Bố ra vườn cắt cành đào to bự mang vào nhà, ông nội khen hoa đào năm nay nở đều thắm hơn và đẹp hơn năm ngoái. Bố đưa bó đóm huơ quanh vết cắt cho khô nhựa rồi cắm vào bình to có nước. Chị em cái Thơm thằng Thảo mắt tròn mắt dẹt dõi theo từng cử chỉ của bố luôn miệng hỏi ông tại sao thế này thế nọ.
Ông bắt đầu chậm dãi kể: Hoa đào tượng trưng cho mùa xuân và ngày tết của dân tộc, sắc thắm hồng dịu tượng trưng nét thanh lịch mềm mại và duyên dáng của mỗi con người khi đón nhận niềm vui lớn sau một năm lao động nên cành đào được bày ở phòng khách hay bên bàn thờ, ngoài nét đẹp ngày xuân đào xem như một niềm vui mang ý nghĩa lớn là xua đuổi điềm xấu, ma quỷ đến nhà. Lịch sử giữ nước còn ghi ngày mồng năm tết Kỷ Dậu (1789) vua Quang Trung đem năm vạn quân ra bắc diệt ngoại xâm, Ngọc Hân công chúa tiễn chồng ở lại Phú Xuân nhìn dòng sông Hương thêm nhớ Thăng Long, nhớ hoa đào thắm nở bên Hồ Tây mỗi độ xuân về. Nguyễn Huệ hiểu ý hoàng hậu và động viên hứa giành thắng lợi sớm rồi ông cùng quan quân thần tốc lên đường. Mồng năm Tết đại thắng quân Thanh, ông khoác áo bào còn vương khói súng bước vào thành Thăng-Long, bô lão thay mặt thần dân dâng vua bánh chưng xanh và cành đào đỏ thắm. Người mừng vui tiếp nhận rồi truyền lệnh mang cành đào về kinh đô Phú Xuân tặng công chúa Ngọc Hân như sẻ nửa mùa xuân Thăng Long, nửa mùa xuân chiến thắng về tặng người yêu đang từng giờ mong đợi.
Ông kể tiếp có được cành đào tết như hôm nay khâu chăm nom cũng khá công phu, trước tiên phải kể đến gốc gác và chủng loại của đào: Giống đào phai hoa năm cánh màu nhạt dễ trồng, chăm bón giản đơn chứ không cầu kỳ, mùa xuân đơm hoa rồi kết trái thu quả vào tháng năm âm lịch, hoa đào phai cũng được nhiều người ưa thích bởi tính mộc mạc giản dị của đào. Tiếp đến là đào bích hoa được tạo dáng như mâm xôi, tán cây tỉa tót uốn nắn thành nhiều bậc, hoa nhiều lớp cánh còn gọi là hoa kép, màu hồng đậm với lớp nhung mịn màng duyên dáng được mọi người ưa thích,
nhưng ít đậu quả và nhỏ bé không ngon, chủ yếu chơi hoa ngày tết. Một loại đào bích cây nhỏ hơn, lá dài hơn, cánh hoa thắm hơn, dáng đẹp hơn, trồng ghép cầu kỳ hơn được mọi người quý hiếm gọi là đào thất thốn (cây cao bẩy tấc), lại còn một dạng đào kép hoa trắng gọi là bạch đào, cây và hoa hệt đào bích nhưng mang màu trắng bạch, giống đào này cũng khó trồng.
Ông bảo có được cành đào, người trồng cũng phải dày công từ trồng tỉa ghép cành, chăm bón tạo dáng bứt lá hãm hoa…Trước tiên người ta trồng hạt đào phai (đào ăn quả) gieo lấy cây con, sau một năm đem cắt ngọn để gốc cao khỏi mặt đất chừng 15 – 20cm lấy mắt đào bích, đào bạch, đào thất thốn…đem ghép, từ mắt ghép mọc lên cành mới được chăm sóc tỉa tót uốn nắn theo ý con người. Đến tháng tám âm lịch hàng năm dùng dao sắc khoanh vòng lên thân vỏ để hãm sự phát triển của cành để cây chuẩn bị nuôi hoa và gần tết chừng 50 – 55 ngày bứt hết lá trên cây nhằm kích thích cành đơm nụ, giữa tháng chạp nụ trên cây hình thành rồi lớn dần. Việc hướng cho đào nở ngày tết sớm hay muộn phụ thuộc vào thời tiết cuối năm, giờ đây con người chủ động hơn phủ ni lông hạn chế hoa nở sớm, hoặc tưới nước ấm che sương muối, dùng thuốc kích thích cho hoa nở theo ý muốn.
Chị em nó say sưa nghe ông kể, bà từ dưới bếp lên giục ông chuẩn bị lễ giao thừa, bà vớt bánh chưng, ngoài sân lắc thắc mưa bay vừa lúc chuông ngân dóng dả báo tin mùa xuân đã về, nụ đào trên cành đua nhau nở rộ, cả nhà mừng vui mùa xuân đã về.
- Phạm-Kim-Nhung
- Câu lạc bộ Thơ – Phường Thịnh-Đán
- Thành phố Thái-Nguyên – Tỉnh Thái-Nguyên
CÀNH ĐÀO TẾT
Tiện ích
Phông chữ
- Font Size
- Default
- Chế độ đọc