feed-image

Hãy nhấn „Thích Trang“ để theo dõi tin tức cập nhật của Tạp chí Hương Việt trên trang Facebook của bạn!

BỎ QUA

Op2 1140X206P 1 frame

Phông chữ

Xinh đẹp, bốc lửa, thông minh, nhưng điều mà Jenny McCarthy - người mẫu Playboy - khiến mọi người khâm phục nhất là hành trình làm mẹ của một đứa con tự kỷ.

Jenny McCarthy là người mẫu tạp chí Playboy, diễn viên truyền hình với phong cách hài hước, một trong những gương mặt đẹp nhất thế giới, có mối tình gây nhiều chú ý với nam diễn viên Jim Carey... Xuất hiện trong thế giới thời trang đã lâu, người mẫu Jenny McCarthy là một trong số ít các ngôi sao ở độ tuổi gần 40 (cô sinh năm 1972) mà vẫn giữ được phong độ và sự nổi tiếng của mình. Cô đã vươn đến thành công bằng một con đường nhiều chông gai, trên con đường ấy ý chí, sự kiên nhẫn và trí thông minh đã được cô phát huy một cách tối đa.

Chiều cao chỉ có 1m70 đối với một người mẫu như cô không phải là lợi thế, nhưng Jenny đã bù đắp điều đó bằng một thân hình quyến rũ với những số đo hoàn hảo, kết quả của việc luyện tập thể thao: karate, trượt tuyết... một cách gian khổ. Và không dừng lại ở việc phô diễn vẻ bề ngoài hấp dẫn của mình trên trang bìa các báo, cô còn từng bước chứng tỏ trí thông minh và óc hài hước trong các vai diễn, các chương trình truyền hình và cả các cuốn sách mà cô cho ra đời liên tục. 

Jenny có lẽ đã từng là niềm mơ ước của nhiều phụ nữ bởi sự xinh đẹp và gợi cảm, sự giàu có và thành đạt, và tất nhiên bởi cả người chồng điển trai và cậu con trai đáng yêu. Hình ảnh Jenny McCarthy cùng với cậu con trai Evan có nước da trắng hồng và mái tóc vàng giống mẹ có thể không xa lạ gì với những người hâm mộ cô. Tuy nhiên, không phải ai cũng biết rằng cô đã trải qua những gì trong hành trình làm mẹ, bởi vì Evan - con trai cô vốn là một cậu bé mắc bệnh tự kỷ. 

Jenny McCarthy khiến cánh đàn ông phát cuồng vì gương mặt quyến rũ và thân hình bốc lửa.

Khi Jenny phát hiện ra con trai mình bị tự kỷ thì Evan mới được hai tuổi rưỡi. Mọi chuyện bắt đầu với những cơn co giật của Evan mà các bác sĩ không xác định nổi nguyên nhân cho dù đã làm đủ mọi thứ xét nghiệm đau đớn và cho cậu bé uống đủ các thứ thuốc khác nhau. Những cơn co giật không thể biết trước và cũng không thể kiểm soát trở thành cơn ác mộng của người mẹ. Cuối cùng, một vị bác sĩ đã cho Jenny biết rằng Evan bị bệnh tự kỷ, và co giật chỉ là một trong các biểu hiện mà thôi.

Jenny đã trải qua một khoảng thời gian vô cùng khó khăn để chấp nhận sự thật này. Bởi vì chấp nhận nó tức là cô phải xem lại tất cả những nhận thức về con trai mình mà cô đã có từ trước đến nay. Cô phải hiểu ra rằng Evan đã sống khép mình trong thế giới bé nhỏ của cậu bao lâu nay, và cậu "chậm nói" bởi vì cậu gặp khó khăn về ngôn ngữ, cậu "ngoan ngoãn" đến kỳ lạ bởi cậu không thể hòa đồng một cách bình thường vào thế giới xung quanh, và cậu không bao giờ đòi đi theo khi mẹ rời mình không phải vì cậu "dũng cảm" như Jenny vẫn tưởng...

Cũng từ lúc đó, cuộc hành trình, hay nói đúng hơn là cuộc chiến đấu kiên cường của hai mẹ con với bệnh tật bắt đầu. Không bằng lòng với cách xử lý theo hướng chấp nhận bệnh tật của nhiều bác sĩ, Jenny kiên trì tìm mọi cách để chữa bệnh cho Evan. Cô lao vào tìm kiếm mọi thông tin về bệnh tự kỷ và cách chữa trị, mọi phương pháp điều trị, chế độ ăn uống, các tổ chức, các trường học và lớp học đặc biệt... Cô kiên trì đi theo tìm hiểu đến tận cùng mọi dấu hiệu cho dù chỉ là tia hy vọng nhỏ nhoi nhất. Và trên hết, cô chính là người luôn luôn bằng mọi cách khác nhau ở bên con trai mình, theo dõi những thay đổi tưởng chừng vô tình nhất trong cậu bé.

Jenny đã phải hy sinh nhiều thứ và trả giá nhiều thứ trong hành trình này. Những khoản tiền khổng lồ chi vào việc chữa trị và tìm kiếm cách chữa trị đã buộc cô phải thế chấp cả ngôi nhà, đã khiến cô phải lao động cật lực để đảm bảo cho Evan có những điều kiện tốt nhất. 

Nhưng trên tất cả, cô là một người mẹ tận tâm. 

Có lẽ không có gì trớ trêu bằng cảnh một người mẹ muốn hằng ngày hằng đêm ở bên đứa con trai bệnh tật của mình nhưng lại phải nghẹn lòng theo đuổi những chuyến công tác liên miên, phải xuất hiện trước mọi người với vẻ ngoài rạng rỡ và hài hước trong khi trong lòng tràn đầy mệt mỏi và đau xót. Cũng trong hành trình chữa bệnh này, do những áp lực lớn của việc chữa bệnh cho con, Jenny đã đánh mất cả chồng và cuộc hôn nhân hạnh phúc của mình. 
 
Jenny đã đọc và học nhiều thứ về bệnh tự kỷ đến mức tự nhận rằng về khoản này, có thể nói cô đã tốt nghiệp "đại học Google", chưa kể đến số lượng lớn các loại sách và tài liệu mà cô đã ngấu nghiến đọc. Cô cũng đã kết nối và học hỏi từ vô số các bà mẹ khác, những người có con bị tự kỷ giống như cô. Những trải nghiệm khắc nghiệt và nỗi đau khổ chung khiến cho cô và nhiều bà mẹ khác tìm được sự đồng cảm.

Jenny cũng như nhiều bà mẹ khác đã kiên trì chờ đợi hàng tháng trời để con mình được ghi danh vào lớp học dành cho trẻ tự kỷ, rồi sau đó lại theo chân con đến mọi buổi học, đón nhận cả những thất vọng lớn lao nhất trước những biểu hiện phức tạp của căn bệnh và cả những tia hy vọng mong manh khi con mình có chút tiến bộ. Jenny đã trải qua những giây phút mà cô cho là hạnh phúc nhất cuộc đời khi Evan có thể bảo với cô "mở!" lúc cậu muốn mẹ mở cửa phòng đồ chơi thay vì đứng đó nhìn chằm chằm vào cánh cửa như trước kia.

Cũng có những lúc cô tuyệt vọng đến cùng cực khi Evan kiệt sức hay nổi khùng lên bởi một loại thuốc mới, một phương pháp chữa trị mới. Thậm chí có những lúc Evan nhờ những tiến bộ của mình mà có thể thử đi học và hòa nhập với những trẻ em bình thường, nhưng vì hệ miễn dịch quá yếu nên cậu lại bị lây bệnh và ốm đau liên miên, đến nỗi phải rời bỏ lớp học.

Có thể nói, Evan đã tìm và thử mọi cách chữa trị cho con. Cho dù những cách đó có thể chưa đem lại hiệu quả ngay lập tức, nhưng bước tiếp tục trên con đường trước mặt cho dù chưa thể biết trước được con đường đó dẫn ta đến đâu là cách mà Jenny đã lựa chọn, chứ không phải đứng một chỗ để than thở. Và quan trọng hơn cả việc tìm ra hay quyết định đi đường nào, bà mẹ Jenny nổi tiếng và bận rộn đã luôn là người đồng hành đáng tin cậy của con trai trên con đường ấy.
 
Sau bao nỗ lực không ngừng nghỉ, niềm tin của một người mẹ đã được đền đáp lại phần nào. Sau bao nhiêu thử nghiệm và cố gắng, Jenny đã tìm ra một chế độ ăn uống thích hợp cho Evan - một chế độ ăn hoàn toàn không có tinh bột mì hay bơ sữa, vì cậu bé không thể hấp thụ được protein. Cô cũng đã tìm ra một số loại thuốc thích hợp cho con trai, một chế độ học tập dành cho cậu mà trong đó, mẹ chính là cô giáo quan trọng nhất.

Cậu con trai bé nhỏ của Jenny giờ đây vẫn chưa thể hoàn toàn bình thường như những trẻ em khác, nhưng những tiến bộ mà cậu đạt được đã khiến cho những chuyên gia khó tính nhất về bệnh tự kỷ cũng phải ngạc nhiên và bất ngờ. Cậu bé đã phần nào bước chân ra khỏi cái thế giới bé nhỏ mà cậu mắc kẹt vào từ nhỏ, và hòa nhập vào thế giới rộng lớn xung quanh, biết cảm nhận hạnh phúc khi có mọi người trong thế giới đó. 

Với riêng Jenny, sau bao thời gian Evan không hề chủ động muốn ôm mẹ, thì giờ đây việc con trai dang rộng vòng tay chờ đợi mẹ ôm mình đã khiến cô cảm thấy được đền đáp. Hình ảnh mà cô luôn nhìn thấy trong giấc mơ đấy đã dần dần trở thành sự thật với cô.

Hành trình chiến đấu với bệnh tật của hai mẹ con đã được Jenny ghi lại trong cuốn sách "Louder than words - A mother’s journey in healing autism", đã được dịch ra tiếng Việt với tiêu đề "Mạnh hơn cả lời nói - Hành trình của một người mẹ trong việc chữa khỏi bệnh tự kỷ cho con trai".

Cuốn sách đã được giới thiệu trong những chương trình phỏng vấn truyền hình có uy tín tại Mỹ như Oprah Winfrey Show hay Larry King Live. Mặc dù nói cho cùng, nó cũng chỉ là một trong số những cuốn sách được xếp vào loại bán chạy của Jenny, song có lẽ điểm khác biệt giữa nó với các cuốn sách khác chính là sự thu hút không chỉ đến từ cách kể chuyện duyên dáng của người viết. Mà quan trọng hơn, đó là những trải nghiệm rất thật của một người mẹ, là niềm tin sắt đá mà chỉ những người mẹ mới có đã được cô chia sẻ.

Trong lời kết của cuốn sách mang tựa đề “Cánh cửa sổ”, Jenny đã viết: “Tôi hy vọng các bạn nhận ra đây không phải là cuốn sách về bệnh tự kỷ. Đó là cuốn sách về đức tin. Đó là câu chuyện của một bà mẹ đã tin rằng mọi chuyện đều có thể và không bao giờ thôi tìm kiếm những câu trả lời. Vẫn còn nhiều câu hỏi về căn bệnh cần được trả lời, nhưng tôi muốn các bà mẹ có hoàn cảnh giống tôi cảm thấy bớt căng thẳng khi biết tôi sẽ tiếp tục tìm kiếm những lời giải đáp, để một ngày nào đó, chúng ta có thể nhìn thấy con cái mình hưởng thụ cuộc sống mà chúng ta luôn mơ ước cho chúng”.

Hành trình của cậu bé Evan vẫn đang tiếp tục, và chắc chắn đó là cuộc hành trình rất dài, rất gian khổ, song dù thế nào thì Evan vẫn có thể tự tin bước tiếp, bởi bên cạnh cậu luôn có người mẹ mà đối với cậu là tuyệt vời nhất thế giới - mẹ Jenny.

  • Theo Phunutoday


Thêm bình luận

TIN TỨC - SỰ KIỆN MỚI CẬP NHẬT

QUẢNG CÁO
tapchihuongviet.eu 2020 02 07 um 17.29.59
tapchihuongviet.eu 2019 07 19 um 15.05.46
banner fam right

Hội chợ 'Việt Nam tại Đức' thu hút khách tham quan

Trong khuôn khổ Hội chợ Xuân AFA 2020, Tạp chí Hương Việt tổ chức sự kiện đặc biệt với chủ đề "Việt Nam tại Đức" nhân dịp kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Đức (1975-2020).

tapchihuongviet_treviet_vdKỷ niệm 10 năm hình thành và phát triển của Tạp chí Hương Việt

Kỷ niệm 10 năm hình thành và phát triển của Tạp chí Hương Việt, đồng thời hướng tới 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt - Đức. Tạp chí Hương Việt cùng các Hội đoàn người Việt phía Tây-Nam nước Đức đã tổ chức chương trình Lễ hội văn hoá Việt Nam - Hương Việt 2019.