feed-image

Hãy nhấn „Thích Trang“ để theo dõi tin tức cập nhật của Tạp chí Hương Việt trên trang Facebook của bạn!

BỎ QUA

Op2 1140X206P 1 frame

Phông chữ

Hóm hỉnh và hòa đồng ở bất cứ nơi đâu mà ông có mặt, ngôi nhà của ông ở khu Thảo Điền, TP.HCM, là nơi tụ hội của bạn bè, báo chí, nhân viên người Việt mỗi khi Xuân về, tiến sĩ Udo Lörsch hay “papa Lörsch” là một “người Đức không trầm lặng”. Và những chia sẻ của ông về Việt Nam sau 6 năm gắn bó, với sự thẳng thắn và nghiêm túc của người Đức, sự từng trải của người đã kinh qua nhiều năm làm việc tại các nước Âu và Á, cũng hoàn toàn “không trầm lặng”…

* Ông có còn nhớ ngày đầu tiên của mình ở Việt Nam?

- Ngày đầu tiên thì có lẽ tôi không nhớ, nhưng tôi nhớ tuần lễ đầu tiên. Tôi ngồi ở Sài Gòn Bar trên khách sạn Caravelle, nhìn xuống đường, lúc đó còn chưa có nhiều cao ốc như bây giờ. Quang cảnh thật đẹp khi nhìn ra sông Sài Gòn, nhưng tôi thì lo lắng ở một đất nước xa lạ, không quen biết ai, không nói được ngôn ngữ, tôi bắt đầu hút lại xì gà và tự hỏi liệu có phải mình đã sai lầm khi quyết định tới đây. Nhưng bây giờ, sau 6 năm, tôi đã có thể nói chắc rằng tôi rất thích Việt Nam.

* Ngay cả khi ông đã từng bị tai nạn giao thông tại Việt Nam? Chuyện này đã diễn ra thế nào ông còn nhớ không?

- Vào khoảng một năm trước, khi đi ăn tối với bạn bè ở Sài Gòn, trên đường đi bộ ra xe của mình, tôi bị một chiếc xe máy thình lình đâm phải rất mạnh từ phía sau, ở hướng mà tôi không ngờ tới. Tôi chẳng biết gì sau đó cho đến khi tỉnh dậy trong bệnh viện với một bác sĩ và giám đốc tài chính của tôi đứng bên cạnh. Chỉ khi đó tôi mới biết là mình vẫn chưa lên thiên đường.

Thân thiện và hòa đồng ở mọi nơi ông tới, Tổng giám đốc hãng xe hơi Mercedes-Benz Việt Nam
giống như “ông nội” của những đứa trẻ Việt Nam mà ông gặp trên đường.

* Người nước ngoài đến Việt Nam lần đầu luôn kinh ngạc và sau đó là sợ hãi giao thông ở Việt Nam.

- Đến giờ tôi vẫn còn sợ, chứ không chỉ là lần đầu. Tôi cũng rất kinh ngạc khi đi lại trên đường phố ở đây. Không lúc nào các phương tiện ngừng lại, luôn luôn di chuyển và điều hài hước là đôi khi đó chính là nguyên nhân gây ra tắc nghẽn. Ở Đức, chúng tôi hiểu là trên đường có những lúc bạn sẽ phải kiên nhẫn chờ đợi, để giao thông được thông suốt. Tôi thấy giao thông có lẽ cũng phản ánh tính cách con người. Ở Đức mỗi người đều có một nghề nghiệp riêng và theo đuổi nghề nghiệp đó, dù anh là thợ thủ công, thợ điện hay bán xe hơi, giống như mỗi người đều hiểu vị trí của mình trên đường. Còn ở đây, có lẽ người Việt Nam nào cũng muốn trở thành triệu phú, muốn vượt lên phía trước và muốn tranh thủ mọi thứ cho mình, giống như cách họ đi lại trên đường.

* Người Đức vốn nổi tiếng về tính kỷ luật, nghiêm túc và đúng giờ. Điều này xem ra hoàn toàn khác biệt với bản tính và lối sống của người Việt Nam, nhưng đội tuyển bóng đá Việt Nam đang có huấn luyện viên người Đức, xe hơi Đức được người Việt Nam đánh giá rất cao. Ông nghĩ thế nào về điều này?

- Tôi cho rằng đó không hẳn là sự đối lập hay khác biệt. Tôi thậm chí thấy đôi khi người Việt Nam là người Đức của Đông Nam Á. Chỉ có điều ở đây tất cả mọi người dường như quá háo hức giành lấy gì đó. Điều đó đôi khi cũng tốt vì nó giúp nảy sinh những ý tưởng mới và tạo ra một đời sống vận động liên tục. Chỉ có điều đôi khi đối với một số người tôi thấy, thay vì hoàn thành công việc ở mức 100% họ chỉ dừng ở mức 80% và nghĩ là đã đủ.

Chúng tôi, những người Đức, sản xuất ra xe hơi rất tốt, nhưng chúng ta có thể thấy người Mỹ lại rất giỏi trong công việc kinh doanh. Đó là do sự khác biệt tính cách. Họ biết làm marketing hơn chúng tôi. Người ta vẫn so sánh người Đức như những quả dừa, lớp vỏ ngoài cứng rắn, việc tiếp xúc ban đầu luôn dè dặt, nhưng một khi đã vượt qua được lớp vỏ đó, bên trong sẽ rất ngọt ngào và chân thành. Còn người Mỹ như những quả đào, lớp vỏ ngoài mềm mỏng, họ tỏ ra thân thiện ngay từ đầu, nhưng bên trong là một hạt cứng, tức là để thật sự thân thiết với họ thì khó hơn nhiều. Sự so sánh gần giống như vậy cũng có thể áp dụng với Việt Nam.

Nếu bạn muốn đóng một con tàu, đừng chỉ cho mọi người cách đóng tàu, hãy nói với họ chuyến đi trên biển sẽ tuyệt vời ra sao.

Những phẩm chất Đức được nhiều người Việt Nam biết đến do chúng ta có mối quan hệ gần gũi, chỉ có điều tôi muốn người Đức cũng phải biết đến Việt Nam nhiều hơn, thông qua đầu tư, du lịch… Nhiều người Đức vẫn còn tưởng Việt Nam vẫn đang chiến tranh, đó là điều khiến tôi phiền lòng. Các bạn phải làm marketing tốt hơn nữa. Chúng tôi nhìn thấy nhan nhản những khẩu hiệu của các nước Đông Nam Á “Smiling Thailand” (Thái Lan, đất nước nụ cười), “Malaysia, Truly Asia” (Malaysia, châu Á đích thực), nhưng lại chẳng thấy quảng cáo nhiều về Việt Nam. Quảng cáo là quan trọng, và quảng cáo không chỉ là việc chi tiền, các bạn cần có thái độ thực sự đúng đắn về việc giới thiệu mình với thế giới. Theo ý tôi, Việt Nam ít nhất cũng ngang bằng với Thái Lan về những giá trị văn hóa và lịch sử, chỉ có điều là các bạn làm chưa đủ.

* Gia đình ông sống ở đây ra sao? Ông có gặp khó khăn khi phải thích nghi với lối sống ở đây hay không? Làm thế nào để ông thích nghi được?

- Chỉ có hai vợ chồng tôi ở đây, tất cả các con tôi đều ở Đức, nhiều vùng khác nhau. Tôi không gặp khó khăn gì ở đây, nhưng vợ tôi thì có, một phần vì bà ấy không đi làm. Ngoài ra còn do tính cách. Tôi là người thích hoạt động, làm quen với những người mới, thích giao tiếp, còn bà ấy không như thế, nên bà ấy thấy vui hơn khi được trở về Đức.

Về việc thích nghi, tôi phải thích nghi với giao thông ở đây, đôi khi phát bực vì tình hình đường sá khi cứ phải đứng yên một chỗ. Ngoài ra, trong công việc của tôi, có cảm giác nhiều người Việt chỉ làm việc vì bản thân. Tôi thấy sự trung thành là rất quan trọng. Cả đời tôi, tôi làm việc vì công ty của mình. Các bạn phải thấy rằng hãy làm việc và cùng đóng góp, trung thành với một mục tiêu chung, khi đó mọi chuyện sẽ tốt đẹp lên, cho chính bạn nữa. Một điều tôi phải nói là ở Việt Nam có rất nhiều cơ hội, chúng ta có thể thấy rất nhiều người kinh doanh riêng, giống như một thứ virus trong không khí vậy. Có những người bạn, đồng nghiệp của tôi khi mới bước chân qua Việt Nam trong đầu không hề có suy nghĩ là sẽ làm kinh doanh riêng, nhưng chỉ sau một hai năm lại sinh ra nhiều ý tưởng mở kinh doanh này nọ, điều mà không bao giờ họ suy nghĩ đến trước khi bước chân vào Việt Nam.

Có lẽ người Việt Nam nào cũng muốn trở thành triệu phú, muốn vượt lên phía trước 
và muốn tranh thủ mọi thứ cho mình, giống như cách họ đi lại trên đường

* Ông đã làm việc ở Việt Nam 6 năm rồi. Đây cũng là những năm thành công nhất của thương hiệu Mercedes tại Việt Nam. Ông có bí quyết gì để thu phục khách hàng Việt Nam?

- Tôi nghĩ là nhờ vào đội ngũ mà tôi có được. Tất nhiên, bạn cũng phải làm gương, không thể đi đánh golf suốt ngày mà vẫn mong cấp dưới làm việc tốt. Nhưng với tôi, điều quan trọng vẫn là đội ngũ mà tôi có được, họ thực sự tin tưởng và có động lực. Đôi khi tôi cũng phải đưa ra những quyết định khó khăn một cách cương quyết, nhưng tôi may mắn là một người thân thiện, mong muốn có được nhiều bạn bè. Tôi cũng làm điều đó vì công ty nữa. Với tôi, điều quan trọng là xây dựng được một đội ngũ tốt và tạo ra động lực cho họ, giống như ai nó đã nói: “Nếu bạn muốn đóng một con tàu, đừng chỉ cho mọi người cách đóng tàu, hãy nói với họ chuyến đi trên biển sẽ tuyệt vời ra sao”.

* Ông có nhận thấy những thay đổi gì ở Việt Nam trong sáu năm qua? Theo ông những thay đổi nào đáng mừng và những thay đổi nào đáng phải lo lắng, suy nghĩ?

- Tôi nhận thấy nhiều thay đổi tích cực, nhưng với tôi, sự thay đổi vẫn là quá chậm. Tôi đã mong đợi nó diễn ra nhanh hơn, những việc như xin giấy phép, đăng ký kinh doanh, đầu tư… vẫn phải mất quá nhiều thời gian, thường là hàng tháng, thậm chí hàng năm trời. Giáo dục và đào tạo là một lĩnh vực khác mà tôi không được thấy nhiều sự thay đổi. Người Việt Nam rất ham học, nhưng vấn đề là không phải ai cũng học được. Ở Đức, chỉ ít người có bằng cấp, vấn đề quan trọng là họ được đào tạo một nghề, chứ không phải là có một tấm bằng.

* Tết 2012 sẽ là cái Tết cuối cùng ông ở Việt Nam trước khi về lại Đức. Ông dự định sẽ đón cái Tết Việt cuối cùng này như thế nào? Khi chia tay, điều gì khiến ông nhớ nhất?

- Tết ở Việt Nam cũng giống như Giáng sinh ở Đức, khi gia đình gặp gỡ, dù cách chào đón có khác nhau. Hầu hết thời gian dịp Tết, tôi nghỉ ngơi, giải thoát mình khỏi công việc, tôi rất thích cầm máy ảnh lang thang ở các công viên vào dịp Tết, khi tôi có thể chụp những bức ảnh đẹp, những cô gái và những em nhỏ mặc quần áo đẹp đi chơi Tết. Vợ tôi không phải là người thích những chốn đông người, nên bà ấy thường ở nhà, nhưng tôi thì khác. Những dịp đông đúc như Giáng sinh hay Tết, tôi vẫn ra đường, tôi còn thích nữa ấy chứ.

Còn điều gì khiến tôi nhớ nhất ư? Đó có lẽ là con người ở đây. Người Việt Nam luôn rất sôi động và đầy bất ngờ.

  • Trần Trọng (TTVH thực hiện)


Thêm bình luận

TIN TỨC - SỰ KIỆN MỚI CẬP NHẬT

QUẢNG CÁO
tapchihuongviet.eu 2020 02 07 um 17.29.59
tapchihuongviet.eu 2019 07 19 um 15.05.46
banner fam right

Hội chợ 'Việt Nam tại Đức' thu hút khách tham quan

Trong khuôn khổ Hội chợ Xuân AFA 2020, Tạp chí Hương Việt tổ chức sự kiện đặc biệt với chủ đề "Việt Nam tại Đức" nhân dịp kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Đức (1975-2020).

tapchihuongviet_treviet_vdKỷ niệm 10 năm hình thành và phát triển của Tạp chí Hương Việt

Kỷ niệm 10 năm hình thành và phát triển của Tạp chí Hương Việt, đồng thời hướng tới 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt - Đức. Tạp chí Hương Việt cùng các Hội đoàn người Việt phía Tây-Nam nước Đức đã tổ chức chương trình Lễ hội văn hoá Việt Nam - Hương Việt 2019.