Khu vực đồng tiền chung châu Âu đã lún sâu hơn vào cơn suy thoái trong 3 tháng cuối năm 2012 sau khi hai nền kinh tế lớn nhất là Đức và Pháp đã suy giảm khá mạnh.
Hai nền kinh tế lớn nhất châu Âu là Đức và Pháp đều chịu sự suy giảm khá sâu trong ba tháng cuối năm 2012, một dấu hiệu cho thấy khu vực đồng tiền chung châu Âu có thể tiếp tục rơi vào suy thoái và để lại một dấu hỏi lớn về khả năng phục hồi vào quí 1-2013 của khối này.
Kinh tế Đức giảm 0,6% trong ba tháng cuối năm 2012, theo số liệu chính thức được công bố hôm nay, ngày 14-2, và đây là thành tích tồi tệ nhất của nước này kể từ khi kinh tế thế giới lâm vào khủng hoảng từ năm 2009.
Trong khi đó, kinh tế Pháp cũng giảm 0,3%, một sự suy giảm được cho là nằm ngoài sự mong đợi.
Điều đáng nói là khu vực xuất khẩu vốn được coi là động lực của kinh tế Đức, nay lại chịu ảnh hưởng nhiều nhất, là nhân tố kéo giảm kinh tế của nước này.
Theo Tổng cục Thống kê Đức, trong quí cuối cùng của năm 2012 việc xuất khẩu hàng hóa giảm mạnh hơn là việc nhập khẩu.
Số liệu của kinh tế Pháp cũng cho thấy nước này bị giảm 0,1% trong các quí 1 và 2 của năm ngoái, tức là nước này trong suốt 12 tháng qua chỉ duy nhất 1 quí là có sự tăng trưởng, 3 quí còn lại đều suy thoái.
Trong khi Ngân hàng Trung Ương Châu Âu (ECB) cam kết làm mọi thứ để có thể bảo vệ đồng euro giảm nhiệt cơn khủng hoảng nợ của khối này, thì ngay cả những thành viên mạnh của khối lại cũng bị rơi vào trong tình trạng xấu, khiến cho mục tiêu cắt giảm nợ có thể bị chệch hướng.
Thủ tướng Pháp, ông Jean-Marc Ayrault, đã thừa nhận lần đầu tiên vào hôm qua rằng sự tăng trưởng yếu ớt đã khiến cho mục tiêu thâm hụt của chính phủ ông trong năm 2013 này ngoài tầm tay.
Số liệu của cả khu vực đồng tiền euro được kết lại vào lúc 10 giờ GMT hôm nay, và được dự báo sẽ giảm 0,4% trong quí cuối năm 2012, đẩy khu vực này lún sâu hơn vào suy thoái.
Các chuyên gia kinh tế cho rằng kinh tế khu vực này quí 1-2013 có thể sụt giảm cho dù khả năng hồi phục của nước Đức được cho là đang trên đà bật dậy.
"Cơ hội để kinh tế Đức phục hồi tăng trưởng vào đầu năm nay là rất tốt. Các chỉ số ban đầu đang cho thấy mức tiến lên. Vấn đề đặt ra là quí1 mức tăng trưởng mạnh cỡ nào. Chúng tôi kỳ vọng một mức tăng 0,3%, nhưng có thể hơn con số đó”, theo ông Andreas Rees, Kinh tế trưởng tại Inicredit.
Tuy nhiên đối với các thành viên còn lại của khối, thì vấn đề lại đang tồi tệ hơn.
Tây Ban Nha, nền kinh tế lớn thứ 4 của khối đồng tiền chung euro, đã công bố số liệu trước đó hai tuần, cho thấy nước này vẫn còn chìm sâu trong suy thoái, sau khi sụt giảm thêm 0,7% trong quí 4.
Tây Ban Nha đang áp dụng các biện pháp thắt lưng buộc bụng nhằm cắt giảm nợ công nhưng có thể sẽ mất thêm nhiều thời gian để đáp ứng được các mục tiêu thâm hụt do Ủy ban Châu Âu đưa ra nếu kinh tế nước này theo chiều hướng xấu hơn.
Đã có những dấu hiệu cho thấy rằng những quốc gia như Tây Ban Nha đang bắt đầu hưởng lợi từ các biện pháp phá giá nội tệ – nổi bật với việc giảm lương và cắt việc – về mặt cạnh tranh quốc tế.
ECB dự báo rằng khu vực này sẽ hồi phục mạnh mẽ hơn vào cuối năm cho dù đồng euro, nếu vẫn giữ được giá trị mạnh, có thể suy giảm nhanh chóng các lợi thế so sánh không dễ có được vì các thành viên của mình chật vật trong cơn khủng hoảng nợ công.
Các số liệu hồi tháng 1 năm 2013 cũng cho thấy một hướng đi lên vào tháng này, ít nhất là các thành viên mạnh của khối, trong đó Đức là cái tên được nhắc đến đầu tiên.
“Cuộc khủng hoảng nợ công đã hạ nhiệt khá nhiều, và kinh tế toàn cầu đã khởi sắc. Do đó tất cả các chỉ số quan trọng ban đầu về Đức đang cho thấy một sự tăng trưởng đi lên. Tôi hy vọng kinh tế sẽ tăng trưởng mạnh trong quí đầu tiên này” ông Joerg Kraemer làm việc tại Commerzbank nói.
- Theo Reuters
Châu Âu lún sâu vào suy thoái
Tiện ích
Phông chữ
- Font Size
- Default
- Chế độ đọc