feed-image

Hãy nhấn „Thích Trang“ để theo dõi tin tức cập nhật của Tạp chí Hương Việt trên trang Facebook của bạn!

BỎ QUA

Op2 1140X206P 1 frame

Phông chữ

Tổng Lãnh Sự Nguyễn Hữu Tráng: „Sức mạnh bao giờ cũng ở sự đoàn kết“ Cực kì  thoải mái và cởi mở là những ấn tượng đầu tiên của hầu hết tất cả những ai đã từng gặp gỡ, trò chuyện với Tổng Lãnh Sự Việt Nam tại Frankfurt Nguyễn Hữu Tráng.

Trong nhiệm kỳ của mình suốt gần bốn năm qua, ông đã làm được rất nhiều điều thiết thực trong phạm vi hợp tác giữa Việt Nam và Đức về kinh tế cũng như văn hóa. Trước khi kết thúc nhiệm kì của mình tại Frankfurt để trở về Việt Nam, Tổng Lãnh Sự Nguyễn Hữu Tráng đã có một cuộc trò chuyện khá thú vị cùng phóng viên của Tạp chí Hương Việt.

Hương Việt: Từ khi nào ông muốn trở  thành một nhà ngoại giao? Khi nghe tin mình sẽ  sang Đức đảm nhận chức vụ  Tổng lãnh sự Việt Nam tại CHLB Đức, suy nghĩ đầu tiên của  ông là gì?

TLS Nguyễn Hữu Tráng: Thế hệ chúng tôi ngày xưa sinh ra và lớn lên trong chiến tranh nên không có nhiều lựa chọn như các bạn trẻ bây giờ. Tôi đến với sự nghiệp ngoại giao cũng là do „duyên số“. Tốt nghiệp đại học Luật ở Berlin và về nước năm 1982 tôi cũng có thể làm những công việc liên quan đến tư pháp và pháp lý. Nhưng do chuyên ngành học là công pháp quốc tế (Völkerecht) nên tôi nghĩ có khi mình về làm ngoại giao lại hợp hơn và thế là từ đó đến nay gắn bó với công việc này.

Tôi có  nhiều gắn bó với nước Đức, từ những năm học đại học ở Leipzig, Berlin và Heidelberg, cho đến nhiệm kỳ lần trước làm Trưởng Văn phòng Berlin, nên sang Đức tôi cảm thấy như trở về quê hương thứ hai của mình. Tuy nhiên đầu năm 2007, khi được cử sang Frankfurt/Main mở Tổng Lãnh sự quán và làm Tổng Lãnh sự đầu tiên ở đó tôi cũng có đôi chút lo lắng. Một phần vì „vạn sự khởi đầu nan“ và thứ nữa đó như là vùng đất mới, vì ngoài thời gian học ở Heidelberg (1989-90) tôi chủ yếu ở phần Đông.

Hương Việt: Trong nhiệm kì của mình ông đã làm  được rất nhiều điều trong phạm vi hợp tác giữa hai quốc gia về kinh tế cũng như văn hóa. Điều gì làm ông tự hào nhất trong những điều mà ông tin là đã làm được  để góp phần thúc đẩy mối quan hệ hữu nghị tốt đẹp giữa Đức và Việt Nam?

TLS Nguyễn Hữu Tráng:  Cảm ơn lời động viên của bạn. Tôi nghĩ trong hơn 3 năm qua TLSQ Việt Nam tại Frankfurt và cá nhân tôi đã làm được nhiều việc. Bên cạnh 2 lần chuyển trụ sở (từ Bonn về Frankfurt/Westend năm 2007 và chuyển đến Villa Hanoi ở Kennedyalle 49  năm 2010), điều mà tôi tâm đắc nhất là đã thiết lập mối quan hệ tốt đẹp với 6 bang trong khu vực lãnh sự, trong đó có quan hệ cá nhân tin cậy với những quan chức chính quyền bạn, hình thành một dạng như netwerk quan hệ. Đó là điều kiện quan trọng để có thể gặt hái những thành công khác. Những hoạt động ngoại giao không mệt mỏi của TLSQ thời gian qua, nhất là „Năm Việt Nam ở Đức 2010“ nhân kỷ niệm 35 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa CHXHCN Việt Nam và CHLB Đức đã góp phần đưa quan hệ Việt-Đức lên tầm cao mới, đa dạng và phong phú hơn. Không chỉ chính quyền các bang trong khu vực lãnh sự, mà nhiều doanh nghiệp Đức cũng tìm đến TLSQ như một địa chỉ tin cậy để tìm những lời khuyên hay giới thiệu đối tác trong quá trình đầu tư, làm ăn ở Việt Nam. Nhưng điều mà tôi sẽ nhớ mãi đó là những ngày vận động và thuyết phục để đưa CLB bóng đá Eintracht Frankfurt sang giao hữu với nước ta trong năm kỷ niệm 2010. Mà bạn biết rồi, vận động một CLB thuộc Bundesliga sang đất nước ta giao hữu mà lại không thu các loại phí như phí ra sân, thi đấu, v.v. thì khó khăn như thế nào.

Hương Việt: Trong bài phát biểu ở Frankfurt trong đêm Liên hoan văn nghệ „Mừng Đảng, mừng Xuân“ Tân Mão, ông có nhấn mạnh rằng các hội đoàn người Việt ở Đức được thành lập ngày càng nhiều. Theo ông, đó có phải lý do để nói rằng: „Tính cộng đồng là một nét bản sắc của người Việt Nam?“ và ông đánh giá như thế nào về mối quan hệ với cộng đồng người Việt tại đây?

TLS Nguyến Hữu Tráng:  Cộng đồng chúng ta ở Đức hiện có trên 100 ngàn người, thuộc nhiều thành phần, nhiều thế hệ khác nhau; hoàn cảnh và thời điểm di cư sang Đức cũng khác nhau. Hoàn cảnh lịch sử của đất nước ta cũng như của nước Đức nơi bà con cư trú cũng để lại những dấu vết khác biệt trong cộng đồng. Đó là một thực tế. Nhưng một thực tế khác nữa là dù ra đi từ bao giờ, từ đâu và vì lý do gì thì tất cả chúng ta đều chung dòng máu đỏ, da vàng, cùng „con Lạc, cháu Hồng“, cùng nhớ câu của cha ông „Một cây làm chẳng nên non. Ba cây chụm lại nên hòn núi cao“ hay „Nhiễu điều phủ lấy giá gương. Người trong một nước phải thương nhau cùng“. Khi còn phải bươn chải, mưu sinh chúng ta ít có thời gian nghĩ đến hội hè, nhưng nay cuộc sống dần ổn định, thế hệ thứ hai sinh ra và lớn lên ở Đức đã vững vàng, điều chắc chắn là nhu cầu tụ tập, gặp gỡ, giao tiếp sẽ ngày càng trở nên mạnh mẽ. Đó là lý do vì sao thời gian qua, nhất là bên phía đông, nhiều tổ chức hội đoàn của người Việt được thành lập. Khi nhu cầu gặp gỡ, giao tiếp phần nào được đáp ứng, chắc chắn sẽ đến lúc những yêu cầu cao hơn, như liên kết các hội đoàn, hoạt động thiện nguyện, hướng về quê hương đất nước sẽ được quan tâm nhiều hơn. Theo tôi đó là một nét bản sắc của người Việt chúng ta ở nước ngoài.

Tôi cũng rất vui mừng là thời gian qua, quan hệ của TLSQ với cộng đồng đã có những bước chuyển biến rõ  rệt. TLSQ phấn đấu trở thành địa chỉ mở để bà con có thể gửi gắm những tâm tư, nguyện vọng hay phản ánh những „bức xúc“ của mình. Villa Hanoi cần trở thành nơi gặp gỡ của tất cả những người con đất Việt đang sinh sống ở phía tây và tây nam nước Đức. Cá nhân tôi cũng chủ quan cho rằng bà con cũng có cái nhìn khác, tích cực hơn về cơ quan đại diện của Nhà nước Việt Nam ở đây. Điều này thể hiện rất rõ qua những sinh hoạt cộng đồng hàng năm mà TLSQ tổ chức, như Tết cộng đồng mà bạn vừa nêu. Những dịp như vậy, hàng ngàn bà con có điều kiện tham dự nhưng cũng có rất nhiều người cho biết không nhận được giấy mời do không sinh hoạt trong một tổ chức cộng đồng nào, mà giấy mời lại chỉ gửi qua các hội đoàn. Nhiều người viết thư hoặc gọi điện thoại nói là họ sẽ phải suy nghĩ lại và tham gia các hội đoàn để có điều kiện tham gia những sinh hoạt văn hóa vui và có ý nghĩa như vậy.

Hương Việt: Ở „Vietnam Connection Darmstadt 2009“  ông có nhấn mạnh ý  nghĩa của diễn đàn sinh viên là  nơi gặp gỡ, giúp sinh viên Việt Nam tăng cường tình đoàn kết và là động lực giúp các sinh viên học tập tốt hơn nữa, góp phần xây dựng quê hương.Vậy với vai trò là Tổng lãnh sự quán, ngoài việc ủng hộ về tinh thần, ông nghĩ mình có thể làm gì nữa để tạo điều kiện cho SVVN tiếp tục thực hiện những chương trình này?

TLS Nguyễn Hữu Tráng: Vốn cũng từng sống những năm tháng tuổi trẻ của đời sinh viên ở Đức, xa gia đình, người thân nên tôi rất hiểu và dành sự quan tâm đặc biệt đến các hoạt động của sinh viên Việt Nam ở đây. Năm 2008, Hội sinh viên Việt Nam ở Uni Frankfurt (VNF) tổ chức hoạt động hè „Frankfurt and Friends“, năm 2009 Hội sinh viên Việt Nam tại TU Darmstadt tổ chức hoạt động „Vietnam Connection Darmstadt 2009“ thu hút hàng ngàn các bạn trẻ tham gia hào hứng. Bên cạnh đó, hội sinh viên ở Köln/Bonn, Stuttgart, Karlsruhe, Kassel v.v. cũng có nhiều sinh hoạt văn nghệ, thể thao lý thú. Tôi đánh giá cao những hoạt động như vậy và cho rằng nó thật sự cần thiết để giúp các bạn trẻ vơi đi nỗi nhớ nhà, nhớ người thân, tăng cường đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau vươn lên trong cuộc sống và học tập. Tôi đã từng nói tại đêm khai mạc „Frankfurt and Friends“ 2008 là thế hệ chúng tôi trước kia cũng có những dịp Trại hè như vậy, nhưng do Đại sứ quán đứng ra tổ chức. Nay các bạn sinh viên tự đứng ra tổ chức thì trách nhiệm của Tổng Lãnh sự quán là phải hỗ trợ và giúp đỡ hết mình để các bạn tổ chức thành công. Bên cạnh sự ủng hộ về tinh thần, như bạn nói, tôi cũng sẵn sàng đứng ra làm „Schirmherr“ để Ban tổ chức có thể vận động các cơ quan, doanh nghiệp Đức tài trợ. TLSQ cũng vận động các doanh nghiệp người Việt ủng hộ tài chính vì tôi biết, tổ chức những sự kiện thu hút hàng ngàn người tham gia không có tiền không thể làm tốt được.

tapchihuongviet_nhtrang_002

Hương Việt: Báo chí Đức đã từng tốn rất nhiều giấy bút  để viết về hiện tượng Việt Nam tại  Đức trong năm qua, cá nhân ông đánh giá như thế nào về thế hệ trẻ Việt Nam đang sống và học tập ở bên này.

TLS Nguyễn Hữu Tráng: Tôi rất vui mừng vì „hiện tượng Việt Nam“ như bạn vừa nêu. Khi tiếp xúc đối ngoại tôi cũng thường được nghe những lời khen ngợi học sinh Việt Nam chăm chỉ, học giỏi, sinh viên Việt Nam siêng năng, giầu trí tiến thủ. So với các nước châu Âu, trong đó có Đức, Việt Nam là nước có tỷ lệ dân số trẻ đông. Tuổi trẻ ngày nay lại ham học hỏi, có điều kiện tiếp xúc rộng rãi với tinh hoa nhân loại. Các bạn hãy tranh thủ những thuận lợi đó để trang bị những kiến thức và kỹ năng cần thiết cho cuộc sống sau này, phục vụ cho cá nhân, gia đình và cho Tổ quốc.

Hương Việt: Nhiều bạn trẻ Việt Nam bây giờ có khái niệm „công dân quốc tế“, họ sang Đức du học rồi ở lại bên này, ông có nghĩ đó là một thiệt thòi cho Việt Nam không?

TLS Nguyễn Hữu Tráng:  Ồ không! Đương nhiên đất nước, gia đình và người thân đều mong các bạn này học xong về nước để làm việc. Nhưng nếu bạn nào có điều kiện ở lại học thêm ở cấp cao hơn hay có chỗ làm việc tốt để tích lũy thêm thực tiễn, tiếp cận với phương pháp làm việc tiên tiến của nước bạn thì tốt quá. Các bạn cứ ở lại. Còn phục vụ đất nước thì có nhiều hình thức để phục vụ, miễn là có tấm lòng. Có một câu ngạn ngữ Đức „wo der Wille ist, ist auch der Weg“. Các bạn có thể nhìn tấm gương Giáo sư Ngô Bảo Châu.  Trên chặng đường đời của các bạn, các bạn luôn nhớ là có Quê hương nơi mình lúc nào cũng có thể trở về và một ngày nào đó tôi chắc con đường của các bạn cũng sẽ đưa các bạn về Quê hương.

Hương Việt: Lĩnh vực giáo dục  là một điểm sáng trong mối quan hệ giữa hai nước, vậy theo ông có những lĩnh vực nào cần cải thiện hơn nữa, chẳng hạn như đối tác giao dịch về kinh doanh, kinh tế, chính trị v.v. ? Ông muốn thấy điều gì xảy ra khi nói tới các quan hệ này?

TLS Nguyễn Hữu Tráng: Có thể nói quan hệ giữa Việt Nam và Đức hiện tại rất tốt đẹp, trải rộng trên nhiều lĩnh vực và có chiều sâu. Tháng 6 tới, Thủ tướng Angela Merkel thăm Việt Nam cũng nhằm khẳng định lại điều này và mở ra những cơ hội mới cho hợp tác toàn diện giữa hai nước. Đức hiện là đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam ở EU. Bạn nhắc đến hợp tác giáo dục là nhắc đến Trường đại học Việt-Đức (Vietmamese-German University VGU) ở thành phố Hồ Chí Minh – là „Dự án hải đăng“ (Leuchtturmprojekt) trên lĩnh vực này, mà bang Hessen đóng vai trò chính. Tuy nhiên điều dễ nhận thấy là tiềm năng hợp tác song phương còn rất lớn nhưng chưa được khai thác hiệu quả. Đầu tư và hoạt động kinh doanh thương mại của Đức ở Việt Nam chưa tương xứng với quan hệ chính trị tốt đẹp. Với 100 ngàn người Việt Nam đang sinh sống ở Đức và cũng con số tương tự những người Việt Nam nói tiếng Đức ở Việt Nam, hiếm nước nào ở châu Á mà Đức có thể tăng cường hợp tác kinh tế, văn hóa và giáo dục tốt như ở Việt Nam.

Hương Việt: Trong thời gian làm việc ở Frankfurt, điều gì khiến ông day dứt nhất vì chưa làm được trước khi về Việt Nam, thưa ông?

TLS Nguyễn Hữu Tráng: Các bạn biết là nhiệm kỳ của cán bộ ngoại giao công tác ở nước ngoài  có giới hạn, thông thường là 3 năm. Tôi ở Frankfurt gần 4 năm cũng coi như là một ngoại lệ. Ý tưởng và mong muốn thì rất nhiều.Có nhiều điều đã làm được, nhưng cũng có những mong muốn chưa trở thành hiện thực. Cũng có thể do chủ quan („lực bất tòng tâm“) nhưng cũng có thể do khách quan, do điều kiện chưa đến. Nếu cho phép tôi tâm sự về một điều còn day dứt thì đó là việc cộng đồng người Việt chúng ta chưa có một mái nhà chung, một Hội người Việt Nam trên toàn nước Đức. Như trên tôi đã nói, chúng ta có nhiều hội đoàn ở các địa phương. Nhưng sức mạnh bao giờ cũng ở sự đoàn kết. Người Đức cũng nói in der Einheit liegt die Kraft (bzw. die Stärke) cơ mà. Tôi mong một ngày nào đó nhìn thấy cộng đồng ta đoàn kết trong Hội người Việt Nam tại CHLB Đức.

Hương Việt: Ông có thể cho bạn  đọc Tạp chí Hương Việt biết những dự định sắp tới của ông khi trở về Việt Nam?

TLS Nguyễn Hữu Tráng: Gần ¼ thế kỷ tôi gắn bó với công việc ở Cục Lãnh sự Bộ Ngoại giao; từ 1994  tham gia Lãnh đạo Cục. Sắp tới về nước tôi nghĩ cũng sẽ quay trở lại công việc cũ ở Cục, nhưng với những yêu cầu và đòi hỏi mới cao hơn.

Hương Việt:  Trước khi mãn nhiệm kì ông có muốn gửi gắm gì tới bà con qua Tạp chí Hương Việt?

TLS Nguyễn Hữu Tráng:  Tôi mong cộng đồng ta luôn ổn định và ngày càng phát triển, hướng về Quê hương, đất nước với tất cả tấm lòng và những việc làm thiết thực. Cảm ơn Tạp chí Hương Việt và chúc các bạn luôn thành công, thu hút được nhiều hơn nữa độc giả, cả trẻ lẫn già.

Hương Việt: Xin cảm ơn ông đã dành thời gian cho Tạp chí Hương Việt. Kính chúc ông tất cả những điều tốt đẹp nhất!

Thực hiện: Hoàng Yến Anh


Bình luận   

+8 #5 Nguyễn 39:08 30-08-2012
Để Hương việt ngày một đậm hương mong các Bạn dùng Chữ Việt " chuẩn - có dấu". Cố gắng sẽ quen các bạn nhé ! Ta là Sinh viên mà.
Trích dẫn
+8 #4 Nguyễn việt Hòa 05:05 24-08-2012
Bài "Phỏng vấn" do Hoàng yến Anh thưc hiện rất " Chuyên nghiệp" , gợi mở nhiều vấn đề lớn , thiết thực đối với Cộng đồng người Viêt , cả những trăn trở...Nhuyễn hữu Tráng ! Anh thuộc hạng những nhà ngoại giao "Trẻ" sớm khẳng định được tư chất và năng lực , có nhiều ý tưởng , để lại nhiều ấn tượng tốt khi tiếp xúc hội họp bàn về công tác Cộng đồng ngay từ những năm đầu 90 còn ở Bẻlin . Các bạn Sinh viên có thể học hỏi được nhiều ở lớp "Cựu " Sinh viên này mà nay Vợ Anh ! Chị Nguyễn thị hoàng Anh, đương nhiệm Đại sứ cùng là đồng nghiệp.
. Một điều mừng hơn cả Trang báo " Hương Việt " của miền tây nam nước Đức sớm được trân trong đón nhận trong lòng bạn đọc. Hương việt của " Trí thức"!
Trích dẫn
+9 #3 thuthuy 11:12 12-04-2011
Bài phỏng vấn hay, giúp cho những người con đất Việt trên nước Đức nói riêng và trên thế giới nói chung có cảm giác được gần gủi, sẻ chia, đặc biệt là tấm lòng người xa xứ đối với quê hương vốn dĩ như tên của tạp chí, Hương Việt-hương sắc của đất Việt đấy nhân tài, tỏa sáng khắp năm chấu bốn bể.
Trích dẫn
+12 #2 Jenny Phuong Thao 20:10 10-04-2011
Bai phong van co y nghia rat quan trong mang den nhan thuc dung dan va day du cho moi nguoi Viet tai CHLB Duc, nhat la the he thu hai da duoc sinh ra va truong thanh o day.
Cac cau hoi cua Huong Viet phai chang da ham chua duoc tat ca nhung tran tro cua the he tre dang du hoc tai day cung nhu cac ban tre the he 2 ve tuong lai cua minh va cong dong nguoi Viet tren lanh tho nuoc Duc?

Tap chi Huong Viet se la noi tao dien dan thiet thuc de trao doi y kien va quan diem cho cac doi tuong NV nhat la cac ban tre la sinh vien, hoc sinh the he 2.

Cam on Huong Viet ve bai phong van day y nghia cho doc gia.
Trích dẫn
+9 #1 Bui Loc 39:00 10-04-2011
Bài phỏng vấn rất hay! Xin cám ơn tc Hương Việt. Nó giúp cái cái khoảng cách của những người „đứng xa“ sứ quán ít nhiều chuyển dịch…Điều TLS day dứt về một ngôi nhà chung cho cộng đồng Việt chưa làm được cũng là điều trăn trở của không ít người Việt chúng ta bên đây. Lý do chủ quan, khách quan hay lực bất tòng tâm …Có lẽ mỗi chúng ta đều có thể hình dung ra được. Một diện mạo ngôi nhà chung đó của bản thân tôi: Nó phải có một cái nóc đứng trên mọi ý thức hệ, lấy tính nhân văn làm trọng.
Trích dẫn

Thêm bình luận

TIN TỨC - SỰ KIỆN MỚI CẬP NHẬT

QUẢNG CÁO
tapchihuongviet.eu 2020 02 07 um 17.29.59
tapchihuongviet.eu 2019 07 19 um 15.05.46
banner fam right

Hội chợ 'Việt Nam tại Đức' thu hút khách tham quan

Trong khuôn khổ Hội chợ Xuân AFA 2020, Tạp chí Hương Việt tổ chức sự kiện đặc biệt với chủ đề "Việt Nam tại Đức" nhân dịp kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Đức (1975-2020).

tapchihuongviet_treviet_vdKỷ niệm 10 năm hình thành và phát triển của Tạp chí Hương Việt

Kỷ niệm 10 năm hình thành và phát triển của Tạp chí Hương Việt, đồng thời hướng tới 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt - Đức. Tạp chí Hương Việt cùng các Hội đoàn người Việt phía Tây-Nam nước Đức đã tổ chức chương trình Lễ hội văn hoá Việt Nam - Hương Việt 2019.