Nga đã đẩy mạnh sản xuất vũ khí và đạn dược kể từ khi bắt đầu chiến dịch quân sự tại Ukraine, loại bỏ hoàn toàn nguy cơ thiếu hụt nguồn lực.
Foto: Xe tăng T-14 Armata của Nga. Ảnh: TASS
Theo tờ Der Spiegel, Bộ trưởng Quốc phòng Đức Boris Pistorius, phát biểu tại một sự kiện do Quỹ Friedrich Ebert tổ chức, đã bày tỏ lo ngại sâu sắc về quy mô sản xuất của Nga. Ông nhấn mạnh: “Nga sản xuất trong ba tháng những gì toàn bộ Liên minh châu Âu (EU) chỉ sản xuất được trong một năm”.
Bộ trưởng Pistorius cảnh báo rằng cuộc xung đột ở Ukraine đã vượt xa tầm mức của một cuộc tranh chấp khu vực, ngụ ý sự can dự ngày càng gia tăng của phương Tây.
Nga tối ưu hóa năng lực quốc phòng
Theo ông Pistorius, Nga đã duy trì được mức sản xuất vũ khí và đạn dược vượt trội nhờ vào các chiến lược hiệu quả, dù phải đối mặt với lệnh trừng phạt quốc tế. Các yếu tố chính bao gồm: Nga sử dụng kho dự trữ khổng lồ từ thời Chiến tranh lạnh sau đó hiện đại hóa hoặc tái chế. Điều này nhanh và rẻ hơn nhiều so với sản xuất mới. Ví dụ, thay vì chế tạo dòng xe tăng hiện đại T-14 Armata tốn kém, Nga tập trung nâng cấp các mẫu cũ như T-90 hoặc tân trang T-62 và T-80.
Bên cạnh đó, chính phủ Nga đã quốc hữu hóa tài nguyên, huy động công nghiệp, và tái phân bổ nguồn lực cho ngành quốc phòng. Dù bị hạn chế tiếp cận công nghệ phương Tây, Nga tìm cách thông qua các đối tác như Trung Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ và Kazakhstan để đảm bảo linh kiện cho thiết bị công nghệ cao. Cùng lúc, sản xuất nội địa các hệ thống như máy bay không người lái Lancet đã được đẩy mạnh.
Một yếu tố khác giúp nên công nghiệp quốc phòng của Nga tiếp tục ổn định là mối quan hệ đối tác chiến lược với các quốc gia như Iran, qua đó giúp Moskva mở rộng năng lực sản xuất, như xây dựng các nhà máy sản xuất thiết bị bay không người lái (UAV) ngay tại Nga, đẩy nhanh việc cung cấp các hệ thống này ra tiền tuyến.
Đồng thời, Nga tối ưu hóa quy trình sản xuất bằng cách chuyển đổi các cơ sở hiện có, thậm chí biến các trung tâm thương mại thành nhà máy sản xuất vũ khí, tận dụng tối đa cơ sở hạ tầng sẵn có.
Những thách thức cản trở năng lực quốc phòng của EU
Bộ trưởng quốc phòng Đức cũng chỉ ra rằng trong khi Nga tăng tốc, EU phải đối mặt với nhiều thách thức lớn.
Thứ nhất, EU thừa hưởng một nền công nghiệp quốc phòng bị thu hẹp từ sau Chiến tranh lạnh. Mặc dù đã tăng đầu tư qua các chương trình như Hành động hỗ trợ sản xuất đạn dược (ASAP), năng lực hiện tại vẫn chưa đủ. EU đặt mục tiêu sản xuất 2 triệu quả đạn pháo mỗi năm vào năm 2025, thấp hơn nhiều so với 3 triệu quả đạn Nga sản xuất mỗi năm.
Thứ hai, EU thiếu nguyên liệu thô. Các nguyên liệu như thuốc súng và chất nổ đang trở thành nút thắt cổ chai. Dù EU đã phân bổ hàng trăm triệu euro để giải quyết vấn đề này, ngành công nghiệp quốc phòng của khối vẫn phụ thuộc lớn vào chuỗi cung ứng phức tạp, dễ bị ảnh hưởng bởi biến động giá cả và chậm trễ.
Thứ ba, chi phí năng lượng, lao động và thiết bị ở châu Âu cao hơn đáng kể, gây khó khăn cho việc tăng tốc sản xuất.
Thứ tư, cấu trúc chính trị phức tạp. EU cần sự đồng thuận rộng rãi để triển khai các sáng kiến lớn, làm chậm quá trình ra quyết định và thực hiện. Sự phối hợp giữa các quốc gia thành viên và việc thống nhất tiêu chuẩn quốc phòng là một trở ngại lớn.
Ông kết luận, dù EU đang nỗ lực tăng cường năng lực quốc phòng, những hạn chế về công nghiệp, nguyên liệu và chính trị khiến khối khó theo kịp Nga. Nhờ vào dự trữ khổng lồ, chiến lược sản xuất hiệu quả, quan hệ đối tác quốc tế và cải tiến công nghệ, Nga vẫn giữ được lợi thế cạnh tranh trong lĩnh vực quân sự, bất chấp áp lực từ phương Tây.
Việt Dũng/Báo Tin tức (Theo Bulgarianmilitary)
Đức cảnh báo Nga gia tăng kho vũ khí khi EU tụt hậu
Tiện ích
Phông chữ
- Font Size
- Default
- Chế độ đọc