feed-image

Hãy nhấn „Thích Trang“ để theo dõi tin tức cập nhật của Tạp chí Hương Việt trên trang Facebook của bạn!

BỎ QUA

Op2 1140X206P 1 frame

Phông chữ

Sau khi cuốn tiểu thuyết Quyên ra đời và  khẳng định thêm một lần nữa một sự  đột phá của Nguyễn Văn Thọ  trên con đường văn chương,

tác giả  của „Quyên“ cũng đã nhận được rất nhiều những ý kiến phản hồi khác nhau từ độc giả. Phóng viên của Tạp chí Hương Việt đã có cuộc trò chuyện với ông xoay quanh cuốn tiểu thuyết này.
 
Hương Viêt: Xin chào nhà văn. Ông có thể cho bạn đọc của Tạp chí Hương Việt biết ý tưởng bắt đầu viết „Quyên“ của ông bắt đầu từ đâu và bắt đầu như thế nào? Ông đã hoàn thành cuốn tiểu thuyết này trong bao lâu?

Nguyễn Văn Thọ: Từ lâu quan sát đời sống người Việt tại Đức noí riêng và châu Âu noí chung, tôi thấy nhiều điều day dứt. Những mâu thuẫn giữa thưc tế và uớc mơ của người Việt tha hương, những cảnh đời trái ngộ và, ngay từ chính trong hố thẳm của bản thân, một câu hoỉ luôn luôn đặt ra là: Tôi ở đây là ai và tôi đã được, mất điều gì. Tận tới, khoảng năm 2000 gì đó, tôi gặp Kumar, một người Sri Lanka.  Anh sống chung với một người đàn bà Hà Nội gốc và hy sinh hết lòng cho người đàn bà này tận hôm nay. Kumar có tặng tôi một bức tượng phật, anh mang từ tổ quốc anh sang. Tượng rất nhỏ, cao chỉ 5 phân và tôi đã nhiều đêm, nhìn tượng suy nghĩ về con người di dân noí chung và con người Việt di dân cụ thể, qua nhiều câu chuyện tôi đã được biết. Thế là câu chuyện được hình thành từ những suy nghĩ đã chín. Năm 2006 tôi đặt bút viết những chương Quyên đầu tiên ở Hà Nội

Hương Viêt: Trong một bài phỏng vấn  ông nói: „Trước khi viết  Quyên, tôi đã suy nghĩ nhiều về thất bại của người đi trước ấy“, vậy sau khi viết Quyên ông có nghĩ là mình đã thành công vì đã không lặp lại những thất bại của những người viết trước đó?

Nguyễn Văn Thọ:
Tôi có một người bạn văn viết truyện ngắn rất nổi tiếng. Sau đó anh chuyển sang viết tiểu thuyết và thất bại. Quan sát anh, tất cả những sở đoản của một cây truyện ngắn xuất sắc được mang cả vào khi viết tiểu thuyết chính là nguyên do tạo nên thất bại thảm hại. Tôi cũng được chú ý bởi nhiều truyện ngắn trước đó và qua thất bại của bạn bè, tôi phải tính đếm rất cẩn trọng điều gì tôi tận dụng thế mạnh của kinh nghiệm viết truyện ngắn khi viết tiểu thuyết và hai ngôn ngữ khác nhau ra sao.Đó là cả một quá trình tìm tòi không dơn giản và phải tự hiểu mình.

Quyên  đã ra đời, có bạn đọc, được dư luận văn học chính giới tại Việt Nam thừa nhận, cũng như Việt Văn phóng viên báo Lao Động nhận xét: Tiểu thuyết Quyên không phải truyện ngắn kéo dài (dù nhiều chương bắt đầu như 1 truyện ngắn). Như vậy là tôi đã thành công. Dầu là ở Quyên vẫn tự nhìn thấy còn nhược điểm nào đó, song nó vẫn đúng là một cuốn tiểu thuyết và có bạn đọc.

Hương Việt: Tại sao ông lại lấy bối cảnh gã  đưa đường hiếp dâm Quyên trên  đường Quyên và chồng tìm cách vượt biên sang Đức để bắt đầu cho cuốn tiểu thuyết của  mình?

Nguyễn Văn Thọ:
Về cốt chuyện, chi tiết Hùng giam giữ Quyên  chính là nguyên nhân, sự khởi hạnh đầu tiên có tính mấu chốt xô đẩy Quyên vào cuộc phiêu lưu bi thương rớm máu suốt 9 năm. Và dù câu chuyện còn có cả một lịch sử trước đó của Hùng, của chính Quyên và chồng, song nghệ thuật xây dựng truyện nói chung và tiểu thuyết nói riêng đòi hỏi nhiều ngón nghề của từng cá nhân quyết định việc bắt đầu nó ra sao. Tình huống ban đầu của Quyên được dựng lên là trung tâm để toả nhánh khi xây dựng các dòng chẽ trong một trục chính, đó cũng là nghệ thuật thu hút độc giả như cinema, cuốn hút khán giả từ những khuôn hình đầu tiên. Vậy nên, với tôi - Quyên đã bắt đầu như thế mà không thể khác đi.

Hương Việt: Quyên chỉ là  một nhân vật được  ông xây dựng lên trong cuốn tiểu thuyết của mình nhưng lại miêu tả được rất nhiều những số phận của những người cùng cảnh ngộ với Quyên không chỉ ở Đức mà còn ở những nước Đông Âu khác, vậy ông có nghĩ cuốn sách của mình cũng là lời cảnh báo cho những ai còn ham muốn sang Châu Âu bằng bất cứ giá nào?

Nguyễn Văn Thọ:
Có phần nào đó điều chị noí. Song không phải đó là tư tưởng chính, một lời khuyên nào đó xuyên suốt trong Quyên. Sự di dân với lịch sử thế giới không phải là điều quái đản và không hàm chưá cái tất yếu khách quan của lịch sử thế giới đã sinh ra nhiều quá trình di dân. Sự di dân của người Việt cũng vậy, chỉ có điều con người cộng đồng Việt nên ứng xử với nhau ra sao trên con thuyền vượt ra ngoài biển ấy thôi. Theo tôi nhà văn không nên khuyên bảo ai cả. Tự mỗi cá nhân phải đặt lời giải, sự nhận thức mới từ mỗi cuốn sách, có khi lại từ những tình huống, chi tiết ngoài ý đồ của người viết. Đó là thế giới bội sinh cần có để phát triển. Và đó mới đạt được nghệ thuật tiểu thuyết noí  riêng và văn xuôi noí chung

 

Hương Việt: Sau khi Quyên ra đời, những lời khen chê cũng có rất nhiều trên các trang web mạng và tôi có đọc được câu viết này: „Chuyện kể về số phận của cô Quyên. Qua đó cũng nói luôn về những bi kịch của những gia đình đang sung sướng giàu có ở Việt Nam tự dưng nghe lời xúi giục bán hết các thứ để đi. Sang nước ngoài mơ một cuộc sống mới nhưng hoàn toàn thất bại. Thực ra cô Quyên này thế là quá sướng, đi đến đâu cũng có người giúp, lại sau đó có con ngoan, cuối cùng có bạn tốt giúp đỡ.v.v. Tóm lại là cô ấy chả khổ gì cả so với trăm ngàn số phận khác , đơn giản là một cô gái đẹp trong vô vàn số phận trời Tây của người Việt ta, vậy cuối cùng người đọc không hiểu là tác giả muốn nói đến cái gì qua tác phẩm này?“. Ông sẽ trả lời như thế nào?

Nguyễn Văn Thọ:
Truớc hết phải xác định, một cuốn sách ra đời có bao nhiêu bạn đọc, thì có bấy nhiều cách nhìn về nó. Bạn đọc từ chính bệ đỡ bản ngã của họ, sẽ phán xét theo cách hiểu của họ, nên không gì phải ngạc nhiên cả. Song nếu nhìn sự vật với ý kiến của ai đó như trên, thì chúng ta sẽ nhìn lại toàn bộ bi kịch của thuyền nhân tại Đức và trên thế giới ra sao? Nếu chỉ nhìn cái phần hậu, cái kết của một vấn đề vốn là cả một quá trình, đầy bi kịch, thì hôm nay, khi hầu như tất cả những thuyền nhân tới Đức hay ở Mỹ, những kẻ sống sót qua vượt biển, đều có một cuộc sống an bài cả, vậy ai có thể nhẫn tâm phát biểu rằng, họ - những người con Việt Nam cần thương yêu chia sẻ ấy, chả khổ nạn gì, trong cuộc di dân của dĩ vãng giữa trùng khơi và bao mất mát đau đớn họ đã trải qua.Và nếu nhìn cuộc sống như vậy, thì chúng ta noí gì với những sinh mạng, những linh hồn đã chìm nát trên biển cả đau thương? Hãy trả lời các câu hoỉ cho những gia đình mất hết người thân, hay chỉ còn 1 người sống sót! Sao có thể nhìn vào cuộc sống an bài của người sống sót hôm nay, mà nói đấy chả khổ gì so với trăm ngàn số phận khác, đấy là hạnh phúc?

Tôi không bao giờ tuớc đi cái quyền phải tự  trả lời của bạn đọc. Không ai có  quyền đó và tùy theo tâm thức của từng người, họ sẽ nhận ra điều gì  ở mỗi câu chuyện tôi  đã suy nghĩ chín chắn mà  đặt bút. Do vậy xin phép chị, tôi nhường lời cho bạn đọc  trả lời sự cật vấn chị đã nêu trên.

Quyên  đã trải qua 9 năm thăng trầm của đời 1 người đẹp, như cuộc sống vốn dĩ may mắn và bất hạnh, nhưng hỏi có bao nhiêu người muốn và dám  đánh đổi tình yêu ban đầu của mình, sự bình yên, ấm áp ban đầu của mình, để lấy sự an bằng cuối cùng của Nhận thức Quyên? Đấy là tôi chưa thêm phản biện thêm rằng, Quyên dù xây dựng trên biết bao số phận có thực, nhưng nó không phải chủ đích noí về cái có thật, mà nó là vẻ đẹp thuần Việt bị vùi dập và cứu dỗi, bị trả giá ngay trong chính vỉa tầng văn hoá của cộng đồng Việt họ khi ra biển cả thế giới..Tôi trộm nghĩ, văn học là nhân học và nó cũng cần soi tỏ nó chính bằng nhân học.

Hương Việt:  Tình cảm giữa Quyên và Hùng là một thứ tình cảm không thể đặt thành tên, đối với Quyên thì „ Hùng vừa là một kẻ thù, vừa là kẻ ban ơn. Một người đàn ông đủ trắng – đen, đủ khốn nạn lẫn tử tế“. Ông có nghĩ là con người ta luôn có thể tồn tại và sống bằng hai bộ mặt khác nhau được không?

Nguyễn Văn Thọ:
Sách xưa có câu, nhân chi sơ tính bản thiện. Họat động của con người trong xã hội làm người luôn là quá trình đấu tranh để sinh tồn. Về bản chất, người ta phải luôn chống chọi với thú tính của bản năng, thì mới có xã hội loài người tiến bộ và phát triển như hôm nay. Như vậy, đó là một quá trình luôn diễn ra ở mỗi con người sự giằng co giữa ác và thiện, giữa tốt và xấu. Người có bản lĩnh, giữ vững bản ngã truớc bất kì giông tố nào. Sách Phật cũng dậy tu tâm, rèn tính là như vậy. Và sự giác ngộ, tu thân vượt qua mọi Tham sân si chính là xác lập bản ngã nhà Phật truớc sự cám dỗ của bản năng. Nên có thể noí, người ta trong cuộc giằng co ấy đã biểu hiện có hai bộ mặt, song không có nghiã con người có thể sống với hai bộ mặt mà không bị cật vấn của lương tâm, của những nền tảng cơ bản tạo nên văn hoá đạo đức...

 

Hương Việt: Tác giả Đỗ Ngọc Yên trong bài viết  „Nhập đồng Quyên“  đã nói: Có thể nói về bản chất, ngay từ xuất phát điểm, người Việt Nam ta đều hèn mọn như nhau, có chăng chỉ khác ở hình thức biểu hiện của những cái hèn ấy, hoặc là do những nguyên nhân khách quan nào đó mà người khác chưa kịp nhận ra cái hèn của chúng ta. Cái hèn của người Việt Nam, nếu đứng ở ngoài biên giới nhìn thấy rất rõ. Đấy là một lợi thế và là mấu chốt tạo nên sự thành công của “Quyên”Ông nghĩ như thế nào về lời nhận định đó?

Nguyễn Văn Thọ:
Tôi luôn tôn trọng xu hướng phải nhìn một cuốn sách, hay khảo cứu một vấn đề nào đó,  người ta nên theo nhiều chiều khác nhau và, tôi tôn trọng ý kiến của Đỗ Ngọc Yên trong bài phê bình Nhập đồng Quyên của anh. Song trộm nghĩ, Cái hèn của người Việt chỉ là một điểm nhìn trong nhiều điểm nhìn về Việt Tính trong tiểu thuyết Quyên.Do vậy, đánh giá sự thành công ở Quyên, khi dùng cụm từ Một lợi thế và là mấu chốt theo tôi chỉ là ý kiến cá nhân của một nhà phê bình. Trong Quyên có nhiều vấn đề thuộc về người Việt chứ không chỉ là Cái hèn và, sự tập hợp nhiều vấn đề khắc hoạ, khái quát Việt Tính mới tạo nên cả phần hồn lẫn phần cốt của Quyên tạo thành tiểu thuyết chinh phục bạn đọc. Điều này, xét về giá trị nội hàm một tác phẩm - tính liên kết thống nhất của hai mặt Nội dung và hình thức một tác phẩm - các nhà lí luận, sách kinh viện đã noí mãi rồi, xin tránh noí lại ở đây.

Hương Việt: „Sự hối thúc của  đời sống buộc tôi cầm bút“,  ông từng phát biểu như  vậy. Vậy khi viết xong Quyên, ông có thấy nhẹ lòng hơn chút nào không?

Nguyễn Văn Thọ: Tôi như vơi đi một chút sự mắc nợ. Y như cảm giác nợ ai một món tiền mà vừa trả xong.

Hương Việt: Được biết Quyên  đã được Công ty BHD đã chính thức mua bản quyền  để dựng thành phim, ông đón nhận thông tin này như thế nào và ông có thể cho bạn đọc của tạp chí Hương Việt biết rõ hơn một chút về kế hoạch này?

Nguyễn Văn Thọ:
BHD là Công ty trách nhiệm hữu hạn Bình Hạnh Đan. Một công ty tư nhân tại Hà Nội, có khá nhiều thành công ở lĩng vực giải trí truyền thông, nhất là phim ảnh. Năm vừa qua chính họ đã làm phim Cánh đồng bất tận. Tôi rất vui khí bán bản quyền cho họ vì những người ở BHD tỏ ra rất am tường văn học, có nhiều tri âm với tác giả với Quyên. Theo kế hoạch tiểu thuyết Quyên sẽ làm phim nhựa trong thời gian ngắn nhất. Họ đã dập dạp chọn diễn viên và chúng tôi sẽ khảo sát Châu Âu chọn cảnh có thể ngay năm nay. Còn kế hoạch cụ thể như thế nào thuộc về các nhà làm phim chứ không thuộc về nhà gái, khi tôi đã gả nàng Quyên về làm dâu nhà họ.

Hương Việt: Dự định sắp tới của ông sau „Quyên“ sẽ là gì không?

Nguyễn Văn Thọ: Một tập truyện ngắn, một tập Tạp bút và cuối cùng, ba năm tới sẽ là tiểu thuyết 800 trang với tên Thời gian chết.

Hương Việt: Xin cảm  ơn ông và thay mặt cho Tạp chí Hương Việt, xin gửi tới ông tất cả những lời chúc tốt đẹp nhất và chúc ông thành công hơn nữa trên con đường văn chương.

Thực hiện: Hoàng Yến Anh
 

Thêm bình luận

TIN TỨC - SỰ KIỆN MỚI CẬP NHẬT

QUẢNG CÁO
tapchihuongviet.eu 2020 02 07 um 17.29.59
tapchihuongviet.eu 2019 07 19 um 15.05.46
banner fam right

Hội chợ 'Việt Nam tại Đức' thu hút khách tham quan

Trong khuôn khổ Hội chợ Xuân AFA 2020, Tạp chí Hương Việt tổ chức sự kiện đặc biệt với chủ đề "Việt Nam tại Đức" nhân dịp kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Đức (1975-2020).

tapchihuongviet_treviet_vdKỷ niệm 10 năm hình thành và phát triển của Tạp chí Hương Việt

Kỷ niệm 10 năm hình thành và phát triển của Tạp chí Hương Việt, đồng thời hướng tới 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt - Đức. Tạp chí Hương Việt cùng các Hội đoàn người Việt phía Tây-Nam nước Đức đã tổ chức chương trình Lễ hội văn hoá Việt Nam - Hương Việt 2019.