Hiếm khi Bundesliga hào hứng bước vào mùa bóng mới như năm nay. Lý do: đây là lần đầu tiên sau một khoảng thời gian khá dài, các đội bóng Đức nhập cuộc trong hoàn cảnh đã biết chắc rằng Bundesliga sẽ có đến 4 suất dự Champions League. 4/18, nghĩa là gần 1/4 số đội sẽ được cấp vé tham dự đấu trường vinh quang nhất châu Âu tầm CLB.
Và giải Bundesliga của Đức khác hẳn các giải Premier League của Anh hoặc La Liga của Tây Ban Nha (2 giải khác cũng được cấp 4 suất dự Champions League) ở chỗ: cuộc đua tại Đức rất cân bằng, với khoảng phân nửa số đội có quyền hy vọng lọt vào Champions League. Bất quá, chỉ có Bayern nắm chắc 1 suất. Nếu như kết quả mùa trước được lặp lại, thì ngay cả Hannover cũng được cấp vé tham dự vòng loại Champions League!
Ngôi sao Nuri Sahin (trái, Dortmund) đã rời bỏ Bundesliga.
Trong hoàn cảnh như thế, đáng lẽ Bundesliga phải có sức hút mạnh mẽ đối với các cầu thủ giỏi từ bên ngoài. Tất nhiên, còn phải xét đến lương bổng - một trong những yếu tố quan trọng để các ngôi sao chọn nơi đầu quân, và yếu tố này không phải là điểm mạnh của Bundesliga.
Điều đáng nói ở đây là cơ hội gặt hái danh hiệu và lọt vào đấu trường Champions League hình như chưa đủ giúp các đội mạnh ở Đức bù đắp cho sự thua thiệt về khả năng chi lương và phí chuyển nhượng của họ. Đã vậy, còn có tình trạng ngược lại: ngôi sao bên ngoài không đến, còn ngôi sao của Bundesliga thì vẫn tiếp tục ra đi.
Giới lãnh đạo DFL luôn tỏ ra tự hào về sự ổn định tài chính của giải này, nhưng đấy chỉ là sự hài lòng ở tầm vĩ mô. Còn trên thực tế, người ta vẫn thấy rõ những hạn chế do quy định “50+1” gây ra trong làng bóng Đức, thấy rõ Bundesliga chưa phải là giải đấu có sức thu hút ngôi sao. Quy định fair-play tài chính của UEFA cũng chưa đem lại thay đổi đáng kể nào cho Bundesliga trong khía cạnh này.
Gần như chắc chắn, Bundesliga sẽ không có thêm ngôi sao đáng kể nào khi mùa chuyển nhượng khép lại (Bayern Munich đã tuyên bố chấm dứt kế hoạch mua sắm). Có chăng chỉ là khả năng ra đi vào giờ chót của những cầu thủ khá. Và ở thời điểm chỉ còn vài ngày trước khi Bundesliga khai mạc, giới quan sát đúc kết vài sự trùng hợp đáng lo ngại từ những mùa bóng vừa qua: hầu hết các đội phải chia tay cầu thủ trụ cột ở Bundesliga đều suy yếu hẳn trong mùa bóng mới tại Bundesliga.
Arturo Vidal (Leverkusen) và Nuri Sahin (Borussia Dortmund) là 2 sự ra đi đáng chú ý nhất trong mùa hè này. Họ đều là ngôi sao số 1, góp công lớn nhất đem lại thành công ngoài mong đợi cho CLB của mình (Dortmund bất ngờ vô địch, Leverkusen về nhì trong bối cảnh lọt vào “Top 3” đã là thành công mỹ mãn).
Nhiều người cho rằng Dortmund mùa này không yếu hơn so với mùa trước, rằng thế hệ trẻ và đồng đều trong tay HLV Juergen Klopp thậm chí có thể nhắm đến một thế thống trị, tức thành công trong nhiều năm liên tiếp ở Bundesliga. Nhưng đấy chỉ mới là nhận định trên lý thuyết, chưa được kiểm chứng. Leverkusen cũng vậy. Khi HLV Robin Dutt tuyên bố ông đến Leverkusen không phải để biến đội bóng số 2 thành đội số 4, số đông có ngay cảm giác về một sự “lên dây cót”.
Leverkusen và Dortmund liệu có bước vào vết xe đổ của Stuttgart và Werder Bremen trong mùa bóng trước? Stuttgart mất tiền vệ giỏi Sami Khedira và Bremen mất ngôi sao Mesut Oezil (họ đều chuyển sang Real Madrid). Đấy cũng là lúc nhà vô địch Bundesliga 2009 Wolfsburg lần lượt chia tay Zvjezdan Misimovic và Edin Dzeko (ra đi cách nhau vài tháng), còn Schalke bán Rafinha sang Genoa.
Kết quả: cả 4 đội mạnh vừa nêu đều đứng ngay trên vị trí phải đá play-off để trụ hạng vào cuối mùa.
Còn có khá nhiều đội bóng tên tuổi khác rơi vào trường hợp tương tự. Hamburg cũng yếu đi sau khi bán Jerome Boateng cho Manchester City.
Điểm chung đáng lưu ý: các đội mạnh ở Bundesliga đều không thay thế được các ngôi sao đã bỏ đi. Marko Marin hoặc Aaron Hunt đều trở nên nhỏ bé khi phải khỏa lấp khoảng trống do Oezil để lại trong đội hình Bremen. Số bàn thua của Hamburg tăng vọt sau khi mất Boateng, số bàn thắng của Wolfsburg giảm hẳn khi không còn Dzeko…
Bundesliga ngày càng hấp dẫn, đấy là sự thật. Nhưng sức cạnh tranh của các đại diện Bundesliga trên đấu trường châu Âu lại là chuyện khác, và chuyện này thì chưa đem lại hy vọng mới mẻ nào cho giới hâm mộ bóng đá Đức. Ở Bundesliga, ngôi sao vẫn đi nhiều hơn đến.
- KINH THI, SGGP
Nghịch lý Bundesliga - Ngôi sao chỉ đi chứ không đến!
Tiện ích
Phông chữ
- Font Size
- Default
- Chế độ đọc