Phông chữ

Các nhà hoạt động hòa bình của Đức đã kêu gọi Thủ tướng Angela Merkel  tiến hành kế hoạch giải quyết xung đột ở Ukraine và tổ chức một cuộc họp đa phương với sự tham gia của Nga, để thảo luận về những biện pháp hòa bình chung, đem lại lợi ích cho cả khu vực. Điều này cho thấy dân Đức muốn  "Bà đầm thép" Merkel bắt tay hòa bình với Nga.

 

Thành viên của tổ chức sáng kiến hòa bình Đức Bad Tolz-wolfratshausen đã viết một bức thư cho Thủ tướng Angela Merkel,  bày tỏ sự lo ngại của họ về tình hình tại Ukraine và kêu gọi chính phủ thúc đẩy một cuộc đàm phán mới giải quyết cuộc khủng hoảng Ukraine, báo chí địa phương đưa tin.

Các nhà hoạt động cũng kêu gọi giải trừ vũ khí quân sự và tổ chức một hội nghị hòa bình châu Âu liên quan đến Nga-Mỹ, nhằm giảm bớt những căng thẳng giữa NATO và Moscow. Theo bức thư gửi đến thủ tướng Đức, các nhà hoạt động cho rằng hành động từ cả hai phía đều mang lại nguy hiểm cho khu vực và toàn nhân loại.

Trong khi NATO tăng cường sự hiện diện của “quân đội ngay sát nách” của Nga, thì Moscow cũng xúc tiến chương trình vũ khí hạt nhân cung cấp cho lực lượng vũ trang, điều này thật sự rất nguy hiểm.  
 
Cuộc đối đầu quân sự bắt nguồn từ những xung đột đang diễn ra tại Ukraine. Để ngăn chặn ảnh hưởng của Nga và trấn an đồng minh châu Âu, Mỹ liên tục đưa ra những kế hoạch khiến căng thẳng leo thang, hơn là hướng đến một giải pháp hòa bình.

 Trước đó, Washington đã thống nhất kế hoạch cung cấp viện trợ quân sự cho Ukraine và tăng cường lực lượng phản ứng nhanh của NATO từ 13.000 quân lên đến 40.000 binh sĩ. Đây là yếu tố khiến người Đức kêu gọi các bên bình tĩnh và thực hiện tuần tự giải pháp hòa bình.   

Lời kêu gọi đầu tiên cho hòa bình được thực hiện bởi các thành viên của tổ chức sáng kiến trong tháng 4.2015. Vào thời điểm đó, Thủ tướng Merkel cho rằng ý kiến và nguyện vọng của người dân cần được tôn trọng, nhưng không có bất cứ hành động nào thêm. Tuy nhiên, các nhà hoạt động vẫn kiên trì thực hiện chiến dịch và khẳng định dân Đức muốn  ‘bà đầm thép’ Merkel bắt tay hòa bình với Nga.

Báo chí địa phương cung cấp, các nhà hoạt động sẽ tiếp tục thu thập chữ ký để phản đối tình hình căng thẳng trong khu vực. “Chúng tôi muốn sử dụng chiến dịch để thúc đẩy một cuộc tranh luận công cộng và phản đối những lời lẽ chiến tranh ngày càng tăng trong hoạt động chính trị và phương tiện truyền thông,” Andreas Wagner, một thành viên của sáng kiến hòa bình cho biết.

Ông Wagner cũng nói thêm: đối thoại và hòa giải là cách duy nhất giải quyết khủng hoảng cho riêng Ukraine và toàn bộ khu vực. Đồng thời nhấn mạnh rằng, sự đe dọa hay trừng phạt lẫn nhau không mang lại hiệu quả, thậm chí có thể dẫn đến một cuộc chiến nếu các bên thiếu bình tĩnh.


Hàn Giang (theo Sputnik new)