feed-image

Hãy nhấn „Thích Trang“ để theo dõi tin tức cập nhật của Tạp chí Hương Việt trên trang Facebook của bạn!

BỎ QUA

Op2 1140X206P 1 frame

Phông chữ

Năm 2011, học sinh người Việt Trương Mỹ Linh được trao giải học bổng Roland-Berger-Stiftung do chính giáo sư, tiến sĩ Roland Berger ký, với lời giải thích ngắn gọn: “Vì những thành tích học tập xuất sắc và tài năng đặc biệt“. Sẽ không ngạc nhiên, nếu đọc học bạ Mỹ Linh 2 năm qua, lớp 6a, niên học 2009/2010 và lớp7c, niên khoá 2010/2011.

Học bạ ở Đức tương tự Việt Nam, được chia thành 2 phần, phần điểm số môn học và phần hạnh kiểm. Nhưng khác với Việt Nam, hạnh kiểm đánh giá định tính tùy thuộc giáo viên, với những chuẩn mực cư xử như “kỷ luật“, “ngoan ngoãn“, “vâng lời“…, (vô hình trung coi học sinh là đối tượng tiếp thu thụ động), ở Đức được tiêu chuẩn hoá theo 7 tiêu thức, định lượng bằng thang điểm như môn học. Bảy tiêu thức này tương đương 7 phẩm chất cần có của một người trưởng thành, mà chúng cần đạt tới, gồm: 1- Sẵn sàng học tập, lao động. 2- Chắc chắn và cẩn thận. 3- Bền bỉ và dẻo dai. 4- Tự lập, 5- Sẵn sàng đảm nhận trách nhiệm, 6- Khả năng phối hợp và làm việc tập thể, 7- Khả năng giải quyết tranh chấp và chấp nhận khác biệt. Giải thích tại sao học sinh Đức, Âu Mỹ nói chung, tự tin, chủ động, sáng tạo, có khả năng lãnh đạo một tập thể nhiều thành phần khác biệt, vốn đặc trưng của thế giới hiện đại, nhờ đó sớm tạo nên tên tuổi sự nghiệp, như nhà tỷ phú Mỹ 28 tuổi Mark Elliot Zuckerberg - chủ trang mạng Facebook từ thời sinh viên, hay Philipp Rösler trở thành phó Thủ tướng Đức gốc Việt ở tuổi 38. Học bạ Mỹ Linh, 2 năm học, cả cột 7 tiểu mục xếp thành hàng dọc suốt từ trên xuống đều ghi điểm số 1, điểm xuất sắc ở Đức.

Các điểm trên, giáo viên đánh giá bằng cách nào, liệu có xác thực? Bản nhận xét, nhằm cắt nghĩa điểm hạnh kiểm Mỹ Linh cuối niên học của giáo viên chủ nhiệm đệ trình quỹ học bổng Roland-Berger-Stiftung, đầy thuyết phục: “Ở Mỹ Linh nổi bật một tài năng học giỏi đặc biệt và một năng lực hoạt động xã hội kỳ lạ. Em nắm bắt vấn đề cực kỳ nhanh, làm việc cẩn thận, bài bản, và với một tinh thần phấn đấu cao độ. Trong giờ học, rất chủ động và chắc chắn về mọi mặt. Mọi môn học, em đều giỏi hạng nhất lớp. Tổng hợp lại, em là học sinh có thành tích đứng đầu lớp. Là lớp trưởng em rất gương mẫu, được sự tín nhiệm nể phục của bạn đồng học, tấm gương cho cả lớp noi theo. Các vấn đề xuất hiện, em giải quyết bài bản, luôn sẵn lòng giúp đỡ, trình bày ý kiến quan điểm của mình rất thân thiện. Trong tranh cãi, biết chừng mực, luôn cầu thị, giữ lịch sự, và tìm được những giải pháp thích ứng để các bên đều có thể chấp thuận…“.

Điểm hạnh kiểm xác đáng hay không, phải dựa trên kết qủa học tập và toàn bộ hoạt động xã hội của học sinh. Ở lớp 6a, Mỹ Linh, với 12 môn học, có tới 11 môn đạt điểm tối đa 1, gồm: tiếng Đức, tiếng Anh, toán, sinh học, vật lý, tôn giáo, điạ lý, lịch sử, chính trị dân chủ, nhạc, nghệ thuật. Chỉ một môn bị điểm 2 (điểm khá), nhưng so với thể lực nhỏ nhất lớp của em đã là giỏi - môn thể thao. Sang lớp 7c, điểm tổng kết các môn học, ngoại trừ môn thể thao bị tụt 1 điểm, và 2 môn, tiếng Anh, điạ lý xuống điểm khá, bù lại em nổi bật với chức năng lớp trưởng, đóng vai trò đầu tầu cho cả lớp.

Đặc biệt, ngoài thời gian ở lớp, em tích cực hoạt động xã hội, quan tâm toàn diện, đủ thứ, ham đọc sách, thích chụp ảnh, khoái vẽ, mê chơi piano, đăng ký học môn nhạc cụ này tại trường âm nhạc điạ phương. Không có một môi trường xã hội luôn đáp ứng mọi nhu cầu phát triển toàn diện học sinh như thế, Mỹ Linh có thông minh tới mấy cũng khó thể hiện được mình, nghĩa là đào tạo giáo dục cần một môi trường, nền tảng xã hội thích ứng. Ở Đức, chức năng giáo dục được giao cho nhà trường tự quản và chính quyền chỉ đóng vai trò giám sát, do hiến pháp Liên bang, Tiểu bang cùng Luật Nhà trường của từng tiểu bang điều chỉnh, mang tính cưỡng chế đối chính nhà nước và các cơ sở giáo dục, công dân có quyền kiện lại nếu vi phạm, xuất phát từ nghĩa vụ học phổ thông 9 năm ở Đức. Một khi đã gọi là nghĩa vụ, thì chính nhà nước phải bảo đảm nghĩa vụ đó được thực hiện, miễn học phí; với những gia đình không có thu nhập, không những không phải đóng bất cứ khoản tiền gì khác, mà còn được trợ cấp mọi chi phí liên quan tới học tập, từ mua sách vở, đồ dùng học tập, tới dã ngoại, đi tầu xe, tham gia hội đoàn, phụ đạo ngoài giờ khi học kém…

Lẽ dĩ nhiên, nền tảng kinh tế Việt Nam chưa bảo đảm được như Đức, nhưng cần tham khảo thực tiễn giáo dục của họ, để nhận rõ mục tiêu và trách nhiệm pháp lý (bị cưỡng chế) của nhà nước đối với thế hệ tương lai. Không một nước nào có thể phó mặc cho gia đình đối với việc học hành của con cái họ, mà kỳ vọng nổi một tiền đồ huy hoàng rực rỡ cho đất nước dân tộc họ cả. Giải Roland Berger Stiftung trao cho Mỹ Linh càng khẳng định nguyên lý vai trò nhà nước (chứ không phải gia đình) nói trên, khi hồ sơ đề cử em được nhà trường lý giải thêm: “Chúng tôi thường xuyên giữ liên lạc với cha mẹ em, nhưng bắt buộc em phải đóng vai trò phiên dịch. Từ đó, càng cho thấy Mỹ Linh có năng lực làm bài tập độc lập ở nhà rất cao, không có bất cứ sự trợ giúp nào từ gia đình. Cha mẹ đều phải đi làm, thiếu vốn tiếng Đức“. Ở Đức thế hệ người Việt thứ nhất ít hoà nhập, nhưng thành tích học tập con em họ đạt tới 59% vào trường chuyên (loại trường tốt nghiệp vào thẳng đại học), qua mặt học sinh bản xứ chỉ 45% và bỏ xa nhiều sắc tộc chỉ 14-15% đã làm dư luận Đức phải thán phục, nổi bật cả trên chính trường, lẫn ở nhiều diễn đàn giáo dục, nhập cư ở Đức.

Giải Roland-Berger-Stiftung do giáo sư, tiến sĩ Roland-Berger sáng lập năm 2008, tại München, Đức, với số vốn ban đầu 50 triệu Euro từ tài sản cá nhân, nhằm vinh danh những nhà hoạt động nhân quyền nổi tiếng thế giới và trao tặng học bổng cho những học sinh tài năng đặc biệt ở Đức.

Rõ ràng tiềm năng hiếu học của người Việt rất cao (tuy nhiên không nên đồng nhất tiềm năng đó với gen di truyền mang tính phân biệt chủng tộc), vấn đề còn lại nằm ở chỗ cần một môi trường xã hội và nhất là pháp lý thích ứng cho nó, mà nhà nước ta cần trăn trở về trách nhiệm của chính mình trước khi kêu gọi xã hội, “tất cả vì tương lai con em chúng ta"! Trách nhiệm đó không có nghĩa giảm nhẹ vai trò, trách nhiệm của gia đình, gắn bó quan tâm đến sự nghiệp học hành của con cái bằng tất cả tình thương yêu. Có thể hiểu phần nào điều đó, qua bức thư của Mỹ Linh gửi cho thời báo Việt Đức, xuất bản tại Đức. Bức thư viết tay bằng nét chữ thật kỳ lạ, bay bướm fantasie như vẽ, nhưng lại đều tăm tắp như chữ in từ máy tính: “Bức thư này, cháu gửi tới các bác, các cô với một mong muốn: Mẹ cháu Nguyễn Minh Hà đặt báo năm của các bác các cô, thường đọc cho cháu nghe về những gương học sinh học giỏi. Mẹ cháu sẽ phấn khởi biết mấy, nếu được đọc một bài viết về cháu trên báo các bác các cô. Ngày 13.11 tới, mẹ cháu sinh nhật, cháu muốn tặng mẹ cháu bài viết đó như một món qùa bất ngờ, bởi mẹ cháu không có mong ước nào hơn là được đọc một chút về con mình trên thời báo Việt Đức. Nếu đó là điều không thể, xin các bác các cô vui lòng dịch bản nhận xét về cháu sang tiếng Việt, bởi rất tiếc, mẹ cháu không biết nhiều tiếng Đức. Mẹ cháu sẽ rất vui mừng, nếu hiểu được những đánh giá của cô giáo chủ nhiệm lớp về cháu trong bản nhận xét đó. Cháu rất cảm ơn các bác các cô!“. Người mẹ nào đọc bức thư này, chắc cũng thèm mơ ước, mong con mình luôn được như thế. Muốn thế, chính gia đình trước hết phải đặt câu hỏi về vai trò trách nhiệm chăm sóc, tình cảm của mình với con cái, và chỉ khi đó mới có thể thôi thúc đặt câu hỏi về trách nhiệm bổn phận nhà nước đối với chúng - nền tảng pháp lý đối với giáo dục ở bất kỳ quốc gia nào.

  • TS NGUYỄN SỸ PHƯƠNG (CHLB ĐỨC), SGTT


Thêm bình luận

TIN TỨC - SỰ KIỆN MỚI CẬP NHẬT

QUẢNG CÁO
tapchihuongviet.eu 2020 02 07 um 17.29.59
tapchihuongviet.eu 2019 07 19 um 15.05.46
banner fam right

Hội chợ 'Việt Nam tại Đức' thu hút khách tham quan

Trong khuôn khổ Hội chợ Xuân AFA 2020, Tạp chí Hương Việt tổ chức sự kiện đặc biệt với chủ đề "Việt Nam tại Đức" nhân dịp kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Đức (1975-2020).

tapchihuongviet_treviet_vdKỷ niệm 10 năm hình thành và phát triển của Tạp chí Hương Việt

Kỷ niệm 10 năm hình thành và phát triển của Tạp chí Hương Việt, đồng thời hướng tới 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt - Đức. Tạp chí Hương Việt cùng các Hội đoàn người Việt phía Tây-Nam nước Đức đã tổ chức chương trình Lễ hội văn hoá Việt Nam - Hương Việt 2019.