Cô dâu chú rể Việt học hỏi nhiều truyền thống của đám cưới phương Tây như váy áo, hoa cưới, phù dâu phù rể, tuần trăng mật cho ngày trọng đại.
Ngày nay, dù cuộc sống hiện đại, những đám cưới phương Tây vẫn giữ lại những truyền thống cũ. Ở Việt Nam, nhiều cô dâu chú rể đã học hỏi các phong tục này cho hôn lễ của mình. Báo Ngoisao.net sẽ cùng bạn tìm hiểu một số điều thú vị ở đám cưới châu Âu, có thể bạn sẽ yêu thích một trong số những điều này và muốn áp dụng cho hôn lễ của mình.
1. Lời cầu hôn
Trong thời phong kiến, việc chú rể cầu hôn cô dâu được coi là một nghi thức chính thức và được sự chứng kiến của mọi người. Chú rể sẽ tới nhà cô dâu và tặng trang sức hoặc các đồ quý giá như quà để xin cưới. Nếu trên đường đi, người nhà chú rể gặp một người đàn ông mù, một thầy tu, hoặc một người đàn bà mang bầu thì người ta cho rằng đám cưới sẽ có kết cục bi đát. Tuy nhiên, nếu họ nhìn thấy con dê cái, chim bồ câu hay chó sói thì đám cưới sẽ rất hạnh phúc, suôn sẻ.
Trước đó, vào thời Trung Cổ, người đàn ông cầu hôn bằng cách đặt một cành táo gai trước cửa nhà người yêu của mình vào ngày mồng 1/5. Nếu cô gái vẫn để nguyên cành táo trước cửa thì có nghĩa là cô chấp nhận lời cầu hôn của chàng trai. Còn nếu cô từ chối, cô sẽ thay cành táo bằng một cành súp lơ.
2. Phù dâu và phù rể
Trước thời trung cổ châu Âu, tục lệ cướp vợ khá phổ biến. Lúc này, bạn thân của chú rể trở thành "trợ thủ" đắc lực để bắt cóc cô dâu. Sau này, các cô dâu nghĩ ra cách để những người bạn thân mặc trang phục gần giống cô dâu để tránh vụ "bắt cóc". Sau này, khi tục cướp cô dâu không còn, những người bạn thân của cô dâu chú rể trở thành những phù dâu và phù rể. Phù dâu sẽ mặc trang phục gần giống cô dâu còn phù rể mặc gần giống với chú rể. Tục lệ này không mang tính nghi thức mà chủ yếu có ý nghĩa về tinh thần.
3. Chọn ngày
Khác với cách chọn ngày cưới vào cuối tuần như hiện nay, ở thời phong kiến, đám cưới thường diễn ra vào nửa đầu của tuần. Khi đó họ quan niệm thứ bảy không phải là ngày may mắn và thứ sáu cũng không tốt, đặc biệt là thứ sáu ngày 13. Nhiều cô dâu chú rể biết đến bài vè cổ nổi tiếng nói về cách chọn ngày.
Thứ Hai là ngày của Của cải
Thứ ba là ngày của Sức khỏe
Thứ Tư là ngày tốt nhất
Thứ Năm là ngày mất mát
Thứ Sáu là ngày đau khổ
Thứ Bảy là ngày tận số(Monday for wealth
Tuesday for health
Wednesday the best day of all
Thursday for losses
Friday for crosses
Saturday for no luck at all)Trong số các tháng, tháng Sáu là một tháng rất may mắn cho việc cưới xin, vì tháng này được đặt tên theo vị thần Juno, vị thần Tình yêu và hôn nhân của La Mã. Trong thời cổ xưa, cả mùa hè được xem là thời điểm tốt nhất để tổ chức hôn lễ bởi người ta tin rằng ánh nắng mặt trời rất tốt cho việc sinh con đẻ cái. Ở Scotland, người ta có một phong tục rất thú vị là cô dâu phải "bước đi cùng ánh nắng mặt trời" để có được may mắn. Cô dâu phải bước đi từ phía Đông cho tới phía Tây của nhà thờ và sau đó tiếp tục đi vòng quanh nhà thờ ba lần trước khi đám cưới được cử hành.
4. Váy cưới
Hầu hết các cô dâu ngày nay đều vận đồ màu trắng, thể hiện sự trong sáng, tinh khiết của cô dâu. Truyền thống mặc váy cưới màu trắng này bắt nguồn từ những người giàu có ở thế kỷ thứ 16. Nữ hoàng Victoria đã ủng hộ cho phong tục này bằng cách mặc chiếc váy màu trắng trong đám cưới. Nhưng trước khi truyền thống này bắt đầu, cô dâu thường chỉ diện bộ váy đẹp nhất của mình. Ngoài ra cô dâu không được tự may váy cưới cho mình, và chú rể không được nhìn cô dâu trong trang phục cưới trước khi hôn lễ diễn ra.
5. Phụ kiện cô dâu cần có
Trong phong tục cưới châu Âu, có một câu nổi tiếng để chỉ những thứ cô dâu cần có: "Something old, something new, something borrowed, something blue", nghĩa là "Một chút gì cũ , một chút gì mới, một chút gì đi mượn, một chút gì màu xanh".
Thông thường, "một chút gì cũ" sẽ là một chiếc bít tất cũ của một người phụ nữ có cuộc hôn nhân hạnh phúc tặng lại cho cô dâu, để truyền hạnh phúc của mình sang cô dâu mới.
"Một chút gì mới" thể hiện tương lai hạnh phúc và thịnh vượng của cặp vợ chồng mới.
"Một chút gì đi mượn" thường là những đồ quý giá của của gia đình cô dâu cho mượn. Để gặp may mắn, cô dâu phải mang trả lại những đồ này sau khi cưới.
Phong tục cô dâu phải mặc "một chút gì màu xanh" bắt nguồn từ đất nước Israel cổ khi cô dâu thường cài một dải ruy băng màu xanh da trời trên tóc để thể hiện sự chân thành của mình.
Ngày nay, các cô dâu thường để một đồng 1 xu vào trong giày trong suốt buổi lễ để đảm bảo sự giàu có cho cuộc sống của vợ chồng trẻ.6. Hoa cưới
Hoa luôn là vật trang trí không thể thiếu trong tất cả các đám cưới. Nhiều người lựa chọn hoa cưới theo ý nghĩa biểu tượng của loài hoa đó. Tuy nhiên, ngưòi ta kiêng kết hợp màu hoa trắng và hoa đỏ vì chúng tượng trưng cho máu và bông băng.
Hoa cài trên ngực áo chú rể thường cũng là loại hoa cầm tay của cô dâu. Phong tục này là dấu tích của thời kỳ các Hiệp sĩ thường mặc cùng màu áo với người phụ nữ anh ta yêu để thể hiện tình yêu của mình.
7. Bánh cưới
Ngày nay, cắt bánh cưới là một động tác quen thuộc trong các lễ cưới. Cả hai vợ chồng cùng cắt bánh cưới để thể hiện họ sẽ cùng chia sẻ tương lai với nhau.
Ngày xưa người ta thường ném thật nhiều bánh ngọt vào người cô dâu như cách chúng ta tung hoa giấy ngày nay. Ngưòi châu thường đặt một chiếc nhẫn ở trong bánh cưới. Vị khách nào ăn được khoanh bánh có nhẫn thì sẽ gặp hạnh phúc trong cả năm. Vị khách độc thân nào đặt một mẩu bánh dưới gối khi đi ngủ thì sẽ sớm tìm được người yêu, còn các cô phù dâu làm như thế thì sẽ mơ về chồng tương lai của mình.
8. Tung hoa cưới
Sau buổi lễ, cô dâu sẽ tung bó hoa cưới qua vai ra đằng sau chỗ các cô gái chưa chồng. Cô gái nào bắt được bó hoa thì sẽ là cô dâu tiếp theo. Chú rể thì sẽ tung nịt bít tất của cô dâu vào đám thanh niên chưa vợ. Ai bắt được cũng sẽ là chú rể tiếp theo.
9. Tuần trăng mật
Cụm từ "Tuần trăng mật" bắt nguồn từ thời kỳ mà người đàn ông thường bắt cóc vợ chưa cưới của mình, và cả hai sẽ trốn trong nhà trước khi cưới. Đôi trẻ sẽ tiếp tục trốn ở trong nhà thêm một chu kỳ quay của mặt trăng nữa, và trong thời gian này họ sẽ uống rượu mật ong.
Ở Scotland, người ta thuê một phụ nữ đang nuôi con nhỏ với hy vọng và cầu chúc đôi vợ chồng con đàn cháu đống. Ở Ireland, người ta trói một con gà mái đẻ vào chân giường đêm tân hôn cũng với mục đích tương tự. Ngoài ra, ăn quả trứng có 2 lòng đỏ cũng sẽ giúp đôi vợ chồng con cái đề huề.
Các cô dâu chú rể Việt Nam đã học hỏi không ít những truyền thống của đám cưới phương Tây như chuẩn bị váy áo, hoa cưới, phù dâu phù rể, tuần trăng mật cho ngày trọng đại của mình. Với mỗi đám cưới khác nhau, bạn có thể áp dụng những điều này sao cho phù hợp nhất.
- Linh Linh (NgoiSao Dịch từ Huffingtonpost)
Phong tục thú vị ở đám cưới phương Tây
Tiện ích
Phông chữ
- Font Size
- Default
- Chế độ đọc