Không lâu sau một trận play-off Championship ngày Chủ nhật, sân Wembley đã được chuẩn bị cho trận đấu lớn nhất mùa giải, trận chung kết UEFA.
Tối thứ Bảy, Wembley sẽ trở thành cuộc phân xử nội bộ của Bundesliga khi Borussia Dortmund và Bayern Munich gặp nhau trong trận chung kết cấp CLB lớn nhất châu Âu. Điều đó hẳn không khỏi khiến những người Anh, vẫn tự hào Premier League là giải đấu số 1 hành tinh, tự hỏi làm sao mà Bundesliga làm được như thế.
Đó không phải là một câu hỏi khó với CĐV Chelsea lâu năm, Leslie Gore. Sống ở Norwich, cô thường xuyên vượt 200 km để tới London xem gần như mọi trận đấu sân nhà của đội bóng áo xanh. “Ở Đức mọi việc ổn định hơn”, Gore nói. “Họ xứng đáng. Họ đã làm khá tốt”.
Thật ra, Premier League vẫn là giải đấu hàng đầu, về tiền bạc, doanh thu truyền hình, bán vé, giá trị thương mại và các hoạt động kinh doanh khác. Nhưng năm nay, không đội Anh nào vào được tới bán kết Champions League, chứ đừng nói là chung kết. Gregory Akinyode, một CĐV Chelsea khác có vé cả mùa, giải thích: “Chúng tôi đã chú ý điều đó từ Euro và World Cup. Họ có đội ngũ cầu thủ trẻ rất giỏi ở đội tuyển quốc gia”.
Nhiều năm nỗ lực
David Moyes sắp đảm nhận cương vị HLV ở đội vô địch Premier League, Manchester United, và là một người hâm mộ Bundesliga. Ông từng nói với một tờ báo ở London rằng giải vô địch Đức là hình mẫu về đào tạo trẻ, cũng như việc Bundesliga luôn giữ giá vé thấp là điều có ý nghĩa thức tỉnh với Premier League. “Các đội trẻ của họ và cách họ phát triển cầu thủ rất ấn tượng”, Moyes nói.
Moyes chỉ rõ vị thế của người Đức ở châu Âu tại các cấp độ U17, U19 và U21. Họ là vô địch châu Âu ở cả 3 độ tuyển đó. Nhà báo bóng đá ở London Raphael Honigstein nhất trí với Moyes về sự vươn lên của Bundesliga, nhưng ông không chắc về việc giải đấu này đã vượt qua Premier League hay La Liga. Ông nói thập kỷ mất mát khi Đức, nền kinh tế lớn nhất châu Âu, bỏ bê bóng đá của mình, vẫn chưa được bù đắp hoàn toàn.
Honigstein, viết cho Guardian, TalkSport, Sports Illustrated và tờ báo ở Munich Suddeutsche Zeitung, bình luận: “Vấn đề lớn nhất và điểm mạnh lớn nhất của Premier League là sự toàn cầu hóa. Những cầu thủ bản địa không nhận được sự ủng hộ. Ra ngoài mua một cầu thủ Cameroon 25 tuổi đã có kinh nghiệm dễ hơn nhiều so với huấn luyện và tạo cơ hội cho một cầu thủ bản địa 18 tuổi”.
Sau những màn trình diễn nghèo nàn của đội tuyển quốc gia ở các kỳ World Cup 1998 và Euro 2000, LĐBĐ Đức quyết định phải cải tổ triệt để, nhắm vào đào tạo trẻ và các mục tiêu dài hạn. “Giống như trồng rau củ hữu cơ, bạn sẽ mất nhiều thời gian vì không thể có đường tắt, không phân bón, không thuốc kích thích tăng trưởng”, Honigstein ví von. “Nếu bạn may mắn như Chelsea, nhận được tiền của một tỉ phú người Nga (Roman Abramovich), thì là chuyện khác. Thật ra, bóng đá Anh đã có truyền thống đó. Từ ngày khai sinh bóng đá chuyên nghiệp hồi thế kỷ 19, họ đã hoạt động theo mô hình doanh nghiệp, do sẽ dễ hơn nếu để các doanh nhân địa phương đầu tư cho CLB”.
Iduna - sân nhà của Dortmund
Ở Đức người giàu không có tiếng nói lắm
Sự khác biệt giữa Bundesliga và Premier League là khá rõ ràng. Đầu tiên là giá vé. Gần như mọi trận đấu ở Bundesliga kín chỗ với giá vé chỉ 10-15 euro. Tại Chelsea, những chiếc ghế kém hấp dẫn nhất được bán với giá 50 euro. “Giá vé này không đưa được đại chúng tới với bóng đá”, Thymios Kyriakopoulos, đã xem các trận đấu của Chelsea 11 năm qua kể từ khi chuyển đến London, bình luận. “Nhóm người xem bóng đá ngày càng bị thu hẹp, và do đó, ít cảm xúc hơn”.
Nhà báo đang sống ở London, Barney Ronay, đã viết cho báo Observer trải nghiệm của ông về một lần ghé thăm sân nhà của Bayern Munich. “Cảm xúc bóng đá rõ ràng hơn nhiều”, ông nói. Ngoài hệ thống đào tạo trẻ và tư duy quản trị ở Bundesliga, sự hợp tác của các CDĐ cũng có vai trò quan trọng.
Báo Bild mới đây đăng một bức ảnh những chiếc khăn choàng của Borussia Dortmundđã được đưa sớm vào các ghế tại sân Wembley để giữ chỗ, rất lâu trước trận chung kết. Đừng ngạc nhiên nếu lại có một chiếc khăn đấu của Bundesliga giữ chỗ ở sân Da Luz, Lisbon, nơi tổ chức chung kết Champions League 2014.
- Chiêu Văn (theo dw.de)
Góc nhìn: Người Đức đưa bóng đá về... nhà
Tiện ích
Phông chữ
- Font Size
- Default
- Chế độ đọc