Trước Thế chiến II, ĐT Đức không phải là một tên tuổi lớn. Năm 1936, Hitler thân chinh đến dự khán trận giao hữu với Na Uy và chờ đợi một chiến thắng để tuyên dương tinh thần Đức.
Sự hình thành “Tinh thần Đức”
Lịch sử bóng đá Đức về cơ bản có thể chia thành 3 giai đoạn: Trước Thế chiến II, từ 1945-1990 và từ 1990 đến nay. Trước Thế chiến II, ĐT Đức không phải là một tên tuổi lớn. Năm 1936, Hitler thân chinh đến dự khán trận giao hữu với Na Uy và chờ đợi một chiến thắng để tuyên dương tinh thần Đức.
Kết quả: Đức thua 0-2 và sau đó Hitler không bao giờ đi xem bóng đá nữa. Năm 1938, dù đã bổ sung 9 cầu thủ xuất sắc của Áo (khi đó bị Đức sát nhập) vào danh sách tham dự World Cup, Đức vẫn bị loại ngay từ vòng đầu, thua Thụy Sĩ 2-4 dù dẫn trước 2 bàn.
Sau năm 1945, “Die Mannschaft” đã hoàn toàn lột xác. Dù đến tận năm 1954 ĐT Tây Đức mới tham gia lại các giải đấu quốc tế nhưng họ đã giành tới 5 danh hiệu lớn (3 World Cup, 2 EURO) chỉ trong 36 năm.
Cùng với những chiếc cúp, thương hiệu “Tinh thần Đức” đã đi vào lịch sử sau những cuộc lội ngược dòng liên tiếp, đáng kể nhất là các trận chung kết World Cup 1954 (thắng Hungary 3-2 sau khi bị dẫn trước 0-2) và 1974 (thắng Hà Lan 2-1 sau khi bị dẫn trước).
Tính tổng cộng, trong thời kỳ này ĐT Đức đã bị dẫn trước 20 lần ở VCK các giải đấu lớn và họ đã ngược dòng để thắng tới 10 trận.
Trong thời kỳ này, tất cả các đời HLV ĐT Đức đều giành được ít nhất một danh hiệu World Cup hoặc EURO, và không có gì ngạc nhiên khi Franz Beckenbauer tự tin tuyên bố rằng “Cỗ xe tăng” sẽ “tiếp tục là bất khả chiến bại” sau khi nước Đức được thống nhất vào năm 1990.
Nhưng có lẽ Beckenbauer cũng không ngờ rằng chức VĐTG năm 1990 đã đánh dấu sự kết thúc của một kỷ nguyên. Từ đó đến nay, đã 22 năm trôi qua nhưng ĐT Đức chỉ giành thêm một chức Vô địch châu Âu. Trong khoảng thời gian đó họ đã bị dẫn trước 19 lần ở VCK World Cup hay EURO và chỉ thắng 3 trận (tỷ lệ ngược dòng thành công chỉ là 15.7%). “Tinh thần Đức” đâu rồi?
Để giải thích điều này, phải hiểu bối cảnh xã hội Đức. Khi Helmut Rahn ghi bàn ấn định chiến thắng 3-2 trong trận Chung kết World Cup 1954, cố BLV Herbert Zimmermann hét lên một cách nghẹn ngào, có cảm giác như tiếng hét ấy góp phần giải tỏa hết những ấm ức của người Đức trong một xã hội thời hậu chiến mà họ là những kẻ thất bại.
Nước Đức, vốn bị tàn phá bởi chiến tranh, mới 2 năm trước còn phải nhận viện trợ của Mỹ theo kế hoạch Marshall, quân đội Anh – Pháp – Mỹ vẫn đang đóng trên lãnh thổ Đức và đến tận năm 1955, thủ tướng Konrad Adenauer còn phải sang Moscow để thương lượng nhận lại 15.000 tù binh Đức.
Đó là chưa kể đến 30% phần lãnh thổ phía Đông, bao gồm toàn bộ đất Đông Phổ (đất gốc của người Đức) đã bị mất và sát nhập vào các quốc gia khác. Tóm lại, người Đức thời điểm đó không có gì nhiều để tự hào với thế giới và họ chỉ có thể khẳng định mình thông qua bóng đá.
Một chiến thắng trước Hungary (đội tuyển có lẽ là mạnh nhất thế giới bấy giờ) đã trở thành biểu tượng cho sự phục hồi của nước Đức. Trong lễ ăn mừng, lần đầu tiên quốc ca Đức được chơi ở nơi công cộng (kể từ năm 1945) và chiến thắng ấy sẽ còn được nhắc đến mãi về sau dưới cái tên “Phép màu ở Bern”.
Cây viết Simon Kuper của tờ Financial Times đã nhận định rằng, ở châu Âu giai đoạn đó thì “bóng đá là sự tiếp nối của chiến tranh” và với người Đức, họ cần chiến thắng trong bóng đá bằng mọi giá để xua đi nỗi ám ảnh thất bại trong hai Thế chiến liên tiếp.
Đã thắng rồi, giờ phải đá đẹp
Năm 1990, dù vẫn vui mừng với chức VĐTG nhưng thái độ của người Đức dường như đã bình thản hơn. Khi đó nước Đức đã hồi phục hoàn toàn, đã sáng lập ra Liên minh châu Âu, đã trở lại là cường quốc kinh tế hàng đầu thế giới và chuẩn bị thống nhất để trở thành quốc gia đông dân nhất Tây Âu.
Vị thế của nước Đức trên trường quốc tế đã khác. Họ không cần chiến thắng bằng mọi giá nữa. ĐT Đức dần dần chuyển sang một phong cách mới, đá đẹp hơn, chủ động hơn nhưng thắng lợi cũng ít hơn.
Nhưng người Đức không vì thế mà thất vọng. Trong chuyến đi Barcelona mùa hè năm trước, tác giả có dịp sống chung nhà với Thomas Wietzker, một anh chàng Đức chính hiệu (quê Aachen) nhưng đã sống ở TBN 7 năm.
Khi được hỏi rằng mình thích phiên bản nào của ĐT Đức hơn, Thomas không ngần ngại trả lời: “Trong quá khứ chúng tôi chiến thắng nhiều hơn, nhưng tôi thích ĐT hiện tại hơn”. Nếu bạn nghĩ rằng tư duy của Thomas đã bị “Latin hóa”, hãy xem lại lễ ăn mừng của người Đức sau World Cup 2006.
Từ sáng sớm ngày 9/7/2006, hàng chục nghìn người Đức đã vây kín khu vực cổng Brandenburg ở thủ đô Berlin, sẵn sàng đứng đợi dưới nắng cả nửa ngày để đón chào các tuyển thủ - những người mới thi đấu tối hôm trước ở Stuttgart và sẽ về đến Berlin vào cuối buổi chiều.
Oliver Bierhoff, khi đó là GĐĐH ĐT Đức, thừa nhận người dân Đức không quan tâm nhiều đến kết quả. Mà tại sao họ lại phải quan tâm?
Đối với một nước Đức hùng mạnh đang là đầu tàu kinh tế của cả châu Âu, thắng lợi trong bóng đá không còn là cách duy nhất để biểu hiện lòng tự hào dân tộc. Đối với họ, bóng đá giờ đây còn là một phương tiện để quảng bá hình ảnh của đất nước, xóa đi định kiến về một nước Đức có phần khô cứng, lạnh lùng.
Tại EURO 2004, lần đầu tiên các CĐV Hà Lan và Đức ngồi chung trong một khu khán đài. Không chỉ có ĐTQG, các CLB Đức cũng thi đấu phóng khoáng hơn.
Những năm 70-80 của thế kỷ trước, cầu thủ nổi tiếng nhất của Bayern Munich là một libero (Beckenbauer), CLB Monchengladbach nổi tiếng với lối chơi phòng ngự phản công (đến tận bây giờ giới CĐV Đức vẫn đánh đồng thuật ngữ “phản công” với từ “Gladbach”), còn Hamburg đánh bại Juventus trong trận Chung kết Cúp C1 châu Âu bằng một lối chơi còn chặt chẽ hơn cả những người Italia.
Bây giờ Bayern, Dortmund hay kể cả Schalke bước ra châu Âu với một tư thế khác, chơi bóng tự tin, cởi mở bất kể đối thủ là ai và không ngại áp đặt lối chơi.
Trong một châu Âu đang ngày càng nhất thể hóa, với các đường biên giới chỉ còn tồn tại trên danh nghĩa, người Đức đã và đang thay đổi cách thức họ nhìn nhận về bóng đá. Không chỉ là thắng, họ còn muốn thắng đẹp và thuyết phục như cách người TBN hay Barcelona đã làm.
Quyết định thuê Pep Guardiola làm HLV không phải là bước đầu tiên trên con đường ấy, và chắc chắn cũng không phải là bước cuối cùng.
Chiến thắng huyền thoại năm 1954 của ĐT Đức đã trở thành cảm hứng để đạo diễn Sonke Wortmann dựng bộ phim “Phép màu ở Bern”. Bộ phim kể về cuộc sống của một gia đình Đức thời hậu chiến và thắng lợi ngoài sức tưởng tượng của ĐT Đức, với mối liên kết là sự hâm mộ mà cậu con trai Matthias dành cho ngôi sao Helmut Rahn.
Chỉ với kinh phí 7 triệu euro, bộ phim đã thu hút được hơn 6 triệu lượt khán giả tới rạp và trở thành một trong những tác phẩm điện ảnh thành công nhất mọi thời đại ở Đức.
Ở Bundesliga, các CLB (trừ Wolfsburg – thuộc Volkswagen, và Bayer Leverkusen – thuộc công ty dược phẩm Bayer) thuộc về CĐV theo nghĩa đen.
Điều luật “50+1” quy định các hội viên phải sở hữu ít nhất 51% cổ phần của CLB để đảm bảo khả năng quản lý tài chính. Vì thế mà ít CLB có thể mạnh tay chi tiêu.
Ngoại trừ Bayern Munich, vì họ nằm ở bang Bavaria, bang giàu nhất nước Đức với GDP bình quân đầu người 35.595 euro. Tổng giá trị sản phẩm toàn bang Bavaria cũng lên tới 446 tỷ euro (năm 2011), cao hơn cả nước Áo, gấp 3 lần cả nước Ukraine và xấp xỉ bằng Ba Lan.
- Trường An, BaoDatViet
Thắng đủ rồi, giờ người Đức muốn chơi đẹp
Tiện ích
Phông chữ
- Font Size
- Default
- Chế độ đọc