Lothar Matthäus là ai? Anh là kẻ tầm thường bên ánh hào quang rực rỡ của “Hoàng đế” Franz Beckenbauer.
Anh, một Matthäus đã biến mất từ lâu trong làng bóng đá Đức, thay vào đó là một Der Loddar thất bại, bị tầm thường hóa, bị bôi nhọ và chỉ trích trên các mặt báo lá cải, để rồi giờ đây, khi đã bước sang cái tuổi ngũ thập, Der Loddar vẫn phải “chiến đấu”, vì “Tất cả hoặc không có gì” (Ganz oder gar nicht) để người Đức biết, huyền thoại Matthäus đích thực là ai...
THẾ HỆ SA ĐỌA
Cuốn tự truyện “Ganz oder gar nicht” xuất bản ngày 8/10 vừa qua của Matthäus phần nào đã gây ra những tranh cãi, những cú sốc cho người hâm mộ về lối sống cũng như những mảng tối của bản thân Der Loddar (tên thân mật của Lothar Matthäus) và cũng là cả nền bóng đá Đức trong quá khứ, bên cạnh những ánh hào quang rực rỡ.
Thật thế, bởi nếu lấy thiết quân luật với hàng loạt lệnh cấm cùng những quy chuẩn về đạo đức cầu thủ của Mannschaft nói riêng và các đội bóng đương đại nói chung ngày nay, thì cái thời của Matthäus đúng là thời của những ngôi sao sa đọa.![]()
Cựu ngôi sao Bayern Munich và ĐT Đức thú nhận, trước và sau mỗi trận đấu quan trọng, anh và các đồng đội vẫn “bay xuyên màn đêm” với thuốc lá, rượu, bia và đàn bà. Bởi những thứ ấy là “không thể thiếu cho những buổi tiệc mừng chiến thắng và càng không thể thiếu trước mỗi trận đấu quan trọng”.
Chẳng thế mà ở VCK World Cup 1982 trên đất Tây Ban Nha, không chỉ tổ chức hút xách và nốc rượu trong khách sạn, Matthäus còn cùng các đồng đội khoác lên mình những bộ vest lịch lãm rồi xếp hàng... thẳng tiến tới nhà thổ như người ta xếp hàng vào viện bảo tàng.
Matthäus viết: “Dĩ nhiên, người ta không chấp nhận những hành động như thế, đặc biệt là phụ nữ”. Nhưng kỳ lạ, cũng như EURO 1980 (vô địch), ở ngày hội bóng đá lớn nhất thế giới năm 1982 trên xứ sở Đấu bò, Mannschaft vẫn thành công với danh hiệu Á quân, dù Matthäus và đồng đội vẫn “khét lẹt” trong mùi khói thuốc, mùi men rượu và... mùi nhà thổ.
NHỮNG KẺ “BỢ ĐÍT”
Danh tiếng của Matthäus bao trùm nước Đức, khi với chiếc băng thủ quân trên tay, anh dẫn dắt Mannschaft thi đấu thành công tại World Cup 1990 để lần thứ ba đưa người Đức bước lên đỉnh cao nhất của bóng đá thế giới.
Nhưng những năm đầu của thập niên 1990, một thế hệ đàn em tài năng nổi lên như nấm tại Đức, tất cả đều quy tụ ở Bayern Munich. Và để khẳng định mình, để thâu tóm quyền lực, dĩ nhiên, tất cả đều phải “bước qua xác” của Matthäus. Thế là “chiến tranh thành Munich” nổ ra.
Thủ lĩnh của thế lực mới không ai khác ngoài cái tên đình đám Juergen Klinsmann cùng phó tướng Thomas Helmer. Cuộc chiến giữa các ngôi sao ở Allianz Arena ồn ào tới mức, những chuyện đời tư với đầy rẫy thị phi của các ngôi sao tham chiến thường xuyên được phơi bày trên các mặt báo lá cải và người ta đã ví von Bayern Munich giống như FC Hollywood.
Matthäus thất bại liểng xiểng. Ở Bayern, Matthäus mất băng thủ quân vào tay Klinsmann. Tại ĐTQG Đức, Berti Vogts buộc phải chọn Klinsi và loại Der Loddar ra khỏi danh sách dự VCK EURO 1996, nhằm tránh thảm họa FC Hollywood trong lòng Mannschaft.
Sau năm 1996, Matthäus được gọi trở lại ĐTQG, nhưng quyền lực của anh rất mờ nhạt. EURO 2000, ở giải đấu lớn cuối cùng trong sự nghiệp của mình, Klinsmann khi ấy đã giải nghệ, nhưng Matthäusvẫn bị cô lập bởi những “đàn em” của Klinsi như Dietmar Hamann hay Markus Babbel.
Trên trang 146 của “Ganz oder gar nicht”, Matthäus đã lên tiếng tố cáo Didi Hamann và Markus Babbel đã thực hiện những âm mưu hèn hạ nhằm thâu tóm quyền lực và cô lập mình. Đặc biệt, thủ lĩnh huyền thoại của ĐT Đức đã gây sốc khi gọi Babbel - HLV hiện tại của Hoffenheim là “kẻ bợ đít” (ass-kisser).
DER LODDAR KHÔNG PHẢI LÀ SODOM VÀ GOMORRA
Matthäus có 7 chức vô địch Bundesliga, 1 danh hiệu UEFA Cup, 2 Á quân Champions League, 2 Cúp Quốc gia cùng Bayern Munich. Trong màu áo Mannschaft, Matthäus đăng quang EURO 1980, dẫn dắt ĐT Đức vô địch World Cup 1990 cùng 2 danh hiệu Á quân năm 1982 và 1986.
Những danh hiệu cơ bản nói trên đủ đưa cái tên Lothar Matthäus trở thành huyền thoại vĩ đại nhất của bóng đá Đức trong suốt 2 thập niên 1980 và 1990. Và xuyên suốt lịch sử thành công vang dội của bóng đá Đức, phi Matthäus không nhân vật nào đủ tuổi để sánh với “Hoàng đế” Franz Beckenbauer.
Và người ta đã so sánh. Nhưng buồn cho Matthäus, bởi anh là tấm gương phản chiếu hoàn toàn trong tương quan so sánh với Beckenbauer. Thật thế, trong làng bóng đá Đức, Beckenbauer là “Hoàng đế” theo cả nghĩa đen và nghĩa bóng của từ này.
Suy cho cùng, cái biệt danh “Hoàng đế” là một sự ghi nhận đúng đắn dành cho Beckenbauer, sau những cống hiến của ông cho Bayern, cho ĐTQG và cho cả nền bóng đá Đức trên tư cách cầu thủ, HLV và nhà quản lý.
Để làm nổi bật sự vĩ đại của Beckenbauer, người ta luôn lấy những thất bại và những chuyện thị phi của Matthäus ra so sánh. Nếu Beckenbauer là “Hoàng đế” thì Matthäus lại bị xem là Sodom và Gomorra (chỉ sự xấu xa trong Kinh Thánh).
Và ở Đức, Matthäus chỉ hơn Beckenbauer ở những trang báo lá cải, nơi người ta khai thác đời tư của anh như một kẻ hoang dâm, một gã trăng hoa, một anh phụ tình mà quên mất rằng, ông thầy vĩ đại của anh, Beckenbauer cũng có hàng tá chân dài, cũng “con rơi con vãi” và từng 3 lần xuất hiện ở tòa án ly hôn.
Vì sao lại thế? Đơn giản, Matthäus lý giải: “Vì Beckenbauer là con của Chúa”. Và vì anh bị đối xử bất công, bị xuyên tạc. Thế nên, ngay trong chương đầu tiên của “Ganz oder gar nicht”, Matthäus đã viết về thời thơ ấu của mình ở Herzogenaurach, về cách giáo dục tuyệt vời mà anh nhận được từ cha mẹ về tình thần chiến đấu vì “tất cả hoặc không có gì”.
Matthäus cho biết, ở Đức, người ta có thể viết, có thể “bịa”, có thể xuất bản một cuốn sách mà không cần xin phép nhân vật khai thác và anh trở thành nạn nhân của những câu chuyện bịa đặt, đặc biệt là về đời tư nên anh phải “chiến đấu”. Chiến đấu không phải để người Đức “tôn thờ” như Beckenbauer hay như người Italia yêu quý gọi anh là “Il grande Lothar” (Lothar vĩ đại), mà để tất cả hiểu về con người thực sự của DerMatthäus cùng cô bồ hiện tại Joanna Tuczynska Loddar.
Matthäus tâm sự: “Tôi nhớ hồi ở Israel, tôi và Liliana đến một quán bar có tên Turquoise. Tôi hỏi “Có Aperol Spritz không?” - “Nó là cái quái gì?”, anh phục vụ hỏi lại. Tôi đành tự phục vụ bằng cách “mix” Aperol với Spritz, Prosecco và nước.
6 tháng sau tôi quay lại Turquoise cùng với bạn gái mới Joanna thì trên thực đơn có một đồ uống mới mang tên “Matthäus Cocktail” gồm Aperol, Spritz, Prosecco và nước. Tôi chẳng cần được tôn thờ, nhưng tôi không muốn cha mẹ phiền muộn vì những chuyện thị phi của tôi, không muốn người ta hiểu sai về tôi. Tôi cần người ta hiều đúng con người tôi và yêu quý tôi. Thế là đủ”.
VÀ TÌNH YÊU
Matthäus đã dành phần lớn cuốn tự truyện của mình để nói về tình yêu và hôn nhân. Mà chuyện tình Matthäus, nói không ngoa, có thể viết được một cuốn tiểu thuyết, khi mà chàng trai đa tình Der Loddar từng trải qua bao cuộc tình và 4 cuộc hôn nhân. Tuy nhiên, ít ai biết được rằng, huyền thoại nước Đức từng “phải lòng” một cô bé mới 12 tuổi.
Trong “Ganz oder gar nicht”, Matthäus tiết lộ thời thơ ấu khi còn sống cùng bố mẹ ở Herzogenaurach, anh đã “chết mê, chết mệt” một cô bé 12 tuổi tên Claudia ở một ngôi lành thuộc xứ Bavaria và đã “thề non, hẹn biển” với cô bé này. Nhưng đến tuổi trưởng thành, Matthäus lại quên mất “cô bé nhà quê” Claudia.
Trong 4 bà vợ của mình, Matthäus nhớ nhất “bà cả” Silvia - mối tình đầu của anh và đau nhất với “bà tư” Kristina Liliana - cô người mẫu trẻ luôn miệng khẳng định đã trao cho Matthäus “trinh tiết” nhưng cũng trao cả cho huyền thoại nước Đức một “cặp sừng hươu” cùng vô vàn nỗi đau...
Dĩ nhiên, Matthäus không quên nhắc tới Joanna Tuczynska - cô bồ trẻ 28 tuổi người Ba Lan hiện tại của mình: “Joanna là người chân thành, có tham vọng và không phải kẻ quen sống dựa dẫm. Tôi đã tìm lại được hạnh phúc bên cạnh Joanna”.
- Theo Văn Hòe - BĐCS
Lothar Matthäus: Chiến đấu ở tuổi 50 vì “Tất cả hoặc không có gì”
Tiện ích
Phông chữ
- Font Size
- Default
- Chế độ đọc