Ngày 28-6-2014 tại thành phố Frankfurt Main - CHLB Đức đã diễn ra “Lễ hội văn hóa” (hay còn gọi là “Lễ hội đường phố”). Đây là lần thứ chín Lễ hội hàng năm này được tổ chức tại đây - với hơn 3000 người tham gia biểu diễn, diễu hành - cùng sự trợ giúp của hàng trăm tình nguyện viên.
Hàng chục nghìn người dân Frankfurt và vô số khách nước ngoài đã đứng dọc các con phố chờ đón đoàn diễu hành - từ dọc bờ sông Main qua khu trung tâm Hauptwache rồi tiến về quảng trường Romerberg - một địa danh mang nhiều dấu ấn văn hóa và lịch sử của thành phố.
Thật vinh dự - đoàn Việt Nam - với biểu tượng hoa sen và hình ảnh trống đồng cùng dải đất hình chữ "S" với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa đã được dẫn đầu đoàn diễu hành!
Và cũng thật xúc động! “Trái đất này là của chúng mình - Quả bóng xanh bay giữa trời xanh” - câu hát của thiếu nhi Việt Nam lại được bay lên như những cánh chim hòa bình tại một thành phố - là trung tâm tài chính của châu Âu với khoảng 180 sắc dân trên thế giới!
Đủ mọi lứa tuổi tham gia trong đoàn diễu hành - Họ đang sinh sống và làm việc tại đây và là những "hạt nhân" để tạo một sân chơi lành mạnh, một phong trào phổ biến, gìn giữ, quảng bá văn hóa truyền thống Việt!
Việt Nam! Việt Nam! Những nụ cười, những ánh mắt, những điệu nhún nhảy thích thú của những người hâm mộ dành cho đoàn Việt Nam càng làm cho những “diễn viên” nhí, những áo dài khăn thắm thêm hưng phấn. Những điệu múa dân gian Việt dường như duyên dáng hơn, hiện đại hơn… với “Tình bằng có cái trống cơm - khen ai khéo vỗ - ố mấy bông mà nên bông”…, với “Một bầy tang tình con xít… ô! em nhớ thương ai - duyên nợ khách tang bồng”!...
Văn hóa Việt đã và đang lan tỏa khắp nơi! Tham gia đoàn diễu hành Việt Nam không chỉ là những người Việt mà còn có sự hiện diện của những người Đức, những người nước ngoài yêu mến văn hóa Việt ở mọi lứa tuổi! Họ đến từ mọi châu lục, sinh hoạt trong các hội hữu nghị Việt - Đức, trong các hội, nhóm văn hóa.
Đội múa Lân luôn gây được sự phấn khích cho người xem!
Khi được hỏi, điều gì đã khiến anh đến với văn hóa Việt - Luật sư Hamsch đã nói, anh “muốn tìm hiểu văn hóa dân gian, truyền thống Việt Nam; gia đình anh hiện thường xuyên hàng tháng, có khi hàng tuần đến tham dự các sinh hoạt của "Hội văn hóa dân gian Việt”… Câu trả lời của anh đã giải thích - vì sao, anh và vợ anh - những người “đặc” châu Âu - nhưng lại có thể thực sự “hóa thân” thành các “liền anh - liền chị” trong các điệu múa dân gian Việt đến thế! Ông Nabil - một thành viên tích cực trong đoàn cũng bày tỏ, ông muốn làm quen với văn hóa Việt, để học hỏi, trao đổi và cùng tương trợ.
Hàng chục đoàn diễu hành mang theo “hồn sắc” của các quốc gia đã làm cho thành phố Frankfurt Main - một thành phố được biết đến như “thành phố của thế giới” - thực sự trở thành một sân khấu lớn đa văn hóa - với thông điệp - Hãy chung sống hòa bình, văn hóa và hiểu biết!
“Lễ hội văn hóa” còn có 3 sân khấu ngoài trời tiếp tục có các chương trình ca - múa - nhạc rất sôi động, kéo dài đến 22 đêm giờ cùng ngày, có khu “chợ văn hóa” - bán các món ăn ẩm thực từ khắp nơi trên thế giới để gây quỹ hoạt động cho các Lễ hội văn hóa kế tiếp.
“Bạn ơi hãy đến quê hương chúng tôi”!... - câu hát ấy lại vang lên bên dòng sông Main, giữa châu Âu - với tha thướt áo dài, nón trắng!
Bài và ảnh: Trương Anh Tú, tapchihuongviet.eu
Một số hình ảnh “Lễ hội văn hóa” tại Frankfurt Main:
Đoàn Việt Nam dẫn đầu đoàn diễu hành!
Gia đình luật sư Hamsch thực sự yêu mến văn hóa dân gian Việt!
Người Việt tham gia “Lễ hội văn hóa” tại Frankfurt Main
Tiện ích
Phông chữ
- Font Size
- Default
- Chế độ đọc