là để mở đường cho người kế nhiệm mới. Tổng thống Đức, như có vẻ muốn vớt vát chút danh dự, đã không quên nhấn mạnh rằng, ông đã "luôn hành động cho xã hội và luôn làm đúng với quy định của luật pháp". Những ngôn từ này hoàn toàn mâu thuẫn với phần kết của bài diễn văn khi ông thừa nhận thừa nhận: “Đã mắc sai lầm nghiêm trọng”.

Đây là lần đầu tiên một nguyên thủ quốc gia bị tước quyền miễn trừ  truy tố trong lịch sử chính trị Đức. Báo chí Đức cũng cho hay rằng vụ bê bối là chưa từng có tiền lệ ở nước Đức thời hậu chiến.

Tổng thống Christian Wulff (giữa) cắt băng khánh thành dây chuyền lắp ráp mới của hãng ôtô Volkswagen.

Cha đỡ đầu của 77.000 đứa trẻ

Trên thực tế, Tổng thống của Đức có ít thực quyền, vai trò chỉ mang tính chất nghi thức là chủ yếu, nhưng được xem là hình mẫu của uy tín và đạo đức cho xã hội.

Tổng thống Đức luôn giữ vai trò chủ trì các lễ kỷ niệm, các buổi tiệc chiêu đãi tại cung điện Bellevue và những sứ mệnh kỳ quặc như việc trở thành cha đỡ đầu của mọi đứa con thứ bảy của bất kỳ người phụ nữ Đức nào. Do điều luật này được thực thi từ năm 1949, đến nay có 77.000 đứa trẻ sinh ra là con thứ bảy và đã vinh dự được Tổng thống Đức nhận làm cha đỡ đầu. Hiện tại, mỗi đứa trẻ đều nhận được 500 euro như một món quà. Tổng thống còn mừng thọ những người cao tuổi Đức và người nước ngoài sống tại Đức có tuổi thọ 100 và kể cả những sinh nhật sau đó. Tuy vậy danh hiệu tổng thống không hẳn chỉ là một chức danh hão.

Với vị thế là người đứng đầu đất nước, tổng thống có trách nhiệm thực hiện những vai trò quan trọng quy định trong hiến pháp. Tổng thống Đức có thể đề cử những ứng viên mới cho thủ tướng hoặc giải tán  bộ phận lập pháp nhưng chủ yếu nhiệm vụ của tổng thống là trở thành một lãnh đạo cao cấp, là tấm gương mẫu mực, hội tụ đầy đủ đạo đức và nhân cách, là đại diện cho nhân dân Đức cả trong nước và quốc tế. Có lẽ vì những tiêu chí này mà bản thân Tổng thống Christian Wulff đã không thể tránh khỏi chỉ trích của báo chí và những ngày trên đỉnh cao của ông đã phải sớm kết thúc.

Bà Merkel đau đầu chuyện trong, ngoài nước

Cuộc thoái vị của ông Wulff là một chiến thắng lẫy lừng cho quan điểm tự do báo chí nhưng lại là thất bại cho bà Merkel, người đã cương quyết chỉ định ông Wulff vào vị trí này.

Trong khi đang phải vật lộn với cuộc khủng hoảng nợ công ở châu Âu, sự kiện này vừa là một nỗi xấu hổ, vừa là bước lùi đối với bà Merkel. Giáo sư chính trị Gerd Langguth của Trường đại học Bonn đã cho biết, quyết định ra đi của ông Wulff được coi như một sự thất bại lớn của bà Merkel. Bà Merkel đã phải đấu tranh rất nhiều để ông Wulff, người đồng minh trong đảng CDU của bà được bổ nhiệm làm tổng thống. Tin dữ này đã làm tổn hại đến danh tiếng của bà Merkel và ít nhiều khiến bà xao lãng trong khi đang phải đối đầu với cơn khủng hoảng ở châu Âu.

Bà Merkel đã phải hủy bỏ chuyến bay đến gặp thủ tướng Italia Mario Monti để bàn về cuộc khủng hoảng ở châu Âu khi biết sự việc của Tổng thống Wulff. Bà Merkel cho biết bà sẽ tham luận với các lãnh đạo của đảng đối lập về vấn đề này trong những ngày sắp tới nhằm tìm ra cho được một người kế nhiệm để thay thế vị trí của ông Wulff trong Hội nghị thượng đỉnh sắp diễn ra trong vòng 30 ngày nữa.

Hiện tại, dư luận đang đặt ra câu hỏi về cách nhìn người của bà và dấy lên nhiều luồng quan điểm đầy bi quan và hoài nghi ở nước Đức về khả năng chèo chống cơn khủng hoảng châu Âu của bà Thủ tướng. Một cuộc trưng cầu dân ý được tiến hành bởi Đài Truyền hình quốc gia ARD vào đầu tháng 2 vừa qua đã cho thấy 85% người Đức được hỏi nghĩ rằng bà Merkel là một đại diện xuất sắc cho đất nước họ trên trường quốc tế. Tuy nhiên, chỉ có 42% hài lòng với chính phủ liên minh của bà, và 16% cho rằng ông Wulff đã nói thật.

Báo chí Đức hiện đang đả kích ông Wulff từng ngày, thậm chí họ còn nghĩ ra một động từ mới mang tên ông là "Wulffen" hoặc "to Wulff" để ám chỉ việc lẩn tránh, thoái thác mà không cần phải nói dối. Bà Merkel cho biết bà chấp nhận việc ông Wulff từ chức "với sự tôn trọng và cả tiếc nuối".

Ngay sau thông báo từ chức, trong một tuyên bố ngắn gọn, bà Merkel nói: "Dù sao ông ấy cũng đã cống hiến hết mình vì lợi ích của nước Đức", tuy nhiên việc các đảng chính trị Đức cần phải làm lúc này là nhất trí bầu ra ứng cử viên tổng thống mới. Dự kiến, ông Joachim Gauck (72 tuổi) sẽ được đại đa số đại biểu Hội đồng liên bang (thượng viện) bầu làm tổng thống mới của Cộng hòa Liên bang Đức chậm nhất vào ngày 18/3 tới.

Được biết, năm 2010, ông Joachim Gauck đã được SPD và đảng Xanh đề cử vào chức tổng thống Đức, nhưng thất bại trước ông Wulff trong vòng bỏ phiếu thứ ba.

Mặc dù bị thất bại trong cuộc bầu chọn tại Hội đồng liên bang, nhưng ông Gauck vẫn giành được sự ủng hộ của cử tri. Theo thăm dò dư luận, có tới 2/3 cử tri Đức ủng hộ ông Gauck làm tổng thống Đức.

  •   Hoàng Cúc - Phương Khanh (CAND tổng hợp)


Thêm bình luận

TIN TỨC - SỰ KIỆN MỚI CẬP NHẬT

QUẢNG CÁO
tapchihuongviet.eu 2020 02 07 um 17.29.59
tapchihuongviet.eu 2019 07 19 um 15.05.46
banner fam right

Hội chợ 'Việt Nam tại Đức' thu hút khách tham quan

Trong khuôn khổ Hội chợ Xuân AFA 2020, Tạp chí Hương Việt tổ chức sự kiện đặc biệt với chủ đề "Việt Nam tại Đức" nhân dịp kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Đức (1975-2020).

tapchihuongviet_treviet_vdKỷ niệm 10 năm hình thành và phát triển của Tạp chí Hương Việt

Kỷ niệm 10 năm hình thành và phát triển của Tạp chí Hương Việt, đồng thời hướng tới 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt - Đức. Tạp chí Hương Việt cùng các Hội đoàn người Việt phía Tây-Nam nước Đức đã tổ chức chương trình Lễ hội văn hoá Việt Nam - Hương Việt 2019.