Phông chữ

Ngày 13.9, Thủ tướng Đức Angela Merkel khẳng định, Châu Âu đang làm tất cả mọi việc có thể để ngăn chặn nguy cơ vỡ nợ của Hy Lạp. Bà Merkel khuyến cáo, bất cứ động thái nào nhằm rút khỏi khu vực đồng euro cũng có thể gây ra “hiệu ứng domino”.

Theo bà Merkel, Châu Âu đang đối mặt với những thách thức mang tính lịch sử. “Chúng ta cần phải làm mọi điều để duy trì khu vực đồng euro, bởi nếu không hiệu ứng domino có thể đến rất nhanh” - bà nói. “Trong một liên minh tiền tệ với 17 quốc gia thành viên, chúng ta chỉ có thể có một đồng euro bền vững nếu ngăn chặn được tiến trình rối loạn này. Vì vậy, mục tiêu hàng đầu hiện nay là phải tránh nguy cơ vỡ nợ vượt kiểm soát, bởi nó sẽ không chỉ tấn công Hy Lạp. Hiểm hoạ sẽ rất cao nếu nó lan đến những nước khác” - Thủ tướng Merkel nhấn mạnh.

Bà Merkel khuyến cáo, tất cả mọi người cần cân nhắc kỹ lời nói để tránh gây ra thêm những hỗn loạn thị trường. Bà khẳng định, nước Đức giữ vững cam kết với đồng euro – vốn đã đem lại những lợi ích to lớn cho nước này.

Khả năng Hy Lạp vỡ nợ trong vòng 5 năm tới đã lên đến 98% khi Thủ tướng nước này thất bại trong việc trấn an các nhà đầu tư quốc tế rằng Hy Lạp sẽ vượt qua được khủng hoảng nợ. Các số liệu cho thấy thâm hụt ngân sách Hy Lạp tăng 22% trong 8 tháng đầu năm nay. Lợi suất trái phiếu kỳ hạn 2 năm của Hy Lạp tăng 70%, trong khi thị trường chứng khoán giảm 1/3 trong 7 tuần qua.

Chính phủ Hy Lạp dự báo nền kinh tế sẽ giảm hơn 5% trong năm nay, lớn hơn so với dự báo 3,8% của Ủy ban Châu Âu, khi các biện pháp thắt lưng buộc buộc làm tồi tệ hơn suy thoái kéo dài 3 năm qua. Nguy cơ vỡ nợ của Hy Lạp đã đẩy giá đồng euro chạm đáy so với đồng yen Nhật. Ngày 13.9, đồng euro được trao đổi ở mức 105,25 yen/euro, sau khi chạm đáy 103,9 yen/euro, thấp nhất kể từ tháng 6.2001. Đồng euro cũng giảm xuống 1,3642USD/euro - mức thấp nhất kể từ tháng Hai vừa qua.

Hôm 12.9, Quỹ Tiền tệ quốc tế kêu gọi cần có các phân tích mở rộng đối với nguy cơ tăng nợ công tại các nền kinh tế phát triển. Theo một báo cáo của IMF, mức tăng quá nhanh nợ công của các cường quốc đã nhấn mạnh đến nhu cầu phải xem xét sự thay đổi đối với cách mà IMF đánh giá sự bền vững nợ của một nước. Báo cáo khuyến nghị các phân tích cần được mở rộng để đảm bảo nó bao gồm tất cả các cơ quan chính quyền và các thể chế, bao gồm cả những cơ quan không phải là đối tượng với những quy tắc ngân sách thông thường.

“Trước cuộc khủng hoảng, các đánh giá quỹ thường không chú ý đúng mức đến sự bền vững nợ công tại các quốc gia tiếp cận thị trường, đặc biệt là những nền kinh tế phát triển” - báo cáo cho hay.  

  • Hoài An (Theo BBC, AP, Laodong)