Đặng Thùy Trâm sinh ra và lớn lên trong một gia đình có truyền thống yêu nước và hiếu học. Như bao chàng trai, cô gái ngày ấy, tuổi thơ của Đặng Thùy Trâm đã phải nhiều lần đi sơ tán cùng gia đình, lần thì từ thị xã Thanh Hóa đến Cổ Định. Lần lại từ Nông Cống, Hậu Lộc - lại quay về thị xã Thanh Hóa.
Những lần chuyển nhà, chuyển lớp đã giúp Thùy Trâm có thêm nghị lực vươn lên trong học tập, và được bạn bè yêu mến. Tuy nhiên, điều đọng lại lớn nhất trong ký ức của người mẹ về Đặng Thùy Trâm là đức tính điềm tĩnh, thuỳ mị và hết mực yêu thương các em cũng như mọi người.
Chị cả đảm đang
Đặng Thùy Trâm là con gái cả trong gia đình 5 chị em, bố mẹ đều làm việc trong ngành Y tế. Vì là chị cả nên ngay từ lúc nhỏ, Thùy Trâm đã phải làm nhiều việc giúp bố mẹ như trông em, dọn dẹp nhà cửa, nấu cơm… thay cho mẹ. Sau khi mẹ sinh em Phương Trâm cũng là thời điểm cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp lan rộng ở nhiều nơi khiến gia đình Trâm phải đi sơ tán về vùng nông thôn ở Nghệ - Tĩnh. Cuộc sống khó khăn, vừa sinh con, bà Doãn Thị Ngọc Trâm đã phải đi cấy, làm cỏ, bón phân cắt lúa…
Lúc này, Thùy Trâm mới chừng 7 tuổi đã biết đi bắt cua, bắt ốc để cải thiện bữa ăn trong gia đình. Ngoài những việc đồng áng, Thuỳ Trâm còn phải thay mẹ chăm sóc, dạy bảo các em đến nơi đến chốn. Nhìn cô con gái mới mấy tuổi đầu đã đảm đang vai trò của chị cả trong nhà, bà Doãn Thị Ngọc Trâm vừa mừng, vừa thương. Mừng vì cô con gái sớm khôn lớn và có ý thức trách nhiệm, thương vì Thùy Trâm vất vả. Bà chạnh lòng xót xa vì làm mẹ mà bà không thể cho con cái một tuổi thơ yên bình, sung sướng!
Nhiều đêm, trở về đứng ngắm Thùy Trâm ngủ, thấy giấc mơ chập chờn mệt mỏi của cô con gái hiếu thảo, bà rơi nước mắt. Bà trộm nghĩ: Nếu không có Thùy Trâm thì không biết mình sẽ phải xoay xở thế nào để hài hòa giữa việc nước - việc nhà. Với đức tính điềm tĩnh, thuỳ mị, đảm đang, Thùy Trâm đã giúp mẹ yên tâm học tập và công tác.
Vừa thay mẹ gánh vác công việc gia đình, Thùy Trâm cùng các em đều phải tự học và hướng các em làm theo nên tất cả mấy chị em đều học giỏi. Trong số các môn học thời niên thiếu, Thùy Trâm rất yêu thích môn văn. Vốn là một cô gái có tâm hồn lãng mạn, suy nghĩ lớn trước tuổi, những trang văn đã nuôi dưỡng trái tim nhạy cảm, cũng như rèn đúc ý chí quật cường, kiên trung cho cô gái Đặng Thùy Trâm.
Từ khi biết đọc, Thùy Trâm đã rất say mê sách văn học Nga, Pháp, Việt Nam…, trong đó có những cuốn: Thép đã tôi thế đấy, Sông Đông êm đềm, các tác phẩm của nhóm Tự Lực Văn Đoàn, Vũ Trọng Phụng, Nam Cao, Tô Hoài... Với Thuỳ Trâm, đọc nhiều sách văn học là để tự bồi dưỡng năng khiếu cho mình.
Không những vậy, Thùy Trâm còn được thừa hưởng những cuốn sách văn học quý giá lúc ấy do ông bà để lại và các cậu đem từ Liên Xô về. Chính nguồn sách vô giá này là một trong những chất xúc tác để Thùy Trâm viết nên những dòng nhật ký sâu sắc, đầy cảm xúc, làm rung động hàng triệu trái tim của độc giả nước nhà.
Người con hiếu thảo
Song hành với sự đam mê văn học, Thùy Trâm còn rất thích hát và vẽ. Ngay từ thời thơ ấu, Thùy Trâm đã được người cha cùng các cậu truyền cho những kiến thức cơ bản về hội họa và âm nhạc. Bố và các cậu đều vẽ đẹp, hát hay, chơi violon, guitar, accots… có tiếng. Vì thế, Trâm đã phát huy được năng khiếu của mình và tích cực tham gia vào hoạt động Đoàn - Đội của Trường cấp I - II Lam Sơn (Thanh Hóa).
Ngay từ những ngày ấy, cô đã đạt được những giải thưởng cao về phong trào văn nghệ của Đội Thiếu niên Tiền Phong của Trường Lam Sơn và sau này là Trường Chu Văn An (Hà Nội). Thùy Trâm còn là người tích cực tham gia các phong trào đội ở trường cũng như ở địa phương, quản lý những đoạn "đường em nuôi" và đôn đốc các thành viên tích cực hoạt động.
Sau này, khi gia đình chuyển ra Hà Nội sinh sống, Thùy Trâm và em gái Phương Trâm đã cùng nhau vẽ và trang trí các loại phong bì thư, thiếp chúc mừng sinh nhật, làm các con vật, khung cảnh thiên nhiên để thêu rồi đem ra phố Hàng Ngang, Hàng Đào bán hoặc nhận về thêu để có thêm thu nhập cho gia đình.
Song, điều đặc biệt ở Đặng Thùy Trâm cho dù hoạt động xã hội rất tích cực, nhưng ở nhà, Thùy Trâm là một thiếu nữ Hà thành đậm chất "công - dung - ngôn - hạnh". Trong đó, biệt tài của Thùy Trâm là nấu ăn rất ngon. Những món "sở trường" mà Trâm hay làm để cải thiện trong gia đình là món nộm và bún chả. Mùa nào thức ấy, Thùy Trâm đều đạo diễn các món nộm rất ngon cho gia đình và bạn bè thưởng thức.
Yêu con vô bờ bến, song với bà Doãn Thị Ngọc Trâm, mỗi hành động, lời nói, mỗi cử chỉ, cá tính, mỗi giây phút sống trong đời của Thùy Trâm mãi là những miền kỷ niệm không bao giờ phai mờ trong tâm trí bà. Tuy nhiên, tuổi thơ của bác sỹ - liệt sĩ Đặng Thùy Trâm để lại sâu đậm nhất trong tâm trí người mẹ là khoảng thời gian người cha của Thùy Trâm bị địch bắt tạm giam.
Trong thời gian cha bị địch bắt, Thùy Trâm hằng tuần phải làm thay công việc của mẹ là mang cơm, đường, mỡ vào thăm nuôi. Tuy vất vả và hiểm nguy trong suốt hơn một năm ròng nhưng Thùy Trâm không có bất cứ một lời kêu ca, mà vẫn cần mẫn như một con ong đi về trên đoạn đường đã mòn gót chân cô bé. Nhiều khi, nhìn Thùy Trâm mang cơm cho cha về với đôi mắt đỏ hoe, khóc thầm thương ông vì không có cái gì để ăn, chăn không có để đắp, hai mẹ con lại ôm nhau khóc nức nở!
Đối với mỗi thế hệ độc giả, nhất là thế hệ trẻ hôm nay, hình ảnh Thùy Trâm và những dòng nhật ký của chị luôn là tấm gương chói sáng để mọi người phấn đấu học tập, rèn luyện. Một lần nữa, được ngắm bức chân dung của chị qua lời kể của người mẹ về thời niên thiếu, chúng ta càng thêm khâm phục chị
Xuân Lộc (Ghi theo lời kể của bà Doãn Thị Ngọc Trâm)