Khoảng nửa chục quốc gia trên thế giới hiện nay đang duy trì các cơ quan tình báo nghe lén - tương tự như Cơ quan An ninh quốc gia Mỹ (NSA) - hoạt động trên phạm vi toàn cầu.
Ngoài Mỹ, các nước này - bao gồm Nga, Trung Quốc, Anh, Pháp và (với quy mô nhỏ hơn) Israel và Đức - đều coi Internet là trung tâm của các chiến dịch gián điệp.
Cơ quan Tình báo đối ngoại Đức (BND) hiện đang hợp tác với NSA để mở rộng đáng kể các khả năng gián điệp của mình. Năm 2012, lãnh đạo BND Gerhard Schindler báo cáo trước Ủy ban Mật của Bundestag (Nghị viện Đức) về một chương trình bí mật mà theo ông có thể giúp BND trở thành một tổ chức tình báo hàng đầu thế giới.
Schindler cho biết, BND cần được đầu tư 100 triệu euro (133 triệu USD) trong vòng 5 năm tới để tạo ra nhiều việc làm mới trong lĩnh vực do thám kỹ thuật cùng với việc tăng cường các khả năng công nghệ gián điệp. Kế hoạch của Schindler - gọi là "Technikaufwuchs programm", hay "Chương trình chuẩn bị phát triển công nghệ vượt trội" - được coi là một trong những dự án hiện đại hóa tham vọng nhất trong lịch sử BND.
Chính quyền Đức kỳ vọng vào năm 2018, BND sẽ trở thành một NSA thu nhỏ để cuối cùng có thể cạnh tranh với mạng lưới gián điệp toàn cầu. Bộ trưởng Nội vụ Đức Hans-Peter Friedrich thuộc đảng bảo thủ Liên minh Xã hội Thiên Chúa giáo (CSU) từng phát biểu: “Chúng ta không thể chấp nhận sự việc bọn tội phạm sử dụng Internet ngày càng hiệu quả hơn trong khi nhà nước chúng ta không thể làm gì để ngăn chặn chúng". Friedrich nói thêm rằng chính quyền Đức cần phải phát triển công nghệ và điều luật mới để cải thiện sự kiểm soát yếu kém đối với mạng lưới thông tin liên lạc của bọn tội phạm.
Trước đây, khả năng gián điệp của BND khiêm tốn hơn nhiều so với đồng minh khổng lồ NSA nhưng về cơ bản, tình báo Đức vẫn làm việc theo cùng nguyên tắc. Sự kiểm soát luồng thông tin kỹ thuật số chủ yếu diễn ra tại một trung tâm xử lý dữ liệu ở thành phố Frankfurt thuộc sở hữu của Hội Kinh doanh Internet Đức.
Trung tâm nghe lén của NSA đặt tại Bad Aibling, Đức. Trung tâm (lớn nhất châu Âu) này chịu trách nhiệm kiểm soát toàn bộ các e-mail, giao tiếp Skype và tin nhắn văn bản tràn về Đức từ những khu vực mà BND đặc biệt quan tâm như Nga và Đông Âu, cùng với những vùng khủng hoảng như Somalia, Pakistan, Afghanistan và các quốc gia Trung Đông. Luật pháp Đức cho phép BND giám sát bất cứ dạng thông tin nào có yếu tố nước ngoài - bao gồm nói chuyện qua điện thoại di động, chat trên Facebook hay trao đổi qua AOL Messenger.
Để phục vụ mục đích "gián điệp thông tin chiến lược", BND được phép sao chép và theo dõi 20% luồng dữ liệu lưu thông. Thậm chí, có quy định yêu cầu các nhà cung cấp dịch vụ viễn thông Đức hợp tác với BND.
Trong những năm gần đây, giới chức BND có nhiều nỗ lực nhằm cải thiện các phương pháp điều tra. Tình báo Đức chỉ chọn lọc và đánh giá một phần trong tổng số lượng thông tin thu thập và cũng chỉ lưu trữ một phần nhỏ trong số đó. Theo các chuyên gia BND, trên 90% các số điện thoại, địa chỉ e-mail và địa chỉ IP dẫn đến các điện thoại di động và máy tính thuộc sở hữu của người dùng Internet tư nhân hay công ty mà cơ quan tình báo nghi ngờ có dính líu đến hoạt động phi pháp.
Trong khi đó, NSA thu thập mọi thứ, ít nhất theo những thông tin rò rỉ mới đây. Luồng thông tin tình báo do NSA cung cấp đóng vai trò quan trọng trong mỗi vụ án xét xử khủng bố ở Đức trong suốt thập niên qua. Ví dụ, thông tin của NSA giúp BND bắt giữ và buộc tội những phần tử trong nhóm khủng bố ở Đức gọi là "Sauerland" dưới sự cầm đầu của Fritz Gelowicz.
Năm 2006, NSA đọc trộm liên lạc e-mail giữa Đức và Pakistan giúp BND phát hiện một nhóm Hồi giáo cực đoan Đức đang có kế hoạch đánh bom khủng bố ngay tại nước này. Tình báo Đức cũng sẵn sàng chấp nhận những thông tin mà người Mỹ thu thập được thông qua "những kỹ thuật thẩm vấn tăng cường", hay nói khác đi là tra tấn vi phạm nhân quyền!
Vai trò quan trọng của NSA đối với chính quyền Đức càng được nhấn mạnh không chỉ do cuộc gặp mới đây giữa lãnh đạo NSA Keith Alexander và Thủ tướng Angela Merkel cùng với các quan chức hàng đầu trong cộng đồng tình báo Đức, mà cũng do chuyến thăm kéo dài của Bộ trưởng Nội vụ Đức Hans-Peter Friedrich đến tổng hành dinh NSA ở Fort Meade, bang Maryland, vào đầu tháng 5 vừa qua.
Trong nội các Đức hiện nay chỉ có một thành viên duy nhất mạnh dạn lên tiếng chỉ trích chương trình Prism của NSA - đó là nữ Bộ trưởng Tư pháp Sabine Leutheusser-Schnarrenberger thuộc đảng Dân chủ Tự do. Mối quan hệ "đặc biệt" giữa Mỹ và Đức bắt đầu hình thành từ thời Chiến tranh lạnh. Lúc đó, Đức nhờ người Mỹ giúp giữ gìn an ninh trong nước và thậm chí nhắm mắt làm ngơ mặc cho cộng đồng tình báo Mỹ hoạt động do thám công dân ngay trên đất Đức!
Ngoài Mỹ, các quốc gia đồng minh cũng có quyền do thám trên diện rộng ở Đức và nhiều nước trong số đó vẫn còn những hoạt động tương tự đến ngày nay. Trong khi đó, người Đức chỉ phản đối khi người Mỹ quá trơ tráo. Câu chuyện là trước khi Tổng thống Mỹ Gerald Ford đến Bonn (thủ đô của Tây Đức sau Chiến tranh thế giới II) vào năm 1975, một nhóm điệp viên Mỹ có yêu cầu quá đáng là được quyền lục soát lâu đài Schaumburg - Phủ thủ tướng - để bảo đảm an toàn cho tổng thống.
Cuối cùng, nhóm điệp viên này bị Thủ tướng Đức tống cổ ra khỏi lâu đài Schaumburg! Tuy nhiên, trong thời đại gián điệp kỹ thuật số lộng hành như hiện nay, việc đuổi cổ điệp viên Mỹ ra khỏi nước Đức là điều không dễ làm.
- Trang Thuần (CAND tổng hợp)
Tình báo Đức hưởng lợi từ “chương tình Prism” ra sao?
Tiện ích
Phông chữ
- Font Size
- Default
- Chế độ đọc