Dư luận và giới chuyên môn ở Mỹ và Thụy Sỹ đang tranh luận xung quanh quyết định hôm 23-2 của Bộ Tư pháp Mỹ trong việc buộc tội nhiều nhân viên Ngân hàng Credit Suisse của Thụy Sỹ vì đã tiếp tay cho các công dân và người đóng thuế ở Mỹ mở nhiều tài khoản bí mật tại ngân hàng này để trốn thuế.
Tuy nhiên, trong thông báo hôm 23-2, Bộ Tư pháp Mỹ không đề cập chi tiết vấn đề nhạy cảm này bởi họ chỉ nêu 4 nhân viên Ngân hàng Credit Suisse (3 người mang quốc tịch Thụy Sỹ và 1 người Italia), nhưng không chỉ đích danh một đồng chủ mưu.
Những người này đã khuyến khích và giúp khách hàng chuyển tài khoản bí mật sang các ngân hàng khác ở Thụy Sỹ và Hồng Kông để tiếp tục trốn thuế. Được biết, Ngân hàng Credit Suisse đã mở hàng nghìn tài khoản với tổng số tiền lên tới 3 tỷ USD với điều kiện những tài khoản này được giữ kín với các cơ quan thuế của Mỹ. Bộ Tư pháp Mỹ khẳng định, hành động trốn thuế kể trên được thực hiện từ năm 1953, đã tồn tại qua 2 thế hệ ở Mỹ và giới chức Ngân hàng Credit Suisse biết rõ vấn đề này.
Những người bị cáo buộc đang phải đối mặt với bản án 5 năm tù giam cùng khoản tiền phạt trị giá 250.000 USD. Bộ Tư pháp Mỹ cho biết, Ngân hàng Credit Suisse không bị điều tra bởi họ đã chấm dứt giao dịch với Mỹ từ năm 2008 sau khi cho đóng các tài khoản của những khách hàng kể trên.
Giới truyền thông cho biết, không chỉ Ngân hàng Credit Suisse, Mỹ còn điều tra những việc làm tương tự tại Ngân hàng UBS của Thụy Sỹ. Hơn 8 tháng trước (8-6-2010), ông Frank Keith, phát ngôn viên của Sở Thuế vụ Mỹ từng tuyên bố, Washington yêu cầu Chính phủ Thụy Sỹ tôn trọng những thỏa thuận đã đạt được.
Tuyên bố kể trên được đưa ra sau khi Hạ viện biểu quyết chống lại thỏa thuận từng được Thượng viện Thụy Sỹ chấp thuận - cung cấp danh tính của hàng nghìn người Mỹ có tài khoản tại UBS. Mỹ từng kiện UBS sau khi ngân hàng này không chịu tiết lộ tên khách hàng mà theo Tổng thống Barack Obama nói, những người trốn thuế đã gây thất thoát tới hàng tỉ USD tiền thuế/năm.
Một trong những nguyên nhân khiến UBS dám chống lại yêu cầu của Mỹ bởi luật pháp Thụy Sỹ chỉ cho phép tiết lộ tài khoản ngân hàng bí mật khi khách hàng bị tình nghi gian lận thuế. Cho tới nay UBS vẫn là ngân hàng quản lý tài sản tư lớn nhất thế giới với tổng số tài sản ước khoảng 7.000 tỉ USD.
Bộ Tư pháp Mỹ từng cáo buộc UBS vi phạm luật pháp Mỹ khi khuyến khích công dân Mỹ mở tài khoản tại ngân hàng này để trốn thuế.
Tháng 8-2009, trong một thỏa thuận với Bộ Tư pháp Mỹ, UBS từng thừa nhận nhiều khách hàng Mỹ đã mở tài khoản tại ngân hàng này để trốn thuế và đồng ý nộp phạt 780 triệu USD cũng như cung cấp thông tin cá nhân và tài khoản của những khách hàng Mỹ có tài khoản tại UBS.
Nhưng sau đó việc này bị chìm xuồng - UBS yêu cầu Quốc hội Thụy Sỹ thông qua một thỏa thuận với Mỹ nhằm chấm dứt cuộc tranh cãi kéo dài với cơ quan thuế của nước này khiến Washington vô cùng tức giận.
Sau những áp lực kể trên, Bộ trưởng Tư pháp Thụy Sỹ Eveline Widmer-Schlumpf từng cảnh báo, UBS đứng trứơc nguy cơ phá sản nếu ngân hàng này bị rút giấy phép hoạt động ở Mỹ. Gần 1 năm trước (15-3-2010), cơ quan chức năng của Anh, Canada và Australia cũng đã điều tra hoạt động kinh doanh của chi nhánh Ngân hàng UBS tại 3 nước này với nguyên nhân tương tự như Mỹ từng tiến hành.
Hơn 7 tháng trước (15-7-2010), 150 cảnh sát Đức từng tiến hành lục soát 13 chi nhánh Ngân hàng Credit Suisse của Thụy Sỹ vì có liên quan đến scandal trốn thuế, làm giả giấy tờ sau khi cơ quan thuế nước này nhận được một CD chứa các thông tin về trốn thuế cùng tài khoản của 1.100 người hồi tháng 2-2010.
Để có được chiếc CD kể trên, nhà chức trách Đức đã phải chi 2,5 triệu Euro. Chiếc CD trở thành bằng chứng quan trọng để chứng minh những người này đã trốn thuế tới hơn 1,2 tỷ Euro. Vì vấn đề này mà quan hệ giữa Đức với Thụy Sỹ từng căng thẳng. Giới chính trị và truyền thông Thụy Sỹ đã vô cùng bất bình và tức giận sau khi biết tin Chính phủ Đức đã chi 2,5 triệu Euro để mua 1 chiếc đĩa compact chứa thông tin bí mật bị đánh cắp về tài khoản của 1.500 công dân Đức đang được cất giấu tại một trong những ngân hàng của nước này.
Thụy Sỹ thậm chí còn coi hành động này là “hình thức cướp ngân hàng mới” và khẳng định, sẽ không hợp tác dựa trên các thông tin bị đánh cắp. Giới chuyên môn cho rằng, nguyên nhân chính của sự phản ứng gay gắt từ Bern đối với Berlin chỉ đơn giản là nguy cơ đe dọa đối với nguyên tắc bí mật của ngân hàng Thụy Sỹ từng là biểu tượng của nước này.
Bảo mật cho khách hàng vốn là truyền thống lâu đời của hệ thống ngân hàng Thụy Sỹ và điều này được thể hiện trong một đạo luật có từ năm 1934. Ngoài ra, nhiều ngân hàng Thụy Sỹ cũng phát hiện, mối đe dọa lớn nhất đối với bí mật thông tin khách hàng lại chính là những nhân viên của họ.
Lê Cao Sơn
(TỔNG HỢP)