Ngày mai, Götz sẽ về nước sau khi hoàn tất thủ tục thanh lý hợp đồng với VFF. Thất vọng và bất phục là tâm trạng của HLV người Đức lúc này.
Hơn một tháng trước đây, VFF không bao giờ nghĩ sẽ sa thải HLV Götz. Vậy mà sau hàng loạt biến cố, với nguyên nhân chính là cách xử lý yếu kém của mình, VFF đã phải cho ông thầy người Đức ra đi.
Nhìn lại toàn bộ những rắc rối thời gian quan liên quan đến bản hợp đồng với HLV Götz. Có cảm giác, cách làm của VFF cứ luôn phải chạy theo dư luận. Sau mỗi phản ứng của dư luận và báo chí, VFF lại có một cách đối phó nhằm “hạ nhiệt”. Thế nhưng, cái sai lầm của VFF chính là họ đã không có những quyết định đúng đắn và đặc biệt là không lường trước được phản ứng của dư luận. Bởi vậy, những quyết định đưa ra, cứ như trò đùa, hết bất ngờ này đến bất ngờ khác.
Chắc chắn nhiều người hâm mộ và cả giới chuyên môn bóng đá Việt Nam đều muốn ông Götz phải ra đi sau khi chẳng thể hiện được điều gì đáng kể ở SEA Games 26. Thế nhưng, cái cách mà ông bị sa thải theo kế hoạch của VFF thì quả thực thấy cũng tội tội cho HLV này. Ông là một HLV ở quốc gia có nền bóng đá chuyên nghiệp, nhưng lại bị đối xử không chuyên nghiệp.
Ông cứ bị VFF xoay chẳng khác một con quay. Đầu tiên, để giữ ông Tuấn VFF đã phải “quay ngoắt” trút bỏ hoàn toàn trách nhiệm cho HLV trưởng thì thật chẳng phải đạo trong cách đối xử với ông thầy người Đức.
Có thể hiểu ở tình cảnh của VFF, họ cũng đành chấp nhận tiếng xấu để bảo vệ quyền lợi cho mình. Những lời hứa về tương lai của HLV Götz coi như không nói. Bóng đá là vậy, luôn chẳng biết trước được điều gì. Nếu VFF mạnh tay sa thải ông Götz ngay từ đầu đã đi một lẽ. Đằng này, ông bỗng trở thành “vật tế thần” hay “quân tốt thí” một cách ngoạn mục.
Còn nhớ ngày 6/6/2011, HLV Götz ký vào bản hợp đồng với VFF. Khi đó, VFF đã phải đi “xem thầy” để chọn ngày đẹp. Một lễ ra mắt được tổ chức rình rang với bao sự kỳ vọng của VFF, giới truyền thông và người hâm mộ. Vậy mà chỉ sau nửa năm, ông Götz đã phải ra đi, không kèn, không trống, cùng với đó là một tâm trạng rối bời, bất phục cách hành xử của VFF.
Phải thừa nhận, HLV Götz chưa làm được nhiều điều gì to tát cho bóng đá Việt Nam trong 6 tháng ấy. Những trận thắng tưng bừng của tuyển quốc gia, chủ yếu trước các đối thủ hạng nghiệp dư. Còn trận thua Nhật Bản với tỷ số sát nút, lại là trận giao hữu. Còn với U23 Việt Nam, chúng ta đã có một kỳ SEA Games thất bại về mọi mặt. Khó bào chữa cho một thất bại ê chề đến thế.
Phần lớn giới chuyên môn đều khẳng định, 6 tháng là thời gian quá đủ để HLV Götz hiểu biết bóng đá Việt Nam, từ đó có thể đưa ra những lối chơi hiệu quả nhất. Thế nhưng, nếu đổ hết lỗi cho ông thầy người Đức, có vẻ hơi oan ức. Ông Götz không được trực tiếp tuyển quân, ông cũng phải mất gần 2 tháng để thuộc tên các cầu thủ. Rồi ông lại khó hiểu với một số trường hợp bỏ về, khó hiểu trước cách sinh hoạt thiếu chuyên nghiệp của các cầu thủ Việt Nam.
Làm việc với các cầu thủ Việt Nam luôn rất khó. Bởi lẽ đó, 6 tháng chứ một năm mà không có sự hợp tác, cũng chẳng làm nên chuyện gì ra hồn. Người ta nói nhiều đến những lỗi chiến thuật, cách dùng người, lối chơi của ông Götz, nhưng chưa ai nói gì đến thái độ thi đấu của các cầu thủ. Nếu họ ai cũng chơi với đúng sức mình, câu chuyện đâu có tệ như vậy.
Sẽ thực tế hơn, khi chúng ta chấp nhận thất bại vì bóng đá Việt Nam là thế. Thời HLV nào cũng vậy, chứ không phải chỉ có ông Götz. 8 lần chia tay các HLV ngoại, cũng đa phần từ lý do này cả, nhưng VFF dường như cố tình không hiểu vì sao mình lại ít thành công với các HLV ngoại.
Götz đã chia tay bóng đá Việt Nam bằng một kết cục như thế. Trong ngày gặp giới truyền thông Việt Nam lần cuối, ai cũng thấy ánh mắt bất phục của ông. Chắc chắn ông sẽ có nhiều chuyện kể về bóng đá Việt Nam khi trở lại nước Đức
- Theo Ngôi Sao
Đoạn kết buồn và ánh mắt bất phục của Götz
Tiện ích
Phông chữ
- Font Size
- Default
- Chế độ đọc