Nói tới “truyện tranh”, ta thường nghĩ tới manga Nhật Bản, Walt Disney của Mỹ– những sản phẩm ít có tính nghệ thuật cao, chỉ dành cho trẻ em. Những suy nghĩ đó sẽ thay đổi khi bạn đến với triển lãm “Truyện tranh, manga & Co – văn hóa truyện tranh mới của Đức”.
Triển lãm “Văn hóa truyện tranh mới của Đức” diễn ra chiều tối 8-5 tại Viện Goethe Hà Nội. Tại phòng trưng bày, người xem được chiêm ngưỡng những tác phẩm của 13 họa sĩ truyện tranh chọn lọc nổi tiếng của Đức.
Điều đặc biệt là không ai trong số 13 họa sĩ có tác phẩm tại triển lãm được đào tạo nghệ thuật bài bản, họ chỉ đơn thuần là những nghệ sĩ nghiệp dư “cùng tạo nên thế giới truyện tranh Đức sống động và sặc sỡ” như lời phát biểu khai mạc triển lãm của TS. Almuth Meyer Zollitsch, Viện trưởng Viện Goethe Hà Nội.
Theo TS. Zollitsch thì “kể chuyện bằng tranh có một truyền thống rất lâu đời”, bà dẫn chứng việc “tám trăm năm trước các nhà thờ thiên chúa giáo ở châu Âu đã được vẽ những câu chuyện bằng tranh”.
Bà cho biết, ở thế kỷ 19, truyện tranh đã từng là công cụ “phác họa lại sự phát triển trong xã hội bằng cây cọ vẽ châm biếm” của các họa sĩ Đức và Pháp.
Sang thế kỷ 20, khi các nhân vật hoạt hình kinh điển của Walt Disney xuất hiện, phần lớn người xem là trẻ em, khiến các họa sĩ Đức hầu như không còn quan tâm tới truyện tranh nữa. Cho tới những năm 90, khi nước Đức thống nhất, Berlin trở thành một trong những trung tâm văn hóa mới tại châu Âu, một thế hệ họa sĩ trẻ ở Đức đã “hồi sinh” truyện tranh như một “loại hình nghệ thuật độc lập và nghiêm túc”.
Quả thực, ngắm nhìn những tác phẩm tại triển lãm, người xem có thể khám phá thế giới muôn màu của truyện tranh Đức. Tác phẩm có thể chỉ đơn giản là một câu chuyện dí dỏm, hài hước về một chú thỏ, hoặc châm biếm một nhân vật nổi tiếng nào đó, hay là những đường nét sắc cạnh, phác họa một nỗi đau vô hình qua hai gam màu trắng đen, hoặc một bức tranh chân dung, lặng lẽ nhưng đầy cảm xúc.
Tiêu biểu cho dòng tác phẩm lãng mạn tại cuộc triển lãm là cuốn truyện tranh “Baby’s in Black – chuyện tình Astrid Kirchherr và Stuart Sutcliffe” của Arne Bellstorf, một tác giả thuộc thế hệ họa sĩ mới tại Đức. Tác phẩm của anh kể về chuyện tình của nữ nhiếp ảnh kiêm nghệ sĩ Kirchherr với một nghệ sĩ guitar từng chơi ban nhạc huyền thoại Beatles. Bộ truyện tranh đã miêu tả một cách tinh tế câu chuyện tình dang dở, qua các khung tranh miêu tả bầu không khí náo nhiệt của tuổi trẻ, của tình yêu, pha chút hơi hướng “nổi loạn” của những năm 1960.
Chùm tác phẩm của nữ họa sĩ – giáo sư môn hình họa Anke Feuchtenberger từ Đại học Khoa học Ứng dụng Hamburg, một trong hai trung tâm nghệ thuật truyện tranh tại Đức lại mang đến cho người xem những nỗi buồn không tên trong cuộc sống hiện đại qua các mảng màu chìm, điểm xuyết những hoa văn trung tính hay những họa tiết đơn giản.
Không chỉ mang tới những giây phút lãng mạn hay sự trừu tượng khiến người xem phải suy nghĩ, các tác phẩm tại triển lãm còn đem lại những tiếng cười sảng khoái. Điển hình là chùm truyện tranh của Markus Witzel, kể về những câu chuyện thường nhật của chính mình qua nhân vật Supa-Hasi, một chú thỏ nhỏ bé đeo kính luôn mang theo một chiếc thìa lớn. Markus đã kết hợp tính hài hước hình thể với các chi tiết bi kịch dí dỏm hết sức khéo léo, chuyển hóa những quan sát và trải nghiệm đời thực vào thế giới hư cấu của truyện tranh.
Nhằm tăng tính hấp dẫn cho buổi triển lãm, một trò chơi nhỏ đã khéo léo khiến người xem phải ngắm nhìn thật kỹ các bức tranh và tìm ra câu trả lời ẩn giấu bên trong. Điều thú vị là khi kết quả trò chơi được công bố, hai trong số ba người bước lên nhận giải thưởng lại có mái tóc bạc phơ, khiến TS. Zollitsch phải hồ hởi nhắc lại: “Các bạn thấy đấy, truyện tranh thực sự không chỉ dành cho giới trẻ!”
Một chùm tranh về thiên nhiên của họa sĩ Jens Harder.
Họa sĩ trẻ Nguyễn Thành Phong trao đổi với TS. Zollitsch về một tác phẩm nghệ thuật.
Người xem hào hứng tham gia trò chơi tìm kiếm tại triển lãm.
Hai cụ ông trong khi tham gia tìm kiếm, rất tình cờ, cả hai người đều giành giải thưởng của Viện Goethe.
Sôi nổi bốc thăm giải thưởng sau khi kết thúc thời gian tìm kiếm.
- LINH PHAN, theo nhandan
Khám phá truyện tranh hiện đại Đức
Tiện ích
Phông chữ
- Font Size
- Default
- Chế độ đọc