Phông chữ

Số người nhập cư trái phép vào lục địa châu Âu gia tăng đang khiến các nhà lãnh đạo Liên hiệp châu Âu (EU) thêm lo ngại.


Những kết quả thống kê mới nhất của Cơ quan quản lý biên giới châu Âu (Frontex) cho thấy, các trường hợp nhập cư trái phép vào lãnh thổ EU, trong năm qua, đã tăng gấp ba lần so với năm 2013. Cụ thể, có hơn 274 nghìn người nhập cư bất hợp pháp vào lãnh thổ EU trong năm 2014. Riêng trong bốn tháng qua, dòng người nhập cư trái phép từ khu vực Balkan vào các nước EU đã tăng từ vài trăm người lên 21 nghìn người.

Theo báo cáo thống kê, phần lớn các trường hợp nhập cư trái phép vào EU trong năm qua là người tỵ nạn từ Syria (khoảng 60 nghìn người). Những người này tập trung tại Libya, sau đó tìm cách vượt Địa Trung Hải để vào địa phận Italia, Tây Ban Nha, Pháp.

Con số này càng làm tăng thêm sự quan ngại đối với các nhà lãnh đạo EU, nhất là đối với Italia, Pháp, Tây Ban Nha, Hy Lạp - những quốc gia là cửa ngõ vào châu Âu.

Vì sao làn sóng nhập cư vào EU gia tăng như vậy? Các chuyên gia cho rằng, những cuộc xung đột, bạo lực, tranh chấp lãnh thổ, khủng hoảng, tình trạng nghèo đói, thất nghiệp tại các khu vực trên thế giới, trong đó có Trung Đông, Vùng Vịnh, Bắc Phi, Đông Ucraina… là nguyên nhân chủ yếu dẫn tới việc nhập cư trái phép vào EU tăng nhanh.

Trong thời gian qua, cho dù EU và các nước trong khối này đã thực thi nhiều biện pháp nhằm ngăn chặn tình trạng nhập cư bất hợp pháp, song vấn đề nan giải này vẫn chưa được giải quyết. Nhiều chiến dịch phối hợp giữa các nước có đường biên giới với bên ngoài đã được triển khai và đã bắt giữ nhiều trường hợp đang trên đường nhập cư trái phép vào lãnh thổ Italia, Tây Ban Nha, Hy Lạp hay Pháp.

Ủy ban châu Âu cũng đã hỗ trợ Italia 13,7 triệu euro trong các chương trình quản lý người nhập cư trái phép… Vào tháng 5 tới, EU sẽ triển khai chiến dịch quy mô nhằm giải quyết vấn đề nhập cư trái phép, trong đó có việc tăng cường giám sát biên giới, cải tiến hệ thống nhập cư bằng việc đổi mới việc cấp thẻ lao động... EU cũng sẽ tăng cường bảo vệ biên giới thông qua Cơ quan quản lý biên giới châu Âu, với kinh phí 100 triệu euro/năm, nhằm phối hợp hành động giữa các quốc gia thành viên trong việc kiểm soát nhập cư bất hợp pháp.

Tuy nhiên, việc giải quyết làn sóng nhập cư trái phép đang có nhiều ý kiến trái chiều: hỗ trợ và cứu giúp người nhập cư hay chuyển thẳng về nơi họ đã xuất phát, kinh phí hỗ trợ người nhập cư; nếu phát hiện các nhóm người nhập cư trái phép trên biển thì có đưa lên bờ hay không, giải quyết vấn đề nhân đạo ra sao?... Hiện nay, người dân tại một số nước thành viên EU, nhất là Đức, phản đối mạnh mẽ các trường hợp nhập cư trái phép và không muốn tiếp nhận người nhập cư trên lãnh thổ nước mình.

Thời gian gần đây, một số nước thành viên EU thực thi chính sách nhập cư có chọn lọc, với việc tuyển chọn những người nhập cư có tay nghề cao trong lĩnh vực mà quốc gia đó có nhu cầu.

Cho dù đã có nhiều biện pháp đưa ra và không ít cuộc họp thảo luận về nhập cư bất hợp pháp, song đây vẫn là vấn đề thường trực và không dễ giải quyết đối với các nhà lãnh đạo EU. Trong bối cảnh hiện nay, EU vẫn phải chứng kiến làn sóng nhập cư trái phép tiếp diễn thường ngày, trong khi EU không thể “ngoảnh mặt làm thinh”. Vì thế, giải quyết hiệu quả và triệt để vấn đề này sẽ càng khó khăn hơn nhiều. Gốc rễ của vấn đề là điều quan trọng.

THĂNG LONG, NHÂN DÂN