Thủ tướng Đức Angela Merkel tuyên bố rằng Đức cần phải tăng chi phí quốc phòng để “đối phó với những mối đe dọa từ bên ngoài”.
Bà Merkel nói rằng hiện tại EU “không đủ năng lực tự bảo vệ mình trước những mối đe dọa từ bên ngoài và không thể chỉ dựa dẫm vào nước Mỹ nằm ở bờ bên kia Đại Tây Dương. Đức hiện nay chi 1,2% GDP cho ngân sách quốc phòng, Mỹ chi 3,4% nhưng cũng đang buộc phải giảm dần con số này xuống còn khoảng 1 – 1,5%.
Thủ tướng Merkel cũng nói thêm: “Về lâu dài, chúng ta không thể cứ trông chờ vào việc sẽ được người khác bảo vệ”.
Hồi năm 2015, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker đã đưa ra ý tưởng thành lập quân đội Liên minh châu Âu để tăng cường năng lực quốc phòng cho toàn khối. Ý tưởng này được bàn bạc rất kỹ nhưng rồi các ý kiến trong liên minh lại không thống nhất với nhau, vì thế cho đến nay EU vẫn chưa có động thái gì cho thấy sẽ hiện thực hóa ý tưởng đó. Trở ngại lớn nhất là những tranh cãi về việc ai sẽ là người chỉ huy quân đội này và việc đóng góp tài chính để duy trì đội quân này như thế nào.
Trong khuôn khổ “Chính sách chung về an ninh và quốc phòng châu Âu”, được áp dụng từ năm 1999, EU từng tiến hành nhiều chiến dịch mang tính chất quân sự cũng như dân sự. Từ đó đến nay EU đã thực hiện 22 sứ mệnh dân sự và 11 sứ mậnh quân sự hoàn toàn độc lập với NATO.
Hồi đầu tháng 6, Đức công bố Sách trắng (lần đầu tiên kể từ năm 2006) về an ninh quốc gia. Sách này dày 80 trang, do Bộ Quốc phòng Đức cùng các cơ quan hữu quan biên soạn, có nhiều nội dung thay đổi so với Sách trắng 2006, sự thay đổi quan trọng nhất là việc từ nay Đức không còn coi Nga là đối tác, mà là đối thủ, với lý do “Nga đe dọa đến trật tự thế giới mới tại châu Âu, vốn được thiết lập từ sau khi chiến tranh lạnh kết thúc”.
Ngoài Nga, Sách trắng của Đức còn liệt kê một số mối đe dọa khác đối với an ninh quốc gia như chủ nghĩa khủng bố quốc tế, chủ nghĩa dân tộc cực đoan, dòng di cư không kiểm soát nổi, dịch bệnh, biến đổi khí hậu toàn cầu...
Như vậy, việc Thủ tướng Merkel kêu gọi tăng ngân sách quốc phòng cũng được coi là nhằm đối phó với “mối đe dọa từ Nga” mà học thuyết quân sự của Đức đã nêu trong Sách trắng.
Tuy nhiên, còn có một lý do nữa để bà Merkel yêu cầu mở hầu bao cho ngân sách quốc phòng, đó là việc hiện nay giới tướng lĩnh Đức luôn than phiền không có đủ phương tiện tài chính để hiện đại hóa quân đội, đồng thời, binh lính, sĩ quan Đức cũng luôn tỏ ra không hài lòng với những loại vũ khí, khí tài mà họ đang sở hữu.
Thiện Tâm
Nguồn:Theo TASS
Đức muốn tăng ngân sách quốc phòng để đối phó Nga
Tiện ích
Phông chữ
- Font Size
- Default
- Chế độ đọc