Từng giọt mồ hôi lấm tấm trên đôi má bóng nhễ nhại của ông già, một chân ông đặt lên ghế, một chân để dưới đất, đôi bàn chân da đã nhăn nheo, sần sùi với rất nhiều vết chai đen, khô khốc đặt trong đôi dẹp nhựa đã đứt một nửa.
Ông mặc chiếc áo sơ mi trắng đã ngả màu cháo lòng, chiếc quần bộ đội cũ đã bạc màu, sờn mòn hết đầu gối và có rất nhiều vết bùn khô dưới gấu quần. Một cánh tay bị cụt đến khuỷa tay đang cố giữ chặt li chè đậu vào đầu gối chiếc chân trên ghế, bàn tay còn lại cầm chiếc thìa khuấy li chè cho thật đều. Sau đó ông từ từ nhấm nháp li chè…mùi vị của đậu xanh nấu nhuyễn, của lạc rang, hột táo đỏ, đậu đỏ, hột bột lọc, dừa khô và xiro dâu, tất cả những thức đó được đánh đều với đá lạnh bào nhỏ đem lại một vị ngọt bùi, lạnh mát dần dần làm tan biến những giọt mồ hôi trên má ông già. Trong khi thưởng thức li chè, trong đầu ông bỗng hiện lên hình ảnh gia đình ông ngày xưa… những hình ảnh đó sống động như những thước phim quay chậm đang từ từ chạy …
Bên hàng chè bên cạnh đang rộn lên tiếng rì rầm bàn tán một chuyện gì đó, thật không có gì ngạc nhiên khi những người nhà quê, nhất là đàn bà rảnh rỗi ngồi tụ tập nhau buôn dưa lê, có câu ở nhà quê thì “trong nhà chưa tỏ ngoài ngõ đã tường” quả không sai chút nào. ở hàng chè này đang có ba người phụ nữ nói chuyện với nhau. Trong tiếng ồn ào tiếng một người phụ nữ trẻ nhất cất lên:
Bác nói thật hả? Chính là ông ấy đó hả?
Tiếp đó là tiếng người luống tuổi hơn:Không phải thì còn ai vào đây , ông ấy cùng xóm với tao mà lại.
Bà ta vừa nói vừa nhìn sang phía ông già đang chăm chú ăn chè hàng bên cạnh.Bác ấy nói đúng đó, bác cũng là người cùng làng ông ấy – người phụ nữ còn lại nói.
Tiếng người phụ nữ đầu tiên hồ hởi:Vậy à, cháu từng nge đồn đại về chuyện của ông ấy đã nhiều, nhưng mỗi người nói một kiểu, chẳng biết đường nào mà lần. Mà sao tay ông ấy lại bị cụt thế hả bác? Tiện đây đang không làm gì bác kể cháu nge đi?
Ừ, bà kể cho cháu nó nge đi.
Thôi được rồi, để tao kể chuyện ông ấy cho mà nghe…Trong đầu ông hiện lên hình ảnh một gia đình, gồm hai vợ chồng và hai đứa con, thằng con trai đầu hơn em gái nó hai tuổi. Cả gia đình sống trong một ngôi nhà cấp bốn cũ, cuộc sống ở thôn quê khó khăn nhưng nhà ông cũng gọi là đủ ăn đủ mặc. Ông vốn là lính bước ra từ chiến tranh, vợ ông cũng từng là giao liên trên đường trường sơn, hòa bình lập lại thì hai người cũng đã khá luống tuổi, trở về làng gặp lại nhau và nên vợ nên chồng. Trải qua những năm tháng bom đạn ác liệt, có những khi đứng giữa ranh giới sự sống và cái chết thế nhưng chiến tranh vẫn không thể hủy diệt được tinh thần và thể xác ông. Vì từng là lính nên ông được dân làng đưa lên làm một thành viên của ban công an xã, phụ trách về an ninh trong các xóm. Cái chức nhỏ nhoi ấy cùng với dăm sào ruộng và một mảnh vườn nhỏ, hai vợ chồng ông sống lam lũ, chắt chiu từng đồng nuôi hai đứa con ăn học. Ông nghĩ mình gian truân, nghèo khó cả một đời người rồi, giờ hai đứa con ông không thể đi theo vết xe đổ của ông được, chúng phải được học hành, không trở thành ông nọ bà kia thì ít nhất đi làm cũng phải được ngồi văn phòng, rồi cuối tháng ăn lương nhà nước- với ông, được thế là con ông sung sướng lắm rồi.
Ông thường bảo con “chúng mày xem kìa, cha mẹ mày thì lo bòn góp từng mớ rau, nắm thóc, rồi có nhiều ông bà già tám chín mươi tuổi còn phải đi mò ốc, bắt cá, đi chui bụi bẻ từng cây măng về xắt ra ngâm muối đem đi bán để kiếm từng cấc, từng hào…cái thân thằng nông dân nó khốn nó khổ thế đấy. Chà! Cái bọn công chức nhà nước nó sướng thật, như cái lão Cán xóm ta đó, đi làm thì được ngồi điều hòa nhiệt độ, sáng đi tối về, rồi thế là cuối tháng nhận lương về tiêu. Sướng! Sướng đến thế là cùng!” Mỗi lần nói xong ông lại trầm ngâm, lắc đầu ra chiều nghĩ ngợi: “bọn mày xem ngày mùa, hầu hết dân cái xóm này làm ruộng, sáng năm giờ mở mắt, ăn vội bát cơm với rau muống luộc và con cá rô kho mặn xong thì tất bật nón liềm, quang gánh, xe thồ, chạc lạt, chai nước rồi người trước người sau kéo nhau ra đồng. Các nắng hè ở Hà Tĩnh này khi nào cũng ba tám ba chín độ, thế mà hôm nào cũng gặt lúa đến mười một, mười hai giờ trưa mới về, ăn xong nghỉ trưa được tí rồi một giờ hơn đã đi gặt tiếp đến tối om mới về, thử hỏi có cái anh nào khổ hơn anh nông dân không? Bọn mày biết không, mỗi lần chở lúa về đi qua nhà lão Cán, thấy lão chiều chiều lấy võng ra mắc ngoài bụi cây rậm rạp bên đường nằm hóng mát, trong khi ngay phía ngoài đường là những anh nông dân mồ hôi ướt như tắm hì hục chở lúa, phơi rơm, phơi lúa; mùi rơm rạ và mùi lúa mới phơi giữa trời nắng cháy cứ bốc lên, tao đã nghĩ sao trên đời này lại có những người số nó sướng đến thế không biết …”, và lâu lâu, cứ mỗi bữa ăn ông lại nhai đi nhai lại cái bản tình ca nghèo khổ đó, từ đó ông bắt mấy đứa con ông phải học, học để không hơn thì cũng bằng cho được người ta, để đừng có khổ như cha mẹ mày.
Ông làm cái chân công an xã cũng được khá lâu rồi. Với cái chân này, cứ tháng người ta trả công cho ông vài trăm bạc. Tiền không nhiều nhưng cũng gọi là có để thêm vào cái khoản ăn tiêu của cả nhà. Mà nhắc đến cái khoản ăn tiêu ông lại không khỏi đau đầu, ông thường nói với vợ “nhà ta chắt bóp từng đồng, mùa nào được thì còn đỡ, mùa nào mưa bão, lụt lội mất trắng thì cả nhà, cả làng chết đói. Ăn uống thì tằn tiện, dăm ba ngày mới dám mua miếng thịt lợn mỡ nhiều hơn nạc gọi là để tẩm bổ cho hai chút con. Ăn uống tằn tiện đến là thế, nhưng khổ nỗi nay thì đám ma điếu mươi lăm ngìn, mai đám giỗ cúng vài chục, mốt đám cưới, kia mừng nhà lại mất năm chục một trăm , rồi thì lúc đau lúc ốm, cái gì cũng tiền, tiền cả !”. Cuộc sống gia đình khó khăn là thế, nhưng được cái vợ chồng ông chịu khó, hai đứa con ngoan chứ không phá gia chi tử như nhiều đứa con nhà người ta nên gia đình cũng gọi là tạm đủ sống, không khí gia đình lúc nào cũng vui vẻ, ấm cúng.
Hè năm đó, đám cưới thằng Thiều con ông Hòe trong xóm được tổ chức. Trên xã, Ban công an cử ông cùng vài người đến phụ trách an ninh, giữ trật tự cho đám cưới. Nơi đâu chứ ở cái xứ này, mấy năm nay cứ có đám cưới là mấy ông an ninh lại bận rộn hẳn lên. Cái đám thanh niên bây giờ có hiền lành, ngoan ngoãn và biết nghĩ như cái thời ông nữa đâu. Đám chúng nó cha mẹ vất vả nuôi ăn nuôi học, học không lên được nữa đứa thì hết cấp hai, cấp ba, đứa thì bỏ học giữa chừng rồi kéo nhau đi Nam đi Bắc làm nhà máy, công ty, đi làm thuê tận đâu đâu, lâu lâu lại về quê. Về nhà mà không phải ngày mùa, nhất là buổi tối rảnh rỗi thì tụ tập nhau chè chén, thuốc Lào, cafe, rồi không có việc gì làm nữa thì gây sự xích mích, hằn thù nhau, đánh nhau, nhất là giữa thanh niêm xóm này xóm nọ, giữa xã này xã khác. Nhiều khi thanh niên xóm khác đi chơi về qua xóm này, sau vài câu qua lại với nhau giữa đường thế là lại kéo quân xóm mình đến đánh nhau bạt mạng. Cũng vì thế mà đã từng có người bị đánh oan, thậm chí có người bị chết hay thương tật suốt đời cũng vì chuyện này. Mà cái bọn không đi học đã đành, đến nhiều đứa là sinh viên Đại Học, Cao Đẳng về nghỉ hè cũng tham gia hội hè rồi gây sự mới đau. Ông biết vậy nên ông quản hai đứa con của mình chặt lắm, ông thường bảo thời buổi bây giờ trẻ con đang tuổi ăn tuổi lớn mà không quan tâm, thả ra một chút là hỏng ngay. Cái chuyện đánh nhau của thanh niên đặc biệt thường xuất hiện ở các đám cưới, nhiều đến nỗi có người trong xóm nói vui rằng cứ đám cưới ở đâu là đánh nhau ở đó. Cũng đúng thôi, đám cưới, nhất là vào buổi tối là nơi để nam nữ thanh niên các xóm, các xã có cơ hội tụ họp gặp mặt nhau. Vào buổi tối của ngày vui, người lớn thì ăn trầu uống nước, đám thanh niên các nơi đổ về đông đúc thì thường ngồi theo từng nhóm, từng xóm với nhau. Tất cả vừa nge hát, vừa xỉa hạt dưa, uống nước trò chuyện rôm rả. Đặc biệt đám con trai thì không thể thiếu khoản chúc nhau chén rượu - “một dô, hai dô, ba uống” - gọi là để chúc vui cho anh chị trăm năm hạnh phúc. Đến giữa cuộc vui thì khoản nhạc sàn bắt đầu nổi lên, tiếng nhạc sôi động làm cho cuộc vui càng lúc càng sôi nổi, ồn ào, nhộn nhịp. Càng về sau, ở khu vực được sắp xếp cho mọi người nhảy, nhiều anh thanh niên vừa tu cả chai rượu lên miệng, vừa lắc lư theo điệu nhạc…ở nhiều đám cưới thì mọi chuyện đều vui vẻ, an toàn từ đầu đến cuối, khi trở về ai cũng hoan hỉ khi đã được đi dự một đêm đám cưới đông vui và nhộn nhịp, nhưng có nhiều đám cưới, sau khi rượu đã ngấm vào những cái đầu nóng thì bắt đầu cãi vã, chửi bới nhau nổ ra, bao nhiêu xích mích, hằn thù nhau bấy lâu có dịp được trút bỏ, thế là nhiều đám thanh niên cứ xông vào nhau đánh nhau dữ dội, mặc cho mọi người chạy ra xa toán loạn, ai cũng sợ họ sẽ đánh nhầm trúng mình, nhiều người sau khi chạy ra xa nấp vào sau cánh cửa mới dám ngó ra coi bọn chúng đánh nhau đến đâu rồi. Chúng đánh nhau bằng mọi thứ sẵn có: chén rượu, chai rượu, cốc nước được lấy để ném, hơn thế nhiều thằng trước khi vào đám cưới đã thủ sẵn dao, khi có chuyện nguy hiểm xảy ra với mình hay đồng bọn thì sẵn sàng lấy dao ra chém...và mỗi lúc như vậy mấy ông an ninh lại căng hết sức mình để can ngăn, bắt bớ và giải tán mấy đứa chuyên gây sự và phá hoại này. Đám cưới thằng Thiều hôm ấy cũng không tránh khỏi, khi đám đánh nhau đang diễn ra ông cũng lao ra can ngăn, và không may cho ông, có một thằng có dao trong lúc tìm đường chạy trốn đã bị ông ngăn cản quyết liệt nhằm bắt cho bằng được, hoảng loạn hắn đã vung dao chém…ngay nhát đầu tiên do không biết hắn có dao nên ông đã tránh không kịp và bị chém đứt lìa cánh tay bên trái, vết chém lên đến khuỷa tay, mọi người la hét lên kinh hoàng, thằng cầm dao hoảng sợ không kịp chạy trốn đã bị mọi người xúm lại bắt trói. Máu nơi vết thương của ông ra quá nhiều, và ông bị ngất đi…
Sau cái ngày ông bị chém đứt lìa cánh tay gia đình ông bắt đầu lâm vào khó khăn thực sự. Vì bị mất cánh tay, với lại trước đó đã có đau ốm nhiều nên sức lao động của ông giảm hẳn, ông cũng đã thôi làm công an xã. Trước đây còn khỏe ông còn tranh thủ thời gian đi làm nghề phụ hồ, đi xây, ngày mùa ông còn gánh vác hầu hết việc nặng cho vợ, còn bây giờ ông chỉ có thể loanh quanh trong vườn trồng cây rau, chăm con gà, con vịt, con lợn. Mọi gian lao vất vả đổ xuống vai người vợ cũng bắt đầu hèn yếu của ông. Cả nhà chỉ trông vào dăm sào ruộng với một mảnh vườn con năm được năm mất thì làm sao sống đủ ? Cuộc sống ngày càng khó khăn, các khoản chi tiêu trước đây vốn đã không đủ nay lại phải bớt cắt bớt. Trước đây dăm ba ngày mới được bữa thịt thì nay dăm bảy ngày mới được một bữa, các khoản tiền ma chay, đám giỗ, đám cưới hay mừng nhà của nhà ông cũng dần ít đi, vì biết hoàn cảnh khó khăn của ông nên bà con, hàng xóm cũng không phàn nàn gì nhiều. Hai đứa con ông đã có lúc muốn bỏ học đi làm để đỡ đần cha mẹ nhưng ông không cho. Ông bảo chúng “dù cha mẹ có nghèo bao nhiêu, có khổ cực, vất vả bao nhiêu đi nữa cha mẹ cũng cam chịu, miễn là các con được ăn học nên người; cái nghèo nó sinh ra cái hèn nhục nhã lắm con ơi! Thế nên các con phải học, phải học…”, những lúc nghe cha nói thế, hai đứa con ông chỉ biết khóc…cả hai đứa đều rất chăm học và học giỏi. Thằng anh năm nay đã lớp mười hai, con em lớp mười. Dù nghèo về vật chất nhưng ông luôn tự hào về hai đứa con chăm ngoan học giỏi của mình.
Nhưng rồi những năm tháng vất vả lăn lội với ruộng đồng, vườn tược để gánh vác cả gia đình trên vai đã đánh gục người vợ của ông. Mùa đông năm đó bà đổ bệnh, ít ngày sau thì mất. Giờ chỉ còn ông với sức khỏe ốm yếu cùng hai đứa con đang tuổi ăn tuổi học. Sau khi vợ mất ông trả lại ruộng cho xóm vì ông không còn đủ sức để làm, với cánh tay còn lại ông chỉ còn biết bám vào mảnh vườn cùng với sự giúp đỡ của họ hàng, làng xóm để nuôi hai đứa con. Mùa thi đại học năm ấy thằng con đầu của ông đỗ đại học y, vì điểm cao nên đã được học bổng, thế là ông không phải lo khoản tiền nhập học cho nó. Còn đứa con gái, sau khi học xong cấp ba, tuy nó học giỏi nhưng nó biết là gia đình nó giờ khó khăn lắm, cha đã không còn khỏe nữa, anh nó học đại học đã tốn kém lắm rồi, nó không muốn cha vất vả hơn nữa. Nó xin ông cho nó không thi đại học nữa mà đi làm để đỡ đần cho gia đình và phần nào giúp anh nó ăn học. Khi nghe nó đề nghị, ông nhất quyết không đồng ý, nhưng đứa con nhất định nghỉ. Vào nửa đêm trước cái ngày con bé lên đường vào Nam xin việc, ông đã đứng một mình trước bàn thờ vợ rất lâu và ôm mặt khóc … “ Bà nó ơi! Tui thương con bé quá…!”
Đã bốn năm sau ngày đó. Bây giờ ông vẫn sống một mình trong căn nhà cấp bốn cũ. Thằng con ông bây giờ đã là sinh viên năm cuối, sắp ra trường rồi, nó sắp trở thành bác sĩ rồi, mỗi lần nghĩ đến ông lại vui mừng khôn xiết. Lâu lâu được nghỉ học nó lại tranh thủ về thăm ông. Còn đứa con gái sau khi đi Nam làm việc mấy năm, bây giờ nó đã lấy chồng ở tận ngoài Nghệ An. Cứ mỗi chiều ngồi hóng gió Nồm dưới hàng phi lao với mấy bác hàng xóm, ông lại than thở : “ Tui nghe nói dân Nghệ An ngoài đó cũng nghèo lắm, ở đó lại mới có lũ, không biết con bé nhà tui bây giờ nó sống thế nào? Thằng chồng nó có yêu thương nó không?...”, rồi ông lại nói : “các ông các bà à, bây giờ Tui không mong chúng hơn bằng gì người ta nữa đâu, người nào số nấy, chỉ mong chúng sống vui vẻ, hạnh phúc là tui vui lắm rồi…”
Ông già đã ăn xong li chè. Lúc nãy sau khi bán xong mấy bó rau muống mà chiều tối qua ông bó được, ông ghé lại hàng chè đậu gọi một li. Li chè quê ngọt lạnh như làm ông khỏe hẳn lên. Tiếng thì thầm bàn tán sau lưng ông cũng đã dứt từ lúc nào. Sau khi trả tiền và đứng dậy để ra về, trong đầu ông lại bỗng hiện lên nụ cười tươi rói của hai đứa con và hình ảnh của chúng khi một ngày không xa sẽ cùng trở về bên ông: Thằng con trai đã trở thành một ông bác sĩ tài giỏi, đức độ, luôn giúp đỡ bệnh nhân nghèo, còn đứa con gái thì mỉm cười bẽn lẽn khép nép bên chồng…những hình ảnh đó cứ chập chờn lay động trong đầu ông, bất chợt trên môi ông nở một nụ cười…bóng ông hòa mình vào dòng người đông đúc, xung quanh ông vẫn ồn ào nhộn nhịp: tiếng mời chào hàng, tiếng trả giá, tiếng cãi cọ nhau, tiếng tíu tít nói cười của những đứa trẻ được mẹ dắt đi chợ…cuộc sống vẫn cứ thế tiếp diễn…
- Ngọc Tâm, tapchihuongviet.eu
Ông nông dân
Tiện ích
Phông chữ
- Font Size
- Default
- Chế độ đọc