Số nam giới bị bệnh trầm uất đang tăng nhanh. Đa số đối tượng của căn bệnh này là người đang thành đạt, có gia đình êm ấm. Tuy nhiên, chỉ 30% nạn nhân chịu tìm thầy chạy thuốc vì tâm lý “ta đây dễ gì bệnh”.
Tổ chức Y tế thế giới chắc chắn không vô cớ liệt bệnh trầm uất vào danh sách những căn bệnh đe dọa sức khỏe cộng đồng trên khắp thế giới. Nếu tưởng bệnh buồn bã, bực bội đến độ muốn chết là vấn đề của người nghèo thì lầm. Trái lại mới lạ làm sao! Bằng chứng là chỉ nói riêng ở CHLB Đức, xứ có diện tích và dân số tròm trèm nước mình, xứ nổi tiếng nhờ sự đúng giờ, cần mẫn, kiên trì… lại có đến 5% dân số đang bị trầm uất.
Đừng thấy 5% rồi tưởng ít. Đó là con số cho thấy không dưới 4 triệu người dân bên đó đang đánh mất hứng thú trong cuộc sống. Điều đó đồng nghĩa mấy triệu người đang mỗi ngày nhiều lần nuốt thuốc chống trầm uất, an thần… để rồi không biết hiệu quả đến đâu, nhưng lãnh phản ứng phụ là cái chắc!
Đến nay chuyên gia ngành y vẫn chưa tìm được câu trả lời thỏa đáng tình trạng nghịch lý tại sao no cơm ấm áo mà buồn?! Theo một số chuyên gia khoa ứng xử, bệnh này ít nhiều liên quan đến lối sống quá hối hả, quá tham sân si, quá cường điệu của cuộc sống hiện nay.
Đáng nói hơn nữa là hai phần ba số nạn nhân lại không thuộc nhóm người cao tuổi, cũng không vì thất bại trong tình trường hay trong nghề nghiệp. Nếu vì lớn tuổi nên hết vui, nếu vì gãy gánh dọc đường làm ăn nên thất chí, nếu phải chia tay đau đớn với bạn đời nên rầu đời… thì hoàn toàn thuận lý. Đằng này đa số đối tượng vừa trầm vừa uất lại là người thậm chí đang thành đạt, có gia đình êm ấm. Đáng nói hơn nhiều là hơn phân nửa trong số đó là đàn ông, với ba phần tư tuy thuộc tuổi trung niên nhưng chưa quá 60 tuổi! Tuy nhiên, chỉ có 30% nạn nhân của tình trạng trầm uất chịu tìm thầy chạy thuốc. Số còn lại chấp nhận tâm trạng khi thì nóng hơn bốc hỏa lúc lại u sầu như chim gãy cánh nhưng vẫn nhất định không gặp mặt thầy thuốc. Lý do là vì cánh đàn ông quá nặng định kiến “ta đây dễ gì bệnh” nên chối cãi thực tế phũ phàng cho dù trong thâm tâm biết rõ hơn ai hết là ta đây đã mệt mỏi lắm rồi!
Xưa nay người ta vẫn tưởng trầm uất là bệnh của phụ nữ vì thống kê trong nhiều chục năm liên tiếp cho thấy số bệnh nhân nữ bao giờ cũng gấp đôi số bệnh nhân thuộc phái mày râu. Nhưng theo kết quả được công bố hồi năm ngoái, số đàn ông bỗng hết vui với đời đã ngang ngửa với cánh bị gán là phái yếu. Con số đó có thể chưa chính xác vì thực tế số nam giới đã bị bệnh nhưng không chịu khám bệnh chắc chắn cao hơn số các bà, các cô nhanh chân gõ cửa thầy thuốc.
Thêm một điểm rõ ràng từ kết quả khảo sát khiến cánh đàn ông càng thêm bẽ bàng là số bệnh nhân nam tìm đường tự tử cao gấp bốn lần phía nạn nhân liễu yếu đào tơ! Tình trạng này càng rõ hơn nữa ở số đối tượng đang là nạn nhân của hội chứng “mãn dục nam”.
Thêm một điểm lạ là hơn phân nửa nạn nhân tuy lưng dài vai rộng nhưng bị trầm uất là đối tượng đang thành đạt, không ít người thậm chí đang ở đỉnh cao của sự nghiệp. Nhưng họ bỗng nhiên cảm thấy trống rỗng trong nội tâm, bỗng chán chường dưới ánh đèn danh vọng.
Tình trạng này thường gặp ở người có nghề nghiệp đòi hỏi tính cầu toàn tối đa như bác sĩ, giáo viên, nghệ sĩ… , có lẽ vì họ hiểu rõ hơn ai hết là mình không thể tiếp tục giữ phong độ như người người mong đợi. Không ít người vì thế đành vay mượn nghị lực từ rượu mạnh, thuốc lá, ma túy và nhất là thuốc kích thích óc sáng tạo để có thể vượt lên chính mình được phút nào hay phút nấy. Khỏi nói thêm cũng hiểu thời điểm chào thua sớm muộn cũng đến.
Có một điều chắc hơn đinh đóng cột là nạn nhân của bệnh trầm uất không thể tự mình tìm ra lối thoát trong mê lộ của căn bệnh này. Nạn nhân cần có sự giúp đỡ của thầy thuốc chuyên khoa. Tất nhiên nếu may mắn tìm được nhà điều trị chưa bị… trầm uất!
Nhưng quan trọng hơn hết chính là sự đồng cảm thể hiện qua hai thái độ của người thân, trong đó người bạn đời giữ vai trò tối quan trọng. Đừng xem họ như người điên cho dù nạn nhân khi thì phản ứng thái quá, khi thì ù lì đến độ thấy ghét. Người bệnh trầm uất không hề mất khả năng phán đoán. Xem nạn nhân như người điên chính là lý do khiến người bệnh càng lúc càng xa rời mọi người vì họ chỉ còn tìm được tri kỷ trong góc tối cô đơn.
Cần đồng cảm với tâm trạng phức tạp và nhạy cảm của nạn nhân, thay vì chỉ thông cảm với ánh mắt thương hại của người khỏe mạnh nhìn về người bệnh. Đừng quên là trong đại đa số trường hợp, nạn nhân sở dĩ chọn nỗi khổ làm vui là vì trước đó đã khắc chữ “tâm” quá sâu cho cuộc sống yên vui của người khác để rồi một ngày chợt thất vọng vì lực bất tòng tâm.
Trong cuộc sống được tiếng hiện đại nhưng trên thực tế chỉ phủ kín bề mặt với niềm vui nông cạn, giả dối, nỗi buồn sớm muộn cũng có lúc gõ cửa. Khó chỉ ở chỗ làm sao để gia chủ bình thản đón nhận nỗi buồn, rồi nhanh chóng cho qua. Muốn được vậy cần phải có nghị lực. Đó lại là món nhiều ông đang thiếu!
BS .Lương Lễ Hoàng
Phái mạnh có thực sự mạnh?
Tiện ích
Phông chữ
- Font Size
- Default
- Chế độ đọc