Phông chữ

Người Đức đã thành công trong việc đào tạo ra cực nhiều cầu thủ tài năng nhưng lại rất kém cỏi trong việc bán những viên ngọc quý của họ.

Một ví dụ là Barcelona đang cân nhắc mua Thibaut Courtois hay Marc-Andre Ter Stegen và có thể thủ thành người Đức sẽ được chọn chỉ bởi... giá rẻ hơn tới 8 triệu euro.

Kỷ lục 37 triệu euro

Trong những năm qua, Bundesliga liên tục xuất khẩu các ngôi sao hàng đầu sang các giải vô địch láng giềng nhưng số tiền thu được chưa thật sự đáng kể. Tổng cộng, Bundesliga mới bán được 6 cầu thủ với giá trên 20 triệu euro và chỉ có một người giá trên 30 triệu euro. Trong khi đó, các CLB Bồ Đào Nha đã bán được 10 cầu thủ trên 30 triệu euro và vẫn còn hàng loạt “quả bom” đang chờ phát nổ.

Bản hợp đồng kỷ lục của Bundesliga là Edin Dzeko, từ Wolfsburg sang Man City mùa 2010-11 với giá 37 triệu euro. Ở chiều ngược lại, năm ngoái, Bayern đã phải bỏ ra tới 40 triệu euro để mua Javi Martinez, lúc đó mới ở dạng tiềm năng và còn vô danh tại Đức. Cần nhắc lại rằng, khi ra đi, Dzeko đang là Vua phá lưới Bundesliga, đã ghi hơn 50 bàn thắng chỉ trong 2 mùa khoác áo Wolfsburg. 


Bremen chỉ thu về 18 triệu euro từ việc bán Oezil

Hàng loạt tài năng trẻ thuộc đẳng cấp cao đều ra đi với giá rất rẻ mạt. Arturo Vidal tới Juventus với giá 12,5 triệu euro, Shinji Kagawa tới Man United với giá 16 triệu euro còn Real Madrid chỉ mất 18 triệu euro để mua Mesut Oezil, người vừa được bán cho Arsenal với giá gấp ba. Hồi đầu năm nay, Lewis Holtby, được coi là người kế tục của Oezil, chỉ tới Tottenham với giá chưa đầy 2 triệu euro.

So với sự lọc lõi của các CLB Bồ Đào Nha, người Đức chỉ như một tay mơ mới vào nghề. Mùa Hè vừa qua, Porto bán cầu thủ 21 tuổi người Colombia là James Rodriguez cho Monaco với giá 45 triệu euro. Năm ngoái, Benfica đã thu được tới 40 triệu euro từ việc bán Axel Witsel cho Zenit. Cách đây 6 năm, Porto từng "lừa" được Man United mua Anderson, khi đó mới 19 tuổi, với giá 31,5 triệu euro.

Lười gia hạn, kém tinh quái

Một điểm yếu của người Đức là ký hợp đồng khá ngắn hạn và chỉ mời tái ký khi sắp hết hạn. Khi các ngôi sao từ chối, các đội bóng buộc phải bán họ với giá rẻ bèo, thấp hơn nhiều so với khả năng nếu không muốn mất trắng, như việc Bayern để tuột Michael Ballack vào tay Chelsea cách đây 6 năm. Phải đến gần đây, khi đã mất Nuri Sahin và Shinji Kagawa, Dortmund mới học cách gia hạn lâu dài với các viên ngọc quý.

Thực ra, ngay cả khi chỉ còn một năm hợp đồng, các CLB của Bồ Đào Nha hay Italia cũng tỏ ra quái hơn hẳn người Đức. Các đội bóng của Bundesliga chỉ có hai phương án là bán hoặc không và luôn đưa ra quyết định từ sớm. Ngược lại, các CLB nước ngoài giỏi ứng biến hơn với hàng loạt chiêu trò, chờ tới những ngày cuối của thị trường chuyển nhượng để ép giá đối phương. Porto thậm chí còn quái tới mức gia hạn với Radamel Falcao sau đó bán ngay cho Atletico Madrid với giá 47 triệu euro.

Thêm một hạn chế là các CLB Đức vẫn chưa coi việc bán cầu thủ là một nghề như người Bồ Đào Nha hay Italia. Họ vẫn thụ động chờ các đại gia tới gõ cửa hỏi mua thay vì tích cực tìm “nhà chồng” cho “con gái”. Nếu giỏi đánh bóng các viên ngọc thô, tìm được hàng loạt đối tác, từ các ông lớn tới những gã nhà giàu mới nổi, các đội bóng Đức có lẽ đã không bị xỏ mũi trên bàn chuyển nhượng như các mùa giải vừa qua.

Khi đang được mùa các cầu thủ tài năng, rõ ràng các CLB Đức cần phải khôn ngoan hơn trên thị trường chuyển nhượng. Đây sẽ là một nguồn thu đáng kể để họ đầu tư ngược lại cho công tác đào tạo trẻ cũng như thực hiện những phi vụ bom tấn, gia tăng chất lượng của Bundesliga.

  • Trần Khánh An
    Thể thao & Văn hóa

37 Edin Dzeko là cầu thủ đắt giá nhất Bundesliga từng xuất khẩu. Năm 2011, Wolfsburg bán tiền đạo này cho Man. City với giá 37 triệu euro.

33 Dzeko cũng là hợp đồng lời nhất trong lịch sử Bundesliga. Wolfsburg chỉ mất 4 triệu euro để mua tiền đạo này từ Teplice.

22 Hè vừa qua, Andre Schuerrle là cầu thủ được "xuất khẩu" có giá cao nhất (tới Chelsea, 22 triệu euro). Xếp thứ hai là Mario Gomez (tới Fiorentina, 15,5) còn thứ ba là Daniel Carvajal (Real, 6,5).