Nhà thơ, Thạc sĩ Hán Nôm Nguyễn Lãm Thắng sinh 14/8/1973, Hội viên Hội Nhà văn Thừa Thiên-Huế, Trưởng Gia đình Áo trắng Huế. Hiện anh là Giảng viên Khoa Ngữ văn Trường Đại học sư phạm Huế.
Sau khi học xong ĐHSP Huế anh đã từng làm nhiều nghề để kiếm sống, sau đó anh mới về giảng dạy. Chính thời gian anh lăn lộn trong Nam ngoài Bắc để kiếm sống ấy nó đã trở thành vốn sống, vốn kinh nghiệm, thành nguồn cảm xúc, đem đến cho thơ anh một giọng điệu khác lạ, tạo ra một nét phong cách riêng không thể lẫn lộn với bất cứ một nhà thơ nào. Ngay trong chính hành trình thơ của anh cũng có sự chuyển biến, chuyển biến gần như là đối lập. Nếu ở tập thơ đầu tay Điệp ngữ tình (NXB Hội Nhà văn, 2007) những bài thơ mộc mạc, giản dị, da diết về tình yêu và sự sống thì đến những bài thơ anh sáng tác gần đây nó không còn đằm thắm như thế nữa. Ngôn từ giờ đây đã có sự “nổi loạn”- câu thơ ngắn, dài, liền mạch, đứt quãng tạo nên những khoảng lặng, khoảng trống; đôi lúc gây khó hiểu cho người tiếp nhận. Nhưng chính điều này đã tạo nên phong cách và hồn thơ Nguyễn Lãm Thắng, một hồn thơ đau đáu nỗi niềm, một sự ám ảnh của cuộc sống nhân sinh. Tất cả mọi khía cạnh của đời sống xã hội được đưa vào thơ anh ngồn ngộn, dạt dào tuôn chảy theo dòng cảm xúc của một con người có một lối sống nội tâm độc đáo.
Đối diện với anh, nói chuyện với anh ta bắt gặp một con người hiền lành, một đôi mắt buồn với cái nhìn xa xăm. Nhưng bao giờ anh cũng nở một nụ cười phúc hậu. Có thể nói ẩn đằng sau nụ cười ấy, đôi mắt ấy là những suy tư, trăn trở, dằn vặt, có cả sự đau đớn của một công dân sống hết mình vì cái đẹp, cái thiện, cái cao cả của cuộc sống này.
Bằng cách sử dụng từ ngữ, tứ thơ và những nét mới trong thơ anh, Nguyễn Lãm Thắng đã tạo được một nét dị biệt và có phần ngông. Nói như Hoàng Thuỵ Anh: “Nguyễn Lãm Thắng ngông để bộc lộ cái tôi của mình, một cái tôi cô đơn, đau đớn đến tột cùng trước những thực trạng xã hội, song anh không đánh mất chính mình”.
Với đôi mắt nhạy cảm của người nghệ sĩ anh nhìn cuộc sống này ở cả bề rộng lẫn chiều sâu. Bên cạnh những cái tốt đẹp người ta vẫn ca tụng hằng ngày anh còn nhận ra những cái xấu, những mặt trái, sự oái ăm, nghịch lý của cuộc đời. Nhìn cuộc sống ở trần thế này chưa đủ anh đã tự đưa mình vào thế giới cõi âm để nhìn nhận cho toàn vẹn, đủ đầy những tiêu cực, hạn chế, yếu kém, bất công … của cuộc sống thực tại.
Vì vậy, hình ảnh cái chết, bia mộ, lăng tẩm được nói đến nhiều trong thơ anh cũng có nguồn cội sâu xa của nó. Đúng như Jakobson nói: “Thơ là sự trở lại hình ảnh, nhịp điệu, cảm xúc … thơ là sự trùng điệp liên tục, điệp trùng gây day dứt, khắc khoải đến đau đớn, nhức nhối hoặc gợi những giấc mơ xa”.
Anh nói đến cái chết, sẵn sàng chuẩn bị đón nhận nó không phải là anh lẫn tránh, lo sợ, trốn chạy nó mà theo anh đó là cách tốt nhất để giữ cho tâm hồn không bị hoen rỉ, bào mòn, biến chất trước cuộc sống đầy những biến động, bon chen, cám dỗ và đầy những cạm bẫy!
Tôi biết tiết kiệm những nỗi đau của mình
để biến nó thành những quả đồi mang hình nấm mộ
chôn những linh hồn vất vưởng
(Tiết kiệm)
Khi lòng người bị nhiễm mặn/ niềm tin bị xâm thực, anh đau xót thốt lên: tôi sợ những chuỗi ngày mệt mỏi thừa thải vô tích sự cứ trôi qua như xác chết khổng lồ/ giẫm lên đời tôi (Thêm một ngày kết tủa)
Những sự thật hết sức nghiệt ngã của cuộc sống này đã được nhà thơ phản ánh một cách khá sinh động trên nhiều phương diện, khía cạnh, sự việc. Đó có thể chỉ đơn giản là: một tiếng khóc trên đồng, một dòng sông, một góc phố, những linh hồn trôi, trái tim mùa cũ, trong cơn mưa vội, bài hát buồn của bầy chim tổ rách, lời ru của người cha trẻ, chuyển động của thời gian, những oan hồn hoá đá, bi kịch, trước biển, một chiều nghĩa trang, cỏ mọc thành giếng cũ, một chiều nắng xế miền Trung, có thể nói nhiều về cái không thể nói, thấy lạnh trong hồn …
Tất cả đều đi vào thơ anh như là sự giãi bày những cảm xúc, những nỗi lòng, những tâm sự; có lúc đó là những lời độc thoại với chính mình như một sự chiêm nghiệm, suy ngẫm, soi xét …
Chỉ ra được như vậy theo tôi đó là một điều rất đáng quý, đáng trân trọng, chỉ ra rõ như thế để chúng ta biết cách mà sửa chữa. Và sửa để mục đích nhằm thanh lọc, loại bỏ, hạn chế, khắc phục cái xấu, cái sai, cái nhược điểm … làm cho cuộc sống ngày càng tiến bộ hơn, ý nghĩa hơn, đáng sống hơn.
Dẫu biết rằng, việc anh nói chân xác, thực quá, có lúc gọi đích danh sự việc …. Có người sẽ cho anh là thế này thế nọ. Điều này cũng dễ hiểu vì văn chương vốn dĩ muôn đời là thế, nó phải chịu sự phán xét của bạn đọc, của xã hội, của sự khen chê, những lời ca ngợi hay những quy kết … Nhưng chúng ta tin chắc rằng anh không hề dựng chuyện, tô vẽ thêm mà đó là những sự việc có thật được anh phản ánh bằng thơ.
Chẳng hạn trong bài Khi lũ trẻ lớn lên:
chúng không biết màu xanh của mùa xuân khát vọng
nhưng chúng biết màu xanh của những hình xăm trên ngực trên lưng trên
đùi trên rốn trên mông
chúng không biết khúc tấu ca mùa hè của loài ve ngàn dặm
nhưng chúng biết những nhạc khúc yểu mệnh cùng với ca từ sáo rỗng
nhạt phèo như nước ốc
chúng không biết lá mùa thu vàng hay đỏ
nhưng chúng biết tóc vàng lốm đốm mắt xanh môi đỏ hợm người
chúng không biết ruộng đồng ngày mưa tháng nắng ướt dầm mưa đông gió
rét
nhưng chúng biết say sưa trên cánh đồng web để cày xới game online chát
chít sex và “yêu”
………………….
rồi chúng lớn lên
mơ hồ những địa danh lịch sử
mơ hồ nguồn cội Rồng Tiên
mơ hồ chính mình
mơ hồ trong từng hơi thở
bởi sự thật tìm đâu trong lớp lớp mơ hồ?
Bài thơ phác hoạ rõ nét những thực tế hết sức đáng buồn của một bộ phận thế hệ trẻ hôm nay- những người được coi là chủ nhân tương lai của đất nước, là lực lượng rường cột của nước nhà. Chính họ có đủ mọi điều kiện để học tập, trau dồi tri thức, làm được nhiều việc có ích khi đang thừa hưởng mọi điều tốt đẹp. Ấy vậy mà họ đã đánh mất đi nhiều thứ, những điều căn bản cần phải có thì họ lại không quan tâm. Ngược lại họ chú ý đến cách ăn chơi đua đòi, xăm mình, nhuộm tóc, học đòi những kẻ côn đồ, đầu đường xó chợ … Chúng có biết đâu nỗi vất vả cơ cực của bố mẹ ông bà? Chúng đã đánh mất đi cái gọi là bản sắc, là truyền thống, là cốt cách, tinh hoa của dân tộc…. Chúng yêu đương theo kiểu mì ăn liền, sống gấp, sống vội và chúng chỉ biết sống để hưởng thụ, sống ngày hôm nay mà không cần biết cho ngày mai! Đau xót biết nhường nào, khi:
khi lũ trẻ lớn lên không thèm biết hai từ đất nước
chúng chỉ biết tìm cái nghề trong cái nghĩa làm thuê
bởi bằng cấp cũng chỉ là món hàng đem ra chợ bán
Đất nước hai tiếng ấy nó thiêng liêng làm sao! Ông cha ta mấy nghìn năm nay đã đổ biết bao máu xương cũng vì nó. Vì lòng tự tôn, vì ý thức giống nòi, vì mình là con Rồng cháu Lạc phải sống đúng với lương tâm và trách nhiệm. Ấy vậy mà một bộ phận thanh thiếu niên vì đua đòi ăn chơi lêu lỏng nên bỏ học giữa chừng, thiếu sự quản lý của gia đình, nhà trường và xã hội dẫn đến hậu quả là làm nhiều việc phạm pháp như: cướp giật, đâm chém, nghiện ngập và rất nhiều vụ vi phạm pháp luật đau lòng khác xảy ra …con số thanh thiếu niên phạm tội ngày càng gia tăng. Đó là nỗi đau đấy chứ, gánh nặng đấy chứ?
Một sự thật nghiệt ngã nữa đó là việc chạy chức, chạy quyền, mua bằng cấp đã và đang diễn ra. Bằng cấp giống như một món hàng rao bán chợ, bằng Đại học, thậm chí bằng Thạc sĩ, Tiến sĩ cũng được bán!
Một bộ phận nhỏ cán bộ vì nhiều lý do cũng tranh thủ kiếm cho mình một cái bằng cho nó “oách” nhằm phòng thân. Có vị đang giữ cương vị chủ chốt ở một vài cơ quan, đơn vị chưa có bằng THPT nhưng đã có đến mấy bằng Đại học. Có vị chưa học một ngày, một giờ nào ở trường vẫn có bằng Tiến sĩ. Một số Tiến sĩ giấy ở nước ta như báo chí đã đưa tin là một minh chứng.
Nguyễn Lãm Thắng đã có sự liên tưởng khá thú vị trong “Thí điểm hay trò chơi” từ chuyện những tin nhắn điện thoại tác giả đặt ra nhiều vấn đề lớn cần suy ngẫm về sự thay đổi xoành xoạch của nền giáo dục nước nhà.
Vẫn còn đó bệnh thành tích, một căn bệnh mãn tính đã và đang diễn ra ở mọi cấp, mọi ngành và để lại những hậu quả khôn lường …
Những cơn đại hồng thuỷ đã cướp đi rất nhiều mạng người hằng năm, những cơn lũ bất chợt từ thượng nguồn đổ về, cảnh tang tóc đau thương, mất đi nhà cửa người thân, người còn may mắn sống sót phải cố bám trụ để mà sống. Thậm chí có những cơn đại hồng thuỷ đi qua, có nơi bị xoá sạch …
Cơn hồng thuỷ dồn lên cổ họng
mặt đất tắt thở
những con sông đồng loã
cấu kết dìm kiếp sống
những mảnh đời sâu đo
Ngọ nguậy trong biển lũ
quét
và
quét chỉ còn lại vạt đất trống
không người khóc
(Những con sông cướp máu phố phường làng xóm)
Vì sao vậy? Rừng thượng nguồn giờ bị tàn phá dữ dội, rừng giờ đã có chủ, người ta đã chặt phá, đốt sạch rừng nguyên sinh để thay vào đó là việc “trồng cây gây rừng”? Nhà thơ gọi đó là:
Sự lẫn lộn thật khổng lồ
giữa đốt rừng
và trồng rừng
……………………
núi rừng là của chung cho mọi người dân
là nơi kiếm củi, làm rẫy, hái sim, và chôn người thân …
mà bây giờ
núi rừng quê tôi đã có (thẻ đỏ)
dễ hiểu hơn là đã có chủ
(Rừng ơi ta khóc cho rừng)
Tận trong sâu thẳm tâm hồn, trái tim một con người sống thành tâm anh thảng thốt:
Ta tập mở mắt lần nữa để nhìn thế giới phía giác độ người mù
để thấy đằng sau câu chúc tụng là vết đâm tứa máu
để thấy từng miếng thời gian gãy khúc trên chiếc lưỡi dối lừa
để thấy trong sự hoài nghi trong từng nụ hôn
vài ba giọt rượu lăn lóc trên bầu vú căng phồng sữa độc
ngày kéo dài hơn những vở tường phù phiếm
đêm hoang mang hơn những huyền thoại đen như máu ứ
trục đất đang nóng dần trong tim ta
máu đang bùng lên ngọn lửa
(Máu đang bùng lên ngọn lửa)
Ta cũng bắt gặp một sự thật, một sự thật quá ư đáng buồn, nói ra đến phát khóc trong Cuối năm và cảm giác tồn vong của lão Q
………………………
năm ngoái/ vào dịp tết/ có tiền cứu trợ cho những hộ nghèo đói/ thằng con trai lên xã từ 7 giờ sáng/ trưa quên ăn/ chờ mãi đến chiều/ nghe nói đoàn còn bận phát chẩn ở hai xã khác chưa về/ người nghèo đứng chờ chật cả sân uỷ ban xã/ khói thuốc bay lòng vòng ngột ngạt bao vây kiếp nghèo phận khổ/ rồi 8 giờ tối đoàn mới về/ mấy ông cán bộ còn nạt nộ la lối om sòm/ thôi cứ giả điếc giả câm giả lơ cho qua chuyện/ tội nghiệp đôi dòng nước mắt/ cứ rỉ ra từ hai con mắt đỏ hoe/ đêm nớ có người thức tới 2 giờ sáng mới về đến nhà/ nhận được đồng tiền cũng chảy máu con mắt/ tưởng rứa là êm chuyện/ ngờ đâu/ về nhà/ còn bị mấy chú cán bộ thôn (làng văn hoá) chặt bớt một nửa/ các chú còn doạ/ nếu không “ tự nguyện” (chia sẻ) sẽ bị xoá tên khỏi danh sách người nghèo/ đành ngậm đắng nuốt cay mà chấp nhận/ dù chi nghèo cũng đã nghèo rồi/ âu cũng là của bổng trời cho …
Có lẽ chúng ta không cần bàn luận nhiều, những gì đã nói trong bài thơ đã rõ. Đau xót quá! Tủi nhục quá! Vẫn là chuyện miếng ăn, vẫn là cảnh đói nghèo thê thảm, vẫn là chuyện cán bộ ăn chặn của dân! Thiết nghĩ, những anh cán bộ như thế có còn là đầy tớ của nhân dân hay nhân dân là đầy tớ? Cán bộ mà đan tâm làm được những việc nhơ nhuốc đó thì làm sao dân tin? Hoá ra chính những việc làm bậy bạ, chính thái độ coi thường nhân dân, coi thường pháp luật, họ đã tự đánh mất danh dự và nhân phẩm chính mình.
Ai đã từng đi qua phố chắc chắn sẽ nhìn thấy những hình ảnh mà nhà thơ vẽ nên trong bài Góc phố. Dù rằng có lúc người qua đường sẽ cảm thấy quen thuộc với những hình ảnh, những âm thanh, việc làm ấy! Nhưng với những người có tâm hồn nhạy cảm, những người có trách nhiệm, họ sẽ nghĩ suy gì?
Những hình ảnh được phản ánh, được ghi lại trong bài thơ có phải là xã hội thực sự văn minh không? Những câu hỏi lớn đang đặt ra cho nhiều cấp, nhiều ngành, cho ý thức trách nhiệm của từng công dân trước yêu cầu của thời đại.
Đến bài Những câu hỏi thầm trong quán nhậu
Bao nhiêu tiếng hô một
hai ba zô zô zô!
bao nhiêu tiếng cười tràn
trề gác quán bao nhiêu
em gái xinh đẹp hở
ngực hở rốn bao nhiêu
lời nịnh lời khen lời
chê sau lưng bao nhiêu
cái bắt tay hờ …
và bao nhiêu tờ hoá đơn đỏ?
Cũng là một sự thật 100%, nó đang diễn ra hàng ngày hàng giờ quanh ta đây thôi, dù rằng ai cũng biết nhưng lâu rồi cũng trở thành bình thường? Một sự bình thường nhưng lại nhức nhối! bởi đằng sau những cuộc nhậu, cuộc chơi vô tội vạ ấy, những tờ hoá đơn đỏ ấy chính là những sự giả dối, lọc lừa, một cuộc sống đầy những phù phiếm, lố lăng, hoang hoác, hỗn tạp, xô bồ … Họ có biết đâu rằng vẫn còn đó biết bao người dân, bao mảnh đời phải sống trong đói nghèo, vật vã, đau thương?
Trước sự biến đổi thế cuộc, những gì là ký ức là kỷ niệm đẹp một thời giờ nó đã trở thành dĩ vãng xa xôi, khó mà tìm lại được. Trong số những ký ức ấy, nhà thơ đau đáu nuối tiếc cho làng xưa của mình: nơi có luỹ tre xanh, có mái đình cổ kính, vòm nâu mái ngói, thờ Thành hoàng làng oai linh lẫm liệt, rất thiêng liêng, nghi ngút khói hương trong những ngày tế lễ xuân thu … Tất cả những điều ấy đã ăn sâu vào máu thịt, vào tiềm thức. Ấy vậy mà :
Qua gió bụi thời gian/ nghẹn ngào dâu bể/ làng mất tên/ đình chùa tiêu thổ/ những mả đống gò mồ nghĩa địa … còng lưng vào núi xa/ leo lên mấy đồi mấy dốc/ bia gãy đứt làm đôi/ ma lên ngủ trên đồi/ huyệt mộ nhường cho ngô lúa/ chết rồi hồn phách không yên/ nhường nhà mồ cho dự án quy hoạch cư dân/ cho ruộng đồng cải tạo/ rồi làng không còn làng/ dẫu tên gọi mới là làng- văn- hoá …
(Ký hoạ làng)
Bên cạnh việc nói đến những hiện thực của đời sống Nguyễn Lãm Thắng còn vẽ lại bức chân dung tự hoạ về mình, về người thân với những gian truân vất vả, khổ đau, buồn vui lẫn lộn và quá khứ đau thương, bi thảm của những năm tháng còn trong khói lửa chiến tranh. Đó là nỗi đau của người cha mù không thấy mặt con ngay lúc chào đời, rồi những năm tháng tuổi thơ của tác giả sống trong nhọc nhằn, tủi cực và đói khát, sự ra đi không bao giờ trở lại của người của những người ruột thịt …
Để rồi từng cơn đau thắt ruột lại đến với anh, đã dắt anh vào những giấc ngủ ma/ những giấc ngủ chập chờn nửa mơ nửa thực/ gặp lại người anh ruột/ chết đã mười ba năm vì tai nạn giao thông ở Gò Vấp/ anh gặp lại người em chết đói năm 1977 không gặp mẹ lần cuối cùng/ khi mẹ về Đà Nẵng kiếm từng manh áo rách, bo bo/ anh gặp lại người cha già thương phế hơn 35 năm viết câu thơ lành lặn … (Từng cơn đau thắt ruột)
Vốn là một con người giàu lòng trắc ẩn Nguyễn Lãm Thắng chợt nhận ra mình còn nhiều điều dang dở chưa thực hiện được khi tuổi đời đã gần 40!
…………….
gần bốn mươi năm
chưa trọn một giấc mơ
tự xé mình ra
hai mươi năm mất ngủ
từng ngón tay dắt mình vào nấm mộ
những huyền thoại cuộc đời bóp nghẹt trái tim đau!
gần bốn mươi năm
râu tóc trẽn trơ màu
ngờ nghệch phố
lều bều bao nẻo chợ
giọng ly quê
nôm nồm lơ lớ
……………….
băm sáu tuổi đầu
len lén ghé tai nghe
khuya xao xác dăm tiếng gà gáy muộn
và len lén nhìn mây trời gãy vụn
thực thực hư hư ảo ảo huyền huyền
……………….
Rồi còn biết bao nhiêu sự thật nghiệt ngã khác của đời sống này được Nguyễn Lãm Thắng viết thành thơ. Ở đây trong khuôn khổ bài này người viết chỉ lấy một vài dẫn chứng minh hoạ mà thôi.
Nhìn chung, những bài thơ anh sáng tác ở giai đoạn sau này hầu như bài nào cũng đề cập đến những mảng hiện thực của cuộc sống đương đại, có sự liên hệ, kết nối giữa quá khứ - hiện tại và tương lai.
Nguyễn Lãm Thắng mổ xẻ nó dưới tư cách là người chứng kiến, nhìn thấy, cảm nhận, đau xót, cảm thông … nhiều khi anh ghê tởm và nguyền rủa nó. Chính những mảng tối đó nó ám ảnh anh, ám ảnh thơ anh, tâm hồn anh. Phan Ngọc đã rất có lý khi ông cho rằng: “Văn xuôi là tiếng nói của công việc, thơ là tiếng nói của thân phận con người”. Thơ Nguyễn Lãm Thắng đúng là tiếng nói của thân phận con người. Giữa cõi đời mênh mông, nhiều lúc anh cảm thấy chới với, anh tìm đến cái chết như là sự giải thoát, một sự giữ gìn tâm hồn, cốt cách, danh dự nhân phẩm theo cách của riêng anh. Những phận người bé mọn, những sự việc xảy trong cõi nhân sinh này cũng được anh phản ánh một cách thành thực như chính con tim anh mách bảo. Chúng ta dễ dàng tìm thấy trong thơ anh tần số lặp lại những từ nói về nỗi buồn, cái chết, bia mộ, nỗi đau, tiếng khóc, sự sống và cái chết, sự được mất, có-không, ánh sáng và bóng tối … Do vậy, nhiều bài ngôn từ cũng giản dị, dễ hiểu. Nhưng cũng có nhiều bài có sự so sánh, liên tưởng bất ngờ, thú vị; thậm chí có khi gây sự khó hiểu cho công chúng thưởng thức. Ta có thể liệt kê ra một số nhan đề bài thơ như thế: Ở một góc phố câm có cơn mưa điếc, Câu thơ bung gai giữa ngày không nắng, Tôi nhặt mình trong góc sân nhà thờ, Chiều mọc râu trên hoàng hôn cỏ, Đêm nở ra hoa ấm, Máu đang bùng lên ngọn lửa, Những khúc sông buồn trong cõi chết, trong bình minh đã có nhiều chiếc lá xanh rơi rụng, Bài hát buồn của bầy chim tổ rách … “Cùng với nó là nhiều câu thơ mang hình ảnh siêu thực: trong cuống họng của ánh sáng; đêm hoang mang hơn những huyền thoại đen như ứ máu; bóng đêm gợn lên thuỷ triều đen; tiếng hôn nhảy múa lăn tròn trên ngực em; câu thơ mỏng như cánh ve non trần truồng hơi thở … Câu chữ thơ anh đứt gãy, bị xô lệch trong những trận ngôn từ chắt lọc, vượt khỏi tầm kiểm soát của người đọc”(Hoàng Thuỵ Anh).
Hơn bất kỳ thể loại văn học nào khác, thơ tồn tại tính chủ quan của người nghệ sĩ nhiều nhất. Và chính cấp độ tầng bậc của các lớp nghĩa, ý nghĩa, tần số xuất hiện các thuộc tính đã làm nên nét riêng của từng nhà thơ. “:Thơ là một cách tổ chức ngôn ngữ một cách quái đản để bắt người tiếp nhận phải nhớ, phải xúc cảm và phải suy nghĩ do chính hình thức tổ chức này” (Phan Ngọc). Và chính điều này đã làm cho thơ Nguyễn Lãm Thắng có nét dị biệt.
Phải là người mẫn cảm và có con mắt tinh đời như anh mới phát hiện ra những điều bất ổn ấy. Những điều chỉ có một con người thực sự yêu con người, yêu thương chính đồng loại, quan tâm đến sự sống này mới có thể nói lên thành thơ tha thiết, day dứt, đau đáu nỗi niềm thế cuộc và để lại những dư âm trong lòng bạn đọc.
Phú Yên, tháng 9/2011
- Nguyễn Văn Hòa
Giáo viên Trường PT cấp 2-3 Xuân Phước, huyện Đồng Xuân, tỉnh Phú Yên
Nguyễn Văn Hòa: THƠ NGUYỄN LÃM THẮNG VÀ NHỮNG SỰ THẬT NGHIỆT NGÃ
Tiện ích
Phông chữ
- Font Size
- Default
- Chế độ đọc
Bình luận
Để có cái nhìn vừa bao quát, toàn diện, vừa cụ thể vừa sâu sắc; người viết phải có một vốn kiến thức tốt và thực sự có tâm mới viết được nên bài bình hay như vậy.
Chúc anh sức khỏe và công tác tốt. Chúc anh học tốt và bảo vệ xuất sắc Luận văn Thạc sĩ!
Mỗi khi đến giờ Hán Nôm là lại được nge đọc thơ,có tiết bỏ cả học để Thầy trò đọc thơ, dịch thơ đúng là nhìn mắt Thầy hơi buồn, m nghe mấy bạn nói Thầy cũng có nhìu chuyện buồn thì phải...nhưng được cái Thầy hay cười, đến lớp thấy cười suốt ko ah...Thầy cười nhiều nên giờ học bao giờ cũng vui .
chúc Thầy luôn mạnh khỏe và ngày càng thành công !
luồng RSS cho bình luận của trang này