Nhìn vào tên của các đội bóng ở Đức, chúng ta cũng có thể hình dung phần nào về lịch sử của các đội ấy. Làm sao một đội bóng nhỏ như TSV 1860 Munich lại có thâm niên đến 150 năm? Thực tế, đúng là CLB này ra đời vào năm 1860, nhưng chỉ là một CLB thể thao nói chung, cũng như Bochum được thành lập từ năm 1848, Ulm ra đời năm 1846 vậy. Trong phần lớn trường hợp, chi nhánh bóng đá chỉ xuất hiện về sau này.
Bayer 04 Leverkusen ra đời vào năm 1904, nhưng mãi đến năm 1928 thì đội bóng đá Bayer Leverkusen mới thật sự xuất hiện. Trong kỷ nguyên bóng đá hiện đại, mọi người đều biết đến biệt danh “Neverkusen” của Bayer Leverkusen. Đúng là họ chưa bao giờ vô địch Bundesliga, dù đã nhiều lần tiến đến thật sát ngưỡng cửa vinh quang. Nhưng đấy chỉ là nói riêng về chi nhánh bóng đá. Đừng bao giờ xem thường Bayer Leverkusen, trong danh nghĩa một CLB thể thao nói chung.
Đấy là đội đã thống trị làng bóng rổ Đức với 14 danh hiệu VĐQG từ năm 1970 đến năm 1996. Đấy cũng là đội bóng ném nữ, đội quyền Anh, đội đấu kiếm và đội bóng chuyền hàng đầu của Đức. Chỉ tính từ năm 1992 đến nay, đại diện của CLB thể thao Bayer Leverkusen đã đem về cho nước Đức 10 chiếc HCV Olympic, ở các môn đấu kiếm, xe đạp, điền kinh, bóng ném, chèo thuyền… Các ngôi sao thể thao Đức từng vô địch Olympic như Ulrike Meyfarth, Heike Henkel (nhảy cao), Dieter Baumann (chạy 5.000m) đều là đại diện Leverkusen.
Hiện có gần 20 đội thể thao mang tên Bayer Leverkusen, nhưng đấy chưa phải là kỷ lục. VfL Wolfsburg với 29 môn mới là CLB giữ kỷ lục có nhiều đội thể thao nhất ở Đức hiện nay. Đội bóng đá Wolfsburg lần đầu tiên lên ngôi vô địch Bundesliga vào năm 2009. Ngoài ra còn có đội wushu Wolfsburg, hoặc đội… (nói nghiêm túc đấy) vật tay Wolfsburg!
Xin nhắc lại: nền tảng của thể thao Đức là tính cộng đồng. Các CLB thể thao nhà nghề ở Đức đều là tổ chức phi lợi nhuận trên danh nghĩa. Quy định 50+1 không cho phép bất kỳ cá nhân nào sở hữu đến 50% vốn của CLB. Các hội viên có thẻ, thường là những người trong cộng đồng, mới là sở hữu chủ lớn nhất của CLB. Và CLB phải là công cụ thể hiện niềm tự hào của các cộng đồng ấy. Cộng đồng gồm cả những đứa trẻ, phụ nữ… Thế nên, đôi khi có những chi nhánh nghe cũng buồn cười, dù trên thực tế thì những đội nghe có vẻ buồn cười ấy vẫn được tổ chức một cách quy củ (niềm tự hào của cộng đồng mà). Wolfsburg có đội vật tay nổi tiếng thì Greuther Fuerte cũng có một đội… karaoke cự phách. Chẳng biết St.Pauli - đội bóng đại diện cho khu “đèn đỏ” ở Hamburg còn có đội nào hấp dẫn nữa không!
Cách đây 3 năm, khi cựu tuyển thủ Đức Mehmet Scholl giải nghệ ở CLB bóng đá Bayern Munich, anh lập tức ký hợp đồng với đội bowling Bayern Munich và thi đấu ở giải… hạng Tư trong làng bowling Đức. Scholl từng khoác áo đội trẻ Karlsruhe, suýt đoạt chức VĐQG ở môn bowling hồi anh mới 14 tuổi!
Trong số các đội đang góp mặt ở giải bóng đá Bundesliga mùa này thì SC Freiburg là CLB có ít chi nhánh nhất. Trớ trêu ở chỗ: tuy tên gọi có chữ SC (sports club), nhưng Freiburg chỉ có đội bóng đá và đội quần vợt. FC Kaiserslautern (FC là football club) thì lại có đội khúc côn cầu, bóng bàn, triathlon (3 môn phối hộp gồm chạy, bơi, xe đạp) bên cạnh bóng đá.
Ở Đức, muốn tìm một CLB bóng đá chỉ chơi bóng đá, tốt nhất là bạn tìm xem các CLB có nguồn gốc từ Đông Đức. Lý do là từ năm 1966, CHDC Đức thay đổi chiến lược phát triển thể thao, muốn tăng cường tính cạnh tranh cho các CLB bóng đá tại đấy, từ đó nhiều CLB “chỉ có bóng đá” xuất hiện trong làng bóng Đông Đức cũ. Energie Cottbus hoặc Union Berlin – các đội hiện chơi ở giải hạng Nhì của Đức, là những ví dụ. Cũng có vài CLB không có nguồn gốc Đông Đức nhưng chỉ chơi bóng đá. Đó là các đội SC Paderborn, FC Ingolstadt, Rot-Weiss Oberhausen, đều ở giải hạng Nhì. Và đấy là những trường hợp mà giới thể thao ở Đức xem là hy hữu!