Ước lượng thiệt hại do phi công của hãng Lufthansa đình công lên đến 100 triệu euro
Khoảng 4.000 phi công của hãng hàng không Đức Lufthansa bắt đầu đình công 4 ngày kể từ ngày 22-2 với yêu cầu tăng lương và bảo đảm công việc.
Theo đài BBC, Lufthansa, hãng hàng không lớn nhất nước Đức và lớn thứ hai châu Âu, đã hủy 3.000 chuyến bay và cảnh báo rằng nhiều chuyến bay quốc tế lẫn nội địa bị hoãn. Hãng này cố gắng duy trì được khoảng 1.000 chuyến bay vào ngày 22-2 trong số bình quân 1.800 chuyến bay mỗi ngày, trong đó có 160 chuyến bay đường dài. Hành khách buộc phải chờ đợi tại nhiều sân bay ở Đức mà nghiêm trọng nhất là tại Frankfurt và Munich. Sáng 22-2, đã có 10.000 hành khách bị ảnh hưởng do các chuyến bay bị hoãn. Bộ trưởng Giao thông Đức cảnh báo rằng cuộc đình công không chỉ gây thiệt hại về kinh tế mà còn gây tác hại đến tiếng tăm của Lufthansa, một trong số hãng hàng không lớn nhất thế giới. Hãng này ước lượng thiệt hại tổng cộng do sự kiện này lên tới 100 triệu euro.
Cuộc đình công do nghiệp đoàn Vereinigung Cockpit khởi xướng và khó có thể kết thúc trước nửa đêm 25-2. Hãng tin AFP dẫn lời người phát ngôn của nghiệp đoàn là Joerg Handwerg: “Ban lãnh đạo Lufthansa không quan tâm đến đối thoại dù họ không thừa nhận điều đó”. Tuy nhiên, người phát ngôn của Lufthansa Klaus Walther nói: “Chúng tôi sẵn sàng đàm phán vô điều kiện nếu nghiệp đoàn rút lại yêu sách phi thực tế và không hợp pháp, thỏa thuận sẽ đạt được ngay lập tức”. Nghiệp đoàn đòi tăng 6,4% lương nhưng điều quan trọng hơn là buộc lãnh đạo Lufthansa phải cam kết rằng các phi công sẽ không bị mất việc khi hãng này chuyển số hành khách của mình cho các chi nhánh nước ngoài”. Lufthansa cho rằng đó là điều “thuần túy bịa đặt”. Phó Chủ tịch Lufthansa Christoph Franz tuyên bố: “Không có phi công bị chuyển công tác, không có người bị cho thôi việc và cũng không có kế hoạch cắt giảm công việc”.
Cũng như các hãng hàng không châu Âu khác, Lufthansa đứng trước ba nỗi lo là phải cạnh tranh với các hãng hàng không giá rẻ, giá nhiên liệu tăng cao và cuộc suy thoái toàn cầu. Trong khi đó, sự phục hồi kinh tế Đức bị khựng lại vào cuối năm 2009 khiến người lao động lo ngại mất việc.