feed-image

Hãy nhấn „Thích Trang“ để theo dõi tin tức cập nhật của Tạp chí Hương Việt trên trang Facebook của bạn!

BỎ QUA

Op2 1140X206P 1 frame

Phông chữ

Tầng lớp trung lưu và giàu có ở Đức thường sống ẩn mình và không muốn thu hút sự chú ý. Tuy nhiên, thế hệ thừa kế ở nước này gần đây đã tham gia vào tranh luận chính trị nhiều hơn.

Mùa hè năm nay, trong khi đại dịch Covid-19 khiến nền kinh tế lớn nhất châu Âu gần như đi vào bế tắc, giới siêu giàu thường sống ẩn dật của Đức đã trở thành tâm điểm chú ý.

Dietmar Hopp, người đồng sáng lập 80 tuổi của tập đoàn phần mềm khổng lồ SAP, vướng vào tranh cãi với Nhà Trắng của Tổng thống Donald Trump về việc cung cấp vaccine Covid-19 được CureVac - công ty công nghệ sinh học do ông sở hữu phần lớn - phát triển.


Dietmar Hopp, người đồng sáng lập SAP và là ông chủ của câu lạc bộ bóng đá Hoffenheim. Ảnh: Reuters.


Trong khi đó, Clemens Tönnies, người được gọi là “nam tước thịt bò” và sở hữu nhà máy sản xuất thịt lớn nhất châu Âu, bỗng được chú ý khi 1.300 nhân viên của ông nhiễm Covid-19. Dịch bệnh hoành hành khắp các lò mổ của ông ở Gütersloh, gây ra các cuộc tranh luận trên toàn quốc về điều kiện làm việc trong ngành.

Đột nhiên, hố sâu ngăn cách giữa người giàu Đức - những người thường cố gắng che giấu sự thịnh vượng - và tầng lớp trung lưu nghèo hơn trở thành tiêu điểm, giống như đại dịch đã đặt ra câu hỏi về vấn đề bất bình đẳng.

Một nghiên cứu công bố vào tháng 7 cho thấy tài sản tích lũy của những người giàu Đức thậm chí còn cao hơn ước tính. Điều này khiến người dân kêu gọi đánh thuế người giàu cao hơn để giúp chi trả cho cuộc khủng hoảng Covid-19.

“Người giàu đang cảm thấy bất an bởi xã hội và đặc biệt là giới truyền thông”, Christian Freiherr von Bechtolsheim, nhà quản lý tài sản tại Frankfurt, nói với Financial Times.

Giàu có và kín tiếng

Rất ít người giàu ở Đức muốn được chú ý như Tönnies và Hopp. Trái ngược với một số tỷ phú Mỹ, Anh và Pháp, hầu hết tỷ phú Đức tuân theo các quy tắc sống kín đáo của gia đình.

Song, thế giới của người giàu Đức đang thay đổi. Nhiều người điều hành công ty gia đình - phần lớn là nam giới và thành lập công ty sau năm 1945 - đang chuẩn bị chuyển giao sản nghiệp cho con cháu khi họ nghỉ hưu hoặc qua đời. “Erbengeneration” (hay thế hệ thừa kế) đa dạng hơn. Họ ít bị cản trở bởi bóng tối và hậu quả của chiến tranh. Họ được tự do lựa chọn con đường của riêng mình.

Thế hệ này thường được đào tạo ở nước ngoài. Ngày càng nhiều người trong số đó nhận thức rằng họ có số tài sản mà họ không tự làm ra. Một số ít “cậu ấm, cô chiêu” này thường xuất hiện trên truyền thông. Một số người khác muốn bỏ tiền vào mục đích tiến bộ, ngay cả khi phải từ bỏ lối sống giàu sang. Nhìn chung, nhiều người trong thế hệ thừa kế vẫn đề cao việc sống kín đáo như bố mẹ họ.

Tuy nhiên, trong thời đại kỹ thuật số, ngày càng khó tránh khỏi sự chú ý. Một số triệu phú và tỷ phú trẻ của Đức đang lên tiếng nhiều hơn và tham gia vào các cuộc tranh luận chính trị. Trong số đó có Christina Hansen, cháu gái của một ông trùm kỹ thuật cơ khí và Antonis Schwarz, người thừa kế công ty dược phẩm. Hai người này ủng hộ tăng thuế để chi trả cho cuộc khủng hoảng Covid-19.

Clemens Tönnies xuất hiện khắp các mặt báo sau khi Covid-19 bùng phát tại các lò mổ của ông. Ảnh: Alamy.


"Những người thực sự có tiền không đóng góp đủ cho xã hội", Schwarz nói.

Đức có 107 tỷ phú - con số lớn thứ ba sau Mỹ và Trung Quốc. Số tỷ phú ở Đức vượt xa Anh (45 người) hay Pháp (39 người), theo Forbes. Không như Anh và Pháp, nơi người giàu tập trung ở thủ đô, người giàu Đức trải rộng khắp các thành phố, thị trấn và thậm chí cả các cơ sở gia đình nông thôn. Họ ít bỏ tiền vào đất đai hoặc các công cụ tài chính mà thường tập trung vào các doanh nghiệp gia đình, phần lớn trong lĩnh vực sản xuất.

Vì các công ty này chủ yếu thuộc tư nhân và không giao dịch cổ phiếu công khai nên giá trị hiếm khi được tiết lộ. Tuy nhiên, nghiên cứu của viện kinh tế DIW tại Berlin đã chỉ ra những gia đình như vậy thậm chí còn giàu hơn so với ước tính trước đó.

Sự tận tâm với doanh nghiệp gia đình đã ăn sâu vào suy nghĩ của một quốc gia mà ngành công nghiệp chiếm 24% GDP, trong khi ở Mỹ, Pháp và Anh, con số này là 10-12%. Củng cố đặc điểm này là bộ luật thừa kế đưa ra các khoản miễn trừ lớn cho những người không bán mà gắn bó với công việc kinh doanh của gia đình và duy trì việc làm cho công nhân.

Tuy nhiên, giới siêu giàu ở Đức thực sự cố gắng không thể hiện sự giàu có của họ.

Nhà Leibingers, một gia đình theo giáo hội Luther sở hữu công ty sản xuất máy công nghiệp Trumpf với doanh thu 4 tỷ euro (4,7 tỉ USD) mỗi năm, cấm thành viên trong gia đình mua sắm xe sang và những thú vui hào nhoáng như cưỡi ngựa hoặc chơi golf.

Nicola Leibinger-Kammüller, Chủ tịch Hội đồng quản trị của tập đoàn Trumpf. Ảnh: Cira Moro.

Với một số người, đó còn là vì vấn đề an ninh sau hàng loạt vụ bắt cóc vào những năm 1970. Susanne Klatten, một trong những người thừa kế của gia tộc Quandt - gia tộc sở hữu khoảng 35% cổ phần của BMW - thường giấu danh tính sau khi suýt bị bắt cóc lúc còn nhỏ. Năm 2002, vụ bắt cóc và sát hại Jakob von Metzler, 11 tuổi - bé trai của một gia tộc ngành ngân hàng - đã khiến người giàu phải rùng mình.

Tuy nhiên, không phải lúc nào ẩn mình cũng giúp người giàu Đức tránh khỏi những vấn đề khó chịu. Các chính trị gia thiên tả thường bóng gió rằng giới thượng lưu cố tình che giấu sự sang trọng của họ để tránh bị tăng thuế.

Những người thừa kế khác biệt

Thế hệ thừa kế tiếp theo có thể đa dạng về bản sắc hơn. Một số người không nao núng thể hiện họ là nhà tư bản, chẳng hạn như Verena Bahlsen, 27 tuổi, thành viên gia tộc chuyên làm bánh quy ở Hamburg. Cô thông báo ý định mua du thuyền và xem nhẹ việc sử dụng lao động cưỡng bức của doanh nghiệp trong Thế chiến 2. Cô nói việc đó xảy ra “trước thời đại của tôi” và “chúng tôi đã đối xử tốt với họ”. Sau đó, cô phải xin lỗi về phát ngôn của mình.

Một số người khác muốn đóng góp cho cộng đồng, như Tobias Merckle. Merckle, 49 tuổi, là người thừa kế của công ty sản xuất thuốc Ratiopharm, công ty được bán với giá 3 tỷ euro (3,5 tỷ USD) vào năm 2010. Ông sống trong một nhà tù, theo đúng nghĩa đen.

Ông là người sáng lập Seehaus, một tổ chức phi lợi nhuận điều hành các trung tâm cải tạo trẻ vị thành niên. Merckle đang sinh sống tại một trung tâm trong số đó ở Leonberg. Ông ủng hộ việc đánh thuế thu nhập cao hơn nhưng chỉ dừng ở mức đánh thuế tài sản.

Tobias Merckle sống trong trung tâm cải tạo dành cho trẻ vị thành niên của một tổ chức phi lợi nhuận do ông thành lập. Ảnh: Financial Times.


“Tôi nghĩ rằng vốn cho các hoạt động kinh doanh không nên bị đánh thuế cao hơn”, ông Merckle nói với Financial Times. “Doanh nghiệp gia đình không nên bị đe dọa vì thuế thừa kế”.

Antonis Schwarz, 32 tuổi, lại vận động tích cực cho việc đưa ra luật thuế cứng rắn hơn. Ông nội anh là người sáng lập công ty Schwarz-Pharma ở Rheinland. Anh nói với Financial Times rằng “mọi thứ đã thay đổi” khi gia đình bán công ty với giá 5,6 tỷ USD vào năm 2006.

Giờ đây, anh dành thời gian hỗ trợ các tổ chức từ thiện, tài trợ cho phong trào môi trường và vận động hành lang để minh bạch hơn về thuế.

“Đức có rất nhiều vấn đề về thuế và nơi đây như một thiên đường thuế theo nhiều cách”, Schwarz nói. Anh cũng chỉ trích những người giấu tài sản của mình với chính quyền.

Các chính trị gia của Đức thường bóng gió rằng giới thượng lưu cố tình che giấu sự giàu có của họ để tránh bị tăng thuế. Ảnh: Getty.


Từ thiện không đủ để đối trọng với bất bình đẳng, Schwarz khẳng định. “Tôi cũng không tin vào ý tưởng người giàu sẽ cứu chúng ta”, anh cho biết. “Tôi nghĩ chúng ta cần đòi lại nền dân chủ của mình”.

Về lý do những người lớn tuổi lắm tiền của Đức không tham gia nhiều vào cuộc tranh luận này, Schwarz cho biết nhiều người không muốn gây thù chuốc oán bằng cách lên tiếng, đặc biệt nếu căng thẳng xã hội gia tăng vì đại dịch Covid-19. “Hoàn cảnh rất khó xử”, anh nói. "Giữ im lặng là lựa chọn an toàn hơn”.

Như Trần  Theo Financial Times, ZING


Thêm bình luận

TIN TỨC - SỰ KIỆN MỚI CẬP NHẬT

QUẢNG CÁO
tapchihuongviet.eu 2020 02 07 um 17.29.59
tapchihuongviet.eu 2019 07 19 um 15.05.46
banner fam right

Hội chợ 'Việt Nam tại Đức' thu hút khách tham quan

Trong khuôn khổ Hội chợ Xuân AFA 2020, Tạp chí Hương Việt tổ chức sự kiện đặc biệt với chủ đề "Việt Nam tại Đức" nhân dịp kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Đức (1975-2020).

tapchihuongviet_treviet_vdKỷ niệm 10 năm hình thành và phát triển của Tạp chí Hương Việt

Kỷ niệm 10 năm hình thành và phát triển của Tạp chí Hương Việt, đồng thời hướng tới 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt - Đức. Tạp chí Hương Việt cùng các Hội đoàn người Việt phía Tây-Nam nước Đức đã tổ chức chương trình Lễ hội văn hoá Việt Nam - Hương Việt 2019.