I. Lời dẫn nhập:
Trên trang mạng, đã có rất nhiều bài viết khá dài về Ngày Lễ HALLOWEEN. Do đó, trong bài này, tôi không kể về cách dùng trái cây, lồng đèn bằng bí đỏ..., mà xin mạo muội viết ngắn gọn về nguồn gốc và ý nghĩa của Ngày Lễ vừa nêu. Đồng thời, tôi cũng xin cắt nghĩa tại sao người Pháp lại dùng chữ ''Toussaint'' với mạo từ ''La'' là giống cái và cách phát âm của hai chữ Anh và Pháp.
II. Nguồn gốc của Ngày Lễ HALLOWEEN
Đó là Ngày Lễ của người Celtes (La Fête Celtique) có cách đây chừng 2500 năm (1). Cứ vào cuối thu, các thầy tế (druides) cử hành nghi thức mừng mùa ''thu'' hoạch đã xong và việc đưa gia súc về chuồng trước mùa đông bằng Đại Lễ SAMHAIN, tức là Lễ Thánh của dân Gaëls (gốc Ái-nhĩ-lan và Tô-cách-lan (Irlande et Écosse). Tín ngưỡng của dân này cho rằng người quá cố trở về dương thế vào Ngày Ấy, đến từng nhà để sưởi ấm bên cạnh người đang sống trước khi vào trời đông.
Với thời gian, vì nhát gan, sợ người chết hay ''hồn ma'', hậu sinh quây quần bên lò sưởi do các thầy tế đốt lên. Họ cải trang bằng y phục kỳ quái để ma quỷ phải ớn họ vì chúng ngỡ họ là loài quỷ khác dữ tợn hơn. Theo họ, nhờ vậy, họ không bị quỷ Âm Vương ám hại. Họ cũng nghĩ rằng ma chui ra khỏi mồ vào đêm Lễ Thánh, rằng các bà phù thủy cỡi chỗi hay mèo đen trên không trung.
Khi Đế Quốc La-mã thống trị người Celtes thì truyền thống tín ngưỡng của xứ này vẫn được bảo tồn. Rồi, với thời gian, cả hai dân tộc đều xem truyền thống ấy là ''của chung''. Người La-mã gọi 01.11 là Ngày của các Thánh (All Hallows).
Sau này, khi Kitô Giáo đã lan rộng, Giáo Hội Công Giáo ''hoán cải'' ngày Lễ của người Celtes thành Lễ của Kitô Giáo bởi vì, đã gọi là Ngày Lễ của Người Quá Cố thì đương nhiên phải xem đó cũng là Ngày Lễ kính tất cả các Thánh. Cho nên, vào năm 800, Ngày SAMHAI được Giáo Hội công khai gọi là Ngày Lễ Các Thánh Nam-Nữ.
Từ năm 1845 đến 1847, vì nạn đói hoành hành, nhiều người Ái-nhĩ-lan phải chạy sang Hoa Kỳ và truyền bá Lễ Halloween. Đến cuối Thế Kỷ 19, Halloween được trở thành Ngày Lễ của toàn Quốc Hoa Kỳ.
Riêng tại nước Pháp, từ năm 1997, người ta mừng Lễ này vì lý do thương mại là trên hết.
III. Nguyên ngữ và cách phát âm của chữ HALLOWEEN và LA TOUSSAINT
A. HALLOWEEN
HALLOW đồng nghĩa với HOLY và SAINT, tức là THÁNH. Vần EEN (hai lần E) được tạo thành bởi chữ EVE có nghĩa là ĐÊM TRƯỚC NGÀY LỄ. Chữ này có gốc là EVENING. Do đó, vần EEN (hai lần E) là do E của EVE và của EVENING. (E sau V là câm.)
HALLOWEEN có nghĩa là THE EVENING PRECEDING ALL SAINTS' DAY: ĐÊM TRƯỚC NGÀY LỄ CÁC THÁNH. (La veille de La Toussaint)
Người Pháp và Đức lấy W+EEN để phát âm thành /win/ hay /vin/ là sai bởi vì mẫu tự W trong HALLOW không tạo âm nào cả. Cách phát âm đúng như sau: [ˌhɔːloʊˈiːn] hay [ˌhæloʊˈiːn]. Một số người Đức nói rằng W trong chữ Anh HALLOW vẫn phải đọc. Tôi không đồng ý và nói với họ bằng tiếng Anh như sau: ''I'm showing you the meaning and pronunciation of the word HALLOWING.'' và xin họ phát âm cho tôi chữ SHOWING. Thế là họ nhận ra rằng họ đã phát âm sai từ HALLOWEEN của tiếng Anh. (2)
B. LA TOUSSAINT
LA TOUSSAINT có nghĩa là LA FÊTE DE TOUS LES SAINTS. Người Pháp lấy mạo từ LA (giống cái của FÊTE: LỄ), chữ TOUS (S câm nên TOUS đọc là /tu/.) và chữ SAINTS để tạo thành LA TOUSSAINT. Thế là TOUS (S không còn câm, đọc là /tus/.) và SAINT không có S bởi vì LA ở số ít, tức là chỉ có một Ngày Lễ Các Thánh mà thôi!
C. Ý Nghĩa của Ngày Lễ Các Thánh trong Giáo Hội
Ngoài những Vị Chân Phước (Á Thánh) và Hiển Thánh, Giáo Hội vẫn xác tín rằng có nhiều Thánh khác đã sống trung thành với Lời Chúa. Cho nên Lễ Các Thánh là Ngày kính tất cả các Thánh Nam Nữ trên Thiên Đàng nói chung. Không chỉ trong Ngày Lễ này, mà mỗi ngày, Giáo Hội luôn nhớ đến các Thánh trong lời cầu như Kinh Cáo Mình để mời gọi mọi người Công Giáo hãy noi gương các Thánh mà ăn ngay, ở lành, tức là tự thánh hóa mình, người ngoài Công Giáo hay Bà Con Bên Lương và người tội lỗi bởi vì sự Thánh Thiện không phải là của riêng ai hay của một nhóm ưu tú nào đó, mà của mọi người mang Hình Ảnh Thiên Chúa vô hình và hữu hình qua Chúa Cứu Thế.
Đó là ''Tôn Chỉ'' của Kitô Giáo qua Kinh ''Lạy Cha'' có các câu: ''Chúng con nguyện Danh Cha cả sáng, Nước Cha Trị đến...''
''Ước gì được như vậy'' là ý nghĩa của chữ AMEN!
- Đaminh Phan văn Phước
----------
Ghi chú
1. Có người cho rằng chừng trên 2000 năm.
2. Người Đức có chữ DER VORABEND VON ALLERHEILIGEN. Như vậy, chữ HALLOWEEN là của tiếng Anh thì phải phát âm nó đúng với cách của người Anh!
NGUỒN GỐC NGÀY LỄ HALLOWEEN
Tiện ích
Phông chữ
- Font Size
- Default
- Chế độ đọc