Trở về Việt Nam, Hoàng Hải mang trọng trách đã hứa với cậu thanh niên ở tù Ngô Văn Vượng. Anh tìm đến căn nhà mà bà của Vượng ở, nhưng bà đã ra đi mãi, chỉ để lại cho đứa cháu ở trời tây bức di thư.
Nhà bà của Vượng nằm ở huyện Võ Nhai, Thái Nguyên, cách Hà Nội hơn 100 km về phía bắc. Nhà nằm dưới chân một quả đồi, cửa đóng cửa im lìm trong chiều xuân, mặc cho tôi gọi nhưng cánh cửa tuyệt nhiên không hề có sự chuyển động. Đánh bạo tôi mở cửa cổng bước vào.
Trước mặt tôi là một khoảng sân đầy lá úa như đã lâu rồi không có người quét dọn. Cây mùng tơi mọc ngay hàng rào tốt um. Tôi đi một vòng quanh ngôi nhà và khẳng định nơi đây đã lâu không có người ở.
Khi bước chân ra ngoài ngõ, bất chợt thấy một người đàn bà luống tuổi đi qua, tôi vội hỏi thăm: "Bác cho em hỏi đây có phải nhà bà Lâm có đứa cháu ngoại tên Vượng không?".
Người đàn bà nhìn tôi rồi trả lời: "Bà Lâm chết được nửa năm nay rồi, mà nhà anh hỏi bà Lâm có việc gì thế?". Khi biết tôi là người quen của Vượng ở Đức mới về, người đàn bà này đã dẫn tôi đến nhà bác họ của anh ta ở cuối thôn.
Ngồi trước mặt tôi là người đàn ông trạc 60 tuổi, có khuôn mặt phúc hậu. Ông kể chuyện của Vượng hồi nhỏ là thằng bé ngoan chăm học và có hiếu. "Nó thi đỗ đại học Thái Nguyên cơ đấy nhưng vì nhà nó hoàn cảnh quá nên nó đi làm mà không vào được đại học. Từ ngày nó đi lâu lâu lại có người mang tiền gửi về để bà Lâm chữa bệnh", ông kể.
"Nhưng khi bà Lâm biết tin nó đi tù vì buôn bán thuốc phiện, bà từ chối thuốc thang và rồi mấy tháng sau bà mất. Trước khi mất bà ấy có viết một lá thư cho thằng Vượng và lúc lâm chung bà ấy dặn tôi khi nào nó về nhớ đưa chiếc khăn này, nó sẽ biết bà nhắn nhủ nó điều gì. Hôm nay anh về tôi gửi anh lá thư và kỷ vật của bà Lâm khi sang bên đó trăm sự nhờ anh trao tận tay thằng Vượng", ông nói thêm.
Sáng hôm sau ông đưa tôi ra ngôi mộ bà Lâm, thắp nén nhang cho bà, tôi mong bà sống khôn chết thiêng tha lỗi cho Vượng vì đã đi vào con đường sai trái để bị tù tội.
Bên ngoài nhà tù Charlottenberg. Sau khi quay lại Đức, việc đầu tiên tôi làm là gọi điện đến trại giam nơi hắn đang thụ án xin một cái lịch vào thăm, vào cuối tháng 4/2012. Khi nhìn thấy tôi, Vượng vồ vập hỏi đủ thứ chuyện về bà, nhưng tôi chỉ biết im lặng mở ba lô, đưa cho hắn cái khăn quàng cổ đã phai màu. Khi nhìn thấy chiếc khăn, hắn vồ lấy ôm trước ngực. Hắn bật khóc. Hắn hỏi tôi nhưng cũng như muốn hỏi chính mình "Bà em chết thật hả anh?".
Khi Vượng đã bình tĩnh trở lại, tôi đưa bức thư. Đôi vai hắn run lên theo từng dòng chữ, nước mắt chảy dài trên gò má. Hắn gục mặt trên lá thư sau khi đọc xong. Phải mất một khoảng thời gian khá dài hắn mới đưa cho tôi bức thư và bảo tôi đọc. Bức thư khá gọn với những dòng chữ hơi khó đọc.
Cháu yêu của bà!
Thế là bà cháu mình đã xa nhau được hơn 4 năm rồi. Bà đã yếu lắm nhưng rất vui khi trong cuộc đời này, lần đầu tiên bà biết thế nào là đồng USD do chính tay cháu làm ra.
Bà gửi hết vào sổ tiết kiệm và trích ra phần nhỏ để thuốc thang khi cần đến. Số tiền còn lại bà để dành cho cháu về Việt Nam cưới vợ.
Nhưng hôm nay, bà rất buồn khi biết cháu của bà đã đi tù vì buôn bán cái chết trắng. Quanh cái làng quê này đã có quá nhiều người chết vì nó. Bà không dùng những đồng tiền đó để chữa bệnh nữa. Nếu bà có chết, bà chỉ có ngôi nhà làm của để dành cho cháu.
Hãy cố gắng cải tạo tốt khi về Việt Nam, lấy vợ sinh con làm người tử tế cháu nhé. Hãy sống như ngày nào cháu tặng bà chiếc khăn quàng cổ để bà bớt ho và ấm trong mùa đông lạnh.
Bà nhớ cháu nhiều...
Ngoài bức di thư còn có thêm một di chúc, trong đó hắn là người thừa kế duy nhất ngôi nhà của bà và một quyển sổ tiết kiệm. Đó là số tiền hắn đã đánh đổi những năm thanh xuân ở trời tây, gửi bà chữa bệnh. Bà dành dụm để lại cho hắn.
- Hoàng Hải, VNE
Di thư của người bà gửi đứa cháu tù tội ở Đức
Tiện ích
Phông chữ
- Font Size
- Default
- Chế độ đọc