Theo Tổ chức thúc đẩy điện ảnh Pháp trên thế giới (Unifrance) ngày 1/3, bộ phim “Ziemlich beste Freunde” của nước này đã kết thúc tuần lễ thứ 7 với việc đứng đầu về doanh thu ở Đức và trở thành bộ phim thành công nhất trong lịch sử điện ảnh Pháp bên kia sông Rhin.
Ngày 26/2 vừa qua, phim “Ziemlich beste Freunde” đã có gần 5.553.510 người đến xem với doanh thu hơn 39 triệu euro, đứng đầu về doanh thu ở Đức trong tuần thứ 7 liên tiếp.
Bà Matthieu Thibaudault, người quản lý các dữ liệu về kinh tế của Unifrance nói, "bộ phim 'Le Gendarme và Les extraterrestres' đã được 5,6 triệu người đến xem hồi năm 1979. Chúng tôi có thể khẳng định rằng 'Ziemlich beste Freunde' đã vượt qua thành tích của bộ phim trên hồi đầu tuần này.”
Theo Unifrance, bộ phim này cũng sẽ trở thành bộ phim thành công thứ hai trong ngành điện ảnh của Thụy Sĩ, vượt qua phim "Avatar" và chỉ đứng sau phim "Titanic"./.
- Lê Bàng (Vietnam+)
Kịch bản bộ phim Ziemlich beste Freunde của hai đạo diễn Pháp Eric Toledano và Olivier Nakache dựa vào một câu chuyện có thật, dung hoà xen kẻ các tình huống bi hài một cách khéo léo, khai thác triệt để sự đối chọi ban đầu giữa hai nhân vật chính để rồi dọn đường cho phần kết có hậu. Bộ phim kể lại câu chuyện của Philippe (do François Cluzet thủ vai), một người đàn ông trung niên xuất thân từ một gia đình quý tộc giàu sang. Thời thanh niên, ông yêu chuộng các bộ môn thể thao gây cảm giác mạnh, đặc biệt là môn lái dù lượn vách núi (paragliding - parapente). Một tai nạn nhảy dù khiến cho Philippe bị chấn thương cột xuơng sống.
Kể từ khi trở thành người tàn phế, toàn thân bị tê liệt, Philippe cần có người phụ giúp ông trong mỗi động tác sinh hoạt thường ngày, từ chuyện cạo râu tắm rửa, mặc áo đi giầy cho đến việc đút từng miếng ăn trong mỗi bữa cơm. Bất chấp lời khuyên của người thân, Philippe không chọn một nhân viên y tá, mà lại đi tuyển một thanh niên da đen tên là Driss (do Omar Sy thủ diễn), tức là một người không hề có kinh nghiệm trong việc chăm sóc trông nom bệnh nhân.Giữa hai nhân vật chính là một sự chênh lệch hoàn toàn : tánh tình, tuổi tác, màu da, giai cấp, Philippe càng giàu sang, có nhiều kiến thức học vấn chừng nào, Driss càng nghèo nàn và ‘‘dốt nát’’ chừng nấy. Nhưng tình bạn lại nảy sinh từ những tình huống ngược đời, giai cấp xã hội hay hoàn cảnh gia đình chỉ là những yếu tố bên ngoài, không ảnh hưởng gì nhiều đến nghị lực của một con người đã quyết định tự làm chủ bản thân. Từ Philippe, Driss học hỏi được một điều, người tàn phế không cần đến sự thương hại, nếu thật sự muốn giúp đỡ thì nên chăng tạo điều kiện và cơ hội để cho họ dễ thở hơn, để thực hiện được ước mơ trong cuộc sống.
Trong phim, nhân vật Philippe bị tê liệt do tai nạn, nhưng không phải vì thế mà ông không còn muốn được nhảy dù một lần nữa. Nhờ vào Driss, mà Philippe sẽ sống lại những cảm giác mạnh thời tráng kiện. Người tàn phế có thể không còn cử động được chân tay, nhưng tâm trí của họ vẫn sáng suốt minh mẫn như ngày nào. Sống theo ý mình là điều mà ông Philippe sẽ học từ cậu thanh niên lắm mồm nhiều chuyện, lúc nào cũng thích pha trò tiếu lâm, đùa giỡn giễu cợt.
Con voi thả vào tiệm bán đồ sứ
Không phải ngẫu nhiên mà hai đạo diễn Eric Toledano và Olivier Nakache đã chọn tựa đề Intouchables cho bộ phim. Hiểu theo nghĩa đen từ này có nghĩa là ‘‘tiện dân’’, không thể sờ vào. Tại Ấn Độ, đó là tầng lớp dân nghèo, không thuộc đẳng cấp nào, bị xã hội khinh thường, né tránh. Người ngoài không muốn đụng chạm tiếp xúc với thành phần ăn mày, như thể sợ bị dơ mắt, bẩn tay.
Còn hiểu theo nghĩa bóng, cả hai nhân vật chính trong phim đều bị phân biệt đối xử. Driss con nhà nghèo sinh trưởng ở vùng ngoại ô, coi như là không có cơ hội tiến thân. Philippe tuy là con nhà giàu, nhưng lại vướng mắc những thành kiến của người ngoài đối với những người có khuyết tật hay bị tàn phế. Qua ẩn dụ "tiện dân", hai đạo diễn cho thấy là hình thức đối xử khác có thể khác nhau, khi thì ẩn hiện tiềm tàng lúc thì ra mặt rõ nét, nhưng chung quy cả hai nhân vật chính đều bị xem như là đồ vô dụng. Họ đứng bên lề cuộc sống, bị gạt ra ngoài xã hội.
Không phải tình cờ mà bộ phim Ziemlich beste Freunde mở đầu như một bộ phim tài liệu với những cảnh quay ở những dãy phố ngoại ô để dưa người xem theo bước chân của Driss, để rồi xô đẩy cậu thanh niên này vào một môi trường hoàn toàn khác biệt. Hai đạo diễn Eric Toledano và Olivier Nakache khai thác hiệu ứng khôi hài mà ta có thể gọi nôm na là ‘‘thả con voi vào trong một tiệm bán đồ sứ’’, con voi vụng về đến nổi, thế nào rồi cũng sẽ có va chạm sứt mẻ.
Cho dù có những màn pha trò đặt không đúng chỗ và lối diễn đạt của Omar Sy trong vai Driss khá cường điệu, nhưng nhìn chung, lối xây dựng cá tính của từng nhân vật trong phim khá chặt chẽ, hầu tạo ra một khúc song tấu đối nghịch, để từ chỗ lạc điệu dẫn đến sự nhịp nhàng, đồng cảm. Cách vận hành chẳng có gì mới, nhưng kịch bản biết thắt nút bi hài, nỗi buồn le lói trong tiếng cười. Suy cho cùng, Ziemlich beste Freunde thay vì nói đến tất cả những điểm khác biệt có thể ngăn cách hai con người, rốt cuộc lại là một bài học về nhân cách, khi nhấn mạnh đến những nét tương đồng có thể bắt nhịp cầu nối liền hai tâm hồn khác nhau.
Gạt ra bên lề, đứng ngoài xã hội
Kịch bản phim Intouchables (Ziemlich beste Freunde) dựa vào một câu chuyện có thật, từng được viết thành sách rồi quay thành phim tài liệu trước khi được chuyển thể thành phim truyện trên màn ảnh lớn. Đó là câu chuyện của ông Philippe Pozzo di Borgo, năm nay 53 tuổi. Ông sinh trưởng ở đảo Corse, thuộc dòng dõi quý tộc và từng làm giám đốc điều hành công ty Pommery, một trong những thương hiệu sâm banh nổi tiếng nhất của Pháp. Tai nạn lượn dù, khiến ông Philippe Pozzo di Borgo vào năm 42 tuổi bị tàn phế, suốt đời phải ngồi xe lăn. Họa vô đơn chí, vợ ông qua đời ba năm sau đó vì bệnh ung thư.
Trong quyển sách kể lại cuộc đời mình, ông cho biết là có những lúc ông chán nản tuyệt vọng đến mức ông chỉ muốn tự kết liễu cuộc đời, nhưng không hiểu vì sao, ông lại tìm được niềm tin và nghị lực, để tiếp tục sống khoảng nửa đời người còn lại. Quyển sách này sau đó trở thành best-seller, rồi được quay thành phim tài liệu. Vào năm 2004, hai đạo diễn Eric Toledano và Olivier Nakache tình cờ khám phá cuộn phim tài liệu này. Họ vấn ý ông Philippe, bắt đầu viết kịch bản phim truyện rồi mãi đến 7 năm sau mới tìm đủ kinh phí để bấm máy quay phim.
- Theo RFI
Phim "Ziemlich beste Freunde" tiếp tục đứng đầu doanh thu ở Đức
Tiện ích
Phông chữ
- Font Size
- Default
- Chế độ đọc