Thế là từ khi sang Berlin, mình đã được đi họp phụ huynh 2 lần cho con gái, một lần đầu năm lớp 7 và một lần đầu năm lớp 8. So sánh với 12 lần đi họp ở Việt Nam mình thấy khác lắm.
Những cái khác đó là:
1. Ở Berlin không họp phụ huynh vào cuối tuần, cuộc họp thường tổ chức vào một buổi tối trong tuần, sau 18h, thời gian họp tối đa là 90 phút. Trước khi họp 5 phút trường lớp vắng như chùa bà đanh, mình còn tưởng đến nhầm trường, nhầm lớp, nhầm giờ. Không hề thấy cờ hoa loa đài om sòm gì cả.
2. Phụ huynh không thấy phải đóng bất cứ khoản tiền gì. Nhà trường không qui định học sinh phải mặc đồng phục.
3. Phụ huynh đi họp đa phần là cả hai vợ chồng cùng đi. Mặt mũi ai cũng “vênh vang” không khúm núm sợ sệt, căng thẳng. Tham gia góp ý và biểu quyết rất nhanh gọn (cái gì cũng biểu quyết, thiểu số phục tùng đa số).
4. Không thấy thầy cô giáo chủ nhiệm nhấn mạnh năm nay là “năm bản lề” nên cả phụ huynh và các con phải chú ý này nọ. Hồi trước vợ chồng mình đã từng phát sốt về cái từ “bản lề” này, năm nào cô cũng bảo “bản lề”, nghe mà run cầm cập. Trong khi cuộc họp diễn ra, các thầy cô không cố tỏ ra nghiêm trang, xa cách mà họ nhún nhường cảm kích vì là người được chọn làm thầy cô của lũ trẻ, được trả lương để "bán" kiến thức cho "khách hàng" chính là con mình.
5. Thông báo số điện thoại, email của từng thầy cô dạy các môn học. Nếu có thầy cô giáo nào mới về lớp/ về trường thì thầy cô này phải đứng lên giới thiệu bản thân, nêu và giải thích cụ thể chương trình định dạy dỗ các con về chủ đề của môn học đó. Ví dụ lớp Cún là thầy dạy về Tôn giáo. Học kỳ I thầy định dạy về Phật giáo thì phụ huynh nhao nhao chất vấn bảo sao không dạy về Hồi giáo, đề tài đang rất nóng sốt, mấy nhà báo đã bị phán quyết ở Trung Đông, thầy phải dạy các con ngay về Hồi giáo để buổi tối lúc cả nhà ăn cơm còn tranh luận chứ.
Cuộc họp thường diễn ra nhanh gọn với mấy phần chính như sau:
1. Thông báo tình hình chung của lớp, sỹ số cụ thể bao nhiêu, có bạn nào mới vào, bạn nào bị đúp. Các bạn cũ có tích cực giúp đỡ bạn mới không? Bạn mới có theo được không, hay cần trợ giúp môn gì, phần nào. Ví dụ như Cún nhà mình tiếng Đức còn “ngắn lùn” thì miễn không chấm điểm môn tiếng Đức...
2. Phổ biến tâm sinh lý cụ thể của trẻ lứa tuổi này, để phụ huynh biết mà lưu ý. Nếu có nhu cầu thì phụ huynh có thể tham gia các lớp học miễn phí để nhà trường phổ biến kĩ hơn. Ví dụ Cún từ lớp 7 chuyển lên lớp 8 là độ tuổi rất nhạy cảm với nhiều biến đổi về tâm sinh lý và thể chất. Nếu thấy con đi học về mặt mũi nhăn nhó không buồn chuyện trò thì chớ có lo quá vì "tuổi này bạn bè quan trọng hơn bố mẹ, chúng ta nên nhẫn nại chịu đựng. Phụ huynh đừng có phóng đại những rắc rối nhỏ của con, cứ yên tâm rồi mọi chuyện sẽ ổn"...
3. Phổ biến các lịch làm bài kiểm tra, lịch nghỉ Thu, lịch nghỉ Noel, lịch đi dã ngoại, lịch cả lớp đi Trại Hè 1 tuần vào thời gian trước khi kết thúc năm học, tức là trong tháng 7/2015. Dự kiến chuyến đi này hết tầm 180 Euro nên hụ huynh và học sinh cần lên kế hoạch bắt đầu tiết kiệm ngay từ bây giờ. Mỗi tháng tầm 15 đồng, con phải góp 5 đồng, bố mẹ 10 đồng để cùng bỏ vào lợn đất làm quĩ cho con đi trại hè với lớp. Nhất định nên khuyến khích con phải nỗ lực tham gia tiết kiệm.
4. Công bố cách chấm điểm các môn học. Ví dụ Cún học 14 môn, mỗi môn một thầy/ cô giáo. Tài liệu dạy học và cách thức chấm điểm môn học hoàn toàn do mỗi thầy cô tự quyết. Vì thế cùng khối, nhưng có thể môn Địa lý lớp 8C học về Châu Phi, lớp 8B học về Châu Úc, lớp 8A học về Trung Quốc. Nhưng đa phần điểm sẽ được tính dựa vào những tiêu chí như sau:
- Phần làm bài kiểm tra một mình (thi viết).
- Phần ý thức đóng góp tham gia phát biểu xây dựng ý kiến trong giờ học (nỗ lực).
- Khả năng làm việc trong nhóm. Ai chỉ thích học một mình, không chịu chia sẻ ý kiến điểm sẽ bị kém. 50% học sinh được tự chọn nhóm, 50% do chỉ định. "Chúng tôi muốn luyện kĩ năng làm việc hiệu quả với cả những bạn mà mình không ưa", thầy cô giáo nói vậy.
- Bài thuyết trình (khả năng thuyết trình về một đề tài tự chọn nào đó). Đây là lúc con được vào vai học cách làm Thầy, truyền tải dạy dỗ kiến thức cho người khác.
5. Đưa lịch và thời gian địa điểm để phụ huynh có thể đăng ký gặp trực tiếp từng thầy cô dạy các môn (nếu phụ huynh có nhu cầu hỏi han về sức học cụ thể của con mình).
6. Bầu phiếu kín ban phụ huynh, tối đa 2 người. Các phụ huynh khác ai cũng khích lệ mình tham gia ban phụ huynh vì mình có thể là đại diện tốt nhất cho quyền lợi của các học sinh không phải gốc Đức. Mình sợ phát khiếp vì tốc độ + số lượng thông tin quá nhanh, quá nhiều, thường mình chưa kịp hoàn hồn, chưa nghe thủng thì buổi họp đã kết thúc.
Cuộc họp phụ huynh mình tham gia nó như thế. Vì mình “ma mới ấm ớ” nên cố hỏi han về các chương trình thi thố học sinh giỏi này nọ thì được ân cần hướng dẫn vào các trang web của trường, của quận, của bộ môn, của thành phố, của quốc gia. Hóa ra thi học sinh giỏi ở đây nhiều vô biên, tổ chức liên tục quanh năm ngày tháng cho học sinh từ lớp 1 trở lên. Các môn thi thì từ thi toán đến thi hát, gấp tranh, xếp chữ. Học sinh nào muốn tranh tài thi thố thì tự tìm thông tin mà tham gia đăng ký đi thi.
Các cuộc thi nội bộ trong trường cũng có, thi với các trường khác trong thành phố, các cuộc thi toàn Châu Âu, toàn thế giới cũng có nhưng không hề có thầy cô, lò ôn luyện gì cả. Nếu bạn nào quan tâm mà không biết bắt đầu thế thế nào thì tìm gặp trực tiếp thầy cô, các thầy cô sẽ tư vấn hướng dẫn cách thức cẩn thận.
Mình không thấy phụ huynh ở đây sục sôi lên vì thành tích, giải nọ, giải kia, cũng không thấy phụ huynh thầm thì rỉ tai nhau phải học thêm cái gì, học cô nào thầy nào, học ở đâu. Các phụ huynh tỏ ra rất bình thản, kể cả khi con họ vừa bị đúp tụt lại học với Cún nhà mình, mình hỏi lý do tại sao bà ấy cười chân thành bảo "tao nghĩ là con tao đợt vừa rồi nó hơi lười một chút!".
Lê Thị Minh Hồng, Berlin
Mẹ Việt đi họp phụ huynh cho con ở Đức
Tiện ích
Phông chữ
- Font Size
- Default
- Chế độ đọc