Chức vô địch World Cup lịch sử của đội tuyển nữ Nhật Bản đã tạo ra một hiệu ứng tức thì ngay khi các tuyển thủ trở về phục vụ cho CLB của họ. Khán giả đến sân đông hơn, thu nhập từ các trận đấu cao hơn và sự quan tâm của giới truyền thông cũng nhiều hơn.
Văn phòng của CLB INAC Kobe Leonessa, đội bóng có đến 7 tuyển thủ quốc gia dự giải, có dấu hiệu quá tải vì những đề nghị xin phỏng vấn của các báo đài, trong đó tiền vệ thủ quân Homare Sawa và tiền đạo Shinobu Ohno là 2 người được săn đón nhất. Vào các ngày 19-7 và 20-7, có đến 12 chương trình truyền hình đưa tin về… buổi tập của đội.
Homare Sawa (phải) và đồng đội Asuna Tanaka ký tặng người hậm mộ sau trận đấu giữa Nadeshiko INAC Kobe và JEF United hôm 24-7
Homare Sawa, tác giả của bàn cân bằng tỷ số trong phút bù giờ, buộc Mỹ phải bước vào loạt sút luân lưu trong trận chung kết, nói về lịch làm việc hàng ngày của mình: “Chúng tôi gần như không ngủ và cũng không có thời gian để ăn”. Sawa cùng với 5 tuyển thủ khác sẽ cùng xuất hiện trong một mẫu quảng cáo cho nhà tài trợ chính của giải vô địch trong khi nhà tài trợ chính của đội tuyển là Kirin Brewery cũng sẽ sử dụng hình ảnh của họ với mức thù lao 1 triệu yên (12.700 USD) mỗi người.
Các cầu thủ ngôi sao của INAC Kobe Leonessa thì được chào mời những hợp đồng quảng cáo trên truyền hình và trên các sản phẩm. Các mặt hàng ăn theo CLB tăng từ 3 sản phẩm/ngày trước World Cup giờ đã tăng thành 70 sản phẩm/ngày. Số CĐV đăng ký làm thành viên CLB giờ đã tăng lên con số 400, gấp 3 trước World Cup.
Giải vô địch bóng đá nữ Nhật Bản đã chính thức tái khởi tranh vào ngày 24-7. Và ngay trong hôm ấy, đã có 17.812 CĐV đến xem trận đấu giữa INAC Kobe Leonessa và JEF United Ichihara Chiba, một kỷ lục của giải đấu này. Trước đó, kỷ lục một trận đấu trên sân nhà của INAC Kobe Leonessa chỉ là… 1.043 người. Trận ấy, đội chủ nhà thắng 2-0 với Shinobu Ohno là tác giả của cả 2 bàn thắng.
Một quan chức của CLB nói: “Chúng tôi muốn dùng World Cup như một cơ hội tốt để tăng nguồn thu cho CLB, lôi kéo các CĐV đến sân và kiếm những hợp đồng tài trợ để cải thiện đời sống cho các cầu thủ”.
Cũng trong hôm 24-7, đội Albirex Niigata của những tuyển thủ như tiền vệ Mizuho Sakaguchi hay hậu vệ Megumi Kamionobe cũng bước vào thi đấu. Dù số vé bán ra cũng chỉ khiêm tốn ở con số 130 vé, nhưng như vậy đã là tăng… 80% so với trước World Cup. Với bình quân gần 8.000 CĐV/trận trong ngày giải vô địch nữ Nhật Bản tái khởi tranh, người ta được dịp thấy rõ hiệu ứng World Cup khi trước giải đấu này, lượng bình quân khán giả trong mỗi trận đấu tại giải chỉ là 912.
CLB JEF United Chiba đang lên kế hoạch tung ra thị trường áo đấu và khăn tắm của các tuyển thủ nữ, bao gồm trung phong Karina Maruyama, tác giả của bàn thắng quyết định trước Đức tại tứ kết. Nhưng không phải CLB nào tại giải vô địch Nadeshiko cũng xem chiến thắng từ World Cup là một cơ hội làm ăn. Chẳng hạn như đội Urawa Reds, CLB này chỉ có duy nhất một hoạt động liên quan đến World Cup để cho các tuyển thủ trong đội hình ra chào khán giả trong trận đấu trên sân nhà vào ngày 31-7. Quan chức PR của CLB này nói: “CLB của chúng tôi có thắng World Cup đâu. Là đội tuyển Nhật thắng ấy chứ”.
Tuy nhiên, không thể phủ nhận việc Nhật Bản vô địch World Cup đã tạo ra một hiệu ứng tích cực cho cả nền bóng đá nữ Nhật Bản. Chí ít khoảng 220 nữ cầu thủ đang chật vật với đồng lương ít ỏi (đa số phải làm thêm nghề mới đủ sống) cũng có hy vọng cải thiện cuộc sống. Lương của ngôi sao hàng đầu Homare Sawa cũng chỉ là 4 triệu yên/năm (gần 51.000 USD/năm).
Giáo sư Munehiko Harada của trường Đại học Waseda nói: “Hiện tượng giải vô địch lên giá như hiện nay có thể chỉ là tạm thời, nhưng lượng khán giả có thể sẽ tăng 50% so với mùa bóng năm ngoài và giải vô địch cần phải tìm cách duy trì điều đó”.
Giải vô địch bóng đá nữ Nhật Bản (Nadeshiko) đã tái khởi tranh vào ngày 24-7. Và ngay trong hôm ấy, đã có 17.812 CĐV đến xem trận đấu giữa INAC Kobe Leonessa và JEF United Ichihara Chiba, một kỷ lục của giải đấu này.
- HOA VINH, SGGP
Bóng đá nữ Nhật và hiệu ứng World Cup
Tiện ích
Phông chữ
- Font Size
- Default
- Chế độ đọc