Franz Beckenbauer đến với bóng đá thế nào? Vì sao ông có biệt danh “Hoàng đế”? Vì sao ông không gia nhập Barcelona? Sir Bobby Charton đã “giết” Beckenbauer năm 1966 thế nào?...
Tất cả những thắc mắc của NHM đều được huyền thoại người Đức trả lời trong cuộc trò chuyện cởi mở của ông tại trụ sở Adidas tại Herzogenaurach, Bavaria.
München sau thế chiến II
München gần như bị hủy hoại hoàn toàn. Các bạn biết đấy, tôi sinh năm 1945, chỉ ít ngày sau thế chiến kết thúc. Thời ấy không có sân bóng, bọn trẻ con chúng tôi thường chơi bóng ở đường phố với những trái bóng làm bằng giấy hoặc bất cứ vật gì hình tròn. Những năm 1950 thì khá hơn, chúng tôi đá bóng bằng trái tennis với khung thành là những ô cửa sổ cũ.
Mọi người thường hay hỏi tôi, tại sao tôi trở thành cầu thủ bóng đá. Câu trả lời của tôi rất đơn giản: khi còn là đứa trẻ, tôi chẳng có gì chơi ngoài bóng đá. Tuy nhiên, bóng đá cũng là niềm đam mê duy nhất của tôi.
Thư ký hay bóng đá
Cha tôi làm việc trong ngành bưu điện. Ông ấy nói tôi phải chọn một công việc mà làm cho tử tế, vì thời ấy, bóng đá không phải là một nghề nghiệp. Tôi nói với ông ấy, tôi muốn trở thành một tay thư ký hay công chức gì đó. Tôi ký hợp đồng với Bayern München năm 1963, tức một năm trước khi Bundesliga ra đời. Liên đoàn Bóng đá Đức cũng đã thông qua luật lao động, nhưng chúng tôi không kiếm nổi 400 Deutsche Mark mỗi tháng. Tôi phải làm thêm tại công ty bảo hiểm, ông giám đốc cảnh báo tôi: đi đá bóng có mà chết đói nhăn răng, hãy bỏ ngay để tập trung vào công việc. Thật ngu ngốc, cậu mong đợi cái gì? Bóng đá ngày nay hay 200 năm nữa cũng thế thôi. Nhưng tôi đã trả lời ông ta: Thưa ngài, tôi biết mình nên làm gì và tôi không thể trở thành một tay thư ký suốt ngày chỉ ru rú trong văn phòng được.
"Hoàng đế" Franz Beckenbauer nâng cao cúp vàng thế giới 1974. Trong sự nghiệp của mình, ông còn 1 lần vô địch EURO 1972. Với tư cách HLV, ông cùng các học trò vô địch World Cup 1990
Tại sao lại là “Hoàng đế”?
Năm 1968, tôi cùng các đồng đội Bayern München đến Vienne (Wien), Áo thi đấu giao hữu. Chúng tôi đến trụ sở chính của một công ty bảo hiểm tài trợ cho trận đấu, trước cổng vào trụ sở có một bức tượng điêu khắc Hoàng đế Franz Joseph I rất đẹp. Có mấy tay phóng viên đang ngáp dài ở đó, họ kéo tôi đến bức tượng và bấm máy. Ngày hôm sau, hình ảnh của tôi bên cạnh tượng Hoàng đế Franz Joseph I tràn ngập trên các mặt báo. Từ ấy người ta gọi tôi là “Hoàng đế” (Der Kaiser).
Barcelona, tại sao không?
Nếu tôi và Gerd Muller cùng đến München 1860, thì đội bóng này đã giành 5 danh hiệu vô địch châu Âu, 20 lần vô địch Bundesliga, ít nhất là như thế (cười lớn). Còn Barcelona? Tôi đã tiến đến khá gần sân Nou Camp. HLV Hennes Weisweiler đã mời tôi đến thi đấu cho Barca năm 1976, nhưng vài tháng sau thì ông ấy bị sa thải. Tôi cũng mất hứng luôn.
Wembley 1966
Tôi vẫn còn buồn bã sau trận đấu ở Wembley năm 1966? (Đức thua Anh 2-4 trong trận chung kết World Cup 1966 bằng bàn thắng gây tranh cãi của Hurst trong hiệp phụ). Không, tôi hạnh phúc hơn là buồn bã. Tôi được giao nhiệm vụ “bắt chết” Bobby Charton và ông ấy đã bị “bắt chết”, nhưng rốt cuộc, ông ấy đã “giết chết” tôi. Sau cú sút nổi tiếng ở Wembley của Hurst, bóng đã đi qua vạch khung thành? Thú thật, đến bây giờ tôi vẫn không biết. Nhưng điều quan trọng nhất ở Wembley 1966 đó là: chúng tôi đã buộc người Anh phải kéo dài trận chung kết đến 120 phút và chẳng ai dám xem thường bóng đá Đức nữa…
Làm HLV... chán phèo
Tôi gặt hái được khá nhiều thành công trên băng ghế HLV. Nhưng tại sao tôi lại nghỉ sau hơn 10 năm ư? Vì như thế là đủ rồi. Làm HLV của một CLB, tức là hằng ngày bạn phải làm một công việc như nhau, cứ thế ngày này qua ngày khác, năm này qua năm khác. Chán lắm! Đó là lý do tại sao tôi làm công tác huấn luyện rất ngắn ở Bayern München cũng như Marseille. Làm HLV ĐTQG giúp bạn có nhiều thời gian rảnh hơn, nhưng sau 6 năm, tôi nghĩ mình cần một gương mặt mới…
- SỸ ĐOAN, Theo Thể thao 24h
'Hoàng đế' Beckenbauer bật mí những bí mật
Tiện ích
Phông chữ
- Font Size
- Default
- Chế độ đọc