Trong tuyên bố của Washington và Berlin, Mỹ sẽ bắt đầu triển khai tên lửa tầm xa ở Đức từ năm 2026.
Foto: Tên lửa hành trình Tomahawk được phóng từ tàu khu trục USS Barry trên Địa Trung Hải. Ảnh minh họa: AFP/TTXVN
Theo đài RT (Nga), những loại vũ khí này - bao gồm hệ thống SM-6 và Tomahawk - đã bị cấm ở châu Âu cho đến khi Washington rút khỏi hiệp ước mang tính bước ngoặt từ thời Chiến tranh Lạnh vào năm 2019.
Theo tuyên bố chung do Nhà Trắng công bố, Mỹ sẽ “bắt đầu triển khai từng đợt hỏa lực tầm xa của Lực lượng đặc nhiệm đa lĩnh vực ở Đức vào năm 2026, như một phần trong kế hoạch duy trì hoạt động của các khả năng này trong tương lai”.
Tuyên bố trên được đưa ra sau cuộc đàm phán giữa các quan chức Mỹ và Đức tại Hội nghị thượng đỉnh thường niên của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) ở Washington hôm 10/7.
Các hệ thống vũ khí được triển khai tới Đức sẽ bao gồm tên lửa phòng không SM-6, có tầm bắn lên tới 460 km và tên lửa hành trình Tomahawk, được cho là có thể tấn công các mục tiêu ở cách xa hơn 2.500 km.
Nhà Trắng cho biết “vũ khí siêu vượt âm đang phát triển” cũng sẽ được đặt ở Đức và sẽ có “tầm bắn xa hơn đáng kể so với các vũ khí trên đất liền hiện nay ở châu Âu”.
Mỹ vẫn chưa chế tạo thành công vũ khí siêu vượt âm và đã hủy bỏ mọi dự án siêu vượt âm kể từ lần thử nghiệm thành công đầu tiên vào năm 2017.
Tên lửa phóng từ mặt đất có tầm bắn từ 500 km đến 5.500 km đã bị cấm ở Âu theo Hiệp ước Lực lượng hạt nhân tầm trung (INF), được cựu Tổng thống Ronald Reagan và cựu nhà lãnh đạo Liên Xô Mikhail Gorbachev ký năm 1987. Cùng với các hiệp định START-I và START-II, Hiệp ước INF đã giúp xoa dịu căng thẳng hạt nhân ở châu Âu sau khi phương Tây và Liên Xô tiến gần đến chiến tranh hạt nhân trong cuộc tập trận quân sự Able Archer của NATO năm 1983.
Mỹ đã rút khỏi hiệp ước INF vào năm 2019. Bộ Ngoại giao nước này tuyên bố rằng một số tên lửa hành trình của Nga đã vi phạm thỏa thuận.
Moskva đã phủ nhận cáo buộc trên. Tổng thống Nga Vladimir Putin đã cảnh báo Tổng thống Mỹ lúc đó là Donald Trump rằng việc hủy bỏ hiệp ước này sẽ “gây ra những hậu quả nghiêm trọng nhất”.
Nga từng tuyên bố tiếp tục tuân thủ hiệp ước và không phát triển tên lửa bị cấm theo hiệp ước. Tuy nhiên, hồi đầu tháng này, Tổng thống Vladimir Putin tuyên bố ngành công nghiệp quốc phòng Nga sẽ tiếp tục phát triển các loại vũ khí như vậy do “các hành động thù địch” của Mỹ.
“Bây giờ chúng ta biết rằng Mỹ không chỉ sản xuất những hệ thống tên lửa này mà còn đưa chúng đến châu Âu, Đan Mạch để sử dụng trong các cuộc tập trận. Cách đây không lâu, có thông tin cho rằng các hệ thống này đang ở Philippines”, ông Putin giải thích vào thời điểm đó.
Lực lượng Mỹ và Đan Mạch đã huấn luyện bằng tên lửa SM-6 vào tháng 9 năm ngoái, trong khi Lầu Năm Góc đã triển khai Hệ thống vũ khí Typhon – có thể bắn cả tên lửa SM-6 và Tomahawk – tới Philippines vào tháng 4.
Hải Vân/Báo Tin tức (Theo RT)
Mỹ sẽ triển khai vũ khí tầm xa ở Đức từ năm 2026
Tiện ích
Phông chữ
- Font Size
- Default
- Chế độ đọc