feed-image

Hãy nhấn „Thích Trang“ để theo dõi tin tức cập nhật của Tạp chí Hương Việt trên trang Facebook của bạn!

BỎ QUA

Op2 1140X206P 1 frame

Phông chữ

Bildschirmfoto 2014-02-06 um 00.27.26Kiều Chinh là ngôi sao màn bạc nổi tiếng ở miền Nam Việt Nam trước năm 1975. Sau này, bà sang Mỹ và tiếp tục đóng phim ở Hollywood.

Chiều cuối năm âm lịch, tiết trời Hà Nội se lạnh. Tôi đến gặp Kiều Chinh tại một ngôi nhà trong khu phố cổ Hà Nội. Lần đầu gặp nữ diễn viên điện ảnh nổi tiếng, tôi không khỏi ngạc nhiên: bà mặc trang phục đơn giản, cũng không trang điểm cầu kỳ. Tiếp xúc với Kiều Chinh, thấy rất giản dị và gần gũi. Ở bà còn có nét thư thái, thanh lịch của người gốc Tràng An.


Tài tử điện ảnh Kiều Chinh  (ảnh từ website của nhân vật)


Cuộc đời chìm nổi của nữ tài tử điện ảnh Kiều Chinh được nhiều người biết đến. Bà sinh ra tại Hà Nội, mồ côi mẹ từ năm lên 6 tuổi. Lớn lên, lại sớm phải xa cha, vào Nam một mình năm chưa đầy 17 tuổi.

Giọng bà buồn sâu thẳm khi kể về cuộc ly tán năm 1954. “Bố đẩy tôi lên tàu bay và bảo: “Con đi trước đi. Bố ở lại tìm anh con rồi sẽ vào Nam sau…”. Đó là lần cuối cùng tôi còn nhìn thấy bố tôi. Bố tôi không tìm được anh tôi (anh trốn nhà đi theo phong trào Thanh niên cứu quốc) và cũng không bao giờ vào Sài Gòn cả…”.

 “Cho đến bây giờ, những lúc gặp khó khăn tôi luôn khấn thầm cầu cứu bố. Tôi gần với bố. Mẹ tôi mất sớm, nên bố vừa là cha vừa là mẹ, vừa là bạn gần gũi”.

Vào Sài Gòn, bà được một người bạn của gia đình cho tá túc, rồi sau bà làm dâu của gia đình ấy. Năm 1975, bà sang Mỹ định cư, và bắt đầu bước chân vào Hollywood.

Khởi nghiệp Hollywood vào tuổi… 38

Khi gặp Kiều Chinh tôi đã nêu câu hỏi băn khoăn bấy lâu, rằng làm sao bà có thể thành công ở Hollywood khi khởi nghiệp mà không còn trẻ nữa?


Kiều Chinh thời trẻ


Hiển nhiên lúc ấy, bà biết mình gặp khó ra sao. Làm việc ở Hollywood là cạnh tranh gay gắt. Lúc đó bà không còn trẻ, tiếng Anh thì dù đã học từ năm 1951 nhưng vẫn không phải là sinh ngữ chính.

Ở Califorrnia, những người diễn viên gốc Á khác, họ đến Mỹ sớm hơn nên tiếng Anh là sinh ngữ chính của họ, thuận lợi hơn. Mỗi khi một hãng phim tuyển vai người châu Á thì người Trung Quốc, người Nhật, người Ấn Độ, Thái Lan, Phillippines, Hàn Quốc… đều tới thử vai.

Không biết có thể coi đó là duyên may không khi Kiều Chinh sang Mỹ năm 1975 thì năm 1976 lập tức được nhận vai diễn đầu tiên ở Hollywood và từ đó đến nay liên tục đóng phim. Vai diễn đầu tiên đó là một vai chính trong serie M*A*S*H - phim truyền hình nổi tiếng ở Mỹ thời bấy giờ.


Kiều Chinh trong phim "Hồi chuông Thiên Mụ"

Lúc còn ở Sài Gòn, Kiều Chinh không phải đi thử vai (casting). Đóng vai chính trong phim Hồi chuông Thiên Mụ (1957), ngay sau đó, Kiều Chinh nhanh chóng trở nên nổi tiếng. Trước năm 1975 bà đóng 22 phim trong nước và rất nhiều phim ở Singapore; Thái Lan; Đài Loan, Hong Kong (Trung Quốc); Phillipines; Ấn Độ…

Năm 1975, Kiều Chinh đang có hợp đồng đóng 4 tập phim “Full House” tại Singapore. Khi xong cuốn phim thứ nhất thì xảy ra sự kiện tháng 4 năm 1975. Kiều Chinh vội vàng trở về với gia đình, rồi lại sang Singapore để tiếp tục làm việc. Nhưng đến Singapore thì bà bị tạm giữ vì hộ chiếu của bà thuộc về một chính phủ không còn hiệu lực.

Nhờ can thiệp của hãng phim, Kiều Chinh có thể ra khỏi nơi giam giữ, nhưng bị buộc phải rời Singapore trong 24 giờ đồng hồ. Những cộng sự giúp bà mua vé máy bay. Bà đã bay một chuyến bay vòng quanh thế giới, từ Singapore đi Bangkok - Thái Lan, rồi từ đó đi Đài Loan (Trung Quốc), sang Hàn Quốc, sang Nhật, từ Nhật lại đi Pháp, sang Anh, New York- Mỹ… Đến nơi đâu cũng không được phép nhập cảnh. 4 ngày 4 đêm liên miên như vậy, đến ngày 30 tháng tư, bà được nhập cảnh vào Canada.

Ở Canada, việc làm duy nhất bà kiếm được lúc bấy giờ là đi hốt phân gà, mà tiền công cũng rất thấp. Trong lúc khó khăn, Kiều Chinh liên hệ với Tippy Hedren (tài tử điện ảnh Mỹ nổi tiếng trong phim “The Bird” của đạo diễn Hitchcock mà Kiều Chinh đã gặp khi Tippy Hedren thăm Sài Gòn năm 1965). Vậy là 10 năm sau lần gặp ấy, Kiều Chinh liên hệ, thì ngay lập tức được Tippy bảo trợ vào Mỹ.

Kiều Chinh cũng không tham gia thử vai phim M*A*S*H. Mọi chuyện đến một cách tình cờ. Ban đầu, chưa có việc, Kiều Chinh tá túc ở nhà bà Tippy Hedren. Đầu năm 1976, Tippy mời Kiều Chinh đi dự buổi ra mắt phim Jaws (Hàm cá mập). Trong khung cảnh ngập tràn ánh sáng của một bữa tiệc Hollywood, nhìn mọi người ăn uống vui vẻ, Kiều Chinh thấy mình lạc lõng vì vẫn còn chìm trong cảm giác buồn, mất mát. Burt Metcalfe - nhà sản xuất phim M*A*S*H nhìn thấy Kiều Chinh, liền hỏi xem đó là ai và ông nhận được câu trả lời, đó là một diễn viên điện ảnh nổi tiếng của Việt Nam hiện là người tị nạn…


Kiều Chinh và Alan Alda, phim M*A*S*H


Một thời gian khá lâu sau đó, ông liên hệ lại, cho biết ông đã bàn với Alan Alda (nam tài tử nổi tiếng, vừa là đạo diễn, biên kịch, vừa là viễn chính của phim M*A*S*H). Họ nảy ra ý định viết chuyện phim “In love and war” (Tình yêu và chiến tranh), mời Kiều Chinh vào vai nữ chính. Trong câu chuyện, có một người đàn bà Hàn Quốc đến xin thuốc men ở bệnh viện quân y, gặp bác sĩ (do Alan Alda đóng), rồi hai  người yêu nhau…

Họ mời Kiều Chinh vào vai đó. Không có thử vai, chỉ trò chuyện trao đổi rồi nói: “Cốt truyện này tôi viết cho cô, cô về đọc đi, nếu cô thích thì đó là câu chuyện của cô”. Nghĩa là không phải cạnh tranh với ai hết, nhất là những diễn viên gốc Hàn bởi M*A*S*H là câu chuyện xảy ra ở Hàn Quốc, mà ở Hollywood diễn viên gốc Hàn không thiếu.

Khi phim chiếu trên TV, nhà sản xuất nhận được rất nhiều thư hỏi thăm về nhân vật do Kiều Chinh đóng. Ông dự định “Có lẽ sẽ để Kiều Chinh vào một vai thường xuyên, liên tục…”.

Tuy nhiên, vài tuần lễ sau, có nhiều thư từ của các quý cô quý bà người Mỹ, hâm mộ tài tử Alan, không bằng lòng cho nhân vật này yêu người phụ nữ Hàn. Alan được rất nhiều phụ nữ hâm mộ, mà vai của anh là nhân vật độc thân. Thế là hãng phim cho kết thúc vai của Kiều Chinh để giữ hình ảnh nhân vật nam chính.

Những may mắn tiếp tục mỉm cười với Kiều Chinh. Bà còn tham gia một phim TV nổi tiếng nữa là “The Letter” (Bức thư). Đây là câu chuyện của nhà văn Somerset Maugham, đã được dựng thành phim đen - trắng từ năm 1937, lúc này được làm lại. Phim kể về một người Mỹ da trắng cùng vợ sang Á châu săn bắn. Ông phải lòng một người đàn bà Trung Hoa. “Tôi vào vai người đàn bà ấy, nhưng tôi không biết nói tiếng Tàu nên hãng phim phải thuê một người dạy tôi nói tiếng Tàu” - Kiều Chinh kể.

Một phim nổi tiếng khác là phim “The girl who spells Freedom” (Cô bé đánh vần chữ Tự Do), Kiều Chinh đóng vai một phụ nữ Campuchia dẫn đàn con vượt biên. Phim nổi tiếng đến mức được đem chiếu trên khắp các trường tiểu học. Để đóng phim này, Kiều Chinh cũng phải học tiếng Campuchia.


Vai diễn trong phim “The girl who spells Freedom”


Trong bộ phim nổi tiếng “The Joy Luck Club” (Phúc Lạc Hội), được dựng từ tiểu thuyết best-seller suốt 2 năm trên nước Mỹ của nhà văn nữ Amy Tan, Kiều Chinh đóng vai 1 trong 4 bà mẹ người Trung Quốc di cư sang Mỹ. Họ có 4 cô con gái. Phim kể về những mâu thuẫn thế hệ. Đoàn phim chọn 4 “bà mẹ” đó trong hơn 5.000 người thử vai từ Hong Kong, San Francisco, New York, tới Los Angeles thì gặp Kiều Chinh.

Lần này, cũng không do bà chủ động đi thử vai, đơn giản vì bà không nói tiếng Trung Quốc. Lại là tình cờ, lúc đó trong cùng tòa nhà có 2 cuộc casting 2 phim khác nhau. Kiều Chinh đang phụ giúp cho 1 cuộc casting phim khác thì người phụ trách casting phim “Phúc Lạc Hội” trông thấy bà, liền giới thiệu bà với đạo diễn Wayne Wang, Amy Tan và Patrick Mc Kay - những người đang tuyển diễn viên cho phim “Phúc Lạc Hội”. Họ đưa kịch bản để bà đọc rồi sau đó hỏi: trong 4 vai, bà hợp với vai nào?. Kiều Chinh trả lời: “Câu chuyện hay quá, tôi cảm thấy có một chút tôi trong cả 4 nhân vật nhưng có 1 nhân vật có quá khứ gần với tôi nhất, đó là bà mẹ Suyuan”. Đạo diễn nói rằng ông rất mừng, vì khi ông nhìn Kiều Chinh, ông thấy chính là nhân vật ấy!


Với phim “Phúc Lạc Hội”, Kiều Chinh là diễn viên gốc Á duy nhất được Entertainment Weekly bình chọn vào danh sách 50 diễn viên làm khán giả khóc nhiều nhất trong lịch sử điện ảnh

Phim có những đoạn hồi tưởng 30 năm về trước, thì với 3 bà mẹ kia, phải có những tài tử trẻ hơn sắm vai của họ. Riêng Kiều Chinh đóng cả vai của mình thời trẻ, vì người hóa trang nhận xét rằng bà có nước da rất tốt, dễ hóa trang thành người trẻ. Không ngờ phim sau đó nổi tiếng trên toàn thế giới, Kiều Chinh đi đến đâu mọi người cũng nhận ra. Hãng phim cử bà đi dự đại hội điện ảnh ở nhiều nơi, tới cả những liên hoan phim nổi tiếng nhất như Telluride hay Sun Dance.

Từ hơn 20 năm qua, ngoài đóng phim Kiều Chinh còn là một diễn giả nhà nghề của GTN (Greater Talent Network). Bà thường xuyên đi nói chuyện ở các trường đại học, các hội phụ nữ về các đề tài như: khác biệt văn hóa giữa Âu và Á, người phụ nữ hiện đại, diễn viên gốc Á làm việc ở Hollywood hoặc kể về chính cuộc đời Kiều Chinh. Những nơi muốn mời đã đặt lịch trước nhiều tháng hoặc thậm chí cả năm.

“Bao giờ tôi cũng nói mình là người Hà Nội…”

Cho tới tận năm 1995, lần đầu tiên sau 41 năm lưu lạc, bà trở lại Hà Nội. Gặp lại người anh ruột, bà vô cùng xúc động. Khi xa nhau anh em đều còn trẻ, đến lúc gặp lại đã thành ông nội, bà ngoại cả rồi.

Sau lần đó, năm 2000 bà về nước nhân dịp khánh thành trường tiểu học Nhân Chính mà tổ chức VCF (The Vietnam children fund - Quỹ Trẻ em Việt Nam) mà bà là đồng sáng lập - đồng chủ tịch, tài trợ xây dựng. Còn từ năm 2004, người anh đau yếu rồi qua đời, bà quá buồn nên không về lại Việt Nam.

Cho đến đầu năm 2014, Kiều Chinh về Việt Nam việc chính là để thăm mộ người cha kính yêu, và thăm những ngôi trường mà VCF chức xây dựng trên quê hương Việt Nam.

Câu chuyện của chúng tôi xoay quanh cuộc sống, sự nghiệp đóng phim của Kiều Chinh ở Mỹ, rồi lại chuyển sang nói về Tết.


Kiều Chinh và phóng viên VOV.VN


Mỗi dịp Tết, Kiều Chinh lại nhớ ngày còn nhỏ. Gia đình rất nền nếp, sắp Tết là dọn bàn thờ, đánh bóng đồ thờ và bát hương để sửa soạn đón tổ tiên. Những người quản gia gói bánh chưng. Trẻ con trong nhà ngồi xem gói bánh và xin gói những chiếc bánh nhỏ hơn, tra nhân ngọt, rồi thức cả đêm chờ luộc bánh.

Tuy mẹ bà mất sớm nhưng cha bà là người rất chu đáo, yêu thương con, luôn làm sao để các con có được niềm vui ngày Tết. Kiều Chinh còn nhớ, cứ sáng mùng 1 Tết là cha bà cho các con mặc quần áo mới, sang mừng tuổi ông nội… Những câu chuyện về Tết của 60 năm trước vẫn còn vẹn nguyên ấm áp trong ký ức của người phụ nữ Hà Nội sống xa quê.

“Bao giờ tôi cũng nhận mình là người Hà Nội…” - Kiều Chinh nói vậy. Tôi ngồi nhẩm tính, trong cuộc đời bà, Kiều Chinh rời Hà Nội năm 17 tuổi, sống ở Sài Gòn  21 năm, ở Mỹ 39 năm. Vậy nơi bà sống quãng thời gian ngắn nhất là Hà Nội. Nhưng bà vẫn nói tiếng Hà Nội, không pha trộn.

Ký ức Hà Nội trong bà còn là những kỷ niệm về cô bạn thân tên là Bích Vân, cùng học piano với nhau. Khi lớn lên, bà vào Nam trở thành tài tử điện ảnh thì cô ấy ở ngoài Bắc cũng làm diễn viên. Sau này, khoảng năm 1988-1989, Kiều Chinh làm giám khảo của Liên hoan điện ảnh quốc tế ở Hawaii, bà gặp đạo diễn Đặng Nhật Minh mang phim “Bao giờ cho đến tháng Mười” đi dự, trong phim có một vai diễn của Bích Vân. Kiều Chinh rất xúc động khi nhìn thấy người bạn thân nhất trên màn ảnh. Trong chuyến về Việt Nam năm 1995, Kiều Chinh gặp Bích Vân một lần, rồi sau đó bà Bích Vân qua đời vì bệnh ung thư.

50 ngôi trường cho trẻ nhỏ

VCF ra đời năm 1993. Những thành viên ban đầu gồm: ông Lewis Puller - cựu chiến binh, ông Terry Anderson- nhà báo chiến trường và tài tử Kiều Chinh.

Năm 1995, ACF xây xong ngôi trường đầu tiên ở Đông Hà - Quảng Trị, với sự giúp đỡ tài chính của một người bạn chung - ông James Kimsey, sáng lập viên công ty AOL.

Đến nay, VCF đã xây được 48 ngôi trường ở nhiều địa phương trên khắp 3 miền Bắc - Trung - Nam. Mục tiêu của VCF là xây dựng được 50 ngôi trường ở Việt Nam.

Kiều Chinh tâm sự với những người bạn Mỹ, rằng: “Cuộc chiến tại Việt Nam là cuộc chiến tranh dài nhất trong lịch sử nước Mỹ. 58.000 binh sĩ Mỹ đã chết. Nhưng cũng trong cuộc chiến đó, quê hương tôi mất hơn 2 triệu người, gồm cả người già và trẻ nhỏ. Tôi mong một ngày kia sẽ làm được điều gì đó tưởng niệm những trẻ em đã mất trong cuộc chiến”.

Tâm sự đó của bà được Lewis Puller và Terry Anderson đồng tình. Họ bàn nhau làm điều gì đó hữu ích. Rồi ông Lewis Puller trở lại Việt Nam, đi một số nơi, thấy ở nhiều nơi, đặc biệt là những địa phương bị chiến tranh tàn phá, nay rất nghèo, trẻ em thiếu trường học. VCF quyết định sẽ xây dựng những  ngôi trường, ở những nơi khó khăn, chưa có trường hoặc trường đã cũ nát.


Kiều Chinh (ảnh: Benjamin Vu - từ website của nhân vật)


20 năm qua, tổng số kinh phí mà VCF huy động được để xây 48 ngôi trường, ước tính cũng xấp xỉ 5 triệu USD. Suốt thời gian đó, nhiều lứa học sinh đã được hưởng lợi từ các ngôi trường này, nhiều em đã vào đại học, đã trưởng thành…

Năm 2013 đánh dấu 20 năm thành lập của VCF. Trong chuyến đi đầu năm 2014 này Kiều Chinh đã thăm được trường Văn Ốc - Bồ Đề ở Nam Định (cùng với gia đình họ Trần - những người đã tài trợ một phần kinh phí xây trường) và trường Nhân Chính ở Hà Nội. Hai ngôi trường đều được giữ gìn khang trang.

Câu chuyện về trường tiểu học Nhân Chính với bà cũng là cái duyên kỳ ngộ. Quê nội Kiều Chinh ở làng Mọc Cự Lộc, Hà Nội. Trước năm 1945, gia đình bà ở Kim Mã Gia Trang, trước cửa Núi Bò. Năm 1945, Thế chiến II sắp kết thúc, quân Nhật - Pháp bắn nhau, cả gia đình tản cư về quê nội ở Mọc Cự Lộc. Bà còn nhớ căn nhà ông nội ở, nhớ cụ có nhiều ruộng lúa.

Ban đầu nhận được giấy tờ về trường Nhân Chính, bà cũng coi đó là một ngôi trường như bao ngôi trường khác, nhưng sau được biết chính là nơi quê nội xưa. Có những cụ già cao tuổi còn nhớ gốc gác ông nội của bà là cụ Nguyễn Phan, thường gọi là cụ Phán Phan, người cũng từng xây trường ở địa phương cho trẻ nhỏ đi học.

Người mạnh mẽ và dịu dàng nhất

Trước kia Kiều Chinh học trường Dòng Saint Paul, theo đạo Thiên Chúa. Khi đi lấy chồng, bà theo đạo Phật như bên nhà chồng.

Lúc còn trẻ, bà ham mê các môn thể thao mạnh mẽ như cưỡi ngựa, lướt sóng. Giờ đây, bà sống thiền, tinh thần tĩnh tại.


Kiều Chinh và Tippi Hedren


Gặp Kiều Chinh, trò chuyện với bà, người viết bài này rất thích và đồng tình với cách tài tử  điện ảnh Tippi Hedren nhận xét về Kiều Chinh: “Kiều Chinh thực sự là một trong những phụ nữ can đảm nhất, mạnh mẽ nhất, và dịu dàng nhất mà tôi được quen biết trong suốt cuộc đời của tôi”./.

Cảo Thơm/VOV online


Bình luận   

0 #1 an 31:13 10-02-2014
O Hollywood muon duoc moi dong phim phai co quen biet hoac goc nguoi Do thai. Dien vien noi tieng Australia va Hollywood mel Gibson tung len an chinh sach ky sac toc cua Hollywood. Ban be ong Gibson la nguoi Do thai , neu khong tu chet den bi thuong voi cong dong Do thai, dieu tra thue, khong moi dong phim,lam gi day ? ma tuy dua den con duong chet nhu Michael Jackson, Whitney Houston va vv
Trích dẫn

Thêm bình luận

TIN TỨC - SỰ KIỆN MỚI CẬP NHẬT

QUẢNG CÁO
tapchihuongviet.eu 2020 02 07 um 17.29.59
tapchihuongviet.eu 2019 07 19 um 15.05.46
banner fam right

Hội chợ 'Việt Nam tại Đức' thu hút khách tham quan

Trong khuôn khổ Hội chợ Xuân AFA 2020, Tạp chí Hương Việt tổ chức sự kiện đặc biệt với chủ đề "Việt Nam tại Đức" nhân dịp kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Đức (1975-2020).

tapchihuongviet_treviet_vdKỷ niệm 10 năm hình thành và phát triển của Tạp chí Hương Việt

Kỷ niệm 10 năm hình thành và phát triển của Tạp chí Hương Việt, đồng thời hướng tới 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt - Đức. Tạp chí Hương Việt cùng các Hội đoàn người Việt phía Tây-Nam nước Đức đã tổ chức chương trình Lễ hội văn hoá Việt Nam - Hương Việt 2019.