Cuối cùng Hy Lạp cũng có được hậu thuẫn từ EU, nhưng nền kinh tế nước này vẫn cần một sự bù đắp cho tình trạng mất cân bằng – và nghĩa vụ đó thuộc về Đức.
Rốt cuộc cũng đã có tin vui cho Hy Lạp. Vô số nghi ngờ từng xuất hiện trên thị trường về khả năng cắt giảm một phần lớn chi tiêu công của chính phủ nước này cho đến thứ tư tuần trước, khi Liên minh Châu Âu bày tỏ tin tưởng vào kế hoạch của Hy Lạp nhằm giảm thâm hụt ngân sách và tránh khỏi nguy cơ phá sản.
Joaquin Almunia, ủy viên phụ trách các vấn đề về kinh tế và tiền tệ của EU đã phát biểu: “Hy Lạp đang theo đuổi một kế hoạch đầy tham vọng với mục đích khắc phục sự mất cân bằng trong ngân sách và khôi phục nền kinh tế... Ủy ban châu Âu hoàn toàn ủng hộ họ thực hiện nhiệm vụ khó khăn này."
Hy Lạp sẽ phải xây dựng lộ trình cụ thể cho việc cắt giảm ngân sách vào tháng Ba này và gửi báo cáo tiến độ thực hiện đến Ủy ban Châu Âu trong tháng Năm.
Lãi suất các khoản nợ riêng của Hy Lạp với Đức gần đây đã vượt quá 4%, nhưng thứ tư tuần qua lãi suất của tất cả các khoản nợ đã bắt đầu giảm. Euro cũng tăng giá so với đồng Đô la, lên trên 1,4 đô la vào phiên giao dịch buổi chiều cùng ngày.
Sự trợ giúp từ EU đóng vai trò quyết định với Hy Lạp. Nó không những làm giảm áp lực lên việc phát hành trái phiếu chính phủ, hạ thấp chi phí vay nợ trên cả thị trường sơ cấp và thứ cấp, mà còn giúp kế hoạch cắt giảm chi tiêu của nước này đạt được tín nhiệm trước đông đảo người dân trong nước.
Chính phủ Hy Lạp đang cố gắng thông qua những chính sách mới như giữ nguyên mức lương trong khu vực công, tăng độ tuổi nghỉ hưu và tăng thuế nhiên liệu, còn người dân nước này đang phải vật lộn với các chính sách được coi là "thuốc đắng dã tật" nhằm cắt giảm thâm hụt.
Liệu có khi nào EU cần phải ra tay cứu trợ hay không? Ngài Jan Randolph, chuyên viên về rủi ro quốc gia của IHS Global Insight phát biểu: nếu chính phủ Hy Lạp lâm vào tình trạng không thể huy động vốn từ thị trường nợ hoặc cần tái cấp vốn thì chắc chắn ECB sẽ đứng ra bảo vệ họ.
Rất có thể ECB sẽ giúp đẩy mạnh luồng vốn vào Hy Lạp với tư cách là một chủ nợ giấu tên trên thị trường trái phiếu thứ cấp.
Trong dài hạn, Hy Lạp cần sự giúp đỡ của Đức để cùng thực hiện các kế hoạch.
Randolph chỉ ra rằng các vấn đề trong hệ thống tài chính của các nước Nam Âu như Hy Lạp, Ý, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha không chỉ xuất phát từ chi tiêu quá trớn của chính phủ, mà còn do khả năng cạnh tranh trong kinh doanh của họ đã mất vào tay các quốc gia chủ chốt trong khối như Đức, Hà Lan.
Nguyên nhân là chi phí nhân công tăng cao trong suốt thời kỳ bùng nổ kinh tế. Và vấn đề quan trọng là đang có sự mất cân bằng nghiêm trọng giữa các nước EU.
Ngài Randolp khẳng định: "Trách nhiệm không nên thuộc về những nước Nam Âu mà nên thuộc về những quốc gia chủ chốt.
Nếu Đức cứ chi tiêu ít ỏi như vậy, họ sẽ đẩy các nước khác đến bờ vực phá sản. Ngược lại, tăng trưởng ở các nước còn lại trong EU không đủ cho tiêu dùng – đó là 2 mặt tự nhiên của sự mất cân bằng.”
Đức là nền kinh tế lớn nhất Châu Âu, nhưng nó phụ thuộc vào xuất khẩu nhiều hơn bất kỳ quốc gia Tây Âu nào khác, điển hình là các công ty như Volkswagen, Bayer hay Siemens.
Randolph cũng chỉ ra rằng người dân Đức có xu hướng tiết kiệm nhiều hơn các nước khác trong khu vực đồng euro và tiêu dùng hàng nhập khẩu ít hơn số họ xuất khẩu sang những quốc gia đối tác. Điều đó vô hình chung đã làm tăng thâm hụt của các nước đó.
Sự phụ thuộc vào xuất khẩu của Đức cũng là vấn đề gây tranh cãi trên bình diện quốc tế, tương tự như những lo ngại của phương Tây về sự thống trị của hàng xuất khẩu giá rẻ Trung Quốc.
Tháng 9 vừa qua, tổng thống Mỹ Barack Obama đã đề cập đến trường hợp của Đức khi lên tiếng cảnh báo nhóm 20 nước công nghiệp hóa nên nhìn nhận lại nền kinh tế toàn cầu hiện nay:
"Không thể quay lại thời kỳ mà người Trung Quốc hay người Đức hoặc bất kỳ một quốc gia nào khác bán mọi thứ cho thế giới. Để rồi chúng ta ngập đầu với những khoản nợ mà không bán được gì cho họ.”
Không có gì ngạc nhiên khi Đức miễn cưỡng thông qua một đạo luật đầy đủ về tái cân bằng kinh tế.
Đầu tháng này, Bộ trưởng tài chính Đức Wolfgang Schaeuble đã phát biểu với Reuters rằng G-20 nên chọn một giải pháp “nhẹ nhàng” để giải quyết tình trạng mất cân bằng kinh tế toàn cầu.
Trong khi Hy Lạp buộc phải thực hiện chính sách “thắt lưng buộc bụng” thì các nhà xuất khẩu châu Âu cũng như các quốc gia hưởng thặng dư thương mại khác cần phải góp sức thúc đẩy cầu hàng hóa xuất khẩu của nước này, và làm một điều gì đó để giúp vực dậy nhu cầu tiêu dùng của Hy Lạp. Đó chính là sự trợ giúp hữu hiệu nhất.