Tháng 8, Trung Âu đang rục rịch chuyển mùa, nước Đức vừa qua một đợt nắng nóng, Bundesliga 2013-2014 đã chính thức khởi tranh. Hai ngày ở München đã cho tôi những cảm nhận mới mẻ hoàn toàn khác với những gì tôi tưởng tượng trước đó về văn hóa cổ động viên ở Đức.
Khi thất bại cũng là một niềm vui
8h45 phút giờ địa phương thứ Sáu ngày 9/8, trời mưa rào và trở lạnh, nhưng Allianz Arena vẫn được phủ đỏ bởi hơn 7 vạn cổ động viên Bayern từ khắp nơi đổ về. Tuy nhiên chính số ít ỏi những cổ động viên của Borussia Mönchengladbach đã khiến cho bầu không khí lễ hội ở München trở nên đặc biệt và ý nghĩa hơn. Ngồi ở khán đài số 242 phía bắc sân vận động, tôi lọt thỏm giữa hơn một nghìn cổ động viên Gladbach suốt 90 phút thi đấu và nghe họ hát. Đã có những tràng pháo tay giòn giã cho Dante, người đáng nhẽ sẽ bị gắn mác “kẻ đào tẩu” do đã bỏ Gladbach để tới Bayern, khi màn hình ti-vi trên sân phát lại những hình ảnh về anh trước trận đấu.
Bayern ghi bàn rất sớm, từ một cú bấm bóng của Arjen Robben. Và đó cũng là lúc những tiếng hát từ phần khán đài Gladbach càng lớn và đầy khí thế hơn. Họ hát, nhảy múa, vỗ tay không ngừng nghỉ, thậm chí đã có lúc lấn át cả 70.000 cổ động viên Bayern. Họ cũng tức giận, cũng nạt nộ và căng thẳng khi gã khổng lồ xứ Bavaria được hưởng liên tiếp hai quả phạt đền. Họ thậm chí đã đổ bia ra vung vãi khắp nơi để xả cơn bực dọc. Họ bộc bạch mọi cảm xúc để chứng minh rằng họ yêu câu lạc bộ đang hứng chịu thất bại ở dưới sân và xác tín với tình yêu ấy rằng họ sẽ không bao giờ quay lưng lại.
Khi tiếng còi mãn cuộc của trọng tài vang lên và Gladbach phải chấp nhận thất bại 1-3 ngay trong trận mở màn mùa giải, những chùm hoa giấy mang màu xanh-trắng đặc trưng của câu lạc bộ được tung ra đan xen với những tràng pháo tay, những tiếng hát tạo nên một cảnh tượng rất đẹp mắt. Lúc này thì một sự hiền hòa, đáng yêu đến ngỡ ngàng thay cho sự tức giận và những câu chửi thề.
Họ vẫn liên tục hát những bài truyền thống ca ngợi Gladbach. “Bạn là niềm tin, ánh sáng của chúng tôi. Chúng ta đi cùng nhau đi qua những thung lũng đen tối hay những khung trời đầy ánh sáng. Chúng ta sẽ luôn sát cánh với nhau…”, George, người đàn ông ngồi ngay bên cạnh tôi đã hát những lời ca ấy trong bài “Die Seele brennt” trước khi quay sang nói với tôi rằng: “Chỉ là họ đã không may mắn thôi”.
Tôi đã rất bất ngờ khi các cổ động viên Gladbach tiếp tục hát và reo hò từ khi bước ra khỏi sân cho đến khi lên xe buýt và ra đến bến tàu điện ngầm. Họ thậm chí trêu đùa vui vẻ và bắt chuyện với những cổ động viên Bayern có mặt cùng trên chuyến xe. Tuyệt nhiên không có hiềm khích và ẩu đả. Rõ ràng Gladbach đã thua, nhưng hành động của người hâm mộ lại chứng minh điều ngược lại. Họ đã phải bỏ ra số tiền không hề nhỏ để theo câu lạc bộ đến sân khách bởi việc chi trả cho phương tiện giao thông ở Đức rất đắt đỏ. Một tấm vé đi hai thành phố ở hai tiểu bang khác nhau thường từ 50-70 euro. Đó là chưa kể đến việc tôi đã nhìn thấy rất nhiều cổ động viên Gladbach tìm mua vé chợ đen trước cổng sân vận động. Có người đội mưa suốt ba, bốn tiếng đồng hồ (như tôi) để rồi phải móc hầu bao ra số tiền lớn gấp ba giá vé thực sự.
Từ bao giờ người Đức không còn ăn thua như thế? Từ bao giờ họ coi thất bại, đôi khi cũng là niềm vui, và cổ động thì không phải một thứ chỉ vỗ tay khi chiến thắng? Một đội bóng bé nhỏ như Gladbach ở một thành phố có số dân chỉ bằng một phần mười và diện tích bằng một phần tư München cũng vẫn có những niềm vui lớn dù chỉ đơn giản là sát cánh cùng câu lạc bộ đi đến bất kỳ đâu để… sẻ chia nỗi buồn thua trận.
Bóng đá là bộ mặt dân tộc
Câu chuyện của cổ động viên Gladbach cũng đã phản ánh câu chuyện của người Đức trong bóng đá hiện tại. Trước khi Bayern mang về Allianz Arena chiếc cúp Champions League thứ năm trong lịch sử, bóng đá Đức đã phải trải qua cơn khát danh hiệu kéo dài 12 năm. Xa hơn, ở đấu trường Euro hay World Cup, họ đã trắng tay tới 17 năm. Nhưng chính sự lạc quan, luôn biết cách nuôi dưỡng niềm tin và niềm vui đã tạo nên tinh thần Đức sắt đá và không bao giờ từ bỏ hy vọng. Như Oliver Kahn đã từng nói sau chức vô địch Champions League năm 2001: “Điều mấu chốt trong bóng đá, là bạn không được phép buông tay trong bất kỳ hoàn cảnh nào. Hai năm trước, chúng tôi đã thua không thể đau đớn hơn (trước Manchester United), và bây giờ chính nỗi đau ấy là động lực cho chiến thắng này”.
Bây giờ người Đức không còn ngạo mạn, háo thắng để tìm đến chiến thắng bằng mọi giá với thái độ lạnh lùng và thực dụng nữa
Cách cổ động viên Gladbach thể hiện văn hóa cổ vũ văn minh cũng phản ánh câu chuyện của một dân tộc thịnh vượng, giàu có và hạnh phúc. Bởi chỉ khi cảm thấy no đủ cả về vật chất lẫn tinh thần, người ta mới dễ dàng lạc quan trong mọi hoàn cảnh. Sự không ăn thua của họ cũng cho thấy nước Đức giờ là một dân tộc đã bước ra khỏi quá khứ. Đó là một dĩ vãng buồn, từ trong chính những lời ca của bài quốc ca nguyên bản ngày xưa “Das Lied der Deutschen”: “Đức quốc, Đức quốc, Đức quốc trên tất cả mọi thứ, hơn bất cứ điều gì trên thế giới này”.
Nhưng bây giờ người Đức không còn ngạo mạn, háo thắng để tìm đến chiến thắng bằng mọi giá với thái độ lạnh lùng và thực dụng nữa. Ngày xưa, người Đức được tôn trọng, vị nể nhưng không được yêu mến. Bây giờ, họ đang đi trên một con đường khác mà bóng đá là phác họa cực kỳ rõ nét. Hình mẫu cho những thủ lĩnh lý tưởng không cần phải trịch thượng, hung dữ như Stefan Effenberg hay Oliver Kahn mà chỉ cần là những Philipp Lahm, Bastian Schweinsteiger hiền hòa, luôn biết tận hiến và hy sinh một cách thầm lặng cho lợi ích chung. Sau 12 năm, bóng đá Đức lại trở về đỉnh cao châu Âu với một tấm áo mới hoàn toàn khác mà Bayern München đã khoác lên. Nhưng dù là hình ảnh gai góc, xù xì như trong quá khứ hay sự phô diễn lối đá tấn công đề cao tính thẩm mỹ như hiện nay, thì có một điều chắc chắn sẽ không thay đổi: tinh thần Đức. Nó không tự nhiên sinh ra, không tự nhiên mất đi, mà chỉ chuyển từ dạng này sang dạng khác mà thôi.
- Yến Nhi (từ München) Thể thao & Văn hóa Cuối tuần
Ghi chép từ Allianz Arena: Xem bóng đá Đức để hiểu người Đức
Tiện ích
Phông chữ
- Font Size
- Default
- Chế độ đọc
Bình luận
luồng RSS cho bình luận của trang này