Tại Đức, lịch sử báo chí tiếng Việt vốn nhiều thăng trầm. Con thuyền di dân mang theo nó không chỉ con người hay những giá trị vật thể mà còn là sự sản sinh những giá trị phi vật thể. Báo chí, nhu cầu thông tin bấy nay vẫn là một sự tất yếu cần thiết ở Đức.
Một vài nét điểm qua tình hình báo chí và văn chương của người Viêt tại Đức, tôi đã viết bài cách đây gần 10 năm trên báo Tiền Phong trong nuớc (Người Việt và văn học Việt ở Đức - Báo Tiền Phong Chủ Nhật, 3 kì, 21.3.2004, 28.3.2004 và 04.4.2004) và ngay sau đó bị một nhà thơ tại Đức phản ứng quyết liệt, khi tôi đưa ra vài sự thật về văn chương, trong đó có dành vài dòng ngắn đánh giá những cái được và chưa được qua những sáng tác của anh (cũng là theo lời đề nghị chính thức của anh, viết về cuốn tiểu thuyết H của anh khi nó xuất bản tại Viêt Nam). Sự điểm về văn học trong bài báo ngắn này, xuất phát từ cái nhìn vài nhân vật văn học tiêu biểu ở Đức trong dàn chung của nhiều người, theo chủ quan của cá nhân, cũng như dăm điều đã diễn ra ở lĩnh vực báo chí tại Đức từ 2001 trở lại.
Điểm lại cho tới nay, bài viết trên, tuy không phải là một bài nghiên cứu, nên khó tránh được sự thiếu hụt tin tức, song vài nhận định của tôi với báo chí tại Đức hoàn toàn chính xác, khi bàn về sự sống còn của nó, kể cả xu hưóng chính trị của một tờ báo mạng, dù người chủ trương mạng này bấy giờ cố tình né tránh, phản ứng dữ dội song nhìn lại, qua thời gian, cũng chứng minh được sự thật đã thuộc về ai...
Nói về báo chí ở Đức thì tờ Thời báo Việt Đức, nhờ bám vào lực lượng bạn đọc là bà con lao động do tiến sỹ Nguyễn Sỹ Phương chủ trương vẫn sống như tiên lượng và là tờ báo có lượng phát hành lớn nhất nhất hiện nay (báo giấy) suốt gần chục năm qua. Những tờ báo còn lại do không bám sát vào đời sống đa số thợ khách nên đã bị chìm ngay sau đó.
Hiện nay có một vài tờ báo của người Việt đang lưu hành tại Đức cũng đón nhận được sự ưu ái của bạn đọc như tờ Nguoiviet.de (báo mạng). Những người làm báo này đều là những anh chị em thuộc thế hệ thứ nhất thực hiện, họ đều đã là những người có tuổi, xuất thân đi học rồi ở lại kiếm sống hoặc là những anh chị em thợ khách.
Thời gian gần đây, báo chí Việt Nam ở Đức đã xuất hiện thêm tờ Tạp chí Hương Việt
www.tapchihuongviet.eu. Một đặc điểm rất đáng lưu tâm ở tờ báo này đó là nó được thực hiện bởi những người Việt trẻ tuổi đang sống, học tập và làm việc ở Đức với ước mơ „níu quê hương trở lại thêm gần“.
Theo anh Phạm Khánh Nam – Tổng biên tập Tạp chí Hương Việt thì mục đích ra đời của Hương Việt trước hết là nhằm phục vụ cho kiều bào Việt Nam đang sống và làm việc xa quê hương và sau đó là hướng tới những thế hệ người Việt thứ hai và thứ ba Đức đã và đang trở thành niềm tự hào cho Việt Nam. Ngoài ra Tạp chí Hương Việt còn là nơi tổng hợp những thông tin về nước Đức rất hữu ích cùng với nhiều tài liệu truy cứu về luật pháp giúp người Việt Nam tại Đức hòa nhập với cuộc sống nuớc sở tại.
Thư ký tòa soạn, nữ nhà thơ trẻ tuổi Hoàng Yến Anh tâm sự: „Chúng tôi, những người con thân yêu của quê hương Việt Nam đang sống và học tập ở Đức, đã và sẽ cùng nhau chung sức để tờ Tạp chí này ngày càng hoàn thiện hơn, cùng với ước mong rằng Hương Việt sẽ là nhịp cầu ngắn nhất để cho những người con xa xứ xích lại gần nhau hơn…“
Ngay từ khi Hương Việt ra đời, với tư cách một nhà báo tự do cộng tác với rất nhiều báo chí trong và ngoài nước, tôi đã bầy tỏ thái độ ủng hộ người trẻ và gửi bài cộng tác. Sự xuất hiện của tờ báo này ngay từ buổi ban đầu đã cuốn hút nhiều cộng tác viên khắp nơi tại Đức, kể cả các cộng tác viên thuộc thế hệ thứ nhất, có tên tuổi, như nhiếp ảnh gia Lê Chương, Thế Sáng, nhà thơ, nhà văn Thế Dũng.
Thời gian vẫn đang thử thách các bạn trẻ Hương Việt. Nhân dịp năm mới, tôi hy vọng lớp người trẻ như hương xuân đất Việt muôn thuở, sẽ bất chấp hoàn cảnh, tạo nên một tờ báo lớn ngày một uy tín, với hình thức và cách thức làm báo khá chuyện ngiêp, nội dung ngày một phong phú, sẽ là của mọi tầng lớp già trẻ, Tây và Đông... ngày có uy tín với bạn đọc ở Đức cũng như thế giới.
Nguyễn Văn Thọ